Đại Kỷ Nguyên

Vị vua 13 năm hiến mình cho thần linh để giúp dân được an cư lạc nghiệp

Trên mảnh đất Thần Châu này, từ khi đại hồng thủy biến mất, một trật tự mới lại được lặp lại từ đầu. Người dân bắt đầu một kỷ nguyên mới một sự khởi đầu và sinh sôi nảy nở mới…

Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên, tên khai sinh của Đại Vũ là Tự Văn Mệnh, ông là cháu 5 đời của Hiên Viên Hoàng Đế; cha của Vũ là Cổn, là con trai út của Chuyên Húc. Cha của Chuyên Húc là Xương Ý, con thứ năm của Hiên Viên Hoàng Đế.

Cha Đại Vũ trị thủy bất thành

Bấy giờ, cha của Đại Vũ là Cổn, vốn là hậu duệ của Hiên Viên Hoàng Đế đã được vua Nghiêu giao cho nhiệm vụ trị thủy. Ông đã xây dựng rất nhiều công trình đê đập để ngăn lũ, nhưng những công trình này không hề có hiệu quả. Lũ lụt liên tục dâng lên và phá vỡ các con đê hết lần này tới lần khác.

Trong “Sơn hải kinh”, một cuốn cổ tịch thời Tiên Tần có viết do nóng lòng trị lụt, ông Cổn đã lên Thiên Đình và ăn trộm bảo bối “tức nhưỡng”, vốn là một chiếc túi đựng đất ở trên trời. Khi đất trong túi được gió thổi đi thì nó sẽ nhanh chóng lan rộng và hình thành một vùng đất rộng lớn dưới hạ giới. Sử dụng “tức nhưỡng”, ông Cổn đã xây dựng được một con đập khổng lồ, và hy vọng rằng nó có thể ngăn được nước lũ.

Việc ông Cổn ăn trộm “tức nhưỡng” khiến Ngọc Hoàng giận dữ, và làm nước lũ càng trở nên hung tợn hơn. Ngoài ra, vì con đập vốn chỉ được làm bằng đất, nên nó không phải là quá kiên cố, và đã không thể ngăn được dòng nước lớn. Lũ lụt khủng khiếp tràn vào phá hoại vương quốc, và người kế vị vua Nghiêu là vua Thuấn đã quyết định cắt chức ông Cổn. Thất bại trong việc trị thủy, ông Cổn bị lưu đày tới núi Vũ.

Tại núi Vũ, thần lửa Chúc Dung được Thiên Đình phái tới đợi sẵn để chém đầu ông Cổn và một cuộc giao tranh đã xảy ra. Cuối cùng, ông Cổn đắm mình xuống dòng lũ lớn. Trong cuốn “Sơn hải kinh” có kể lại rằng, xác ông Cổn không bị phân hủy trong suốt ba năm liền, và cuối cùng đã hóa thành một con rồng vàng bay lên.

(Ảnh minh họa: internet)

Một vị anh hùng được Thiên thượng lựa chọn

Khi vua Nghiêu còn trị vì, Tây Vương Mẫu đã từng cho ông biết rằng nạn lụt lớn sẽ xảy ra, vốn là điều đã được Chư Thần định đoạt. Tây Vương Mẫu cũng nói rằng sẽ có một người anh hùng được Thiên thượng chọn lựa để cứu người dân khỏi thảm họa này. Chính vì thế, mặc dù ông Cổn đã không thành công trong việc trị thủy, nhưng vua Thuấn không hề nản chí. Vua Thuấn vẫn rất trọng dụng con ông Cổn là Đại Vũ. Bởi vì đã từng đi theo cha trị thủy từ năm lên 10, nên Đại Vũ có rất nhiều kiến thức xung quanh vấn đề trị thủy.

Khi còn trẻ, Đại Vũ gặp được một vị cao nhân, người đã dạy ông những kiến thức cơ bản về địa thế và đặc tính của nước, để ông có thể trị thủy bằng cách thuận theo thế nước hơn là chặn đứng dòng nước lại. Vị cao nhân này cũng tiết lộ với Đại Vũ rằng, để trị thủy thì sức người là không đủ, mà còn cần phải có sự giúp đỡ của Thần linh. Sau khi mẹ Đại Vũ mất, một người thầy thứ hai đã tới, và truyền cho Đại Vũ những tri thức liên quan tới việc tu dưỡng đạo đức bản thân. Cuối cùng, Đại Vũ mới theo cha trị thủy.

Trong quá trình quan sát cha trị thủy, Đại Vũ thấu hiểu rằng việc xây dựng những con đập sẽ không thể ngăn chặn dòng nước lũ. Chính vì vậy, ông đã thực hiện theo những nguyên lý mà mình được truyền thụ: xẻ núi, đào kênh, thuận theo thế nước để dẫn lũ ra biển lớn.

Đại Vũ đã đi khảo sát trên khắp Trung Hoa cùng với sự trợ giúp của những vị Thần núi. Trong cuốn “Xuân Thu” có ghi chép rằng, ông đã gặp được một bàn cờ ngọc cùng 12 cuốn sách mô tả chính xác không chỉ địa hình bề mặt của Trung Quốc, mà còn cả những gì ở bên dưới lòng đất.

Khâm phục lòng quyết tâm của Đại Vũ và xúc động trước những khổ đau của con người, Dao Cơ, người con gái thứ 23 của Tây Vương Mẫu, đã quyết định giúp đỡ Đại Vũ. Cô đã trao cho Đại Vũ hai cuốn cổ thư đặc biệt có thể xua đuổi tà ma và cho phép Đại Vũ khẩn cầu các vị Thần linh đến giúp đỡ. Dao Cơ cũng phái bảy vị thần tới trợ lực cho Đại Vũ.

Bấy giờ, khi nghe kể về những chuyện thần kỳ mà Đại Vũ trải qua, triều đình đã tin rằng ông chính là người anh hùng được nhắc đến trong lời tiên tri của Tây Vương Mẫu. Chính vì thế, triều đình đã cắt cử pháp quan Cao Dao tới để điều hành nhân lực trợ giúp Đại Vũ. Hàng chục ngàn người đã được huy động, và toàn bộ quan lại đều nằm dưới quyền quản lý của Đại Vũ.

Đại Vũ đã đề xuất một công trình trị thủy khổng lồ, gồm có 6 giai đoạn, thực hiện trong vòng 10 năm, để khống chế nước lũ. Hơn thế nữa, ông còn thảo ra một hệ thống thủy lợi tưới tiêu sẽ được xây dựng trong những năm tiếp theo, để trợ giúp những thế hệ tương lai.

Đại Vũ trị thủy (Ảnh minh họa: theo read01.com)

Khai Long Môn

Núi Long Môn và một điểm quan trọng nơi con sông Hoàng Hà rời cao nguyên Hoàng Thổ để tiến vào vùng đồng bằng phía dưới là lòng chảo Lâm Phần và bình nguyên Quang Trung. Mặc dù nước lụt bị chặn lại ở núi Lữ Lương, Đại Vũ đã tìm thấy được một vị trí để lợi dụng cho việc trị thủy.

Trong cuốn “Thủy Kinh Chú” có kể lại rằng, Đại Vũ đã mở rộng một kẽ hở trong núi cho tới khi ngọn núi bị xẻ ra. Ông cũng làm tương tự với núi Long Môn, và nước lụt đã theo những kẽ hở này mà thoát ra ngoài. Nơi Đại Vũ khai mở ngày nay được đặt tên là Long Môn khẩu, hay còn gọi là Vũ môn. Cũng có một truyền thuyết khá nổi tiếng ở Trung Hoa về Long Môn, đó chính là cá chép nào vượt được Long Môn thì sẽ hóa rồng.

