Đại Kỷ Nguyên

Hoàng đế Khang Hy (6): 8 năm bình họa Tam Phiên, giang sơn thu về một mối

Người Việt Nam một thời đã không còn xa lạ với một vị hoàng đế Trung Hoa qua bộ phim truyền hình dài tập “Khang Hy vi hành”. Tuy vậy, phim ảnh thời hiện đại đã thêm vào nhiều yếu tố nhân tình, hư cấu, khiến cho diện mạo chân thật của nhân vật lịch sử bị che mờ. Khang Hy thật sự là vị hoàng đế có tấm lòng nhân từ và trí tuệ sáng suốt nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc

Hoàng đế Khang Hy trẻ tuổi, dựa vào trí tuệ trác tuyệt cùng sự gan dạ sáng suốt đã trừ được mối họa Ngao Bái, chấn chỉnh triều cương, trở thành người nắm quyền lực tối cao trong thiên hạ. Đồng thời, ông còn có nghị lực phi thường trong việc nghiên cứu Nho học cùng Đạo của bậc đế vương, hàm dưỡng được một đôi tuệ nhãn và một bụng tài năng học vấn. Cuối cùng Hoàng đế Khang Hy đã chính thức dùng tư cách và địa vị của bậc đế vương để phóng tầm mắt nhìn giang sơn, việc làm sao để đất nước thái bình và cường thịnh đã hình thành nên tư tưởng và sách lược của ông. 

Quốc sự mà vị hoàng đế trẻ tuổi quan tâm nhất là gì? Sau nhiều năm nghe báo cáo và quyết định sự việc cùng với quá trình không ngừng học hỏi, ông ý thức được vấn đề khó và cấp bách mà vương triều Đại Thanh cần giải quyết. Do đó, trên cột trụ trong cung ông cho viết lên 3 sự việc, đó là Tam phiên, Sông ngòi cùng vận hành của dòng nước, ngày đêm nhắc nhở chính mình chăm lo việc nước, thận trọng từ đầu đến cuối. Trong đó vấn đề bình Tam phiên là việc trọng yếu nhất. 

Loạn Tam phiên

Hoàng đế Khang Hy nói rằng: “Nhóm người Ngô Tam Quế khác với khai quốc công thần của triều đại nhà Tống mà giống như thế lực cát cứ phiên trấn của triều đại nhà Đường”. 

Tam phiên là 3 người Hán xưng vương khi nhà Thanh mới nhập quan xưng đế. Họ chính là Bình Tây vương Ngô Tam Quế, Bình Nam vương Thượng Khả Hỷ, Tĩnh Nam vương Cảnh Tinh Trung. Từ tên và danh hiệu có thể thấy được 3 vị vương gia này là thế lực cát cứ khống chế vùng đất Tây Nam, họ đều là tướng vào thời điểm cuối triều đại nhà Minh đầu hàng đại tướng nhà Thanh. 

Chân dung Ngô Tam Quế (Public Domain)

Vào năm Sùng Trinh thứ 17 (1644), Hoàng đế Sùng Trinh treo cổ tự tử, hy sinh vì nước. Trong nước còn lại chính quyền Đại Thuận của Lý Tự Thành, chính quyền Đại Tây của Trương Hiến Trung, cùng với tôn thất của triều Minh và văn võ đại thần xuôi về phương Nam thành lập triều đại Nam Minh. Nhà Thanh muốn nhập Quan thống nhất Trung Nguyên, cần phải mượn nhờ lực lượng của tướng lĩnh đã đầu hàng, cho nên triều đình nhà Thanh đã lấy việc gia phong làm phần thưởng, đồng thời cũng biểu hiện sự ân sủng đối với họ. 

Vào năm Sùng Đức đầu tiên (1636), Hoàng Thái Cực xưng đế, phong cho tướng đầu hàng là Khổng Hữu Đức và Cảnh Trọng Minh (con của ông ta là Cảnh Kế Mậu, cháu của ông ta là Cảnh Thuần Chất, là người kế nhiệm), hơn nữa còn được xưng vương, người đầu tiên khai mở tiền lệ. Sùng Trinh năm 17 (1644), Ngô Tam Quế dẫn quân Thanh nhập Quan, cũng được phong làm vương. 

