Đại Kỷ Nguyên

Hoàng đế Khang Hy (7): Giải nan đề ‘đảo Đài Loan’

Lời người biên tập: Kỳ này miêu tả quá trình triều đại nhà Thanh dưới sự trị vì của Hoàng đế Khang Hy đã thu phục Đài Loan từ tay chính quyền Minh Trịnh. Hiện nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng luôn nhòm ngó đảo quốc Đài Loan và muốn biến đất nước tự do dân chủ này trở thành một phần của chế độ độc tài Trung Cộng. Hai sự việc xưa và nay, bề ngoài có vẻ tương đồng nhưng thực ra bản chất lại khác nhau. Hoàng đế Khang Hy là vị minh quân, thực lòng lo cho dân cho nước, mà chính quyền Minh Trịnh lúc bấy giờ cũng là chế độ quân chủ. Còn ngày nay, ĐCSTQ là chính quyền độc tài hủ bại, bức hại người dân, biến đại lục thành một nhà tù lớn. Trong khi đó, Đài Loan là đảo quốc phồn vinh, vừa lưu giữ văn hoá đạo đức truyền thống Trung Hoa, vừa xiển dương các giá trị dân chủ, vì lợi ích của bách tính nên không thể bị ĐCSTQ khuất phục.

Vào năm Khang Hy thứ 20, Hoàng đế Khang Hy đã dành 8 năm để quét sạch Tam phiên, loại bỏ nội loạn. Ngày đêm nung nấu 3 đại sự: Tam Phiên, Sông vụ, thủy vận, cuối cùng đã hoàn thành được đại sự quan trọng nhất. Thừa thắng xông lên, Hoàng đế Khang Hy lại tiếp tục hướng ánh mắt nhìn xa trông rộng của mình tới một hòn đảo nằm ở phía Đông Nam bên ngoài đại lục – đảo Đài Loan. 

Việc loại bỏ Tam phiên có ý nghĩa quan trọng để vương triều Đại Thanh xây dựng chế độ, thống nhất quy hoạch, gạn lọc quan lại, khôi phục kinh tế, yên ổn lòng dân. Tuy nhiên, nhà Thanh vẫn chưa đạt được sự thống nhất thật sự, chính quyền Minh Trịnh thống trị Đài Loan đã trở thành mối uy hiếp lớn nhất. 

Sau khi nhà Minh sụp đổ, triều đình nhỏ Nam Minh được thành lập ở vùng Giang Nam trở thành lực lượng chủ yếu kháng lại nhà Thanh. Dưới thời trị vì của Hoàng đế Long Vũ nhà Minh có xuất hiện một vị Đại tướng quân nổi danh lẫy lừng tên là Trịnh Thành Công. Bởi vì Hoàng đế triều đại Nam Minh ban thưởng cho ông ta họ Chu, phong làm Duyên Bình quận vương, lúc qua đời gọi là ‘Quốc tính gia’ hoặc ‘Trịnh Duyên Bình’. 

Vào năm Thuận Trị thứ 2 (1645), cha của Trịnh Thành Công là Trịnh Chi Long đầu hàng nhà Thanh, ông ta đã dẫn thuộc hạ cũ của cha đến vùng duyên hải Đông Nam tiếp tục sự nghiệp kháng Thanh. Đến năm Thuận Trị thứ 18 (1661), bởi vì trận chiến diễn ra không thuận lợi, Trịnh Thành Công đã cho lui quân về chiếm giữ Đài Loan. Năm sau đuổi quân Hà Lan đóng quân ở đây và cai trị Đài Loan, trở thành một đời anh hùng. 

Tiếp đến, Trịnh Thị một mực muốn thực hiện sứ mạng khôi phục triều Minh, trở thành một lực lượng phản Thanh ở hải ngoại. Nhưng khi Vĩnh Lịch đế và Trịnh Thành Công qua đời, con trai Trịnh Kinh lên thay, nhóm người “Minh Trịnh” trở thành mối họa ngầm cát cứ một phương, đối đầu với triều đình nhà Thanh suốt hơn 20 năm. 

