Đại Kỷ Nguyên

Ngôi sao điện ảnh Vương Oánh và chồng vì sao bị tống vào Tần Thành?

Ảnh: Trăm năm chân tướng

Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Ngôi sao điện ảnh và truyền hình nổi tiếng Vương Oánh và chồng bà là Tạ Hòa Canh đều là những gián điệp cấp cao của ĐCSTQ, họ đã phục vụ ĐCSTQ ở cả Trung Quốc và Mỹ, đã có những cống hiến quan trọng cho ĐCSTQ. Nhưng trong cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài mười năm, cả hai người đều bị tống vào Nhà tù Tần Thành, bị ĐCSTQ bức hại thê thảm. Một người chết trong tù, người kia gần như bị tâm thần.

Hôm nay, dựa trên “Tiểu sử của Tạ Hòa Canh”, tôi sẽ kể về quá khứ của ngôi sao điện ảnh nổi tiếng Vương Oánh và chồng.

Quân cờ chiến lược do ĐCSTQ bố trí

Trước tiên hãy nói về chồng của Vương Oánh, Tạ Hòa Canh. Tạ Hòa Canh sinh năm 1912 trong một gia đình trí thức ở Quế Lâm, Quảng Tây, những năm đầu đời ông học tại Đại học Trung Quốc ở Bắc Bình; cuối năm 1932, ông chạy tới Mặt trận chống Nhật Sát Ha Nhĩ, gia nhập Quân đội Tây Bắc do Phùng Ngọc Tường chỉ huy; ông bí mật gia nhập ĐCSTQ năm 1933, giữ chức thư ký của Quân trưởng Cát Hồng Xương.

Sau thất bại của kháng chiến chống Nhật Sát Ha Nhĩ, Cục phía Bắc của ĐSCTQ phái Tạ Hòa Canh trở về quê hương ở Quảng Tây, lợi dụng ảnh hưởng của gia tộc để thâm nhập vào cơ quan lãnh đạo thượng tầng của quân phiệt Quảng Tây.

Trước khi rời đi, Cục phía Bắc đặc biệt chỉ thị cho ông: Thứ nhất, sau khi tạo dựng được chỗ đứng, điều tra nghiên cứu tình huống quân chính của thượng tầng Quảng Tây; Thứ hai, cố gắng tiếp cận Lý Tông Nhân, Bạch Sùng Hy; Thứ ba, bí mật triển khai công tác tuyên truyền, cổ động; Thứ tư, hàng tháng hoặc hai tháng, viết một lá thư gửi cho người quản lý khách sạn Cát Hồng Xương, Thiên Tân, tùy tiện nói vài câu vô nghĩa về cuộc sống, không cần nói tên thật, ngay cả khi liên hệ của tổ chức chưa bị mất; Thứ năm, tính chất của công tác này là tuyệt mật, không được để ai phát hiện bản thân là đảng viên Cộng sản, chỉ có thể liên lạc đơn tuyến, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Chu Ân Lai, Lý Khắc Nông. 

Sau khi Tạ Hòa Canh trở về Quảng Tây, với những lá thư giới thiệu từ Trì Cát Hồng Xương và Phùng Ngọc Tường, ông đã thiết lập liên lạc với Lý Tông Nhân và Bạch Tông Hy, những lãnh đạo phái Quảng Tây của Quốc dân đảng, được công nhận và đánh giá cao.

Ông cũng phụng mệnh của ĐCSTQ kết hôn với Đỗ Vinh, em họ của Mã Bội Chương, phu nhân của Bạch Sùng Hy, giành được sự tin tưởng sâu hơn từ Bạch Sùng Hy, phó tổng tham mưu trưởng Quân ủy Chính phủ Quốc dân đảng.

