Vào ngày 23 tháng 1 năm 2017, Tô Vinh, một quan chức cấp cao cấp phó nhà nước của ĐCSTQ, bị buộc tội hối lộ và lạm dụng chức quyền, bị kết án tù chung thân. Trong “Lời tự thú” của mình, ông ta bộc bạch: “Gia đình tôi đã trở thành một ‘sở giao dịch quyền -tiền'”.
Xin chào quý vị khán giả, chào mừng đến với “Trăm Năm Chân Tướng”!
Trong quan trường của ĐCSTQ, tham quan nhiều như lông bò, nhưng có thể nói biến nhà mình thành “Sở giao dịch quyền – tiền”, thì chỉ có một cá nhân – kẻ đó chính là Tô Vinh, nguyên Phó chủ tịch chính hiệp toàn quốc của ĐCSTQ, là thân tín của Tăng Khánh Hồng. Hôm nay, chúng tôi sẽ cùng quý vị nói về việc Tô Vinh vận tác “Sở giao dịch” này như thế nào?
Ngày 14 tháng 6 năm 2014, Tô Vinh bị điều tra vì “tình nghi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật”, trở thành quan chức cấp phó nhà nước đầu tiên bị ngã ngựa sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 của ĐCSTQ. Ngày 23/1/2017, ông ta bị khởi tố về tội đưa hối lộ, lạm dụng chức quyền, tài sản bất minh khổng lồ không rõ nguồn gốc, bị tuyên phạt tù chung thân. Pháp viện cho biết, Tô Vinh khi đảm nhiệm bí thư tỉnh ủy Thanh Hải, bí thư tỉnh ủy Cam Túc và bí thư tỉnh ủy Giang Tây, đồng thời là hiệu phó Trường Đảng Trung ương, đã nhận hối lộ 116 triệu nhân dân tệ; ngoài ra không xác định được nguồn gốc tài sản 80,27 triệu nhân dân tệ khác.
Triệu Hồng Trúc, đương thời là Bí thư Ban Bí thư Trung ương kiêm Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, từng công khai tuyên bố: “Vụ án Tô Vinh là một vụ tham nhũng hủ bại kiểu gia tộc điển hình, người trong nhà từ già đến trẻ, từ nam đến nữ đều tham dự.” Các phương tiện truyền thông cũng tiết lộ rằng trong gia tộc có tổng cộng 14 thành viên liên án, bao gồm vợ, con trai, con gái, con rể, anh rể của Tô Vinh và những người khác.
Tô Vinh là “Sở trưởng”
Theo truyền thông ĐCSTQ Xinhuanet, Tô Vinh đã nói trong “Lời tự thú” của mình: “Gia đình tôi đã trở thành một ‘Sở giao dịch quyền – tiền’, tôi là ‘sở trưởng’, còn vợ tôi là ‘nhân viên thu ngân’.”
Tô Vinh đã trở thành “sở trưởng” như thế nào? Tội trạng lớn số 1 của ông ta là bán quan bán tước, ai hối lộ ông ta cũng nhận, từ quan chức cấp tỉnh đến quan chức cấp phó huyện; gì ông ta cũng muốn, từ tiền mặt hiện kim khổng lồ, cũng như những bức thư pháp, tự họa danh quý, đồ sứ, … cho đến những đồ trang trí nho nhỏ có trị giá chỉ ngàn tệ, ông ta đều lấy tất. Hơn nữa, việc thành, ông ta thu tiền, việc không thành, ông ta cũng thu, còn có chuyện thu tiền để không bàn sự. Không ít người hành hối chế giễu rằng ông ta không có dẫu chỉ một chút tôn nghiêm của một bí thư tỉnh ủy, chỉ là loại “thương nhân” bán sỉ “mũ quan” mà thôi.
Kẻ nào tống tiền tống vật, Tô Vinh sẽ đề bạt trọng dụng. Với người không tống tiền không tống vật, Tô Vinh có câu ‘thần chú’: “Báo cho Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật điều tra cậu!”
Trong hoàn cảnh “thuận ta tắc thịnh, nghịch ta ắt vong” này, rất nhiều quan viên không tập trung tinh lực vào công tác mà suốt ngày chỉ nghĩ xem Tô Vinh thích cái gì. Các quan chức các cấp cũng đua nhau bắt chước, khiến việc kinh doanh “mũ ô sa” phất lên như “hồng hỏa”.
