Đại Kỷ Nguyên

“Đả đảo Trung Quốc” – Lịch sử hắc ám của ĐCSTQ

Ảnh: Trăm năm chân tướng - ET

Năm 1929, Stalin, tổng bí thư Trung ương ĐCSLX, đã bội tín bội nghĩa, phát động cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc. ĐCSTQ đã tích cực hưởng ứng chỉ thị của Stalin, giương cao khẩu hiệu “Đả đảo Trung Quốc”, thành lập “Bộ đội vũ trang bảo vệ Liên Xô”, gia nhập hàng ngũ phản Trung trợ Xô.

Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Năm 1929, khi Stalin, tổng bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (ĐCSLX) phản bội đức tin và phát động chiến tranh xâm lược Trung Quốc, Trung ương ĐCSTQ đã tích cực hưởng ứng chỉ đạo của Stalin, ra lời kêu gọi “ vũ trang bảo vệ Liên Xô” và thành lập bộ đội “vũ trang bảo vệ Liên Xô”, gia nhập hàng ngũ phản Trung trợ Xô.

Hôm nay, chúng tôi dựa trên loạt bài “ĐCSTQ phối hợp với Liên Xô xâm lược Trung Quốc” do nhà truyền thông cấp cao Hồng Kông Trình Tường đăng trên tờ “Tin tức công chúng”, phơi bày một trang khác về lịch sử phản quốc của ĐCSTQ.

Một bên, Stalin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc

Năm 1929, tổng bí thư Stalin của Trung ương ĐCSLX đã huy động 10 vạn quân, phát động một cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc quy mô lớn, mục đích chính là tranh giành quyền đi lại của tuyến đường sắt Trung Đông ở tỉnh Hắc Long Giang.

Năm đó, quân đội Liên Xô đầu tiên tiến hành pháo kích Tuy Phân Hà ở đầu phía đông của Đường sắt Trung Đông vào ngày 20 tháng 7, sau đó cắt đứt các tuyến điện báo dọc theo sông Ussuri và Hắc Long Giang vào ngày 23 tháng 7, và vào ngày 26 tháng 7, ở Mãn Châu Lý, đầu phía Tây của Đường sắt Trung Đông, họ tiến hành pháo kích theo ba hướng. Ngày 28 tháng 7, quân đội Liên Xô cắt đứt dây điện hướng đến Mãn Châu Lý, đánh đuổi quân đồn trú địa phương; ngày 29 tháng 7, họ pháo kích vào thị trấn Đương Bích, huyện Mật Sơn, tỉnh Hắc Long Giang.

Ngày 17 tháng 8, quân đội Liên Xô bắt đầu tấn công quân Đông Bắc ở Mãn Châu Lý, Trát Lãi Nặc Nhĩ và Trát Lan Nặc Nhĩ; đến ngày 29 tháng 9, họ chiếm lĩnh đảo Hắc Hạt Tử, lãnh thổ cực đông của Trung Quốc.

Vào tháng 10, cuộc chiến bước vào giai đoạn ác liệt, quân đội Liên Xô ba lần liên tiếp đánh bại quân Đông Bắc ở Tam Giang Khẩu, Đồng Giang và Phú Cầm thuộc tỉnh Hắc Long Giang. Cuối tháng 10, nhiều thành phố ở Đông Bắc Trung Quốc bị công chiếm, đến ngày 7 tháng 11, Mãn Châu Lý bị công chiếm.

Cuối cùng, quân Đông Bắc do Trương Học Lương chỉ huy đã bị đánh bại. Vào tháng 12 năm 1929, Trương Học Lương cử Thái Vận Thăng đến Khabarovsk để ký Hiệp định Khabarovsk với Liên Xô, tuyên bố đình chiến giữa hai nước, và Liên Xô một lần nữa giành được quyền kiểm soát tuyến Đường sắt Trung Đông của Trung Quốc.

Sau đó, quân đội Liên Xô không rút toàn bộ khỏi vùng Đông Bắc như Hiệp định, mà tiếp tục chiếm lĩnh đảo Hắc Hạt Tử.

Một bên, Đảng Cộng sản Trung Quốc nội ứng

Sau khi Trung – Xô phát sinh xung đột, Stalin đã ra lệnh cho ĐCSTQ vào ngày 26/9/1929 rằng: “Ai trung thành, chân chính, kiên định, không ngần ngại vũ trang khởi nghĩa bảo vệ Liên Xô, người đó mới là nhà cách mạng, mới là người theo chủ nghĩa quốc tế.”

Đối diện với chỉ thị như vậy, người Trung Quốc nên phản ứng thế nào? Đây là thời khắc then chốt thử thách lòng yêu nước hay bán nước. Chúng ta hãy xem xét thái độ và hành động của ĐCSTQ.

