Ngày 26/12/1966 là sinh nhật lần thứ 73 của Mao Trạch Đông, lãnh tụ ĐCSTQ. Vào ngày này, Chu Tiểu Chu, cựu bí thư của Mao và sau này là bí thư thứ nhất tỉnh ủy Hồ Nam ĐCSTQ, đã tự sát ở tuổi 54.
Xin chào quý vị độc giả, chào mừng đến với “Trăm năm chân tướng”!
Trong tập này, dựa trên “Ghi chép về Hội nghị Lư Sơn” của Lý Duệ và các hồi ức liên quan, chúng tôi xin kể với quý vị về Chu Tiểu Chu, ông chọn cách tự sát rốt cuộc là vì chuyện gì.
Làm thư ký cho Mao Trạch Đông
Chu Tiểu Chu sinh ngày 11/11/1912 trong một gia đình khoa bảng ở huyện Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam; năm 1931, ông học tại Khoa Văn học Trung Quốc, Học viện Văn học thuộc Đại học Sư phạm Bắc Bình; Tháng 4/1935, ông gia nhập ĐCSTQ, không lâu sau giữ chức Bộ trưởng Tuyên truyền của Ủy ban Lâm thời khu Bắc Bình; tháng 11/1935, ông được điều động đến Ban Liên lạc Cục phía Bắc của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ.
Vào mùa xuân năm 1936, Chu Tiểu Chu 24 tuổi, được lệnh đến Nam Kinh để bí mật đàm phán với đại diện Quốc dân đảng về vấn đề chấm dứt nội chiến, liên hợp kháng Nhật. Tháng 8, ông đến Diên An để báo cáo tình hình đàm phán với Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ.
Chu Tiểu Chu là tiểu đồng hương của Mao, lại vừa nói tốt vừa viết tốt, tài hoa xuất chúng, nên được Mao rất thích. Sau khi kết thúc báo cáo, Mao đã giữ Chu lại bên mình với tư cách là “thư ký liên lạc” của ông ta.
Trong hơn hai năm làm bí thư, Chu Tiểu Chu làm “đặc sứ” của Mao, đến Sơn Tây, nơi Diêm Tích Sơn chủ chính và Tân Cương, nơi Thịnh Thế Tài chủ chính, để triển khai công tác mặt trận thống nhất. Vì Chu đã hoàn thành nhiệm vụ nên Mao Trạch Đông rất hài lòng về ông.
Được Mao Trạch Đông khen là “con tàu lớn”
Sau khi ĐCSTQ đoạt chính quyền vào năm 1949, Chu Tiểu Chu giữ chức bộ trưởng tuyên truyền Tỉnh ủy Hồ Nam, cho đến các chức vị bí thư thứ nhất tỉnh ủy, đồng thời là phó tỉnh trưởng, chủ tịch Hội nghị hiệp thương chính trị tỉnh, và chính ủy quân khu tỉnh v.v.
Kể từ năm 1953, Mao Trạch Đông hầu như năm nào cũng đến thị sát Hồ Nam, mỗi lần đều do Chu Tiểu Chu tháp tùng. Chu Tiểu Chu đã sắp xếp một cách cẩn thận và chu đáo nơi ở, an toàn và các hoạt động khác nhau của Mao, khiến Mao rất hài lòng.
Theo ghi chép của ĐCSTQ, vào tháng 6/1956, khi Mao đến thị sát Hồ Nam, đã nói với Chu Tiểu Chu: “Khi Tô Đông Pha nói ‘đi thuyền lá’, điều ông ta nói đến là ‘con thuyền nhỏ’, cậu đã không còn là ‘con thuyền nhỏ’, cậu đã trở thành ‘con tàu lớn’ chở hàng chục triệu người.”
Ngày 25/6/1959, Mao Trạch Đông trở về quê hương Thiều Sơn lần đầu tiên sau 32 năm, cũng là cùng đi với Chu Tiểu Chu toàn bộ hành trình.
Bị chụp mũ “thành viên của tập đoàn phản đảng”
Tuy nhiên, những sự tình diễn ra tiếp theo đã triệt để hủy hoại sự nghiệp của Chu Tiểu Chu.
