Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Tề Mẫn vương lại đến nước Lỗ, ông phái Di Duy đi trước thăm dò, Di Duy hỏi quốc vương nước Lỗ sẽ lấy lễ vật gì để tiếp đãi Tề Mẫn vương?

Quốc vương nước Lỗ nói: “Chúng tôi sẽ dùng 10 cỗ Thái lao để chuẩn bị tiếp ngài”. Thái lao là lễ tiết rất long trọng, chính là dùng một đầu heo, một con dê và một đầu trâu để tế tự, đây là lễ tiết vô cùng long trọng. Lỗ vương dùng 10 cỗ Thái lao để tiếp đãi Tề vương, trên thực tế là dùng lễ tiết tôn quý nhất để tiếp đãi.

Di Duy nói: “Tề Mẫn vương là Thiên tử, nếu ông định tiếp đãi Thiên tử bằng 10 cỗ Thái lao là không đủ. Ông làm thế nào đây? Ông nên tiếp đãi Thiên tử bằng lễ tiết Tuần thú. Tuần thú chính là ông ra khỏi chính cung; sau đó đưa chìa khoá (cung điện), sau đó chỉnh đốn y phục, xếp bàn, chuẩn bị thức ăn ở chỗ ngự thiện phòng. Khi Thiên tử ăn thì quốc vương phải ở bên ngoài, đứng chờ đó đợi khi Thiên tử ăn xong thì các ông mới có thể vào để làm tiếp việc của các ông”.

Lỗ vương khi đó bèn vứt chìa khoá nói: “Nước chúng tôi không tiếp được Thiên tử, cho nên các ông không cần phải tới”.

Thế là Tề Mẫn vương lại chạy đến nước Trâu, cũng là thuộc quốc của nước Tề. Quân vương nước Trâu vừa mới mất, tân vương kế vị. Di Duy nói: “Quốc vương nước tôi là Thiên tử, các người phải chuyển vị trí của quan tài, lập linh vị ở hướng bắc, để quân vương nước tôi hướng mặt về phía nam mà biểu thị thương cảm đau buồn, sau đó các ông nên làm thế này thế này…”.

Khi đó tân vương nước Trâu nói: “Nước chúng tôi nhỏ lắm, Thiên tử các người không cần đến đâu”. Kết quả cả ba lần, Tề Mẫn vương đều không tiến vào được thuộc quốc của mình.

Lão Tử giảng: “Biết người là trí, biết mình là minh” (1). Ý tứ là: Bạn có thể biết người khác, đây là người thông minh; bạn có thể liễu giải chính mình, đây là người đã minh bạch. Tề Mẫn vương hiển nhiên không phải là người tự biết mình.

Giáo sư Chương Thiên Lượng cảm thấy khi được người khác tôn trọng thì có hai nguyên nhân. Thứ nhất là người này có đạo đức vô cùng cao thượng, hoặc là người rất có trí huệ.

Loại tôn trọng này là không thể tước đoạt. Chính là giống như Khổng Tử, ông không có lương thực, cũng không có tiền, nhưng tại sao các đệ tử không một ai bỏ ông?

Bởi vì ông có sức hút của đạo đức và trí huệ. Còn có một hình thức để có được sự tôn trọng nữa, chính là dựa vào quyền lực và địa vị của bản thân. Dưới loại tình huống này, sự tôn trọng của mọi người với người này kỳ thực không phải là tôn trọng con người anh ta, mà là tôn trọng chức vụ, địa vị, quyền lực của người này. Thế thì một khi quyền lực và địa vị không còn, người khác liệu còn tôn trọng người đó nữa không?

Tề Mẫn vương không minh bạch sự tình này. Ông đào thoát ra ngoài; trong khi tông miếu, xã tắc, quyền lực, địa vị đều không có; ông còn dùng biện pháp nhục mạ người khác để đối đãi, thì làm gì còn có người tôn trọng ông đây? Tề Mẫn vương khi đó đã không còn đường đi, nước Tề khi đó còn hai thành chưa bị công hạ: một thành là Tức Mặc, thành còn lại là Cử. Tề Mẫn vương bèn trốn chạy đến Cử thành.

