Đại Kỷ Nguyên

Vụ án Lý Chấn tử vong còn bất thường hơn cái chết của Lý Khắc Cường

Ảnh: Trăm năm chân tướng - ET

Cái chết của Lý Khắc Cường rất kỳ lạ, nhưng có rất nhiều ví dụ tương tự trong lịch sử của ĐCSTQ, chẳng hạn như cựu bộ trưởng Công an Lý Chấn. Hiểu được giai đoạn lịch sử đó có thể giúp bạn nhìn ra những gì đang xảy ra ngày hôm nay. 

Chào mừng các bạn đến với Trăm năm chân tướng!

Vào ngày 27 tháng 10 năm 2023, ĐCSTQ tung ra một tin tức bùng nổ – cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường, người mới nghỉ hưu được 7 tháng, đột ngột qua đời vì một cơn đau tim.

Lý Khắc Cường là ủy viên thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ về hưu trẻ tuổi nhất, được hưởng điều kiện bảo hiểm y tế tốt nhất, căn cứ theo lẽ thường, dù bị đau tim phát tác, cứu chữa kịp thời cũng không đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, ông đã chết một cách kỳ lạ.

Chính quyền cho biết sau khi lâm bệnh, Lý Khắc Cường đã được đưa đến Bệnh viện Thự Quang, bệnh viện y học cổ truyền Trung Quốc ở Thượng Hải, để cấp cứu. Lý Thừa Bằng, một nhà bình luận thời sự, khi đó đã viết trên nền tảng xã hội X rằng: “Ông ấy đi rồi. Bên cạnh [Bệnh viện Thư Quang] là bệnh viện Tôn Trung Sơn Thượng Hải, nơi có tỷ lệ cứu sống thành công bệnh nhân nhồi máu cơ tim đạt tới 96%, đã cứu sống hàng vạn bệnh nhân. Bạn có thể nào tin được, [người lãnh đạo] cấp quốc gia sẽ nằm trong số 4% còn lại?” 

Sự việc này nghi vấn trùng trùng, khiến rất nhiều người khó mà chấp nhận. Kỳ thực, trong lịch sử ĐCSTQ có rất nhiều ví dụ tương tự như cái chết bí ẩn của Lý Khắc Cường, việc lý giải lịch sử có thể giúp chúng ta hiểu được chuyện gì đang xảy ra ngày nay.

Trong tập này, chúng ta sẽ nói về một ví dụ điển hình khác – vụ tử vong của cựu bộ trưởng Bộ Công an Lý Chấn, dựa trên những thông tin như “Những gì tôi biết về cái chết của Lý Chấn” do Di Nghĩa Chi, nguyên chủ nhiệm Cục Chính trị của Bộ Công an ĐCSTQ viết ra, và những tư liệu lịch sử khác.

Xem video tại đây

Quỳ xuống treo cổ tự tử?

Vào ngày 22 tháng 10 năm 1973, Lý Chấn, bộ trưởng Bộ Công an lúc đó, được phát hiện treo cổ tự sát trên một đường ống sưởi ấm dưới tầng hầm của khu nhà Bộ Công an. Ông quỳ gối ngả người về phía sau, trong túi áo khoác có mấy chục viên thuốc ngủ, có vài viên nằm rải rác trên mặt đất.

Điều này rất kỳ lạ: muốn treo cổ tự sát, ít nhất ông ấy phải tìm một nơi có thể duỗi thẳng chân, tại sao Lý Chấn lại quỳ trên mặt đất? Hơn nữa, ông có nhiều thuốc ngủ như vậy, sao không uống hết một lần để chết, mà phải làm phức tạp như vậy, uống một phần, bỏ một phần vào túi, rải một phần xuống đất rồi lại treo cổ tự sát?

Ngoài cảnh tượng kỳ lạ, Lý Chấn dường như không có động cơ tự sát rõ ràng. Chỉ hai tháng trước, vào tháng 8 năm 1973, ông trở thành ủy viên Trung ương tại Đại hội toàn quốc lần thứ X của ĐCSTQ và tiếp tục giữ chức bộ trưởng Bộ Công an; Vào đêm ông qua đời, bí thư Chu Ân Lai, lúc đó là thủ tướng Quốc vụ viện, đã bí mật gọi điện thoại cho Lý Chấn. Theo thư ký của Chu, Lý Chấn vẫn trò chuyện và cười nói trên điện thoại. Người đang nói cười vui vẻ bỗng nháy mắt đã tự sát ư?