Bốn vương theo quân Thanh xuôi xuống phương Nam, bình định thế lực phản Thanh ở khắp nơi, lập nhiều quân công, hưởng được quan to lộc hậu. Cuối cùng nhất, Ngô Tam Quế, Thượng Khả Hỷ, Cảnh Tinh Trung được phân đóng quân ở biên cảnh Vân Nam, Quảng Đông, Phúc Kiến của Đại Thanh, mỗi người nắm giữ một phương. Thời gian trôi qua, ba vị vương nắm trong tay quân đội của mình, quyền thế ngày càng lớn, dần dần hình thành thế ‘đuôi to khó vẫy’ (ý nói thuộc hạ mạnh quá thì khó cầm đầu). 

Đầu tiên là phương diện uy hiếp cùng áp lực quân sự. Tư liệu lịch sử ghi lại, hai nhà Cảnh và Thượng, mỗi nhà có 20 ngàn nhân khẩu, Ngô Tam Quế vì tham gia chinh chiến tứ phương nên đã thu nạp các lộ tinh binh lại dùng cho bản thân, tổng cộng hơn 5 vạn. Binh lực Tam phiên cường đại, không chỉ mang đến tai họa ngầm cho sự thống nhất quốc gia, tài chính và quân lương càng trở thành gánh nặng trọng đại đối với triều đình. Chỉ riêng tỉnh Vân Nam, lương bổng một năm đã cao hơn 9 trăm vạn tiền, xuất hiện cục diện “Tài phú thiên hạ, một nửa chi phí cho Tam phiên”. 

Về mặt chính trị, quyền lực của Tam phiên bao trùm cả triều đình và các quan chức địa phương các cấp. Vào đầu thời nhà Thanh, triều đình đặt ra 18 tỉnh, mỗi tỉnh bố trí một Tuần phủ, hai ba tỉnh bố trí một Tổng đốc, phụ trách quân sự địa phương, chính vụ cùng hết thảy các sự việc, vùng đất của phiên biên thùy lại ngoại lệ. Lấy Ngô Tam Quế làm ví dụ, ông ta phụ trách việc lớn nhỏ của hai tỉnh Vân Nam và Quý Châu, tất cả quan viên lớn nhỏ thuộc triều đình đều không được nhúng tay. Đến năm Khang Hy thứ 2 (1663), Ngô Tam Quế thậm chí còn xin ý chỉ, hạ lệnh trên chiếu thư 4 chữ “Nghe vương tiết chế”, yêu cầu quan Tổng đốc và Tuần phủ phụ trách Vân Nam và Quý Châu nghe theo lệnh của vương. Ngoài ra ông ta còn điều hành việc cắt cử quyền hành của quan viên, thường xuyên tuyển chọn và đề bạt bộ hạ thân tín đến tỉnh nhậm chức, gọi là Tây Uyển, hơn nữa còn có thuyết rằng “quan Tây Uyển ở khắp thiên hạ”. 

Về mặt kinh tế, Ngô Tam Quế đã nỗ lực hết sức để vơ vét tài vật. Ông ta lấy cung điện cũ của triều đại Nam Minh ở Ngũ Hoa Sơn làm vương phủ, tăng cường xa hoa, chiếm đoạt 700 khoảnh trang viên Mộc Thị của tiền triều biến thành của riêng mình. Lấy lý do xây dựng kênh mương mà vơ vét của cải một cách trắng trợn, tùy tiện khoanh đất, khôi phục đủ loại chính sách sưu cao thuế nặng được dùng vào cuối thời nhà Minh. 

Đồng thời, Ngô Tam Quế vẫn cùng Tây Tạng, Mông Cổ thông thương, mỗi năm thu về vô số lương thực và ngựa. Con trai của ông ta là Ngô Ứng Hùng, lấy tư cách là Phò mã, trở thành con tin ở triều đình, tùy thời điểm mà truyền tin tức về cho ông ta. Hơn 10 năm, Ngô Tam Quế thao luyện binh lính ngày đêm, hơn nữa dốc hết sức nuôi trồng tâm phúc ở khắp cả nước, có thể thấy được dã tâm hừng hực của ông ta. Hai vị vương còn lại, mặc dù thực lực không hùng hậu bằng Ngô Tam Quế, cũng lũng loạn quyền bính như vậy, lấy sưu cao thuế nặng, dùng chính sách tàn bạo hoành hành địa phương, mức ảnh hưởng còn vượt xa việc Ngao Bái lạm dụng quyền hành ở triều chính. 

