Từ Chương Bản từng du học Mỹ, tham gia nghiên cứu vật lý lượng tử, là bạn cùng lớp của giáo sư Tiền Học Sâm, sau khi trở về Trung Quốc, ông trở thành giáo sư tại Đại học Thanh Hoa. Nhưng không giống như Tiền Học Sâm, ông bị kết án tù chung thân và chịu nhiều đau khổ trong những cuộc vận động chính trị của ĐCSTQ, ông cũng có một hành động táo bạo khiến ĐCSTQ phải khiếp sợ.
Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!
Có một người có quỹ đạo nhân sinh nửa đầu đời rất giống với Tiền Học Sâm. Cả hai đều sinh năm 1911, đều tốt nghiệp Đại học Giao thông Thượng Hải, cùng sang Mỹ du học và học lấy bằng tiến sĩ tại Viện Công nghệ California, chuyên ngành khoa học tên lửa.
Nhưng sau năm 1957, cả hai bắt đầu đi theo những con đường hoàn toàn khác. Tiền Học Sâm bước qua thăng trầm, nổi danh thiên hạ, trong khi vị kia bị kết án tù chung thân, chịu đựng đủ ma nạn, hiếm khi được người đời biết đến.
Ông ấy chính là bạn cùng lớp với Tiền Học Sâm và là cựu nhân tài hàng đầu của Trung Quốc – Từ Chương Bản. Hôm nay, dựa trên cuốn “Giáo sư Thanh Hoa Từ Chương Bản trước và sau Vận động phản hữu” và các tài liệu khác, chúng tôi sẽ kể cho các bạn nghe về viên ngọc minh châu bị vứt bỏ này, lão giáo sư Từ Chương Bản.
“Phái hữu loại một” tích cực trở về Trung Quốc
Từ Chương Bản sang Mỹ du học năm 1938 và nhận bằng tiến sĩ vật lý năm 1940, khi ông 29 tuổi. Trong số những người Trung Quốc lúc đó chỉ có khoảng chục người có hiểu biết tương đối thâm nhập về thuyết tương đối của Einstein và thuyết lượng tử của Planck, họ là loại lông phượng sừng lân, vô cùng hiếm có. Từ Chương Bản chính là một trong số họ.
Từ Chương Bản trở về Trung Quốc sau khi nhận bằng tiến sĩ và liên tiếp giảng dạy tại Đại học Hồ Nam, Đại học Giang Nam, Đại học Giao thông Thượng Hải và Đại học Trung tâm. Năm 1949, Từ Chương Bản lại đến Mỹ, đầu tiên làm việc tại Đại học Harvard trong một năm, sau đó quay lại Viện Công nghệ California để tham gia nghiên cứu vật lý lượng tử.
Sau khi ĐCSTQ đoạt chính quyền, Từ Chương Bản là một trong những học sinh hải ngoại tích cực yêu cầu trở về Trung Quốc phục vụ “Trung Quốc mới”. Ngày 5/8/1954, ông còn cùng một số sinh viên Trung Quốc viết thư ngỏ gửi tổng thống Mỹ Eisenhower, yêu cầu tổng thống hủy bỏ lệnh cấm sinh viên Trung Quốc trở về nước.
Tháng 5 năm 1955, Từ Chương Bản trở về Trung Quốc và được phân công làm việc trong nhóm nghiên cứu và giảng dạy cơ học lý thuyết của Đại học Thanh Hoa. Nếu không có việc ngoại ý xảy ra, Từ Chương Bản rất có khả năng sẽ trở thành một nhà khoa học kiệt xuất trong giới vật lý Trung Quốc. Tuy nhiên, vào đầu mùa xuân hè năm 1957, quỹ đạo nhân sinh của ông đột nhiên bị đảo ngược.
Ngày 1 tháng 5 năm 1957, ĐCSTQ kêu gọi những nhân sĩ ngoài đảng đề xuất ý kiến cho đảng, giúp đảng chỉnh phong. Sau đó, dưới sự động viên nhiều lần của cấp ủy đảng các cấp, nhiều trí thức ngoài đảng đã mở lòng, đưa ra nhiều ý kiến, đề xuất khác nhau. Một ngày trong tháng 5, Từ Chương Bản đã thẳng thắn nói lên quan điểm của mình về chủ nghĩa Mác-Lê, hệ tư tưởng chỉ đạo của ĐCSTQ, tại một hội nghị chuyên đề được tổ chức tại Đại học Thanh Hoa.