Tiên lễ hậu binh

Khang Hy nói: “Sau bình loạn Tam phiên, quốc gia chỉ còn có Trịnh Thị chiếm giữ Đài Loan, gây hại vùng Phúc Kiến. Muốn diệt trừ Trịnh Thị không phải là không thể”. 

Khi Hoàng đế Khang Hy mới lên ngôi, đối với việc ứng phó với gia tộc Trịnh Thị, Triều đình vẫn giữ thái độ chiêu an và đã thực hiện 7 cuộc đàm phán. Dù trước hay sau khi Khang Hy chấp chính, triều đình nhà Thanh đối với Trịnh Kinh vẫn cho thấy sự thành tâm thành ý, dùng lễ ứng xử. Tuy nhiên, Trịnh Kinh lại liên tiếp đưa ra yêu sách không lên bờ, không cạo tóc, hơn nữa còn yêu cầu cắt đất, thái độ càng ngày càng được đà lấn tới. Cho nên, gần 20 năm đàm phán mà vẫn không đạt được kết quả gì. 

“Trận đồ Bình Định Đài Loan” vào thời Càn Long của nhà Thanh. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Vào tháng 5 năm Khang Hy thứ nhất (1662), thừa dịp Trịnh Thành Công qua đời và chú cháu Trịnh Kinh xảy ra nội chiến, triều đình nhà Thanh đã phái sứ thần tới đàm phán với Trịnh Kinh lần thứ nhất. Vì phải ngăn ngừa trong ngoài nên lâm vào tình thế khó khăn, Trịnh Kinh giả vờ đối phó với sứ giả, giao ra ngọc tỷ cùng sắc phong mà hoàng đế triều đại Nam Minh ban cho và sổ ghi chép nhân khẩu, đổi lấy sự tín nhiệm. Gần một năm sau, Trịnh Kinh dẹp xong nội loạn, ông liền đổi ý, muốn theo tiền lệ giống như Lưu Cầu của Triều Tiên xưng thần thực hiện cống nạp, “không lên bờ, không cạo tóc và không mặc trang phục triều Thanh”, cự tuyệt quy thuận. 

Vào tháng 10 năm thứ 2 của triều đại Hoàng đế Khang Hy, triều đình nhà Thanh và Hà Lan liên minh đánh chiếm các thành trì của Trịnh ở Hạ Môn, Kim Môn và tiếp tục cử sứ giả đến chiêu an lần 2. Trịnh Kinh vẫn kiên quyết muốn được đối xử như một nước chư hầu, ông ta công bố rằng “cắt tóc, lên bờ thì dù chết cũng không đồng ý”. Kết quả là triều đình nhà Thanh đã đánh hạ thành trì cuối cùng của họ Trịnh ở Hạ Môn, Trịnh Kinh bỏ chạy về Đài Loan.

Cuộc đàm phán hòa bình lần thứ ba diễn ra vào năm Khang Hy thứ 6 (1667). Trước đó, quân Thanh muốn thừa thắng xông lên, nhưng không ngờ gặp phải sóng gió trên biển, buộc phải quay đầu. Đây là lần đầu tiên triều đình nhà Thanh tiến quân đến Đài Loan và tướng lĩnh lúc đó là Thi Lang. Vì chưa loại bỏ được Tam phiên nên triều đình nhà Thanh không có lực dụng binh trên biển, do đó đã tiếp tục phái sứ giả đi đàm phán. Bởi vì Trịnh Kinh kiên trì với tiền lệ Triều Tiên, cho nên cuộc hòa đàm lại thất bại lần nữa. 

Vào năm Khang Hy thứ 7, Thi Lang bí mật thuật lại tình hình cho Khang Hy, chủ trương mau chóng thực hiện việc chinh phạt Trịnh Kinh. Sách lược của ông là: “Lực lượng quân Trịnh mỏng, chủ tướng là kẻ bất tài, nếu chiếm được Bành Hồ trước thì chính là đã bóp chặt yết hầu của hắn, quân Trịnh sẽ lập tức báo nguy. Nếu như họ dựa vào ưu thế trên biển để cố thủ, chúng ta liền phái hai đạo kỳ binh tập kích bến cảng”. Đối với chiến thư, Thi Lang có tín tâm 10 phần, cho rằng ngày tiếp theo có thể bình định Đài Loan. Tuy nhiên, các quan chủ trương nghị hòa đem đề nghị này gác vào một góc, bản thân Thi Lang cũng bị điều về làm quan đại thần nội vụ, ở lại kinh thành. 