Vì vậy, Hoàng đế trẻ Khang Hy nhìn nhận Tam phiên là mối họa ngầm lớn nhất. Trong khi Tam phiên tham lam vơ vét tài vật và tùy tiện thực thi các biện pháp chính trị, Hoàng đế Khang Hy cũng đang nghĩ đại kế loại bỏ Tam phiên. 

“Lộng giả thành chân”

Hoàng đế Khang Hy từng nói: “Từ khi trẫm còn nhỏ tuổi đã thấy rằng quyền thế của Tam phiên ngày càng lớn mạnh, không thể không loại bỏ”.  

Một phần của “Bản đồ đi săn của Khang Hy thời trẻ”. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Kể từ khi Tần Thủy Hoàng thực hiện chính sách phế bỏ việc phân đất phong hầu, thiết lập quận huyện đến nay, các triều đại đổi thay, họ đều coi việc phiên vương cát cứ thế lực là mối uy hiếp đến nghiệp đế vương thống nhất thiên hạ, cũng có Hán Vũ Đế thôi ân, Tống Thái Tổ dùng rượu tước binh quyền … loại bỏ phiên trấn tạo nên thảm họa chiến tranh. Dưới tình huống bất đắc dĩ của triều đình nhà Thanh, 3 vị phiên vương mặc dù có cống hiến nhất định đối với từng triều đại nhà Thanh thống nhất giang sơn, nhưng khi họ đã lớn mạnh tới mức uy hiếp đến quốc gia thì việc loại bỏ phiên vương lại cần phải làm. 

Ngay từ thời kỳ phụ chính, triều đình đã bắt đầu nhắm vào Ngô Tam Quế, người cầm đầu tam phiên, mà thực hiện từng bước tước bỏ quyền hạn cũng như vùng đất của ông ta. Vào năm Khang Hy thứ 2 (1663), Hoàng đế Khang Hy đã thu lại ấn soái đại tướng quân, vật được ban cho Ngô Tam Quế lúc ông dẫn quân chinh phạt Vân Nam và Quý Châu từ thời Thuận Trị. Tiếp theo, ông thực hiện cắt giảm hơn 100 vạn binh lực; nghiêm cấm người thuộc hoàng tộc và quan Tổng đốc cùng Tuần phủ và các quan lại khác thực hiện làm ăn buôn bán lừa gạt, dựa vào quyền lực của phiên vương mà cướp lấy những món lợi lớn. Ông cũng giao trách nhiệm cho quan Tổng đốc cùng quan viên phụ trách ở hai tỉnh Vân Nam và Quý Châu quản lý việc này. 

Quyền lực của Tam Phiên từng bước bị cắt giảm, tuy nhiên hành động chính thức loại bỏ Tam phiên mới được thực hiện vào năm Khang Hy thứ 12 (1673). Thời điểm đó, kinh thành vẫn còn ở vào tiết xuân se lạnh, Thượng Khả Hỷ đã dâng lên một tấu chương báo cáo việc ông chuyển đến Lĩnh Nam, khiến triều đình thảo luận sôi nổi. Lúc đó, Thượng Khả Hỷ đã ngoài 70, với lý do tuổi già và bệnh tật, ông đã thỉnh cầu Hoàng đế Khang Hy cho phép đưa hơn 2 vạn quan binh và dân chúng già yếu về cố hương Liêu Đông để an dưỡng tuổi già. Tước vị của ông nhường lại cho con trai Thượng Chi Tín tiếp tục duy trì. 