Trung ương ĐCSTQ sau đó đã ra hàng loạt thông cáo phản đối “Trung Quốc tấn công Liên Xô”, đề xuất khẩu hiệu “Vũ trang bảo vệ Liên Xô”, thậm chí còn đăng biểu ngữ “Đả đảo Trung Quốc, ủng hộ Liên Xô”. Vào ngày 26 tháng 11 năm 1929, Lý Lập Tam, lãnh đạo chính của ĐCSTQ, đã có bài phát biểu tại Hội nghị lần thứ chín của Đại hội II Tỉnh ủy Giang Tô của ĐCSTQ, tuyên bố: “Vũ trang bảo vệ Liên Xô sẽ là toàn quốc bạo động vũ trang.”

Ngày 7 tháng 10 năm 1929, Stalin viết thư cho Molotov, đề xuất thành lập quân đội ĐCSTQ, phát động “khởi nghĩa Mãn Châu”, “chiếm lĩnh Cáp Nhĩ Tân… phế truất Trương Học Lương, kiến lập chính quyền cách mạng”.

Chẳng bao lâu sau, đội quân “bảo vệ vũ trang của Liên Xô” này của ĐCSTQ, được biết đến với biệt danh “Hồng vệ binh Hồng Hà”, được thành lập, do Lưu Bá Thừa, người học tại Học viện Quân sự Frunze của Liên Xô, làm tư lệnh, và dưới sự chỉ huy của Lưu Bá Thừa, tham gia chiến đấu hiệp trợ quân đội Liên Xô tấn công Hải Lạp Nhĩ.

Vào ngày 28 tháng 7 và 11 tháng 8 năm 1929, nguyên tổng bí thư Trung ương ĐCSTQ Trần Độc Tú đã hai lần viết thư cho Trung ương ĐCSTQ phản đối khẩu hiệu “Vũ trang bảo vệ Liên Xô”. Ngày 15 tháng 11 cùng năm, Bộ Chính trị ĐCSTQ quyết định khai trừ Trần Độc Tú khỏi đảng.

Âm mưu của Nga Xô Viết nhằm đỏ hóa Trung Quốc

Như chúng tôi đã nói trước đây, Stalin đưa quân sang Trung Quốc để tranh giành quyền kiểm soát tuyến Đường sắt Trung Đông.

Vậy trước khi chiến tranh phát sinh, ai có quyền trên tuyến đường sắt Trung Đông? Liên Xô. Chuyện gì xảy ra vậy?

Điều này cần quay trở lại thời Nga hoàng. Vào cuối thế kỷ 19, nước Nga Sa hoàng đã truy bức chính quyền Mãn Thanh ký một loạt điều ước bất bình đẳng, cưỡng chiếm hơn 600.000 km2 về phía bắc Hắc Long Giang, phía nam dãy núi Hưng An và hơn 400.000 km2 về phía đông sông Ussuri, có tổng diện tích hơn 1 triệu km2 lãnh thổ Trung Quốc.

Chưa hài lòng với điều này, nước Nga Sa hoàng còn muốn kiểm soát ba tỉnh phía đông bắc Trung Quốc. Năm 1896, nước Nga Sa hoàng đã buộc chính quyền Mãn Thanh phải ký “Hiệp ước bí mật Trung – Nga”, giành được quyền xây dựng và kinh doanh Đường sắt Trung Đông ở ba tỉnh phía đông.

Việc xây dựng tuyến Đường sắt Trung Đông bắt đầu vào năm 1897 và chính thức thông xe vào năm 1903. Nó bắt đầu từ Mãn Châu Lý ở phía tây, đi qua Cáp Nhĩ Tân ở giữa và ra khỏi Tuy Phân Hà ở phía đông, liên thông đường sắt hai đầu đông tây của Liên Xô, trở thành một bộ phận quan trọng trong huyết mạch giao thông đường sắt của Liên Xô.

Sau khi hoàn thành Đường sắt Trung Đông, quyền sử dụng tuyến đường sắt này đã thay đổi nhiều lần. Sau khi Liên Xô thành lập, đối với tuyến Đường sắt Trung Đông, “Trung – Xô cùng quản” chỉ được thực hiện trên bề mặt, còn trên thực tế, Liên Xô nắm giữ quyền kinh doanh và quyền tài chính. Doanh thu được đo bằng rúp, toàn bộ lợi nhuận được gửi vào Ngân hàng Viễn Đông Liên Xô.

Không những vậy, Liên Xô còn lấy điện thoại, điện báo, đài thiên văn, trường học, hầm mỏ… dọc tuyến đường sắt Trung Đông làm của riêng mình, dùng đường sắt làm cứ điểm quan trọng để xâm nhập vào phía Bắc Trung Quốc, tiến hành tuyên truyền đỏ hóa, lật đổ chính quyền hợp pháp của Trung Quốc.