Ông nói: “Bất kỳ học thuyết nào cũng được hình thành trong những điều kiện lịch sử nhất định, đều có tính cục hạn của nó, nếu sử dụng một học thuyết tương đối cố định làm hệ tư tưởng chỉ đạo, thì [sai lầm] chủ nghĩa giáo điều là không thể tránh khỏi.”
“Ngay cả nhà lãnh đạo thông minh nhất cũng sẽ mắc sai lầm”, “Nếu lấy học thuyết Mác-Lê để xử lý hết thảy mâu thuẫn, vấn đề, thì sẽ nảy sinh vấn đề. Có một số sai lầm là không thể tránh khỏi, có một số sai lầm là do vận dụng học thuyết chính trị, kinh tế của chủ nghĩa Mác-Lê mà phát sinh”.
“Lý tưởng về xã hội cộng sản của Mác (Marx) chứa đựng những mâu thuẫn nghiêm trọng. Ông coi con người là sản vật của hệ thống kinh tế, đó là sự đảo vị nhân quả. Phương pháp cường điệu đấu tranh giai cấp của ông, cũng giống như thuyết tiến hóa chiến tranh của Hegel, thoát thai từ biểu hiện cực đoan của lòng căm thù tự tư và bản năng tàn nhẫn của nhân loại. Vì vậy, không thể lấy chủ nghĩa Mác làm hệ tư tưởng chỉ đạo.”
“Tôi mạo hiểm kiến nghị bãi bỏ việc coi chủ nghĩa Mác-Lê là hệ tư tưởng chỉ đạo của chúng ta.”
Làm sao Từ Chương Bản biết việc Mao Trạch Đông kêu gọi người ngoài đảng đề xuất ý kiến với đảng hoàn toàn không phải là thành thực, mà chỉ là một thủ đoạn để “dụ rắn ra khỏi hang”, xem ai bất mãn với ĐCSTQ để rồi phát động “vận động phản hữu”.
ĐCSTQ tuyệt đối không thể dung thứ cho những ngôn luận của Từ Chương Bản. Hậu quả trực tiếp của việc ông “mạo hiểm” là lập tức bị đả thành “phần tử cánh hữu”, phản đảng, phản xã hội chủ nghĩa và phản tư tưởng Mao Trạch Đông, và là một trong hai “phái hữu loại một” tại Đại học Thanh Hoa.
Hành động táo bạo bất ngờ
Sau khi “vận động phản hữu” bắt đầu, Từ Chương Bản không chỉ phát biểu kinh người, mà còn có một hành động táo bạo mà nhiều người không ngờ tới. Ngày 8 tháng 7 năm 1957, ông công khai tuyên bố sẽ thành lập đảng Lao Động và công bố “Thông báo đăng ký với Chính phủ”, “Tuyên bố thành lập đảng Lao Động”, và “Nói về chân lý và vấn đề tư tưởng chỉ đạo”.
Ông nói: “Chúng ta cần một nhà phê bình và đấu tranh ôn hòa, tùy thời tùy việc luôn kiên trì lý tưởng và chân lý trước đảng cầm quyền, tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức tối cao để thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội và nhân loại. Đây là lý do tại sao các cá nhân không hề thiếu hiểu biết, không hề đánh giá quá cao năng lực của mình kêu gọi thành lập đảng Lao Động, công khai toàn bộ hoạt động của mình cho người dân và nộp đơn đăng ký với chính phủ.”
Ông thuyết phục các giáo sư Trương Duy, Vương Anh Kiệt và Trương Tử Cao từ Đại học Thanh Hoa ký tên gia nhập đảng Lao Động, đồng thời đăng các áp phích chữ nhỏ kêu gọi sinh viên tham gia và tuyên bố rằng “Thanh niên Trung Quốc là tuổi trẻ của tôi”, và “Tôi chỉ muốn tranh thủ tuổi trẻ”.
Động cơ và mục tiêu của Từ Chương Bản khi khởi xướng thành lập đảng Lao Động đều là lý tưởng hóa, không có ác ý với ĐCSTQ. Nếu ở một quốc gia tự do dân chủ bình thường, thì những ý tưởng và cách làm của ông dù đúng hay sai đều được lý giải và bao dung.
Tuy nhiên, “Trung Quốc mới” do ĐCSTQ tạo lập không phải là một quốc gia tự do dân chủ như nó từng hứa hẹn, mà là một nhà nước chuyên chế độc tài độc đảng. Ngày 25 tháng 12 năm 1957, Từ Chương Bản bị bắt tại Đại học Thanh Hoa, sau đó bị kết án phạm tội “phản cách mạng lịch sử” và tội “phản cách mạng hiện hành”, bị kết án tù chung thân. Sau đó, Từ Chương Bản bị áp giải đến Nông trường Cải tạo Lao động Bắc Uyển, phía đông cầu Mã Điến bên ngoài cổng Đức Thắng, Bắc Kinh.