Tấu chương của Thượng Khả Hỷ rất hợp với kế hoạch loại bỏ phiên của Hoàng đế Khang Hy. Khang Hy rất vui mừng, triệu tập quan đại thần cùng thương nghị chính sự, chỉ có điều số người phản đối việc loại bỏ phiên lại chiếm đa số. Sau khi suy nghĩ, Hoàng đế Khang Hy cho rằng: “Tam phiên tay nắm binh quyền, thời gian lâu e sẽ sinh mối họa, phát sinh những sự việc ngoài ý muốn”. Cho nên, ông đã quyết định dứt khoát loại bỏ phiên. 

Hoàng đế Khang Hy đã trả lời tấu chương của Thượng Khả Hỷ, trong thư có khen Thượng Khả Hỷ “Muốn trở về Liêu Đông hưởng tuổi già, tình cảm và lời lẽ tha thiết, có thể thấy được thái độ khiêm cung cẩn thận, khả năng hiểu biết thâm sâu”. Hơn nữa ông cũng nói, ngoài hai quân doanh ‘Lục kỳ binh’ do người Hán lập ở lại Quảng Đông, Thượng Khả Hỷ cùng thân quyến và thuộc cấp, tất cả đều theo về Liêu Đông. 

Thượng Khả Hỷ tuổi cao đã thật sự tiếp nhận loại bỏ phiên. Tuy nhiên, hành động loại bỏ phiên của Khang Hy lần này lại tạo thành sóng to gió lớn đối với 2 phiên còn lại. Ngô Tam Quế cùng với Cảnh Tinh Trung ngày đêm lo nghĩ không yên, muốn họ tự nguyện bỏ đi tước vị Phiên vương là điều không thể, tuy nhiên nếu như không có hành động gì thì sẽ mang đến hoài nghi cho triều đình. Đặc biệt là Ngô Tam Quế, trước đó từng có người dùng thư viết bằng máu kêu gọi ông mưu phản, hơn nữa còn cố ý đem sự việc này làm xôn xao dư luận, khiến triều đình có mối nghi ngờ đối với Ngô Tam Quế sâu nhất. Cuối cùng, hai phiên đã ra roi thúc ngựa, theo nhau gửi thư xin thu lại tước vị Phiên vương. Ý nghĩ của họ là, Hoàng đế Khang Hy nhất định sẽ hạ chiếu thư trấn an, họ có thể được hưởng vinh hoa phú quý như gia tộc Mộc Thị triều Minh, vĩnh viễn trấn giữ biên cương. 

Tuy nhiên họ đã nhầm. Tam phiên mặc dù hùng mạnh nhưng người họ đối mặt lại chính là Hoàng đế Khang Hy hùng tài đại lược. Trước khi thượng tấu, mưu sĩ còn khuyên Ngô Tam Quế: “Hoàng đế sớm đã có ý muốn triệt bỏ ngài, chỉ là khó mở miệng. Nếu hiện tại ngài gửi tấu chương đi thì sẽ bị loại bỏ tước vị ngay lập tức”. Ngô Tam Quế vẫn còn ôm ảo mộng, không chịu nghe khuyên. Quả nhiên, sau khi nhận được tấu chương, tương kế tựu kế, Khang Hy lập tức hạ chiếu khen ngợi hành động của hai vương. Đồng thời ông cũng phái quan viên đi xử lý các việc để loại bỏ phiên. 

Có thể hình dung được rằng khi Ngô Tam Quế và Cảnh Tinh Trung nhận được tin tức triều đình loại bỏ phiên, nhất định là vừa sợ vừa giận, hơn nữa còn vô cùng hối hận vì đã biến khéo thành vụng. Đặc biệt là Ngô Tam Quế, một bên trì hoãn không chịu rút lui, một bên vụng trộm mưu đồ dấy binh tạo phản. 

Họa khởi phát ở Nam Cương

Hoàng đế Khang Hy nói: “Bọn người Ngô Tam Quế mưu đồ đã lâu, nếu không sớm loại bỏ thì sẽ gây đại họa. Hôm nay loại bỏ phiên, bọn chúng sẽ tạo phản; không loại bỏ phiên, chúng cũng sẽ tạo phản, không bằng đánh đòn phủ đầu”.