Trong mười năm sau đó, ông lần lượt giữ chức vụ bí thư cơ yếu của Bạch Sùng Hy, bí thư Hội nghị quốc phòng tại Đại bản doanh của Tưởng Giới Thạch, thư ký Quân ủy trung ương Quốc dân đảng, bí thư của Tư lệnh Chiến khu thứ năm Lý Tông Nhân, giám đốc kiêm bí thư trưởng Hiệp hội Cứu quốc Hồi giáo Quốc gia, đồng thời là hiệu trưởng Cục Giáo dục Du lịch Thời chiến Tây Bắc thuộc Cục Huấn luyện Quân sự, bí thư trại Quế Lâm.

Trong thời gian này, ông lợi dụng thân phận bí thư của mình để thiết lập mối liên lạc với nhiều tướng lĩnh cấp cao của phái Quảng Tây Quốc dân đảng, thu được một lượng lớn thông tin quan trọng, sau đó bí mật báo cáo cho ĐCSTQ.

Suy cho cùng, cuộc hôn nhân giữa Tạ Hòa Canh và Đỗ Vinh là một cuộc hôn nhân chính trị. Hai người chí bất đồng đạo bất hợp, kết hôn chưa đầy một năm thì ly thân. Sau đó, Tạ Hòa Canh phải lòng Vương Oánh, một ngôi sao điện ảnh từng lưu diễn ở Quảng Tây.

Tuy nhiên, để tiến hành thống chiến đối với Bạch Sùng Hy và các quan chức cấp cao khác của Quốc dân đảng, Chu Ân Lai lần lượt tìm đến Tạ Hòa Canh và Vương Oánh nói chuyện, rằng yêu cũng được, nhưng Tạ không được phép chấm dứt hôn ước với Đỗ Vinh.

Lại nói, Vương Oánh là ai? Thân phận công khai của bà là diễn viên, nhưng thân phận bí mật lại là một đảng viên ngầm. Chồng cũ của bà, Kim Sơn, là một ngôi sao điện ảnh ở Thượng Hải, cũng là đảng viên ngầm của ĐCSTQ, thân phận của họ chỉ có Chu Ân Lai và một số người khác biết. Quay ngược trở lại xa hơn, chồng đầu tiên của bà, Viên Thù, là một điệp viên một thân kiêm năm nhà: Trung Cộng, chính phủ Uông Ngụy, Quốc dân đảng Trung thống, Quốc dân đảng Quân thống, làm gián điệp năm mặt.

Gián điệp cấp cao được Chu Ân Lai phái tới

Vào tháng 5 năm 1942, dưới sự sắp xếp cá nhân của Chu Ân Lai, Tạ Hòa Canh đi từ Trùng Khánh qua Ấn Độ đến Mỹ để du học với danh nghĩa “du học sinh được tuyển chọn” của chính phủ Quốc dân đảng, nhưng trên thực tế là đi Mỹ làm công tác thống chiến bí mật cho ĐCSTQ. Tình nhân của ông, Vương Oánh đi cùng.

Trước khi họ lên đường sang Mỹ, Chu Ân Lai dặn dò cụ thể: “Chỉ (Diệp) Kiếm Anh, Đổng lão (tức Đổng Tất Vũ), (Đặng) Dĩnh Siêu, (Lý) Khắc Nông và La Thanh Trường mới biết về mối quan hệ tổ chức của Tạ… Vì vậy, các bạn sau khi đến Mỹ… tuyệt đối không được tiết lộ thân phận đảng viên của mình.”

Tạ Hòa Canh học tại Học viện Sự vụ Thế giới Mỹ, và Trường Cao học của Đại học Bang Philadelphia, đồng thời giữ chức quyền tổng biên tập “Tân báo New York”, một tờ báo tiếng Hoa ở nước ngoài, âm thầm thay ĐCSTQ làm công tác tuyên truyền, thống chiến, và thu thập thông tin tình báo.

Vương Oánh học tại Đại học Yale và Trường múa Duncan. Trong thời gian này, bà có liên hệ với một số nhân vật nổi tiếng trong văn hóa tả khuynh ở Mỹ, chẳng hạn như Smedley. Bà cũng giúp Smedley soạn thảo tiểu sử của Chu Đức.