Một vị khách thường xuyên của phòng biệt giam
Bạn tù Lý Sính Vĩ của ông hồi ức trong bài báo “Từ Chương Bản trong tù”: “Chúng tôi đều ăn ở sân lớn, ngồi xổm thành một nhóm nên tôi thường nhìn thấy ông ấy. Món bánh bao hắc oa đầu là thực đơn chuyên dụng cho trại cải tạo lao động, không rõ thành phần của nó là gì, có cao lương, cám lúa mì, bột ngô, kiều mạch đen và các loại rau rừng khó nhai, đắng và khó nuốt. Súp rau là món súp trong không có vị thịt, hay bí đao, hay củ cải. Bánh bao hắc oa đầu lỏng lẻo đến nỗi khi tay chạm vào nó sẽ vỡ ra, ăn xong bụng vẫn đói, nên trộn súp rau với nước sôi và uống cho đến khi no. Từ Chương Bản đến bữa ăn sẽ cau mày, tay cầm bánh, cắn một miếng rồi dừng không ăn nữa, dừng lại một lúc rồi lại ăn một chút, giống như đang nhai một viên thuốc đắng. Ông ấy thường xuyên ăn chưa đến một nửa cái bánh bao nhỏ.”
Có lần, Từ Chương Bản xin về nhà thăm họ hàng, kết quả bị đưa vào “phòng biệt giam” suốt một tháng. Lý Sính Vĩ kể: “Khi tôi gặp lại ông ấy, khuôn mặt ông xanh xám, hai má hóp lại, gò má nhô cao, bước đi loạng choạng, trông giống như một người hành khất đói khát trên đường phố ngày xưa. Nhìn ông ấy, tôi trong tâm thở dài: Giáo sư nhà khoa học, làm sao lại biến thành quỷ thế này?”
“Từ đó về sau, Từ Chương Bản thường xuyên vi phạm nội quy nhà tù, không biết vì lý do gì mà động tí là ông lại bị nhốt, trở thành khách quen của phòng biệt giam, ít lâu lại mang tấm ga trải giường mỏng manh đến phòng biệt giam sống ở đó một thời gian. Từ đó về sau, khi tôi gặp lại ông ấy, ông đã tinh thần không động, toàn thân bẩn thỉu, hình dung nhếch nhác, thần thái biến trở nên sầu muộn, đờ đẫn, tôi không còn nghe thấy tiếng ông nói nữa.”
Đãi ngộ đặc thù ngắn ngủi
Chẳng bao lâu, Từ Chương Bản bị chuyển đến Nhà tù số 1 Bắc Kinh ở Đào Nhiên Đình. Tại đây, ông đã trải qua một giai đoạn làm “tù nhân đặc biệt”.
Theo Chu Thiệp, con trai của Chu Thọ Hiến, giáo sư Đại học Thanh Hoa, trong “Chuyện hồng trần đã qua của Từ Chương Bản, Vương Minh Chinh, Hoàng Vạn Lý”, trong một khoảng thời gian, Từ Chương Bản không tham gia lao động thể lực nặng nhọc, “đến mỗi cuối tuần cũng có thể quay về Đại học Thanh Hoa để đoàn tụ với gia đình, do nhân viên công an phụ trách đưa đón. Vào những năm 1950, Trung Quốc nhập khẩu một lượng lớn thiết bị công nghiệp điện tử từ Đông Đức, đặt tại khu nay là “798” Tửu Tiên Kiều, Bắc Kinh, Từ Chương Bản đã phiên dịch một lượng lớn tài liệu khoa học kỹ thuật Đức trong tù”.
Lý Sính Vĩ nhớ lại: “Năm 1964, tôi gặp lại ông ấy ở Nhà tù số 1… Vì lý do nào đó, ông ấy được đối xử đặc biệt trong nhà tù. Ông sống trong một phòng đơn… không phải ăn đồ ăn của tù nhân. Ông được cấp cho một cái bếp nhỏ, ăn ngũ cốc nhỏ, có nhiều thịt và rau, họ cũng sắp xếp cho người ta chăm sóc cuộc sống hàng ngày của ông như giặt quần áo, lau chùi, lấy nước và ăn uống, còn cho phép ông ấy mặc quần áo của riêng mình để về nhà nghỉ ngơi mỗi tuần.”