Ngô Tam Quế khởi binh làm loạn, Khang Hy đế quyết định xuất binh bình định quét sạch bốn phương trên dưới. Ảnh ‘Khang Hy săn bắn’ do Lang Thế Ninh vẽ, hiện được lưu trữ tại Bảo tàng Cố cung Đài Bắc. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Trước khi chính thức hạ chiếu thư, Hoàng đế Khang Hy không muốn sắp xếp một cuộc thảo luận cùng quần thần bàn cách xử lý loại bỏ phiên. Bởi vì, trong đám quan viên, chỉ có Hộ bộ Thượng Thư Mễ Tư Hàn, Hình bộ Thượng thư Mạc Lạc, Binh bộ Thượng thư Minh Châu cùng một số quan viên khác là hưởng ứng tán thành việc này, phần lớn đám quan viên còn lại đều vì sợ hãi thanh thế của tam phiên mà giữ im lặng không nói. Kỳ thực, dù các đại thần có đồng ý hay không, Hoàng đế Khang Hy cùng với họ cũng có chung nhận thức, các phiên vương rất có thể vì sự việc này mà dấy binh tạo phản. Chỉ là, trước tình thế này, Khang Hy quyết định cần phải đánh cược một lần, thực hiện loại bỏ căn bệnh ung độc Tam phiên. 

Quyết định này đã dẫn khởi cuộc dẹp loạn kéo dài 8 năm trong lịch sử của nhà Thanh. Vào ngày 21 tháng 12 năm Khang Hy thứ 12, thời điểm đón năm mới đang đến gần, các quan viên vốn được phái đến Vân Nam vội vã trở về kinh thành trong đêm tối, chỉ để báo cho Hoàng đế Khang Hy một tin tức quan trọng: “Ngô Tam Quế phản rồi!”

Nội dung chi tiết như sau: Ngô Tam Quế nhận được ý chỉ loại bỏ phiên vào cuối tháng 11, ông ta liền huy động binh lính của phiên vương giết chết quan tuần phủ Chu Quốc Trì, người không chịu theo ông ta phản Thanh, đồng thời tạm giam sứ thần tuyên chỉ. Ngô Tam Quế tự phong “Thiên hạ đô chiêu thảo binh mã đại nguyên soái”, ngang nhiên thông cáo ‘bài hịch phản Thanh’, để biện minh rằng năm đó hành động đầu hàng nhà Thanh là không có thật. Vì vậy ông ta đã dựa vào lá cờ phản Thanh mà dấy binh tạo phản. 

Trong vòng chưa đầy một tháng, quân đội của Ngô Tam Quế đã chiếm được toàn bộ lãnh thổ Quý Châu. Ông ta gửi thư cho Cảnh Tinh Trung để âm mưu cùng nhau phản nghịch, song song hợp lực với Tôn Duyên Linh ở Quảng Tây và chính quyền Minh Trịnh ở Đài Loan cùng các lực lượng khác tạo thành thế lực phản Thanh, cùng một lúc phô trương thanh thế, nhắm thẳng vào vùng đất rộng lớn là Tứ Xuyên và Hồ Nam. 

Lúc này, triều đình xuất hiện một cảnh tượng rất hỗn loạn, các quan đại thần liên tiếp thỉnh cầu trừng phạt quan viên có chủ trương loại bỏ phiên, để bình ổn phản loạn, giống như sách lược ‘giết triều sai’ của Hán Cảnh đế thời Tây Hán đã bình loạn được loạn 7 nước. Tuy nhiên, Hoàng đế Khang Hy lại không muốn thỏa hiệp với phản quân. Ông nói: “Chẳng lẽ vì Ngô Tam Quế phản loạn, liền trốn tránh lỗi lầm mà đổ tội cho đại thần sao?” 

Phong thái can đảm và trách nhiệm của Khang Hy đã cứu được trung thần dám một lòng khuyên can, tăng thêm sự tin tưởng và ủng hộ của văn võ quần thần có cùng chung mối thù. Hoàng đế Khang Hy quyết định xuất binh bình định, quét sạch thiên hạ. Từ năm Khang Hy thứ 13 đến năm Khang Hy thứ 15 (1674-1676), việc dẹp loạn đang ở giai đoạn phòng thủ. Hoàng đế Khang Hy hy vọng có thể tập trung vào chiến trường Vân Nam, Quý Châu, Hồ Nam, Hồ Bắc, một vùng đất vô cùng rộng lớn. Do đó, ông đã tăng cường quân đội chiếm giữ những khu vực trọng yếu để ngăn cản quân phản loạn tấn công. 