Lần thứ 4 chiêu an, lúc này là thời điểm Hoàng đế Khang Hy đích thân chủ trì chính sự. Ông cũng đã nhượng bộ rất lớn, cho phép Trịnh Kinh trấn thủ Đài Loan. Tuy nhiên, Trịnh Kinh vốn là người đại lục, cho nên triều đình không chấp nhận sự quy thuận dựa vào chế độ Phiên. Bởi vì Trịnh Kinh quyết giữ ý của mình nên cuộc đàm phán lại lâm vào cục diện bế tắc. 

Khi Tam phiên làm phản, Trịnh Kinh cũng thừa cơ tạo phản. Năm Khang Hy thứ 16 (1677), triều đình nhà Thanh thực hiện chiêu an lần thứ 5. Trịnh Kinh lại làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Ông ta đưa ra yêu cầu cắt đất một cách vô lý, khiến cho lần chiêu an này không đạt được kết quả gì. 

Vào năm Khang Hy thứ 17, Hoàng đế Khang Hy nói với các sứ thần của mình rằng: “Mặc dù Trịnh Kinh không có thiện ý đầu hàng, nhưng thuộc hạ của ông ta lại sẵn lòng cầu hòa, cho nên cần linh hoạt ứng biến, tùy thời chiêu an”. Lần thứ 6 chiêu an, Tổng đốc Phúc Kiến là Diêu Khải Thánh chủ trì. Trịnh Kinh vẫn giữ nguyên ý định nên nhất quyết từ chối. Thế nhưng, Diêu Khải Thánh đã công bố lệnh của Hoàng đế, mở lòng tiếp đón tướng sĩ quy hàng, phong cho quan to lộc hậu. Hành động này đã được rất nhiều tướng sĩ dưới trướng Trịnh Kinh đón nhận. 

Vào năm thứ 18 của Hoàng đế Khang Hy, sự việc bình loạn Tam phiên sắp kết thúc, Hoàng đế Khang Hy lại cho Trịnh Kinh cơ hội cuối cùng. Trong cuộc hòa đàm lần thứ 7, Trịnh Kinh muốn học theo tiền lệ Lưu Cầu xưng thần ở Triều Tiên. Hoàng đế Khang Hy vẫn quyết giữ chính kiến của mình và không đồng ý: “Quân Trịnh ở Đài Loan đều là người Phúc Kiến, không thể thực hiện giống như Lưu Cầu và đất nước Triều Tiên”. Thấy Trịnh Kinh không có ý muốn đầu hàng, Hoàng đế Khang Hy trước dùng lễ sau dùng binh, quyết định đưa binh lính đến Đài Loan. Lúc này, kế sách mà Thi Lang đề xuất bị bỏ lại từ 13 năm trước được Khang Hy đem ra dùng, thực hiện chinh phạt Trịnh Thị, bình định chủ tướng Đài Loan. 

Tuổi cao trí càng cao 

Hoàng đế Khang Hy nói: “Tướng quân Thi Lang quen thuộc địa hình và con người cùng sự việc trên đảo, mọi việc nhất định phải thương nghị với ông ấy”. 

Hoàng đế Khang Hy nắm chắc thời cơ chỉ huy quân tiến đánh Đài Loan. Ông sai Tổng đốc Diêu Khải Thánh, Tuần phủ Ngô Hưng Tộ, tùy cơ ứng biến, chuẩn bị đánh chiếm Bành Hồ cùng Đài Loan. 