Từ ngày 2/7 đến ngày 16/8/1959, ĐCSTQ cử hành đại hội mở rộng của Bộ Chính trị và Phiên họp toàn thể lần thứ tám của Ủy ban Trung ương khóa VIII tại Lư Sơn.
Sáng ngày 14/7, Mao Trạch Đông nhận được một lá thư từ Nguyên soái ĐCSTQ Bành Đức Hoài. Trong bức thư, Bành Đức Hoài đã đưa ra một số ý kiến phê phán “Vận động Đại nhảy vọt” do Mao Trạch Đông phát động. Hai ngày sau, Mao thêm tiêu đề “Thư ý kiến của đồng chí Bành Đức Hoài” vào phong thư và chỉ thị cho các đại biểu in và phân phát nó.
Tại đại hội, Hoàng Khắc Thành, Tổng tham mưu trưởng Quân ủy Trung ương, Trương Văn Thiên, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao và Chu Tiểu Chu, khi đó là Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Hồ Nam, đều tán thành ý kiến của Bành Đức Hoài.
Tuy nhiên, sau khi đọc bức thư nói lên sự thật này, Mao Trạch Đông kỳ thực vô cùng tức giận. Vào ngày 23/7, ông ta phát biểu tại đại hội mở rộng của Bộ Chính trị, phát động phê bình đối với Bành Đức Hoài.
Theo lịch sử của ĐCSTQ, Bành Đức Hoài sau này đã viết trong ghi chú của mình: “Vào ngày 23/7, Mao Chủ tịch đã cho tôi một gậy. Gậy này được gọi là ‘chống lại đường lối chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh’, và tất cả nợ cũ trong lịch sử đều nhất tề lôi ra,…”
Ở bên kia, Chu Tiểu Chu, Lý Duệ và Châu Huệ ba người đã vô cùng sợ hãi khi nghe phát ngôn của Mao. Họ đều là những thư ký của Mao và có quan hệ rất tốt. Khi thảo luận cùng nhau sau cuộc họp, Chu Tiểu Chu nói: “Bài phát biểu của Chủ tịch rất giống với Stalin thời hậu kỳ. Không có sự lãnh đạo tập thể, chỉ có các quyết định cá nhân. Điều này sẽ dẫn đến sự chia rẽ của đảng”. Châu Huệ nói: “Chủ tịch đang già đi, trở nên quá sắc bén?”
Cả ba đều rất bối rối. Tối hôm đó, họ đến tìm Hoàng Khắc Thành, người đã từng là bí thư tỉnh ủy Hồ Nam, để trao đổi ý kiến, vừa khớp Bành Đức Hoài vì công tác, cũng đến tìm Hoàng Khắc Thành để thương lượng. Kết quả, cuộc gặp gỡ tình cờ giữa những người này đã bị Bộ trưởng Bộ Công an La Thụy Khanh bắt gặp, báo cáo với Mao. Mao tin rằng họ đang tham gia “các hoạt động phi tổ chức” cùng nhau với mục đích phản đối ông ta.
Sau đó, Mao Trạch Đông áp dụng sách lược phân hóa và chia rẽ để chống lại họ. Ông ta vời Chu Tiểu Chu qua gặp. Vào ngày 1/8, Mao đã viết một bức thư cho Chu Tiểu Chu, thuyết phục Chu “mê đồ tri phản” (lạc đường biết quay đầu), nói chuyện với Chu thâu đêm, và sau khi hiểu được lợi hại, ông ta nói: Chỉ cần viết bản kiểm điểm, đứng lên vạch trần Bành Đức Hoài, cậu vẫn có thể trở lại Hồ Nam công tác.