Chu Ân Lai từng đặc biệt nói với họ rằng họ phải làm việc chăm chỉ để giành được sự ủng hộ của người đoạt giải Nobel và nữ nhà văn nổi tiếng người Mỹ Pearl Buck.

Sau khi đến Mỹ, họ nhanh chóng làm quen với Pearl Buck với thân phận là sinh viên Trung Quốc. Sau khi gặp Pearl Buck lần đầu tiên, Pearl đã nồng nhiệt mời Vương đến sống trong Trang trại Thanh Sơn biệt dã của mình trong hơn mười ngày. Kể từ đó trở đi, bất cứ khi nào có ngày nghỉ, Pearl Buck luôn mời Vương và Tạ đến ở trang trại Thanh Sơn một thời gian. Tác phẩm tự truyện đầu tiên “Bảo Cô” của Vương Oánh được viết tại nhà của Pearl Buck.

Với sự hỗ trợ của Pearl Buck, họ đã trở thành những nhà quảng cáo sống cho ĐCSTQ ở Hoa Kỳ, tổ chức họp báo, chạy báo, diễn thuyết, ca hát, xuất bản sách, v.v. bận rộn không ngơi nghỉ.

Họ thậm chí còn mở buổi diễn xướng đến Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Roosevelt cùng vợ, các con của họ, các quan chức cấp cao khác của Nhà Trắng và các nhà ngoại giao từ nhiều quốc gia đóng quân tại Mỹ đều đến xem buổi biểu diễn.

Bà Roosevelt cũng lên sân khấu để trực tiếp bày tỏ lòng biết ơn và chụp ảnh chung với Vương Oánh. Đây là khoảnh khắc huy hoàng nhất của Vương Oánh ở Mỹ.

Gián điệp ĐCSTQ đổi lấy tù binh Mỹ

Năm 1950, Chiến tranh Triều Tiên nổ ra, Trung Quốc và Mỹ đối đầu nhau trên chiến trường Triều Tiên, hai nước trở thành thù địch. Điều này khiến hai vợ chồng Tạ Hòa Canh, những người muốn trở về Trung Quốc đã lâu, không thể về nước thông qua các kênh chính thường.

Năm 1954, vì thân phận “đảng viên ĐCSTQ” bị bại lộ, vợ chồng Tạ Hòa Canh bị Sở Di trú Mỹ bắt giữ, giam trong Nhà tù Đảo Iris.

Sau khi Chu Ân Lai biết tin, ông ta đã nỗ lực hòa giải thông qua đại sứ Ấn Độ tại Mỹ, cuối cùng đạt được thỏa thuận trao đổi tù nhân: ĐCSTQ trao đổi tù binh chiến tranh Mỹ lấy vợ chồng Tạ Hòa Canh.

Vào ngày Giáng sinh năm 1954, Tạ Hòa Canh và vợ, người đã ở Mỹ được 13 năm, trở về Thâm Quyến; Liệu Thừa Chí, khi đó là phó bộ trưởng Bộ Thống chiến Trung ương ĐCSTQ, đã phái người đến nghênh tiếp họ.

Vào ngày đầu năm mới năm 1955, Tạ Hòa Canh và Vương Oánh tới Bắc Kinh, được Thủ tướng Chu Ân Lai và phó chủ tịch Chính hiệp Toàn quốc Đổng Tất Võ tiếp đón.

Chu Ân Lai nói: “Ông và phu nhân đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh được đảng giao phó, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng.”

Tạ Hòa Canh bị dán nhãn cánh hữu

Sau khi trở về Trung Quốc, Tạ Hòa Canh được bổ nhiệm vào ban biên tập của tờ “Tri thức thế giới” với tư cách là biên tập viên cấp cao và tổ trưởng tổ Âu Mỹ, sau đó được chuyển đến Bộ Ngoại giao công tác; Vương Oánh được phân công làm biên kịch tại Hãng phim Bắc Kinh.