Hoàng đế Khang Hy nắm chắc thời cơ chỉ huy quân tiến đánh Đài Loan. Ông sai Tổng đốc Diêu Khải Thánh, Tuần phủ Ngô Hưng Tộ, tùy cơ ứng biến, chuẩn bị đánh chiếm Bành Hồ cùng Đài Loan. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Thi Lang từng là một đại tướng của Trịnh Chi Long, trước kia từng đi theo Chi Long đầu hàng nhà Thanh, nhưng sau đó lại tìm đến nương tựa vào Trịnh Thành Công kháng lại nhà Thanh. Lúc đó, ông còn trẻ tuổi, thông hiểu binh pháp, nhưng tính cách lại hơi cao ngạo chính trực, vì vậy đã đắc tội với Trịnh Thành Công, khiến cho gia đình bao gồm cha, em trai, con trai và cháu trai của ông đều bị giết. Vậy là Thi Lang cùng tập đoàn Trịnh Thị kết thành mối huyết hải thâm thù. Vậy là một lần nữa, Thi Lang đầu hàng nhà Thanh, trở thành Đô đốc thủy sư Phúc Kiến. 

Từ đó về sau, đối với vấn đề Đài Loan, ông là một thành viên của phái chủ chiến. Bởi vì Thi Lang am hiểu thủy chiến, quen thuộc nội tình quân Trịnh, lại quyết thề thu phục Đài Loan để báo thù, trở thành lựa chọn tốt nhất chinh phạt Trịnh Thị. Sau lần thứ 3 chiêu an thất bại, Thi Lang đã liên tiếp dâng lên 2 tấu chương trình bày việc lực lượng ở Đài Loan có ảnh hưởng trọng yếu đối với vùng duyên hải Phúc Kiến, thỉnh cầu tiếp tục tấn công gia tộc Trịnh Thị. 

Mặc dù Thi Lang nhận lệnh vào kinh trình bày phương hướng và sách lược đối với hoàng đế, nhưng ông với tư cách là tướng lãnh trên biển quy hàng, nên không nhận được sự tín nhiệm, do đó đã bị tước binh quyền. Ngoài ra chức vụ Đô đốc Thủy sư cũng bị bãi miễn, chiến thuyền cũng bị tiêu hủy hết, để biểu đạt rằng triều đình không để ý đến vùng đất phía nam này. Trong lúc không được trọng dụng, ngoài thời gian xử lý việc chính sự, Thi Lang bắt đầu đọc sách lịch sử của các triều đại trước, nghiên cứu các giáo huấn thành bại từ xưa đến nay, học tập những sự tích về lời ăn tiếng nói của bậc hiền thần đời trước, tu dưỡng tài đức của bản thân. Đồng thời, ông cũng biết rằng, nếu không bình Đài Loan, việc xâm phạm biên giới chưa được diệt trừ, cho nên dù lâm vào đường cùng nhưng ý chí vẫn rất mạnh mẽ, ngay cả lúc đi hay đứng, không khi nào ông quên ý chí báo thù. 

Đợi đến năm Khang Hy thứ 20 (1681), Khang Hy nhận được báo cáo bí mật từ Diêu Khải Thánh, một biến cố lớn đã xảy đến đối với tập đoàn Minh Trịnh. Tháng Giêng năm đó Trịnh Kinh ốm chết vì bệnh, nhóm người đại tướng Phùng Tích Phạm phát động chính biến, treo cổ con trai trưởng Trịnh Chi, ủng hộ lập con trai thứ là Trịnh Khắc Sảng 12 tuổi lên kế nhiệm. 

Quận vương tuổi còn trẻ, nội tình tất có loạn, là thời cơ tốt để quân Thanh xuất binh. Cùng với việc hủy Tam phiên thành công, trong nước ổn định, Hoàng đế Khang Hy đã tận dụng thời cơ này, huy động quân đội bình định Đài Loan. Ông sai Tổng đốc Diêu Khải Thánh, Tuần phủ Ngô Hưng Tộ cùng những người khác tùy thời cơ mà ứng biến, chuẩn bị đánh chiếm Bành Hồ và Đài Loan. Đồng thời ông cũng dặn dò “Lấy việc tiến hành đồng thời cả ngoại giao và quân sự làm nền tảng định biên cương”. 

Ngay sau đó, Diêu Khải Thánh cùng học sĩ nội các Lý Quang Địa ra sức tiến cử Thi Lang góp sức lần nữa. Thời điểm đó, trong triều cũng có không ít người phản đối việc tiến đánh Đài Loan, cũng phản đối việc trọng dụng Thi Lang, Hoàng đế Khang Hy vẫn kiên quyết bác bỏ ý kiến bài trừ của quan đại thần, bổ nhiệm Thi Lang làm Đô đốc Thủy sư, gia phong Thái tử Thiếu Bảo, để cho thấy vinh dự và sủng ái của mình. Mặc dù năm đó Thi Lang đã ngoài 60 tuổi nhưng ý chí báo thù và đền nợ nước vẫn vững như bàn thạch, đầu bạc vẫn không từ, đối diện với nghi vấn của triều thần, ông vẫn hùng hồn tường thuật ưu thế quân Thanh tấn công Trịnh Thị cùng với niềm tin tất thắng của mình. Hoàng đế Khang Hy nghe xong cũng vô cùng cảm động và càng thêm tín nhiệm Thi Lang hơn. 

Ở tiền tuyến, Diêu Khải Thánh thành lập một đội hải quân được đào tạo bài bản và dũng mãnh thiện chiến, trục xuất quân Trịnh ra khỏi Phúc Kiến, Quảng Đông. Thi Lang rất có mắt nhìn xa, trước khi đi nhậm chức liền thỉnh cầu hoàng đế Khang Hy đặc biệt cắt cử một thị vệ đi theo chinh chiến, để có thể khởi tác dụng đưa tin kịp thời. Tháng 10 năm Khang Hy thứ 20, Thi Lang đến Hạ Môn, Phúc Kiến. 

Trước khi xung trận, cả Thi Lang và Diêu Khải Thánh đều có quyền điều binh, vì để tránh vào lúc quan trọng lại bị quan viên cản tay, Thi Lang đã mạnh dạn xin Hoàng đế cấp cho quyền đặc nhiệm, lúc đó không được phê chuẩn. Tiếp theo, Thi và Diêu, kế hoạch tác chiến của hai người quả nhiên khác nhau, một người chủ trương mượn gió phương Nam tiến đánh Bành Hồ, một người chủ trương mượn gió phương Bắc tấn công Đài Loan, do đó điều động quân đến Bành Hồ trở nên chậm chạp và không thể bắt đầu. Tháng 3 và tháng 7 năm Khang Hy 21, Thi Lang đã gửi đi hai bản tấu, khẩn thiết cầu xin ban cho quyền một mình chỉ huy. Sau khi thận trọng cân nhắc, Hoàng đế Khang Hy đã dành cho Thi Lang sự tín nhiệm lớn nhất, trao toàn quyền để ông điều hành việc bình định Trịnh Thị. 

Đại chiến Bành Hồ

Thi Lang nói: “Thần năm nay đã 62 tuổi, khí huyết không suy, còn có thể đủ đền nợ nước. Hiện tại nếu không cho thần cơ hội tiêu diệt Trịnh Thị, qua mấy năm nữa thần tuổi già không dùng được, e rằng thời gian không đợi thần nữa, lần này xuất binh thề phải bình định được địch”. 

Ảnh: Phạm vi công cộng.

Về phía quân Minh Trịnh, tháng 9 năm Khang Hy thứ 20, họ đưa trọng binh đóng quân ở Bành Hồ, bố trí trận địa sẵn sàng đón địch, tướng quân trấn thủ nơi đây là Lưu Quốc Hiên. Quân Trịnh ở Bành Hồ rất có ưu thế địa lợi, đội thuyền dễ dàng vào bờ trú ẩn, biện pháp phòng ngự cũng được bố trí trùng trùng điệp điệp. Tại eo biển bờ bên kia cũng nắm chặt việc đóng thuyền luyện binh, xây dựng đội thủy quân bình định thuyền cứng pháo lợi. 

Ngày 14 tháng 6 năm Khang Hy thứ 22, hơn 2 vạn quân Thanh cùng hơn hai trăm chiến thuyền bắt đầu xuất phát từ Tống Sơn, ngụy trang như một ngọn núi nhỏ, nghiêm khắc nhìn quân Trịnh. Rạng sáng ngày 16, gió biển thổi đưa chiến hạm lớn nhỏ dịch chuyển, tiếng trống rung trời động đất, Thi Lang chỉ huy đội thủy quân lớn mạnh của triều đại nhà Thanh, bắt đầu tấn công đảo Bành Hồ. 

Vì để khích lệ sĩ khí tướng lĩnh anh dũng giết địch, Thi Lang đã viết tên của các tướng trên mỗi chiếc thuyền, kiểm tra tình hình chiến đấu của mỗi thuyền với tư cách làm căn cứ để thưởng phạt. Ngay khi mở màn đã thực hiện trận đánh ác liệt. Đội tiên phong của Thi Lang, chỉ có Tướng Lam Lý dẫn đầu 7 chiến thuyền đột nhập vào quân Trịnh. Lúc này trên biển xuất hiện thủy triều, đội tiên phong bị dòng chảy xiết xông đến khiến tán loạn, quân Trịnh chớp thời điểm này phân thành hai cánh quân phản kích. 

Thấy tình thế bất lợi, Thi Lang tự mình nhảy vào lớp lớp vòng vây để cứu viện Lam Lý. Trong lúc đánh nhau ác liệt, hỏa lực tấn công khiến Lam Lý bị thương, bụng vỡ lòi ruột, sau khi khâu vết thương, vẫn tiếp tục hô lớn giết tặc, hào khí không hề nao núng. Mắt phải của Thi Lang cũng bị thương do tên bắn trúng. May được viện quân ứng cứu kịp thời, hai người mới có thể thoát hiểm. Đêm đó, Thi Lang cho quân dừng lại ở đảo Bát Tráo nghỉ ngơi, điều trị vết thương. 

Ngày 18, Thị Lang dùng áo giáp băng lấy đầu, triệu tập chư tướng, theo như luật tiến hành thưởng phạt. Ông ban thưởng lớn cho Lam Lý cùng đội quân tiếp viện, định đem tướng lãnh lùi bước trong chiến đấu ra xử trảm, nhưng họ đã quỳ gối cầu xin tha mạng nên Thi Lang đã cho họ cơ hội lập công chuộc tội. Một lần nữa, Thi Lang lại bố trí kế hoạch tác chiến. Sĩ khí quân Thanh được phục hồi, rất nhanh đã chiếm được hòn đảo nhỏ Hổ Tỉnh. 

Ngày 19, do thiếu nước ngọt trên đảo, Thi Lang đã đi thuyền một mình để tìm kiếm nguồn nước. Sau khi thăm dò, ông ra lệnh cho binh lính của mình đào một cái giếng, và ông đã thực sự đào được một suối nước ngọt. Ngày 22, Thi Lang tiến hành thực hiện tuyên thệ trước khi xuất quân, chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng. Ông chia quân thành 8 đội xuất kích, mỗi đội 7 thuyền, tự thống nhất và điều khiển, lưu lại hơn 80 chiến thuyền với tư cách là dự phòng chi viện. 

Trước khi xuất chinh, trên biển bỗng nhiên xuất hiện cơn gió Tây Bắc lạnh thấu xương, phá vỡ kế hoạch mượn gió Nam tấn công Bành Hồ. Xuất quân bất lợi, các tướng sĩ đều nơm nớp lo sợ đến nỗi hai chân phát run. Đúng lúc này, Thi Lang hướng lên trời cầu xin: “Hy vọng Thượng Thiên Thần minh cùng Hoàng Thượng phù hộ, trợ giúp quân ta thuận lợi khắc chế địch”. Lời vừa dứt, gió bất ngờ đổi hướng xoay ngược lại, đại quân gặp thần tích, cũng được khích lệ thêm tinh thần. 