Tề Mẫn vương xem trong thiên hạ chỉ có nước Sở là chưa đánh ông ta, bèn đến nước Sở cầu cứu. Nước Sở phái tướng quân tên là Náo Xỉ ra đón. Sau khi Náo Xỉ đến Cử thành, Tề vương bèn bái anh ta làm Tướng quốc, kết quả Náo Xỉ không biết vì nguyên nhân gì mà sau khi đến Tề, Náo Xỉ lập tức giết chết Tề Mẫn vương.

Trong “Sử ký – Phạm thư sát trạch liệt truyện” có ghi lại: “Khi đó Náo Xỉ rút gân lột da, treo lên cột nhà, tổng cộng treo ba ngày, Tề vương mới tắt thở”.

Kết cục của Náo Xỉ cũng không vinh diệu gì hơn. Cử thành có một người tên là Vương Tôn Giả, khi đó chỉ mới 15 tuổi. Sau khi cậu ta cùng với Tề vương chạy trốn, vua tôi bị lạc ở nước Vệ, cậu ta bèn chạy về nhà. Mẹ cậu hỏi: “Tề vương ở đâu rồi?”, Vương Tôn Giả trả lời: “Khi lạc nhau, con không biết vua ở đâu thưa mẹ”. Mẹ cậu nói tiếp: “Con là con trai của ta, nếu từ sớm con đi, đến tối chưa về, thì ta phải ở cửa nhìn quanh bốn phía, chờ đợi con về. Nếu ban đêm con ra ngoài, sáng hôm sau vẫn chưa về, ta phải đến đầu hẻm chờ con. Mẫu thân chờ mong con như vậy, quốc vương mong ngóng con cũng với tâm tình như thế, cho nên ta hi vọng con sẽ quay lại tìm quân vương”.

Lời bạch: Dưới sự khuyên nhủ của mẹ, Vương Tôn Giả bắt đầu tìm kiếm Tề vương. Khi cậu nghe tin Tề vương đã bị Náo Xỉ giết, cậu ở trên đường lớn mà hô hào bách tính báo thù cho Tề vương. Khi đó có 400 người theo anh ta vào hoàng cung, họ đã chém chết Náo Xỉ khi hắn say rượu. Sau đó Vương Tôn Giả tìm thái tử Pháp Chương của nước Tề đang lánh nạn ở nhà Thái sử Hiểu, lập Pháp Chương làm vua – chính là Tề Tương vương.

Hiện tại nước Tề còn hai thành là Tức Mặc và Cử đều bị đại tướng quân Nhạc Nghị bao vây từng vòng từng vòng. Tổ tiên của Nhạc Nghị là Nhạc Dương, là người công hạ Trung Sơn năm đó (ở kỳ 31). Nhạc Nghị đã dùng cách của Nhạc Dương chính là: Vây mà không đánh (vi nhi bất công – 圍而不攻).

Nước Tề lúc này cần gấp một vị tướng quân có thể từ hai cô thành còn lại đánh ra, khôi phục quốc gia. Có người đã tiến cử một tướng tên là Điền Đan.

Điền Đan đã làm một vài việc. Việc thứ nhất là thu phục nhân tâm, ông đã đem hết thê thiếp, con cái của mình biên chế vào quân ngũ. Mỗi ngày ông đều cùng bách tính tu sửa xây dựng thành trì, xây dựng công sự, chuẩn bị vật tư tác chiến. Một việc khác là, do hai thành của nước Tề là cô thành (thành lẻ loi), mà Nhạc Nghị chỉ vây mà không công, nên Điền Đan cho rằng đây là cơ hội để thực hiện kế phản gián.

Khi đó Thái tử Nhạc Tư của nước Yên có quan hệ không tốt với Nhạc Nghị. Anh ta thấy Nhạc Nghị công thành mấy năm mà không công hạ, bèn nói với phụ thân: “Con nghe nói Nhạc Nghị ở nước Tề đã có được lòng dân, cho nên chỉ vây mà không đánh, là vì ông ta muốn làm Tề vương”.

Yên Chiêu vương đánh Thái tử một trận, nói: “Quả nhân ngậm đắng chờ đợi 28 năm là muốn khôi phục tông miếu xã tắc, san bằng tông miếu xã tắc của nước Tề, hiện tại Nhạc tướng quân đã giúp ta hoàn thành tâm nguyện này, không cần nói ông ta (Nhạc tướng quân) muốn làm Tề vương, chính là ngay cả nước Yên, ta đều muốn cùng ông ta cùng hưởng quốc thổ nước Yên, được hưởng quyền lực của quân vương nước Yên”.