Lúc đầu, tình hình chiến sự không lạc quan, quan binh Tứ Xuyên đã đầu hàng Ngô Tam Quế khiến vùng chiến sự này bị thất thủ, đem đến nguy hiểm cho Thiểm Tây, Hồ Bắc. Ở Lưỡng Hồ, quân của Ngô Tam Quế lại chiếm được vùng đất rộng lớn là Thường Đức, Lễ Châu, Hành Châu, Nhạc Châu, Trường Sa. Đồng thời, Cảnh Tinh Trung khởi binh tạo phản ở Phúc Kiến, tiến đến chiếm lấy khu vực phía Nam của tỉnh Chiết Giang. Trong chốc lát, triều đình nhà Thanh liên tiếp mất đi 6 tỉnh là Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Hồ Nam, cùng với một phận tỉnh Chiết Giang. Như vậy, Ngô Tam Quế đã nắm giữ nửa giang sơn. Mặc dù vậy, Hoàng đế Khang Hy vẫn rất bình tĩnh, tiếp tục tăng cường binh lực gấp rút tiếp viện cho chiến trường phía Nam, cầm giữ quân phản loạn ở chiến trường Giang Nam, Quảng Đông. 

Lúc này, Ngô Tam Quế có tâm muốn nghị hòa, tháng 4 năm Khang Hy thứ 13, trả về sứ thần mà ông ta đã tạm giam, hy vọng cùng triều đình nhà Thanh chia đôi thiên hạ. Nhưng mà, việc Khang Hy bình tam phiên, ý chí ông đã quyết, hoặc chinh phạt, hoặc chiêu hàng, nhưng tuyệt đối sẽ không cắt nhường lãnh thổ làm cái giá cầu an, khiến giang sơn mà cha ông vất vả mới thống nhất được lại bị chia cắt. Ông nghe đại thần thảo luận chính sự đề nghị, xử tử con trai trưởng Ngô Tam Quế là Ngô Ứng Hùng. Hành động này không chỉ khiến mộng đẹp chia đôi thiên hạ của Ngô Tam Quế lập tức tiêu tan mà còn giúp cho niềm tin vào việc bình định phản loạn của vua và thần dân càng trở nên kiên định. 

Thực lực của quân Thanh chỉ có thể cầm cự với quân phản loạn, khó có thể tiến công. Các lộ binh lực phân tán khắp các chiến trường cho nên không thể cân đối phối hợp. Còn Ngô Tam Quế tập trung binh lực ở Nhạc Châu, tùy thời cơ mà có thể tiến quân lên phương Bắc hoặc sang phía đông. Thế là, bắt đầu từ tháng 6 năm Khang Hy thứ 13, Hoàng đế tiếp tục phái 5 vị tôn thất làm đại tướng quân dẫn binh, chia nhau tiến vào chiếm giữ Nhạc Châu, Chiết Giang, Tứ Xuyên (thực ra chỉ có Thiểm Tây), Giang Nam, Quảng Đông, gồm cả tướng quân đóng ở Kinh Châu trước đó, tạo thành chiến trường lớn. Mỗi cánh quân đều do bối lặc hoăc thân vương đảm nhiệm chức vụ đại tướng quân, dẫn đội quân bát kỳ hùng mạnh, cùng với quan binh thống soái địa phương, tạo thành đội hình Vương sư hùng mạnh. Hoàng đế Khang Hy bố trí quân đã cải thiện đáng kể khả năng chiến đấu và năng lực ứng biến.