Sau khi Tô Vinh ngã ngựa, các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ bình luận rằng ông ta “đã tạo thành một đòn đánh có tính hủy diệt đối với môi trường chính trị và hoàn cảnh phát triển kinh tế xã hội của Giang Tây.”
Vợ làm “nhân viên thu ngân”
Vợ của Tô Vinh là Vu Lệ Phương, được gọi là “chị Vu”. Sau khi theo chồng đến Giang Tây, bà ta hoạt động rất tích cực trong giới kinh doanh và chính trị địa phương. Tô Vinh đã viết trong “Lời tự thú” rằng: “‘Chị Vu’ của gia đình tôi đã trở thành danh từ thời đại đồng nghĩa với giao dịch quyền tiền ở Giang Tây.”
“Chị Vu” suốt ngày lai vãng các nơi ở Giang Tây, kết giao với đủ loại người, rất nhiều quan viên và thương nhân đua nhau lấy lòng bà ta, số người đưa tiền cho bà ta nhiều không đếm xuể. Khi “chị Vu” đang dưỡng thương ở Thâm Quyến sau ca mổ, nhiều quan viên cấp phòng đã “bay” đến thăm chị, không quên trao “hồng bao”.
Vu Lệ Phương không chỉ tham dự bán quan, mà còn ý vào quyền uy của chồng, trực tiếp chiêu hô đề bạt quan viên lãnh đạo cấp tỉnh, thường xuyên can thiệp vào chuyển nhượng đất đai, xây dựng công trình, đấu thầu, đòi và nhận những tài vật khổng lồ.
Truyền thông của ĐCSTQ tiết lộ, sau khi vụ việc bị lộ, Chu Kiến Hoa, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân thành phố Tân Dư, tỉnh Giang Tây, đã đưa tin rằng vào năm 2009, Thị trưởng Tân Dư Lý An Trạch, để lấy lòng “chị Vu”, đã bán hơn 300 mảnh đất trị giá hơn 3 triệu nhân dân tệ / mẫu đất cho bạn của chị Vu với giá cực rẻ 700.000 nhân dân tệ / mẫu, khiến tài sản nhà nước mất gần 1 tỷ nhân dân tệ. “Chị Vu” gặt hái khoản lợi khổng lồ từ đó. Tháng 3 năm 2010, Lý An Trạch được đề bạt Bí thư Thành ủy Tân Dư, và ba năm sau lại được thăng nhiệm thành Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển tỉnh Giang Tây.
Năm 2009, Phương Uy, chủ tịch hội đồng quản trị của Tập đoàn Liêu Ninh Phương Đại, đã thông qua “chị Vu” nhờ Tô Vinh giúp đỡ để tham gia vào quá trình “tái cấu trúc” một công ty thép ở Nam Xương. Sau khi “chị Vu” nhận tiền, Tô Vinh lập tức làm theo, chỉ thị ủy ban tài chính tỉnh nhất định phải chọn doanh nghiệp này, đồng thời yêu cầu thẩm định giá thấp hơn và bán cho doanh nghiệp này với giá rẻ. Cuối cùng, 57,97% cổ phần thuộc sở hữu nhà nước của một công ty thép ở Nam Xương đã bị tập đoàn Liêu Ninh Phương Đại mua lại với giá rẻ, khiến khối tài sản nhà nước bị thiệt hại gần 1 tỷ nhân dân tệ. Con gái của Tô Vinh cũng nhận được những khoản lợi khổng lồ từ đó.
Vu Lệ Phương cũng tự xưng yêu thích hoa mai lan và nghệ thuật gốm sứ. Một số quan chức đã lập tức nắm bắt sở thích, tặng bà ta đồ sứ, tranh họa và thư pháp. Đồ sứ Cảnh Đức Trấn trở thành “sản vật bản địa” mà một số quan chức Giang Tây tặng cho Tô Vinh. Sau khi phát án, tổ chuyên án đã thu giữ tổng cộng 200 đĩa sứ và tranh vẽ, 319 lọ sứ và các đồ đạc khác của Tô Vinh và những thân hữu của ông ta.