Nhưng hảo cảnh bất trường, khi “Cách mạng văn hóa” diễn ra vào năm 1966, tất cả đã thay đổi. Mọi sự ưu đãi của Từ Chương Bản đều bị thu hồi, ông lại bị ép ăn bánh hắc oa đầu, không được phép mặc quần áo của chính mình, nhưng ông kiên quyết không làm. Ban quản lý nhà tù đã in hai chữ “cải tạo lao động” trên ngực trái chiếc áo khoác bông của ông khiến ông tức giận, ông dùng kéo cắt đi hai chữ “cải tạo lao động”, để lại một lỗ lớn.
Lý Sính Vĩ kể: “Từ Chương Bản lại bị đưa vào phòng biệt giam, đồ ăn còn tệ hơn. Tôi nghe nói trong phòng biệt giam, ông ấy thường xuyên tuyệt thực và chửi bới liên tục. Các cai ngục còng tay và cùm chân ông ấy, nhưng ông vẫn nhịn ăn. Lính canh đưa ông già nhỏ bé ra ngoài, dí đầu ông xuống đất, véo mũi bắt ông phải há miệng và bức ông ăn cháo mặn. Từ Chương Bản đã niên dũ hoa tàn, ông bị tra tấn đến chết đi sống lại, thân thể suy nhược, tính mạng bị đe dọa.”
Cuối tháng 10 năm 1969, Từ Chương Bản bị chuyển đến nhà tù ở thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc. Sau đó, ông lại bị chuyển đến Trại cải tạo lao động huyện Khúc Châu mới được xây dựng. Lúc đó ông đã gần 60 tuổi, không thể lao động chân tay bên ngoài nên được phân công dọn dẹp bên trong.
Nghiêm Xương, bạn tù của ông lúc đó nhớ lại: “Tôi biết chính xác thân phận của tiên sinh Từ Chương Bản vào đêm ngày 25 tháng 4 năm 1970, khi Trung Quốc phóng thành công vệ tinh trái đất nhân tạo đầu tiên… Bản tin kéo dài nửa giờ vẫn chưa kết thúc. Đội trưởng Hoàng, người phụ trách nhà tù, dẫn hơn 20 cai ngục vào nhà tù có tường cao, đi thẳng vào đội số 1 nơi Từ Chương Bản đang ở … Đội trưởng Hoàng tay giương một tấm áp phích (tuyên truyền phóng vệ tinh lên bầu trời) trong tay và hét lớn: ‘Từ Chương Bản!’ Từ Chương Bản đứng dậy từ đám đông đang ngồi. Đội trưởng Hoàng đưa tấm áp phích cho Từ và nói: ‘Đọc đi!’ Từ Chương Bản không dám làm trái, bắt đầu đọc một cách nghiêm túc… Đọc xong, Từ buông tay xuống, chờ đợi đọc tiếp.”
“Đội trưởng Hoàng nghiêm khắc hỏi: ‘Từ Chương Bản, không có ông, vệ tinh của Trung Quốc vẫn phóng lên bầu trời! Bây giờ ông cảm thấy thế nào?’ Toàn trường im lặng, chờ đợi câu trả lời của Từ Chương Bản. Sau một lúc, Từ Chương Bản nhẹ nhàng nói: ‘Xấu hổ, xấu hổ’.”
Vào mùa xuân năm 1975, ĐCSTQ ban bố lệnh ân xá trả tự do cho tất cả các sĩ quan cảnh sát và quân đội Quốc dân đảng ở cấp trung đoàn huyện trở lên. Đến mùa thu, Nhà tù tỉnh Hà Bắc bắt đầu thực thi. Từ Chương Bản không gia nhập Quốc dân đảng, cũng không phản đối ĐCSTQ, thành lập đảng Lao Động thất bại và bị ĐCSTQ gán cho tội phản cách mạng, ngồi tù 18 năm và được phóng thích với cái mác là “nhân viên Quốc Dân đảng ở cấp trung đoàn huyện trở lên”.
Ở một quốc gia bình thường, ông ấy sẽ không bao giờ bị bỏ tù. Tuy nhiên, ông bất hạnh vì không theo kịp ĐCSTQ mà gặp phải kiếp nạn. Khoảng thời gian quý giá nhất trong cuộc đời Từ Chương Bản khi ông có thể tạo ra kết quả nghiên cứu khoa học đã bị lãng phí trong nhà tù của ĐCSTQ. Khi ông ra tù, vật lý thế giới đã có những tiến bộ vượt bậc, nhưng ông đã ở độ tuổi tàn niên, không cách nào bắt kịp được nữa.
- Trọn bộ Trăm năm chân tướng
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch