Từ xưa đến nay, chúng ta thường nghe nói, văn hóa Trung Hoa là văn hóa Thần truyền, với ý nghĩa rằng, văn hóa của dân tộc Trung Hoa cổ xưa là văn hóa do Thần truyền cấp cho con người.
Trong thời kỳ lịch sử đầu tiên của nền văn minh Trung Hoa, Tam Hoàng Ngũ đế là các vị vua huyền thoại trong lịch sử đã có công sáng lập và gây dựng nền móng cơ sở cho nền văn hóa nửa thần – nửa nhân của đất nước Thần Châu. Đây là thời kỳ đại đạo phát triển, muôn dân luôn tin tưởng và kính ngưỡng Thần Phật, luôn mang lòng biết ơn cảm tạ trời đất, tôn trọng đạo đức, muôn dân đều đoàn kết hòa hợp.
Bây giờ chúng ta hãy cùng tìm hiểu năm vị Ngũ đế đặt nền móng đầu tiên cho nền văn hóa thần truyền nổi tiếng khắp thế giới đó họ là những ai? Họ đã làm thế nào để giáo hóa người dân và lưu lại cơ sở đặc định ban đầu cho nền văn hóa thần truyền nổi tiếng trong lịch sử.
Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên, Ngũ đế bao gồm: Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Cốc, Đế Nghiêu và Đế Thuấn. Họ đều là những bậc thánh nhân phụng ý chỉ của thiên thượng, xuống nhân gian lấy đức để giáo dục cảm hóa người dân và là những tấm gương đạo đức mẫu mực.
1. Hoàng Đế
Hoàng Đế còn gọi là Hiên Viên Hoàng Đế, là một vị vua huyền thoại và anh hùng văn hoá Trung Hoa, được coi là thuỷ tổ của mọi người Hán. Hoàng Đế tên thật là Công Tôn Hiên Viên, là con của bà Phù Bửu. Mẹ ông đã nằm mơ thấy sao Bắc Đẩu rớt vào mình mà thụ thai sinh ra ông. Thuở nhỏ, ông rất thông minh, tín ngưỡng tin vào Thần Phật, khi còn bọc trong tã đã biết nói, lớn lên cần cù hiểu biết, sáng suốt.
Dưới sự giúp đỡ của thần binh thần tướng ông đã dẹp yên được quân của bộ tộc Cửu Lê đứng đầu là Xi Vưu chuyên chế hung tàn. Khi ông đến núi Thái Sơn cúng tế, đã xuất hiện hàng loạt những cảnh tượng vô cùng tráng lệ voi tới xe giá, giao long xuất hiện, thần mưa thần gió hiển linh, phượng hoàng bay trên trời, hổ báo phủ phục ở dưới. Do đó ông đã sáng tác nhạc khúc tên gọi “Thanh giác”, ca từ trong sáng cảm động tới tận tâm can người nghe, cảm động trời đất lưu truyền cho hậu thế. Ông thuận thiên hành đạo, có nhiều phát minh sáng tạo như làm nhà, đóng xe thuyền, may được quần áo ngũ sắc, chế kim chỉ nam, làm lịch, y thuật (Hoàng Đế nội kinh tương truyền là của Hoàng Đế và Kỳ Bá)
Lịch cổ Trung Quốc lấy mốc bắt đầu từ vua Hoàng Đế
Cũng theo truyền thuyết Hoàng Đế có người vợ tên là Luy Tổ là người đã dạy cho phụ nữ nuôi tằm, kéo tơ, dệt lụa.
Vào thời của ông người dân khiêm nhường hòa thuận, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, không có trộm cướp, hổ không ăn thịt người, chim muông côn trùng đều bị ông cảm hóa. Hoàng Đế cũng là người tu luyện đắc đạo. Sau khi Hoàng Đế băng hà, một đêm Rồng Thiêng đáp xuống tẩm cung đón Hoàng Đế lên trời. Để đáp lại công lao của ông, ông được phong thần.
Sách Thương Quân có viết: “Đời Thần Nông, con trai cày mà ăn, con gái dệt mà mặc, không dùng hành chính mà dân được được trị, không dấy binh đao mà làm vua thiên hạ. Vua Thần Nông mất rồi thì các bộ tộc nổi lên, mạnh hiếp yếu, đông hiếp ít, nên vua Hiên Viên Hoàng Đế mới bày ra nghĩa vua tôi, trật tự trên dưới, lễ cha con, anh em, và sự phối hợp vợ chồng” .