Yên Chiêu vương đã phái 100 chiếc binh xa, đưa cho thê tử của Nhạc Nghị y phục của vương hậu, đưa cho con trai của Nhạc Nghị y phục của vương tử. 100 chiếc binh xa đến trước mặt Nhạc Nghị đưa chiếu, viết rằng: “Trẫm hiện tại bái khanh làm Tề vương”. Nhạc Nghị thấy Yên Chiêu vương tín nhiệm mình như thế, bèn quỳ xuống nói: “Thần dẫu chết cũng không thể nhận phong thưởng”.

Sứ giả báo lại cho Yên Chiêu vương, Yên Chiêu vương nói: “Ta biết Nhạc Nghị không phải là người tham muốn danh lợi, ông ta nhất định sẽ có cách nghĩ của ông ta”. Nhưng Yên Chiêu vương rất nhanh sau đó bệnh chết, sau đó Thái tử Nhạc Tư kế vị, chính là Yên Huệ vương.

Yên Huệ vương từ sớm đã mất kiên nhẫn với Nhạc Nghị rồi, Nhạc Nghị đã vây thành trong 5 năm, Yên Huệ vương đã lệnh cho một tướng khác là Kị Kiếp đến tiền tuyến, Nhạc Nghị đã giao binh quyền cho Kị Kiếp. Nhạc Nghị cho rằng nếu ông trở về Yên, Đương kim hoàng thượng vốn từng có thành kiến về sự chần chừ tác chiến của ông, do đó khi này trở về nhất định sẽ không có kết quả tốt đẹp. Thế là Nhạc Nghị bèn chạy trốn.

Kị Kiếp sau khi đến tiền tuyến, đã thay đổi tất cả quân lệnh của Nhạc Nghị, ra lệnh công thành. Hai thành Tức Mặc – Cử liều mạng chống trả. Qua một đoạn thời gian, Kị Kiếp cũng chưa công hạ được thành.

Điền Đan lúc này cảm thấy cơ hội phản công đã chín muồi. Ông tạo dư luận đối với bên ngoài rằng: “Ta mơ thấy có Thần Tiên đến giúp chúng ta, ta lại được bái kiến Thần sư (vị thầy là Thần)”. Thế là trong binh lính ông chọn một tên tiểu tốt, tức người có chức phận thấp nhất trong hàng ngũ binh lính, cho làm Thần sư. Mỗi lần ông làm việc gì đều thỉnh giáo Thần sư. Thần sư này chỉ là một con rối/bình phong mà thôi, ông ta nói gì, Thần sư giả đều nói: “Được”.

Mỗi lần trước khi ăn cơm, ông bảo quân lính đều mở to nắp nồi, bảo người đem nồi lên đến vị trí rất cao. Chim trên trời hễ thấy trong nồi có thức ăn bèn lần lượt hạ xuống, đến ăn cơm trong nồi. Người ngoài thành phát hiện chim từ bốn phương tám hướng bay vào trong thành, một lát lại bay đi, họ không biết trong thành có chuyện gì, lại nghe tin bên trong đó có Thần sư…

Điền Đan lại tung tin đồn nói rằng: “Nước Tề ta dám tấn công nước Yên là vì tù binh của nước Tề ta ở trong quân nước Yên được đối đãi rất tốt. Nếu nước Yên mỗi lần bắt được tù binh của Tề, rồi cắt mũi bọn họ, như vậy người nước Tề chúng ta sẽ không dám tấn công nước Yên nữa”. Kết quả những người Tề bị bắt, đầu hàng quân Yên, đều bị Kị Kiếp ra lệnh cắt mũi bọn họ. Quân và dân Tề (quân Điền Đan) thấy như thế càng không dám đầu hàng, phải liều mạng mà chống cự.