Con gái thu được “phí cảm ơn”
Vợ chồng họ Tô vơ vét lợi lộc còn chưa đủ, còn đồng thời không quên lôi người nhà tham gia vào, trước tiên là con trai ruột. Tô Thiết Chí, con trai của Tô Vinh, cho biết trên CCTV rằng sau khi cha cậu ta đến Giang Tây, Tô Vinh đã chủ động giới thiệu một số quan viên trong giới để cậu ta biết mặt. Sau đó, Tô Thiết Chí đã thông qua các quan viên này, giúp bạn bè có được các dự án và thu được những khoản lợi khổng lồ từ họ.
Theo báo cáo của tờ “Tài Kinh”, Công ty Giang Tây Hằng Phàm đã ký hợp đồng với một dự án tập hợp đất ở huyện Thượng Do, thành phố Cống Châu. Tạ Kiến Quốc, người đại diện theo pháp luật của công ty, đã tìm gặp Tô Thiết Chí. Tô Thiết Chí trực tiếp chiêu hô Sử Văn Thanh, Bí thư Thành ủy Cống Châu, yêu cầu chiếu cố Công ty Hằng Phàm. Sau khi sự thành, Tô Thiết Chí nhận được 12 triệu nhân dân tệ “phí cảm ơn”.
Theo báo cáo Mạng Pháp chế, Tô Thiết Chí có một người bạn rượu thịt tên là Tào Chính Quang. Tào Chính Quang tự xưng là cháu ngoại của Tô Vinh. Lưu Kiến Quân, một trưởng khoa ở thành phố Cát An, nghe nói rằng Tào là “anh em sắt son” của Tô Thiết Chí, liền tặng cho mỗi người một chiếc xe hơi sang trọng. Không lâu sau, Tô Thiết Chí đã giúp Lưu Kiến Quân thăng chức phó huyện trưởng huyện Tân Can.
Con rể nhận hối lộ gần 10 triệu nhân dân tệ
Nói về con rể của Tô Vinh là Trình Đan Phong, điều kiện cá nhân của anh ta nguyên lai không tệ: tốt nghiệp Đại học Kinh tế Tài chính Trung ương, có bằng tiến sĩ kinh tế, đã làm việc tại Bộ Tài chính trong 19 năm từ 1982 đến 2011. Trong thời gian này, anh ta được cử đi học tại Bộ Tài chính và Công ty Quản lý Đầu tư Chính phủ British Columbia, Canada trong nửa năm; tại Mỹ với tư cách là học giả thỉnh giảng cấp cao tại Đại học Stanford trong một năm; và hai năm làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trường Quản lý Quảng Hoa, Đại học Bắc Kinh.
Từ năm 2012 đến năm 2015, Trình Đan Phong được điều nhậm thường ủy thành phố Trương Gia Giới tỉnh Hồ Nam, giữ chức phó thị trưởng.
Theo “Tuần báo Kinh tế Trung Quốc”, ở Trương Gia Giới, Trình Đan Phong lưu lại ấn tượng là người nhã nhặn, trung thực và khiêm hòa. Một người am hiểu tình hình chính trị địa phương cho biết: “Trình Đan Phong rất nhiệt tình công tác ở Trương Gia Giới, và năng lực công tác của anh ấy cũng rất được thừa nhận. Ngoài ra, anh ấy còn có kinh nghiệm công tác trong các bộ và ủy ban, là một quan chức kiểu học giả điển hình, cũng có ảnh hưởng, từng được coi là rất có triển vọng.”
Trình Đan Phong cho biết trong bản tự bạch của mình rằng, trước khi Tô Vinh đến công tác ở Giang Tây, anh ta hầu như không giao dịch qua lại với các thương nhân. Sau khi Tô Vinh đến Giang Tây, anh ta cuối tuần thường đến Giang Tây thăm Tô Vinh. Các quan viên và thương nhân Giang Tây đang cố gắng đả thông mối quan hệ với Tô Vinh. Con rể của Tô Vinh tới Giang Tây, lập tức trở thành đối tượng săn đuổi. Trình Đan Phong đã nhận hối lộ từ ba thương nhân, tất cả đều phát sinh ở Giang Tây.
Vào tháng 2 năm 2017, Trình Đan Phong bị kết án tám năm tù. Phán quyết tuyên rằng Trình Đan Phong đã lợi dụng điều kiện tiện lợi được hình thành bởi chức quyền hoặc địa vị của cha vợ Tô Vinh để nhận hối lộ 9,476 triệu nhân dân tệ và 100.000 Đô la Hồng Kông.