2. Chuyên Húc Đế
Chuyên Húc Đế là một người trầm tĩnh, uyên bác, có mưu lược, làm gì cũng thấu tình đạt lý. Ông ước tính bốn mùa thuận theo tự nhiên, thuận theo thiên lý để lập ra lễ nghĩa, thuận theo lý lẽ thời tiết bốn mùa và ngũ hành để giáo hóa muôn dân. Ông thông hiểu mọi việc, biết chăm sóc mọi vật, sử dụng đất đai và ghi chép thời tiết; chú trọng việc giáo hóa và định ra các chế độ. Dân các tộc phía bắc tới U Lăng, phía nam tới Giao Chỉ, phía tây tới Lưu Sa, phía đông tới Bàn Mộc đều quy thuận theo ông.
Chuyên Húc Đế còn hạ lệnh cho người sáng tác nhạc khúc “Thừa Vân”, với những thanh âm trong trẻo tuyệt vời nội dung ca ngợi vẻ đẹp của vạn sự vạn vật trong giới tự nhiên và khung cảnh tươi đẹp sống động của trời đất vào mùa xuân. Lại hạ lệnh cho người đúc một cái chuông lớn, tiếng chuông lanh lảnh, vang vọng lên tận trời xanh.
3. Đế Khốc
Đế Khốc, còn gọi là Đế Cốc, họ Cơ, tên Tuấn, hiệu Cao Tân thị, là một vị vua huyền thoại Trung Hoa, một trong Ngũ Đế. Theo “Ngũ Đế bản kỷ” Đế Khốc “Sinh ra đã là thần linh, tự nói tên mình, ban phát lợi vật ở khắp nơi, không nghĩ gì đến thân mình”.
Cũng theo Sử ký, ông là người nhân ái khiêm nhường, được thiên hạ theo về. Ông có khả năng tận dụng đất đai và tài nguyên, có tài lãnh đạo mọi người. Ông còn là người chế ra lịch phù hợp với quy luật sự vận động của mặt trời, mặt Trăng và thành kính thờ tế Thần Phật. Đế Khốc có thái độ nghiêm túc, phẩm chất cao thượng, ứng xử hợp tình hợp lý, không tạo ra sự chênh lệch lớn trong xã hội, do đó mọi người đều tuân theo. Ông sinh hoạt ăn mặc giản dị như người dân, yêu dân như con, luôn bảo vệ và giáo hóa họ, chỉ bảo dạy cho họ cách hành xử có đạo đức, dạy con người hướng tới thiện lương.
4. Nghiêu Đế
Theo “Sử ký”, Đế Nghiêu họ Kì, có tên là Phóng Huân, là con trai của Đế Khốc. Vì Nghiêu trước khi lên ngôi từng làm tù trưởng bộ lạc Đào, sau lại cải phong ở đất Đường nên có khi gọi kép là Đào Đường thị hoặc gọi là Đường Nghiêu.
Theo truyền thuyết, Nghiêu lên ngôi khi 20 tuổi, qua đời ở tuổi 79 và ông truyền ngôi cho Thuấn, người được ông gả cho hai cô con gái từ trước.
Phẩm chất và tài năng trí tuệ của Đế Nghêu rất phi phàm, theo Sử Ký ông được miêu tả như sau: “Ông là người nhân đức như một vị tiên, trí tuệ thông minh như một vị thần. Ở gần ông thấy tố chất của ông tỏa sáng như ở gần mặt trời, ở cách xa ông cũng cảm thấy sáng lạn như ở gần một đám mây.” Ông quan sát thiên văn, đặc định lịch theo quy luật của mặt trời và mặt trăng.