Thuần hóa sông Hoàng Hà

Bắt đầu từ nước Kế, ngày nay là hai tỉnh Sơn Tây và Hà Nam Trung Quốc, Đại Vũ bắt đầu thuần hóa con sông Hoàng Hà. Khi các công nhân và đốc công bắt đầu công việc của mình, đã có hai con thủy quái từ biển tới quấy nhiễu. Đại Vũ cầu khấn Thần linh, và vị Thần Đông hải đã tới để giúp ông khuất phục loài quái thú.

Sau rất nhiều nỗ lực, và với sự trợ giúp của Chư Thần, Đại Vũ cùng người của mình đã thành công đưa nước rút khỏi nước Kế, và buộc lũ phải chảy ngược về phía Đông, ra biển, thông qua sông Hoàng Hà.

Sông Hoàng Hà (Ảnh: theo tinhhoa.net)

Trong khi đó, bảy vị Thiên tướng do Dao Cơ phái tới do Vương Quân dẫn đầu đã đánh bại bảy kẻ tà ác muốn lợi dụng tai ương do lũ gây ra mà làm hại người dân. Các Thiên tướng sau đó đã cùng hợp sức với Đại Vũ để thực hiện việc trị thủy.

Chuyện xưa kể rằng ông mới chỉ kết hôn được bốn ngày thì ông được giao nhiệm vụ chống lũ. Ông nói lời tạm biệt với vợ mình, nói rằng không biết khi nào ông sẽ trở lại. Trong suốt 13 năm chống lũ, ông đi ngang qua nhà của mình ba lần nhưng đều không bước vào trong. Lần đầu tiên đi ngang qua, ông nghe nói rằng vợ của mình đang sinh con. Lần thứ hai đi ngang qua, con trai của Vũ đã có thể gọi tên cha mình. Gia đình thúc giục Vũ trở về nhà nhưng ông nói từ chối vì lũ lụt vẫn xảy ra. Lần thứ ba đi ngang qua, con trai của ông đã hơn 10 tuổi. Mỗi lần như vậy, Vũ đều từ chối đi vào cửa, nói rằng vì lũ lụt đã khiến vô số người vô gia cư, ông chưa thể nghỉ ngơi được. Khi ông hoàn thành việc trị thủy trở về nhà đã tròn 17 năm.

Trên mảnh đất Thần Châu này, từ đó đại hồng thủy đã biến mất, một trật tự mới lại được lặp lại từ đầu. Người dân bắt đầu một kỷ nguyên mới một sự khởi đầu sinh sôi nảy nở mới. Để chúc mừng việc trị thủy đã được hoàn thành, Đại Vũ đặc biệt ra lệnh cho Cao Dao sáng tác “Đại Hạ” dùng làm nhạc vũ biểu diễn tế tự núi sông. Khi sự nghiệp trị thủy đã thành công, trên đàn tế núi sông của nhà Hạ vang lên nhạc vũ “Đại Hạ” trang nghiêm, tiếng nhạc kỳ diệu phát ra của loại nhạc cụ Thược (một loại nhạc cụ cổ giống như ống sáo của Trung Quốc) thẳng tắp truyền lên tới tận chín tầng mây. Trong không gian trời đất đã được trong sạch, trong nhã nhạc thượng cổ trang nghiêm mà tao nhã hoa lệ, cùng sự hòa hợp giữa trời và đất, nhạc vũ vang lên ca ngợi rằng: Đại Vũ trị thủy cuối cùng đã thành công.

Đến thời Chiến Quốc, “Đại Hạ” còn được Lỗ quốc dùng làm vũ nhạc diễn xuất cung đình.”Lễ ký-Tế thống” ghi rằng “bát dật dĩ vũ Hạ”, tám người thành một dật, tám dật là 64 người tổ thành đội hình biểu diễn có chiều dọc ngang đều nhau, dựa theo lễ pháp thời Chu thì chỉ có thiên tử triều Chu mới có thể dùng đội hình lớn như vậy, có thể thấy “Đại Hạ” có đẳng cấp cao.

Kiên Định biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version