Theo ghi chép trong bài báo “Tôi cũng là một học giả-sĩ quan bằng xương bằng thịt – Cái chết của Chu Tiểu Chu”, Chu Tiểu Chu lúc đó đã nói với Mao trong nước mắt: “Tôi không thể viết một kiểm điểm như vậy, trong thư ý kiến của Bành [Đức Hoài] có rất nhiều tài liệu là do tôi nói với anh ấy, là chúng tôi động viên anh ấy tìm Chủ tịch nói chuyện. Tôi nghĩ lấy thân phận của anh ấy để nói chuyện với Chủ tịch có thể khởi tác dụng, thì anh ấy mới viết, tôi làm sao có thể phê bình Bành [Đức Hoài] đây?”. Mao nghe xong những lời này, nhíu mày nhăn mặt, xua tay nói: “Cậu đi đi!”
Ngày 16/8, Mao viết trong một chỉ thị: “Cuộc đấu tranh xuất hiện ở Lư Sơn là cuộc đấu tranh giai cấp, là sự tiếp tục của cuộc đấu tranh sinh tử giữa hai giai cấp đối lập, giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa của mười năm qua. Tại Trung Quốc, và ngay trong đảng ta, loại đấu tranh này dường như đang diễn ra, ít nhất cần đấu hai mươi năm, có thể cần đấu cả nửa thế kỷ.”
Trải qua đấu tranh quyết liệt, tuyệt đại đa số mọi người đều đứng về phía Mao Trạch Đông, Bành Đức Hoài và những người khác cũng đành làm trái tâm địa của họ, thừa nhận sai lầm. Cuối cùng, Hội nghị toàn thể lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa VIII đã thông qua các văn kiện như “Nghị quyết về sai phạm đối với tập đoàn phản đảng do Bành Đức Hoài đứng đầu” và các văn kiện khác. Bành Đức Hoài, Hoàng Khắc Thành, Trương Văn Thiên, Chu Tiểu Chu đều bị đả thành “tập đoàn phản đảng”.
Bị giáng cấp xuống phó phòng
Chu Tiểu Châu bị cách chức Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Hồ Nam. Sau hội nghị, ông phải đến Bắc Kinh để “đóng cửa suy nghĩ”, mãi đến khi viết “thư nhận tội”, mới được phép quay trở lại Hồ Nam, tiếp tục tiếp thị phê đấu.
Trương Bình Hoa, tân bí thư thứ nhất tỉnh ủy Hồ Nam, việc đầu tiên ông ta làm sau khi nhậm chức là thực hiện “Tinh thần hội nghị Lư Sơn”, phê phán Bành, Hoàng, Trương, Chu, trọng tâm là phê Chu Tiểu Chu.
Vào ngày 15/9/1959, đại hội mở rộng của Tỉnh ủy Hồ Nam đã thông qua “Nghị quyết về các hoạt động phản đảng hữu khuynh của Chu Tiểu Chu”, quyết định đưa ông đến huyện Liêu Dương xã Đại Dao làm phó bí thư, tiếp thụ cải tạo. Bằng cách này, Chu Tiểu Chu đã lập tức từ một “quan chức lớn” cấp tỉnh và cấp bộ biến thành “tiểu quan” cấp phòng, giáng bảy bậc liên tiếp.
Ngay khi rời Lư Sơn, Mao Trạch Đông đối với Chu Tiểu Chu đã ân tuyệt nghĩa tận, nhưng trong tâm lý Chu Tiểu Chu luôn cho rằng bản thân mình không sai. Vào ngày 5/10/1959, Chu Tiểu Chu đã có một cuộc nói chuyện dài với bí thư xã Đại Dao. Ông nói: “Tôi không thừa nhận rằng tôi phản đảng phản Mao Chủ tịch. Tôi chỉ là phản ánh trung thực một số tình huống với Ủy ban Trung ương.”
Vạn niệm tro tàn, tuyệt vọng ra đi
Sau Hội nghị Lư Sơn, ĐCSTQ đã phát động “vận động chống chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh” trong toàn đảng, hơn 3,65 triệu đảng viên và cán bộ lãnh đạo trên cả nước bị đả thành phần tử cơ hội hữu khuynh.