Ông còn giảng dạy đạo đức, giáo huấn thần dân lấy “ngũ điển” (năm chuẩn mực đạo đức) – bao gồm “Phụ nghĩa, mẫu từ, huynh hữu, đệ cung, tử hiếu” (dịch nghĩa: Người làm cha phải có những phẩm chất đạo đức và khả năng để có thể chịu trách nhiệm với xã hội với gia đình, người làm mẹ phải hiền từ hòa ái biết yêu thương gia đình, bạn bè với nhau phải thân thiện, anh em phải tôn kính cung thuận, đạo làm con phải hiếu thuận với cha mẹ) làm tiêu chuẩn đạo đức chỉ đạo hành vi của bản thân mình. Ông còn tự mình sáng tác nhạc vũ “Đại Chương” để cúng tế thần linh, ngụ ý lấy đức kính thiên, tiết tấu rất hòa nhã lại trang trọng.
Trong thiên Thái Bá sách Luận ngữ, Khổng Tử ca ngợi Đế Nghiêu: “Làm vua như Nghiêu thật là vĩ đại thay! Thật là cao quý thay! Chỉ có trời là cao lớn nhất, cũng chỉ có Nghiêu là người biết dựa vào đạo trời. Công đức của Nghiêu to lớn không cùng, dân chúng không thể ca ngợi cho xiết. Công lao của Nghiêu vô cùng vĩ đại. Chế độ lễ nhạc do Nghiêu đặt ra vô cùng sáng tỏ, chiếu tỏa hào quang khắp mọi nơi”
5. Thuấn Đế
Theo “Thượng Thư Thuấn Điển” từ thuở nhỏ Thuấn Đế là một người “thông minh, hiếu thảo, ôn hòa” .Tấm lòng hiếu thảo của ông vang vọng khắp thế gian, là tấm gương mẫu mực về lòng hiếu thuận. Cha của Thuấn Đế bị mù và là một con người rất hồ đồ. Mẹ ông là người rất hiền đức mất sớm, cha ông lấy vợ khác và sinh ra người con trai tên Tượng. Dù bị mẹ con Tượng và cả cha đối xử không tốt, tìm đủ mọi cách để mưu hại, nhưng Thuấn vẫn một mực hiếu thuận với cha mẹ, lấy thiện đối đãi với em trai, lấy đức báo oán, giữ đúng đạo làm con. Tấm lòng khoan dung độ lượng của ông cuối cùng đã cảm hóa được người nhà, giúp họ cải tà quy chính từ ác trở thành thiện.
Thuấn đối xử với tất cả mọi người đều khiêm tốn, hòa nhã, làm việc chuyên cần. Thời còn cày ruộng ở Lịch Sơn, Ngu Thuấn thường nhường cho người khác những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ vì ông coi trọng sự nhường nhịn và nhân nghĩa. Lúc làm gốm ở Hà Tân, ông không chỉ chú trọng chế tạo đồ gốm có chất lượng tốt mà còn thường giảng đạo lý cho mọi người để giải quyết những vụ việc tranh giành. Phàm là ông đến ở nơi nào thì đều có ảnh hưởng tốt đến người dân ở nơi đó.
Sau khi lên ngôi ông phát triển văn hóa lễ nhạc (là lễ nghi và âm nhạc, Lễ là cách bày tỏ sự tôn kính bằng cử chỉ hay bằng cúng tế với trời phât, cuộc lễ có nghi tiết. Nhạc: là âm nhạc dùng trong các buổi lễ quan trọng). Vua Thuấn còn tự mình sáng tác khúc “nhạc Thiều” để làm lễ nhạc cúng tế thần linh với thanh âm tao nhã trong trẻo được Đức Khổng Tử khen là “tận thiện, tận mỹ”. Nhạc Thiều là điệu nhạc của đời thịnh trị.
Qua việc giáo huấn bồi dưỡng đạo đức của Ngũ Đế trong lịch sử Trung Hoa, chúng ta có thể cảm nhận tại sao thời đó văn hóa Trung Quốc gọi là văn hóa thần truyền. Thời đại của Ngũ Đế trong lịch sử Trung Hoa là thời đại con người dùng đức để trị. Các bậc quân vương đều có phẩm chất cao thượng phù hợp với đạo lý của trời đất, con người đều kính ngưỡng tin vào Thần Phật, là thời đại cực thịnh, muôn dân đều được hòa vui no đủ, trở thành niềm mong ước của tất cả các đời đế vương sau này. Hàng trăm năm qua, thuận theo ý trời, tôn trọng đạo đức là những phẩm chất tốt đẹp mà con người luôn mong muốn tuân theo.
Kiên Định
Xem thêm