Cuối cùng Điền Đan còn mua chuộc Kị Kiếp, Điền Đan lấy tiền của người giàu trong thành đưa đến cho quân Yên, nói với Kị Kiếp: “Chúng tôi sẽ lập tức đầu hàng, người giàu trong thành đều nguyện ý đem tiền đưa cho quân Yên, đưa cho những tướng quân của nước Yên, nhưng có một yêu cầu: Sau khi chúng tôi mở thành đầu hàng, thỉnh các vị cho chúng tôi xin một ít cờ xí để treo trên cổng nhà những người giàu, hễ thấy hộ nào treo cờ, các vị không cần quấy nhiễu”.

Các tướng nước Yên sau khi nhận tiền cho rằng người giàu nước Yên đã giao tiền rồi, thực sự sẽ đầu hàng nước Yên cho nên quân Yên phòng bị lơi lỏng.

Điền Đan chọn 5 nghìn con trâu, cột đao sắc trên sừng, cột vải gai và lau sậy khô ở đuôi, mặc vải bố lớn ngũ sắc lên mình trâu, đồng thời lệnh cho toàn bộ binh sĩ nước Tề vẽ màu sắc ngụy trang lên mặt, chờ đến nửa đêm mở cửa thành.

Kị Kiếp lúc đó chỉ chờ quân Tề đầu hàng nên không phòng bị. Đột nhiên nghe thấy âm thanh vang trời, phụ nữ trẻ em trong thành gõ chiêng trống mở thành. Quân Tề châm lửa ở đuôi trâu, vì nóng quá nên trâu chạy thục mạng về phía trước, sừng trâu cột đao sắc nên húc đến đâu quân Yên chết đến đó, rất nhanh chóng đã làm doanh trại quân Yên rối loạn. Quân Yên lại thấy sau trâu là sĩ tốt vẽ màu trên mặt, sĩ tốt gặp đâu chém đó nên quân Yên cho rằng là Thần nhân hạ thế, không dám chống trả. Khi đó quân Yên đại loạn và không còn tâm trí chống cự, Kị Kiếp bèn thoái binh. Trận chiến này vô cùng nổi tiếng, gọi là “trận chiến trâu lửa (nguyên gốc là Ngưu hoả hãm trận – 火牛陷陣).

Kị Kiếp tháo chạy, đại quân nước Tề truy đuổi phía sau, một mặt truy đuổi, một mặt phát hịch văn, tất cả các thành trì của nước Tề vốn bị nước Yên chiếm, toàn bộ đã đứng lên phản kháng. Quân Yên thất bại bèn rút về nước.

Nếu chúng ta chiêm nghiệm lại một chút sẽ thấy: nước Yên từng bị nước Tề diệt, nước Tống cũng bị Tề diệt, Tề lại bị nước Yên phục thù mà vong quốc. Quân vương của ba nước Tề – Yên – Tống đều phạm một sai lầm giống nhau, chính là không tự lượng sức mình.

Yên vương Khoái là người đã không có trí huệ mà lại lười biếng, muốn nhường ngôi như Nghiêu – Thuấn để lưu danh nhưng cuối cùng phải treo cổ tự sát. Tống vương Yển gây thù chuốc oán tứ phương, bị liên quân ba nước Tề – Sở – Nguỵ tiêu diệt. Tề Mẫn vương cũng gây thù địch khắp nơi, cuối cùng bản thân cũng bị Náo Xỉ (nước Sở) giết ở Cử thành.

Bởi vì nước Tề và nước Yên đều bị diệt một lần nên nguyên khí quốc gia hao tổn lớn. Nước Sở vì bị Trương Nghi lừa nên càng ngày càng yếu nhược. Nước Nguỵ cũng suy yếu. Nước Hàn vốn là quốc gia rất nhỏ, căn bản không chống lại được nước Tần.

Cho nên những nước kia trong mắt nước Tần đều không còn là đối thủ. Mà khi nước Tề diệt vong, nước Triệu lại tấn tốc quật khởi, trở thành quốc gia duy nhất cuối thời Chiến Quốc có thể chống lại nước Tần. Nước Triệu đã quật khởi như thế nào và sau khi nổi lên thì đã phát sinh sự việc gì? Kính mới quý độc giả đón xem phần tiếp theo: “Hoàn bích quy Triệu” (ngọc về nước Triệu).

Chú thích:
(1) Nguyên gốc là: Tri nhân giả trí, tự tri giả minh – 知人者智,自知者明.

Theo Epoch Times
Mạn Vũ biên dịch