Về phương thức tác chiến cụ thể, Thi Lang căn cứ vào thực lực của quân đội hai bên và áp dụng trận đồ “Ngũ hoa mai”, tức 5 chiến thuyền kết thành đội để tấn công 1 thuyền của địch. Đã có thiên thời cùng trận pháp giúp đỡ, quân Thanh đại hiển thần uy trên biển. Các tướng sĩ thêm phần anh dũng giết địch, cuộc chiến diễn ra từ sáng sớm đến trưa, nước biển bị máu nhuộm đỏ. Cuối cùng, quân Trịnh đã hoàn toàn bị đánh bại, Lưu Quốc Hiên thấy tình thế thất bại liền lên thuyền nhỏ tháo chạy về Đài Loan. Vậy là chiến sự Bành Hồ đã được giải quyết. 

Sau khi đại chiến qua đi, Thi Lang đã buông xuống ân oán cá nhân, cũng không tiếp tục truy kích để đuổi cùng giết tận Trịnh Thị, mà thực hiện theo chỉ dụ của Khang Hy, tập trung trấn an lòng dân. Sau mấy lần đàm phán, ngày 15 tháng 7, Trịnh Khắc Sảng đã đầu hàng, ngày 18 tháng 8 cạo tóc theo kiểu của nhà Thanh, chính quyền Minh Trịnh đã chính thức kết thúc. 

Sau khi Thi Lang thắng trận còn đích thân đến miếu bái tế Trịnh Thành Công, giải thích trong nước mắt rằng bản thân xuất quân chinh phạt Đài Loan là bởi trung hiếu với triều đình và báo thù cho cha và anh. Ông đối với Trịnh Thị, mặc dù trở thành thù địch nhưng vẫn không quên ân nghĩa thần chủ, không giết một người nào của gia tộc Trịnh Thị. Sau khi nghe tin, dân chúng địa phương đều vui mừng nói: “Cũng là báo thù cha, cách làm của Thi Lang lại sáng suốt hơn nhiều so với Ngũ Tử Tư”. 

Ngũ Tử Tư là tướng lĩnh của nước Ngô thời Xuân Thu, Vua nước Sở đã giết chết cha cùng huynh đệ của Ngũ Tử Tư, sau khi trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ, cuối cùng ông đã diệt được nước Sở, lúc đó ông ta phải đào mộ Sở vương lên, dùng roi đánh lên thi thể 300 cái mới bằng lòng bỏ qua. Cho nên, thái độ và ý chí của Thi Lang đối với Trịnh Thị không khỏi khiến người cảm động. 

Nắm giữ hay buông bỏ?

Thi Lang nói: “Thần cho rằng, nếu buông bỏ Đài Loan sẽ gây thành đại họa, giữ vững Đài Loan mới có thể giúp cho vùng biên giới kiên cố vĩnh viễn”. 

Vào ngày 22 tháng 6 năm Khang Hy thứ 22 (1683), mọi người đến cung Thiên Phi dâng hương và thấy được cảnh tượng thần kỳ: “Áo bào của Thiên Phi ướt đẫm, trên tay của của hai vị hộ vệ đều nổi bọt. Chuyện này càng truyền càng rộng, khiến người đến xem như nước thủy triều. Mà khi ở trên biển, Thi Lang dẫn quân Thanh tiến đánh Bành Hồ, lúc tác chiến, các tướng sĩ đã tận mắt chứng kiến, hình ảnh Thiên Phi đang trông chừng họ ở trên trời, thế là mỗi người như được tiếp thêm sức lực, tinh thần phấn chấn, anh dũng giết địch. 

Việc Hoàng đế Khang Hy tái sử dụng Thi Lang để bình định Đài Loan không chỉ là một quyết định sáng suốt, mà còn là một trận chiến chính nghĩa được Thần linh phù hộ. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Khi tin tức đại thắng của Thi Lang truyền ra, mọi người mới bừng ngộ: “Đây là Thiên Phi nương nương dẫn chúng Tiên thi triển thần thông trên biển, phù hộ quân Thanh đánh thắng trận này. Thiên Phi nương nương là Mẹ tổ, là vị Thần được dân chúng vùng duyên hải Đông Nam thờ phụng, được coi là vị Thần hộ mệnh trên biển. 