Vào cuối năm Khang Hy thứ 13, Đô đốc Thiểm Tây Vương Phụ Thần tạo phản, chiếm lĩnh phía Đông tỉnh Cam Túc cùng khu vực phía Bắc tỉnh Thiểm Tây. Năm sau quân Thanh đóng tại Tứ Xuyên đã tiến hành chinh phạt Vương Phụ Thần, trong vòng nửa năm đã thu được đại thắng, đoạt về vùng đất phía Bắc. Sau đó, Hoàng đế Khang Hy đã áp dụng sách lược vừa đấm vừa xoa, chiêu hàng Cảnh, hai đội quân của Thượng cũng bình định được vùng Phúc Kiến và Quảng Đông. Lúc này, thời cơ bắt đầu chuyển biến, giai đoạn thứ hai tiến quân bình định phản loạn – thời khắc quân Thanh phản công. 

Tám năm bình định phiên

“Khang Thân Vương vây quét phản tặc ở Phúc Kiến, nhiều lần báo tin chiến thắng, trẫm vẫn chưa thực sự vui mừng. Ngô Tam Quế là thủ lĩnh của đạo tặc, chỉ khi công phá được Nhạc Châu và Lễ Châu, mới thật sự đáng để ăn mừng”, Hoàng đế Khang Hy nói.

Quân Mãn và quân Hán đã đánh những trận đẫm máu và cuối cùng đánh bại quân Ngô Tam Quế. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Tướng sĩ nơi tiền tuyến đã vì triều đại nhà Thanh mà quên cả sống chết, chiến đấu đẫm máu; Hoàng đế Khang Hy trấn giữ kinh thành, bày mưu tính kế, quyết định chiến thắng ở địa khu cách xa ngàn dặm. Từ năm Khang Hy thứ 16 đến năm Khang Hy thứ 20 (1677-1681) là giai đoạn quân Thanh chinh phạt và giành được đại thắng. Hoàng đế Khang Hy cho rằng, Ngô Tam Quế là kẻ địch lớn nhất, Hồ Nam, nơi ông ta cố thủ cũng là chiến trường số 1, cho nên rất coi trọng tình hình chiến sự trên chiến trường này, đồng thời cũng triển khai quân dẹp loạn chủ lực bố trí ở nơi đây. 

Bắt đầu từ tình hình chiến sự toàn cục, Hoàng đế Khang Hy điều động tinh binh từ Thiểm Tây tới chiến trường Hồ Nam và đã liên tiếp thu về hơn 10 thành là Trà Lăng, Du Huyền, An Nhân, Sâm Châu, Quế Dương, v.v… Lúc ấy, Ngô Tam Quế đóng quân tại Định Châu, chuẩn bị đánh chiếm Quảng Đông, một loạt thắng lợi của quân Thanh đã phá vỡ kế hoạch của ông ta. 

Sau khi liên tiếp gặp thất bại, vì muốn khích lệ sĩ khí toàn quân, Ngô Tam Quế đã buộc mình phải xưng đế ở Hành Châu vào tháng 3 năm Khang Hy thứ 17 (1678). Tuy nhiên, trong vòng một tháng, Ngô Tam Quế đã qua đời vì bạo bệnh và cháu trai của ông là Ngô Thế Phan lên kế nhiệm. Việc Ngô Tam Quế chết đã khiến cho sĩ khí lòng quân bị đẩy đến bờ vực sụp đổ. Hoàng đế Khang Hy đã chớp lấy thời cơ này, lệnh cho hai đạo quân thủy bộ tấn công trực tiếp và nhanh chóng tiến đánh Nhạc Châu, đến năm Khang Hy thứ 18, đã chính thức thu phục. Rất nhanh sau đó, toàn bộ Hồ Nam đều nằm trong tay của quân Thanh. 

Lúc này, Hoàng đế Khang Hy lên kế hoạch thu phục Tứ Xuyên, Vân Nam và Quý Châu. Tại tiền tuyến Tứ Xuyên, Hoàng đế Khang Hy quyết định trọng dụng tướng lãnh người Hán, lãnh đạo đội cờ xanh tác chiến. Tướng sĩ người Mãn sẽ theo phía sau với tư cách là viện binh, vận chuyển lương thảo, đồng thời thuận theo tình thế mà phối hợp tác chiến. Đến tháng 10, lộ quân Thanh thứ nhất thu phục phủ Hán Trung, thẳng tiến đến quan Thanh Thạch nằm ở khu vực biên giới Thiểm Tây Tứ Xuyên, một lộ quân nữa tiến đến Lược Dương, nắm giữ Quan Dương Bình. Dưới sự bố trí cẩn thận của Khang Hy, sau khi hai lộ quân hội hợp, họ cùng nhau tiến công Tứ Xuyên vào tháng 12, thế như chẻ tre đánh bại quân của Ngô Tam Quế. Ngày 19 tháng Giêng, hầu hết vùng đất Tứ Xuyên đều đã được bình định. 