Ở miền nam Trung Quốc, ĐCSLX thông qua thao túng ĐCSTQ, đã thâm nhập mạnh mẽ vào Quốc dân đảng. Khi Quân Cách mạng Quốc dân do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo đang chiến đấu ở tiền tuyến, thì  ĐCSTQ gây bạo động khắp nơi ở hậu phương.

Đến tháng 4 năm 1927, Tưởng Giới Thạch phải tiến hành thanh lọc các đảng viên ĐCSTQ đã gia nhập Quốc dân đảng. Sau đó, với sự xúi giục và hỗ trợ của ĐCSLX, ĐCSTQ đã phát động hơn 100 cuộc bạo động vũ trang với quy mô khác nhau, bao trùm hơn 140 thành phố ở 14 tỉnh.

Chính phủ Quốc gia Nam Kinh của Trung Hoa Dân Quốc không thể nhẫn chịu được nữa, cuối cùng tuyên bố vào ngày 14 tháng 12 năm 1927 rằng họ sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Liên Xô.

Vào tháng 6 năm 1928, Vương Chính Đình, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc, đã phát động “chính sách ngoại giao cách mạng”, đặt trọng tâm vào việc sửa đổi các hiệp ước bất bình đẳng với Liên Xô, bao gồm khôi phục chủ quyền về thuế quan, thủ tiêu pháp quyền từ ngoài lãnh thổ, thu hồi tô giới, thu hồi cho thuê đất, quyền đường sắt, quyền giao thông nội địa, quyền mậu dịch duyên hải, v.v.

Vào tháng 12 năm 1928, Trương Học Lương tích cực hưởng ứng “chính sách ngoại giao cách mạng” sau khi quy thuận Trung Hoa Dân Quốc, khóa mục tiêu đầu tiên vào Đường sắt Trung Đông do Liên Xô kiểm soát. Sau nhiều vòng đàm phán với Liên Xô không có kết quả, Trương Học Lương quyết định giữ thái độ cứng rắn.

Vào ngày 27 tháng 5 năm 1929, Mễ Xuân Lâm, sở trưởng Cảnh vụ Đặc khu hành chính tỉnh miền Đông của Trung Hoa Dân Quốc, dựa trên thông tin tình báo, đã tiến vào Lãnh sự quán Liên Xô tại Cáp Nhĩ Tân và bắt giữ 39 đảng viên Cộng sản Nga tụ tập tại các trạm nhau của Đường sắt Trung Đông, cũng như tổng lãnh sự tại Thẩm Dương Kuznetsov, đã phát hiện các tài liệu ghi lại sự can thiệp của Liên Xô vào công việc nội chính của Trung Quốc.

Ngày 7 tháng 7 năm 1929, Tưởng Giới Thạch đưa Ngoại trưởng Vương Chính Đình đến Bắc Bình, mời Trương Học Lương hai lần bàn về vấn đề phòng thủ chống Nga, đồng thời đề xuất ý tưởng dùng vũ lực chiếm lấy Đường sắt Trung Đông để ngăn chặn chủ trương “đỏ hóa” của Liên Xô.

Vào ngày 11 tháng 7, Trương Cảnh Huệ, trưởng quan đặc khu tỉnh phía Đông, tuân theo lệnh của Trương Học Lương, dùng vũ lực tiếp quản Đường sắt Trung Đông, sa thải tất cả nhân viên Liên Xô khỏi chức vụ của họ, trục xuất nhân viên Liên Xô, và giải tán Công hội Đường sắt.

Ngày 13 tháng 7, Liên Xô đề xuất kháng nghị. Ngày 17, Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc trả lời, yêu cầu Liên Xô: Không được tuyên truyền đỏ hóa; thay thế chính phó cục trưởng Đường sắt Trung Đông.

Tuy nhiên, Liên Xô không đồng ý thay thế cục trưởng Liên Xô mà yêu cầu cách chức cục trưởng Trung Quốc Lã Vinh Hoàn.

Quan hệ Trung – Xô ngày càng xấu đi, Stalin tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, sau đó phát động chiến tranh xâm lược Trung Quốc.

Sự bội tín bội nghĩa của Stalin

Tất cả các thao tác của Stalin, chúng ta có thể tóm tắt trong bốn từ: Bội tín bội nghĩa. Tại sao nói như vậy?

Bởi sau cuộc đảo chính tháng 10 ở Nga năm 1917, chính quyền Nga Xô viết đã hai lần đưa ra tuyên bố với Trung Hoa Dân Quốc, hứa sẽ trả lại quyền đối với tuyến Đường sắt Trung Đông mà Sa hoàng Nga đã xâm chiếm của Trung Quốc.