Sự phù hộ của Thiên Phi nương nương không chỉ dừng lại ở đó, khi đội quân của Thi Lang phải đóng quân trên đảo Bát Tráo và Hổ Tỉnh, nơi vốn thiếu nước ngọt, tuy nhiên mỗi lần Thi Lang khảo sát và cho đào giếng thì chỉ cần đào sâu xuống lòng đất hơn một thước liền thấy nước ngọt phun ra, đủ để tiếp tế cho quân đội. Sau khi Thi Lang tiến vào chiếm giữ Đài Loan, chỗ nguồn nước đó liền đột nhiên biến mất. 

Trước khi phá được Bành Hồ, có quan viên mộng thấy Mẹ tổ hiển thánh, nói cho ông biết: “Các người sẽ chinh phục được Bành Hồ vào ngày 21, tháng 7 có thể bình định Đài Loan”. Hóa ra, việc hoàng đế Khang Hy trọng dụng Thi Lang, bình định Đài Loan, đây không chỉ là quyết sách anh minh, mà còn là cuộc chiến chính nghĩa được Thần trợ giúp. 

Khi tin tức bình định Đài Loan thành công được truyền về kinh thành, Hoàng đế Khang Hy vô cùng vui mừng, lúc luận công ban thưởng đã phong cho Thi Lang làm Tướng quân Tĩnh Hải, phong làm Tĩnh Hải hầu, không thừa kế tước vị cho đời tiếp theo. Thuộc hạ được phong thưởng trên cơ sở, tướng lĩnh được thăng một cấp, binh lính mỗi người đều được nhận khen thưởng, để biểu thị khen thưởng đặc biệt đối với chiến công của thủy quân. 

Tiếp đến là vấn đề chính sách đối với Đài Loan. Thái độ của triều thần cũng chia thành 2 phái, một bên cho rằng Đài Loan là mảnh đất cô lập trên biển nên rất dễ sinh đạo tặc, muốn di dời dân chúng địa phương đi và không cần thống trị vùng đất này. Thi Lang lại nhấn mạnh cần nắm giữ Đài Loan cho thật vững. Năm Khang Hy 23 (1685), ông đã trình một bản tấu nói rõ nguy hại khi vứt bỏ Đài Loan và cho rằng đây là vùng đất có địa thế chiến lược trọng yếu, nếu không quản sẽ phát sinh hậu quả xấu. 

Thi Lang cho rằng, cảng biển Đài Loan quanh co, địa thế hiểm yếu, có lợi thế đặc biệt “căng buồm ra tứ phía”, là cửa ngõ và bình phong của 4 tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến và Quảng Đông. Hơn nữa dân cư địa phương đông đúc, đất đai phì nhiêu, sản vật dồi dào, vô cùng phồn vinh. Từ góc độ cấu trúc thế giới, việc từ bỏ không quản Đài Loan, mảnh đất này sẽ bị người Hà Lan chiếm đóng, đem đến ảnh hưởng bất lợi đối với sự yên ổn vùng biển đảo của triều đại nhà Thanh. 

Hoàng đế Khang Hy rất coi trọng việc này nên đã triệu tập quần thần để thảo luận về việc thành lập một hệ thống chế độ ở Đài Loan. Trên cơ sở hoạt động của Trịnh, Hoàng đế Khang Hy đã thiết lập một phủ và ba huyện ở Đài Loan, đó là huyện Đài Loan, huyện Phượng Sơn, huyện Chư La, đồng thời thiết lập một bộ phận thanh tra trên đảo Bành Hồ. Đến thời điểm này, Đài Loan đã được đưa vào bản đồ lãnh thổ của triều đại nhà Thanh. Điều này cho thấy, một lần nữa Khang Hy là người rất biết dùng người, đồng thời là người có con mắt nhìn xa trông rộng của bậc đại trí lo xa. 

Tác giả: Tiểu tổ văn hóa – Epoch Times
San San biên dịch

Exit mobile version