Tiếp theo, hai lộ quân tiếp cận Vân Nam và Quý Châu. Sau một trận chiến ác liệt, bởi vì tướng sĩ quân Mãn Thanh đánh trận không hiệu quả, quân đội Ngô lại quay lại xâm chiếm Tứ Xuyên, khiến tình hình chiến sự xuất hiện tình thế đảo ngược. Hoàng đế Khang Hy lại nắm bắt cơ hội, cho rằng quân Ngô binh lực phân tán, chắc chắn làm suy yếu lực lượng phòng thủ ở Vân Nam. Khang Hy liền lệnh cho mấy lộ tướng quân, lập tức hỏa tốc tấn công, đến trước quân Ngô mà giành lấy Vân Nam. Đồng thời Khang Hy cũng sắp xếp một lộ quân người Hán, áp dụng sách lược trước giữ Tứ Xuyên, sau lấy Vân Nam. Tháng 3, lộ quân này tấn công mạnh mẽ truy kích và tiêu diệt phản quân ở Tứ Xuyên, đến tháng 5 đã thu phục được Lô Châu, một vùng đất rộng lớn, đến tháng 7 tiếp tục tấn công Võ Định châu ở Vân Nam, tháng 9 đánh đến Côn Minh, và chờ đợi trận đánh cuối cùng. 

Cuối cùng, Hoàng đế Khang Hy ra lệnh đánh chiếm tỉnh Vân Nam. Tướng lĩnh Mãn Hán đã chiến đấu đẫm máu kịch liệt trong 3 ngày, đánh bại quân Ngô. Ngày 28 tháng 9, Ngô Thế Phan tự sát, quân phản bội đã ra khỏi thành đầu hàng.

Đến tận lúc này, 8 năm chiến tranh bình định kết thúc. Trong đêm khuya, tin thắng lợi truyền đến cung đình, Hoàng đế Khang Hy đã mừng rỡ khôn xiết, vung bút viết bài thơ ‘Điền Bình’ để kỷ niệm. 

Nhị hải côn trì đạo lộ nan, 
Tiệp thư dạ bán đáo Trường An. 
Vị căng Kiền Vũ Tam Miêu cách, 
Sạ hỉ trưng thâu lục chiếu khoan.

Thiên mạt viễn thu Kim Mã ải, 
Quân trung tân giải thiết y hàn
Hồi tư kỉ tái tiêu lao ý,
Thử nhật phương đồng vạn quốc hoan.

Tạm dịch: 

Đường đến Côn Trì Nhị Hải nan
Tin thắng nửa đêm đến Trường An
Như Kiền Vũ bình định Tam Miêu
Mừng vì giành lại đất Vân Nam

Trận cuối thu phục ải Kim Mã
Quân nay được cởi thiết giáp hàn
Nghĩ lại những tháng năm khổ não
Từ nay vạn quốc cùng hân hoan

(Hương Thảo dịch)

Phản quân đã được loại bỏ, việc rút lui phiên cũng thuận tiện tiến hành. Trong Tam phiên có Ngô phiên là đại nghịch bất đạo, liên lụy cửu tộc, tàn quân sung làm quan nô hoặc phu dịch. Cảnh phiên là vương thứ 2, nhưng bởi ông ta đã quy hàng, người có tội đã bị trừng phạt, người trung nghĩa dùng khoan dung đối đãi. Vậy là Hoàng đế Khang Hy đã triệt để loại bỏ Tam phiên, thống nhất xây dựng đất nước.

 Xem trọn bộ Hoàng đế Khang Hy

Tác giả: Tiểu tổ văn hóa – Epoch Times
San San biên dịch

Exit mobile version