Ngày 25/7/1919, Nga Xô ra tuyên bố đầu tiên với Trung Quốc: “Chính phủ lao động và nông dân (Nga Xô) sẽ chuyển giao quyền đối với Đường sắt Trung Đông, khoáng sản lâm nghiệp Trung Đông cũng như các quyền lợi khác thuộc sở hữu của chính phủ Đế quốc Nga… Mọi đặc quyền của quân nhân, luật sư và nhà tư bản Nga đều sẽ được trả lại cho Trung Quốc vô điều kiện.”

Vào ngày 27 tháng 9 năm 1920, nước Nga Xô Viết lại đưa ra tuyên bố thứ hai đối với Trung Quốc, tuyên bố: “Các điều ước trước đây được đính lập giữa các chính phủ kế tiếp của Nga và Trung Quốc toàn bộ đều vô hiệu, từ bỏ hết thảy các phần lãnh thổ đã chiếm đóng trước đây ở Trung Quốc và tô giới Nga trong nội cảnh Trung Quốc, mọi thứ mà chính phủ Sa hoàng Nga và chính phủ giai cấp tư sản đoạt được từ Trung Quốc sẽ được trả lại cho Trung Quốc vĩnh viễn và miễn phí.” 

Hai tuyên bố này được đưa ra trong thời kỳ Lê-nin nắm quyền, có lực mê hoặc vô cùng lớn đối với người Trung Quốc vốn đã phải chịu sự xâm lược và tước đoạt của nước Nga Sa hoàng thời cận đại. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất khiến nhiều người Trung Quốc lúc bấy giờ khao khát hướng về nước Nga Xô viết, sẵn sàng đưa Trung Quốc trở thành một thành viên trong “vòng bạn bè” của nước Nga Xô viết.

Tuy nhiên, khi chính quyền Nga Xô viết đã có chỗ đứng vững chắc, nước Nga Xô viết biến thành Liên Xô, Stalin lên nắm quyền vào năm 1924, thì đối với hai tuyên bố gửi tới Trung Quốc đó, Stalin không hề thừa nhận trên thực tế. Ông không những được thừa hưởng mọi đặc quyền của nước Nga Sa hoàng ở Trung Quốc mà còn tiến xa hơn cả nước Nga Sa hoàng. Cụ thể biểu hiện là:

Thứ nhất, quyền của tuyến Đường sắt Trung Đông không được trả lại cho Trung Quốc; Thứ hai, lãnh thổ bị chiếm đóng hơn 1 triệu km2 không được trả lại cho Trung Quốc; Thứ ba, Liên Xô cũng xuất binh đến Ngoại Mông của Trung Quốc, không rút quân, mà kích động Ngoại Mông Cổ, có diện tích 1,56 triệu km2, giành độc lập khỏi Trung Quốc vào năm 1924.

Năm 1929, 10 năm sau khi Liên Xô đưa ra tuyên bố đầu tiên về Trung Quốc, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc ban đầu hy vọng lấy lại quyền đối với Đường sắt Trung Đông thông qua đàm phán, nhưng Liên Xô từ chối. Khi chính phủ Trung Hoa Dân Quốc cưỡng bức thu hồi, Stalin chỉ đơn giản là lập tức xuất binh xâm lược Trung Quốc.

Đây không phải là bội tín bội nghĩa sao?

Khi Stalin xâm lược Trung Quốc, ĐCSTQ đã không đứng trên lập trường của Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc, dân tộc Trung Hoa để duy hộ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Trung Quốc, mà là đứng về phía quân xâm lược Liên Xô, luôn nghĩ cho Liên Xô.

Rõ ràng Stalin là kẻ bội nghĩa, nhưng ĐCSTQ lại nói rằng chính phủ Trung Hoa Dân Quốc là phản động; Rõ ràng là Liên Xô xâm lược Trung Quốc, nhưng ĐCSTQ lại nói “Trung Quốc tấn công Liên Xô”; Rõ ràng là chủ quyền của Trung Quốc, sự toàn vẹn lãnh thổ và an ninh bị quân Liên Xô xâm phạm, mà ĐCSTQ lại muốn “Vũ trang bảo vệ Liên Xô”. Khi quân đội và nhân dân Trung Quốc bị thương vong nặng nề dưới sự tấn công của quân Liên Xô, thì ĐCSTQ lại tổ chức vũ trang để tấn công quân đội và nhân dân Trung Quốc.

Đây là sự thật về chủ trương “Vũ trang bảo vệ Liên Xô” mà ĐCSTQ đã che đậy hàng chục năm qua.

Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch

Exit mobile version