Mùa xuân năm 1957, Mao Trạch Đông kêu gọi phần tử trí thức giúp đảng chỉnh phong, hứa hẹn “người lên tiếng vô tội”. Tạ Hòa Canh tin đó là thật, không chịu nghe lời khuyên can của Vương Oánh. Ông đăng báo chữ lớn phản đối chủ nghĩa quan liêu, kêu gọi bảo vệ các cổng chào cổ tích, mở cửa cho dân chúng đến tham quan những dinh thự, vườn tược tịch thu từ các đại địa chủ, quan lại lớn, tư bản lớn và các tầng lớp buôn bán lớn, hoặc biến chúng thành nhà trẻ, nhà dưỡng lão, trung tâm văn hóa.

Ông cũng đề cập cụ thể rằng ngay cả Trung Nam Hải cũng phải mở cửa cho người dân. Bởi vì năm 1925, dưới thời chính quyền Đoàn Kỳ Thụy, Bắc Hải được mở cửa; năm 1929, khi Quốc dân đảng cai trị Bắc Kinh, Trung Nam Hải cũng được mở cửa. Bây giờ nó được lãnh đạo bởi đảng Cộng sản. Đảng Cộng sản nói “hết lòng phục vụ nhân dân”, nên Trung Nam Hải nên cởi mở với nhân dân. Việc lãnh đạo ĐCSTQ chiếm cứ di tích lịch sử này là không đúng.

Vì đăng báo chữ lớn lớn nói lên lời thật này, Tạ Hòa Canh bị dán nhãn là “cánh hữu” phản đảng, bị đưa đến Bắc Đại Hoang cải tạo lao động.

Khi đó, Tạ Hòa Canh đã ngoài 40 tuổi, thân thể không khỏe, ông phải chống gậy để đi lại. Thanh niên đào đất và vác thúng, ông chỉ có thể sửa chữa những chiếc thúng đã cũ.

Một ngày nọ, Tạ Hòa Canh đang nhặt lá rau thối từ đống rác phía sau bếp, một người bạn tù hỏi: “Nhặt cái này lên có ích gì?” Ông cười ngượng nghịu và nói: “Luộc nó trong nước sôi là có thể ăn được, nó có chứa vitamin.”

Vợ chồng sánh đôi vào nhà tù Tần Thành

Sau khi Tạ Hòa Canh bị dán nhãn cánh hữu, Vương Oánh tự cảm thấy đại họa khả năng sắp giáng xuống, bà nghĩ, chống cự không nổi, trốn tránh được không? Vì vậy, bà trốn trong căn nhà hai gian ở Lang Kiến Câu, núi Hương Sơn, ngoại ô phía tây Bắc Kinh.

Một năm sau, Tạ Hòa Canh trở lại Bắc Kinh, hai vợ chồng sống ở Lang Kiến Câu, một khu vực hiếm dân cư. Họ muốn sống một cuộc sống yên tĩnh tách biệt với thế giới.

Tuy nhiên, vào tháng 5 năm 1966, Cách mạng Văn hóa nổ ra. Từ trên cao tầng xuống dưới thường dân, những người có văn hóa lớn lớn nhỏ nhỏ hầu như đều là đối tượng của cách mạng.

Vào ngày 1 tháng 7 năm 1967, hàng chục Hồng vệ binh đeo băng tay đỏ bất ngờ đột nhập vào Lang Kiến Câu, lục soát nhà của họ và bắt giữ Tạ Hòa Canh. Sau nhiều tháng bị tra tấn bức cung, cả hai bị tống vào Nhà tù Tần Thành. Tạ Hòa Canh bị buộc tội là “phần tử cánh hữu”, và Vương Oánh bị buộc tội là “minh tinh đen” và “đặc vụ Mỹ”.

Vương Oánh bị tra tấn cho đến khi hai chân bị tê liệt, toàn thân co giật và không thể nói được. Năm 1974, Vương Oánh chưa đầy 61 tuổi qua đời, được chôn cất tại Mộ tập thể Hương Sơn.