Từ năm 1959 đến năm 1962, khi toàn đảng toàn lực thúc đẩy đường lối cực tả của Mao Trạch Đông, một nạn đói lớn chưa từng có đã xảy ra trong lịch sử Trung Quốc và thậm chí trong lịch sử thế giới. Sau đó, theo một báo cáo bí mật được viết bởi Viện Cải cách Kinh tế Trung Quốc, dựa trên các tài liệu của ĐCSTQ, xác định rằng có khoảng 43 triệu đến 46 triệu người dân thường chết đói vào thời điểm đó.
Tháng 1/1962, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ tổ chức hội nghị 7.000 người để tổng kết kinh nghiệm giáo huấn của “Vận động Đại nhảy vọt”. Sau đó, những đảng viên và cán bộ lãnh đạo bị đả thành phần tử cơ hội cực hữu sau Hội nghị Lư Sơn đã được sàng lọc và bình phản. Nhưng Chu Tiểu Chu không có tên trong danh sách bình phản.
Ngày 28/4/1962, Chu Tiểu Chu rời khỏi xã Đại Dao. Vào tháng 6, ông đến Quảng Châu và giữ chức vụ phó chủ tịch chi nhánh Trung Nam của Viện Khoa học Trung Quốc, ông không tham gia hội nghị tổ đảng, bị xếp tên cuối cùng. Trên đầu ông vẫn bị chụp chiếc mũ lớn là một “thành viên tập đoàn phản đảng chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh”.
Sau khi Cách mạng Văn hóa bùng nổ, Chu Tiểu Chu trở thành nhóm người đầu tiên trong đơn vị bị tiếp thụ xung kích. Nợ cũ của ông tại hội nghị Lư Sơn bị quân tạo phản lật lại, tiếp tục truy cứu. Họp phê đấu liên tiếp, những cuộc kiểm thẩm không ngớt, những tấm áp phích chữ to dán đầy trước cửa nhà, v.v. khiến ông kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần.
Đặc biệt, quân tạo phản đã ra lệnh cho ông đốt những sách cổ và di vật văn hóa mà ông đã sưu tầm được trong nhiều năm, ông như bị dao cứa vào tim, vừa đốt vừa khóc: “Đây mới là thực sự có tội đây!”
Vào ngày 25/12/1966, Chu Tiểu Chu lại bị phê đấu, và quân tạo phản yêu cầu ông phải báo cáo vào lúc 8 giờ sáng ngày hôm sau để “tập trung phản tỉnh, cải tạo lao động.” Đêm đó, chắc hẳn ông đã suy nghĩ rất nhiều, đặc biệt là hết thảy những gì đã xảy ra kể từ sau Hội nghị Lư Sơn, điều này hoàn toàn trái ngược với tâm nguyện ban đầu của ông khi gia nhập ĐCSTQ và tham gia cách mạng. Những cuộc vận động liên tục không ngừng, chỉnh nhân, bỏ chết đói biết bao dân thường,… ĐCSTQ đã làm ra bao nhiêu tội ác, mà vẫn còn tiếp tục làm trò đấu tranh giai cấp, hủy diệt văn hóa truyền thống.
Hết thảy những thứ này khiến hy vọng của ông tan biến, vạn niệm như tro tàn, cái gì là chủ nghĩa Mác Lê, tư tưởng Mao Trạch Đông, cái gì là lý tưởng, tín niệm, phấn đấu, sự nghiệp,… hết thảy đều không có bất kỳ ý nghĩa nào.
Sáng sớm ngày 26/12, vào ngày đặc biệt này, Chu Tiểu Chu, người đã hoàn toàn tuyệt vọng với ĐCSTQ, đã uống rất nhiều thuốc ngủ.
Sáng ngày 26, khi những kẻ tạo phản đứng trước cửa nhà ông, la hét lớn tiếng đòi phê đấu ông, căn phòng chỉ im lặng vô thanh. Khi người ta nhìn thấy ông, ông đã lạnh cứng trên giường, buông tay khỏi cõi đời.
Mời quý vị xem video gốc tại đây.
- Trọn bộ Trăm năm chân tướng”
Theo Epoch Times, Mộc Lan biên dịch