Anh vợ tự sát vong thân
Ngoài ra, anh vợ của Tô Vinh là Vu Bình An cũng bị điều tra vì có liên quan đến vụ án Tô Vinh, cuối cùng dẫn đến một thảm kịch. Yicai.com đưa tin, một số người quen thuộc với vấn đề này cho biết Vu Bình An và Vu Lệ Phương đã đòi một chủ doanh nghiệp tư nhân đưa một khoản hối lộ rất lớn.
Vào một buổi sáng tháng 3 năm 2015, một nhân viên quét dọn vệ sinh công viên dành cho trẻ em trên phố Nhân Dân ở thành phố Trường Xuân. Anh tìm thấy một người đàn ông đang ngồi trên băng ghế trong công viên, và khi lại gần, anh phát hiện ra đó là một người đàn ông trung niên, đầu rũ xuống. Người dọn dẹp chào người đàn ông nhưng đối phương không hồi ứng, anh ta cảm thấy có điều gì đó không ổn, lập tức gọi cảnh sát.
Nhân viên cấp cứu đã đến hiện trường kiểm tra và xác nhận rằng người đàn ông không còn dấu hiệu sinh tồn. Người đàn ông này chính là Vu Bình An. Những người quen thuộc với vấn đề này nói rằng Vu Bình An có lẽ đã uống rất nhiều thuốc ngủ vào đêm hôm trước. Ở Cát Lâm vào tháng Ba, nhiệt độ vào ban đêm hơn âm 20 độ, cái lạnh kết hợp với tác dụng của thuốc ngủ cuối cùng đã giết chết ông ta.
Đại tham quan do Tăng Khánh Hồng đề bạt
Gia tộc Tô Vinh, dĩ quyền mưu lợi, hưởng tận vinh hoa phú quý. Nhưng cuối cùng, kết cục thật đáng buồn. Từ phán quyết thư của Pháp viện mà xem, Tô Vinh từ Thanh Hải đến Cam Túc, từ Cam Túc đến Bắc Kinh, từ Bắc Kinh đến Giang Tây, liên tục tham nhũng hủ bại, nhưng liên tục được đề bạt trọng dụng, Tăng Khánh Hồng chính là đòn bẩy chủ yếu tối quan trọng sau lưng ông ta.
Sau vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, Giang Trạch Dân trở thành lãnh đạo của ĐCSTQ. Giang Trạch Dân điều Tăng Khánh Hồng làm Phó chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Trung ương. Kể từ đó, Giang và Tăng đã lợi dụng lẫn nhau để trở thành hai nhân vật cầm đầu của Giang phái trong quan trường của ĐCSTQ.
Từ năm 1999 đến năm 2002, khi Tăng Khánh Hồng là Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông ta đã đề bạt Tô Vinh làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Cát Lâm và Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hải. Từ năm 2002 đến năm 2007, khi Tăng Khánh Hồng là Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ và Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương, ông ta đã đề bạt Tô Vinh làm Bí thư Tỉnh ủy Cam Túc và phó hiệu trưởng trường Đảng Trung ương.
Quê của Tăng Khánh Hồng ở tỉnh Giang Tây. Đầu tiên ông ta điều Mạnh Kiến Trụ làm Bí thư Tỉnh ủy Giang Tây, năm 2007 chuyển Mạnh Kiến Trụ làm Bộ trưởng Bộ Công an, sau đó bổ nhiệm Tô Vinh làm Bí thư Tỉnh ủy Giang Tây.
Phần kết
Tô Vinh đã biến nhà mình thành “Sở giao dịch quyền – tiền”, tất nhiên có những lý do cá nhân, nhưng quan trọng hơn là: vào thời điểm đó, tiêu chí mà Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng tuyển người dùng người là dựa trên việc họ có nguyện ý bán mạng cho chúng hay không. Một khi họ đã cam tâm tình nguyện, Giang và Tăng sẽ phóng túng cho họ tha hồ tham nhũng hủ bại, thậm chí càng tham hủ càng được đề bạt trọng dụng.
- Trọn bộ Trăm Năm Chân Tướng
Theo Epoch Times,
Mộc Lan biên dịch