Một năm sau, Tạ Hòa Canh mới nhận được giấy báo tử của Vương Oánh, trên đó không có tên, chỉ có mã số: 6742. Tạ Hòa Canh bị đột quỵ tại chỗ, ngất xỉu trên mặt đất. Khi tỉnh dậy, mắt ông đờ đẫn, não bị kích thích cường liệt.

Năm 1975, khi Tạ Hòa Canh được trả tự do sau 8 năm ngồi tù, ông không thể tư duy như bình thường, không nói được, và bị điếc cả hai tai.

Tạ Hòa Canh bị dán nhãn cánh hữu, tại sao Vương Oánh lại cảm thấy đại họa đang đến?

Bởi vì vào những năm 1930, tại Thượng Hải, bà đã tranh diễn với một nữ diễn viên tên là Lam Bình cho vai diễn trong bộ phim “Trại Kim Hoa”, cuối cùng, bà trở thành vai chính và trở nên nổi tiếng ở Thượng Hải. Lam Bình bị đánh bại, vẫn giữ mối hận thù kể từ đó.

Mà Lam Bình sau này đã trở thành đệ nhất phu nhân của ĐCSTQ, vợ của Mao Trạch Đông, Giang Thanh.

Trong Cách mạng Văn hóa, Giang Thanh trở thành tổ phó Tiểu tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương, dưới một người trên tỷ người, có quyền tất dụng, có hận tất báo. Vương Oánh dù có nhũn nhặn đến đâu, cũng khó thoát khỏi nguy vận.

Phần kết luận

Khi đó, Tạ Hòa Canh và Vương Oánh gia nhập ĐCSTQ vì họ tin vào lời tuyên truyền cứu nước cứu dân của ĐCSTQ, đồng thời tin rằng ĐCSTQ là một đảng phấn đấu xây dựng một nước Trung Quốc mới tự do, dân chủ, thịnh vượng và hùng mạnh.

Họ tin rằng những lý tưởng cộng sản do ĐCSTQ tuyên dương chính xác là lý tưởng cá nhân của họ. Vì lý tưởng này, họ đã vào sinh ra tử vì ĐCSTQ trong hàng chục năm.

Nhưng sâu trong tư tưởng của họ, họ vẫn bảo lưu một số yếu tố của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Thời du học ở Mỹ, họ lấy “học vấn chân lý là sinh mệnh của tôi, vinh hoa phú quý đối với tôi chỉ là phù vân” làm phương châm sống của mình. Họ ghi nhớ câu nói của Mạnh Tử: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, ý tứ là nói, không được vì giàu có mà phóng túng; không vì nghèo khó mà lay chuyển ý chí của mình; không vì cường quyền mà chịu khuất phục. Ông còn bổ sung: “Chân lý bất năng ly, thành tựu bất năng cấp, tỏa chiết bất năng tức”, ý tứ là làm gì cũng không thể tách rời chân lý, muốn thành tựu không thể vội vàng, khi thất bại cũng không thể ngừng nghỉ.

Những lý niệm truyền thống này chính là cơ sở tư tưởng để Tạ Hòa Canh đăng báo chữ lớn phản đối ĐCSTQ.

Điều họ không bao giờ ngờ tới là ĐCSTQ không phải là một đảng kiến thiết, mà là một đảng chỉnh nhân, chỉnh đốn người ta bằng “đấu tranh tàn khốc, đả kích vô tình”. Cho dù trước đây bạn đã có bao nhiêu đóng góp to lớn cho ĐCSTQ, một khi chỉnh đến đầu bạn, chiếc mũ kia sẽ tùy tiện giáng xuống, và nếu muốn tăng thêm tội, thì nó sẽ không từ thủ đoạn nào.

Tại sao ĐCSTQ lại trở thành như thế?

Loạt bài xã luận “Cửu bình về Đảng Cộng sản” do The Epoch Times xuất bản đã tiết lộ câu trả lời cho điều bí ẩn: Cho dù bề ngoài những tuyên bố của ĐCSTQ có tô vẽ đến đâu, thì bản chất của nó vẫn luôn là “giả, ác, đấu”.

Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch

Exit mobile version