Vì vậy, dựa trên phán đoán thông thường và tình huống tại hiện trường, rất có thể đây là hiện trường “tự sát” ngụy tạo sau khi ông ấy bị giết.

Chu Ân Lai và những người khác coi đây là hành vi “giết người”

Sau khi biết tin Lý Chấn qua đời, Chu Ân Lai nói: “Rất có thể Lý Chấn đã bị sát hại”, “Lý Chấn được Trung ương tín nhiệm về mặt chính trị, được Trung ương hỗ trợ trong công tác, cuộc sống gia đình của ông rất hòa thuận, không có yếu tố tự sát.”

Vương Hồng Văn, người kế nhiệm được Mao Trạch Đông tuyển định, là phó chủ tịch Trung ương ĐCSTQ đương thời, cho biết: “Bộ trưởng Bộ Công an Lý Chấn đã chết, chín mươi chín phần trăm là bị mưu sát bởi kẻ thù giai cấp. Bộ trưởng Bộ Công an bị giết là điều hiếm thấy cổ kim trong ngoài nước.”

Lưu Xương Bình, vợ của cựu bộ trưởng Công an Tạ Phú Trị và sau đó là Bộ trưởng Bộ Y tế, cũng tin rằng Lý Chấn chết vì “bị người khác sát hại”. Chu Ân Lai giao nhiệm vụ cho Hoa Quốc Phong, lúc đó là phó thủ tướng Quốc vụ viện, trực tiếp chỉ đạo cuộc điều tra. Từ đó, tổ phá án đã điều tra theo hướng “giết người”.

Vào ngày thứ ba sau cái chết của Lý Chấn, Chu Ân Lai chỉ thị cho thư ký của Lý Chấn, Trịnh Ái Bình, “cách ly thẩm tra”, đồng thời viết một bản ghi nhớ về hàng tá những điểm nghi ngờ của Trịnh Ái Bình, chỉ thị tổ phá án cần huy động quần chúng, “ít nhất cần động viên cả nghìn người tới vạch trần, cần phóng mấy đống lửa”.

Chu Ân Lai còn chỉ đạo tổ phá án tổ chức 70, 80 người để điều tra, phê phán Trịnh Ái Bình. Trong quá trình điều tra, Trịnh Ái Bình đã đưa ra 11 nguyên nhân khiến Lý Chấn tự sát. Sau khi Chu Ân Lai biết chuyện, ông ta đã chỉ đạo tổ phá án, ngoài việc điều tra những điểm nghi ngờ, còn muốn bác bỏ lý do Lý Chấn tự sát mà ông ta đề xuất, tìm ra mục đích của ông ấy.

Ngày 27/10/1973, Bộ Công an tổ chức họp động viên, chủ nhiệm Cục Chính trị Bộ Công an Di Nghĩa Chi phát biểu, câu đầu tiên là: “Bộ trưởng Lý đã bị giết”. Sau đó, Bộ Công an toàn bộ đóng cửa chỉnh đốn, tìm mọi cách để tìm ra kẻ đã giết Lý Chấn.

Mao Trạch Đông ám thị là “tự sát”

Một ngày tháng 12 năm 1973, sau khi nghe Chu Ân Lai báo cáo rằng Lý Chấn có thể đã chết vì bị sát hại, Mao Trạch Đông nói: “Tại sao lại giết người? Chúng ta cần điều tra nghiên cứu”. Sau đó, ông ta liệt kê ba bí ẩn lớn xảy ra trong cung điện nhà Minh, lấy ra cuốn “Minh sử thông tục diễn nghĩa” đưa cho Chu Ân Lai, nhờ ông chuyển lại cho Hoa Quốc Phong và những người khác, đọc từ Hồi 80 đến Hồi 82.

Trên thực tế, khi Mao Trạch Đông nói “Tại sao lại muốn sát nhân” thì đó là một lời ám thị, ý tứ thực sự của ông ta là: “Tại sao lại là giết người?”

Với “chỉ thị tối cao” này, thái độ của Chu Ân Lai đã thay đổi, thái độ của Hoa Quốc Phong cũng như thái độ của tiểu tổ nòng cốt và tổ phá án của Bộ Công an cũng thay đổi. Tổ phá án ngay lập tức chuyển hướng vụ án từ “giết người” sang “tự sát”. Đến tháng 1 năm 1974, đội phá án đã loại bỏ mọi bằng chứng về tội “giết người”, cuối cùng kết luận Lý Chấn đã tự sát.

Trước lời nói của Mao, từ Chu Ân Lai đến Hoa Quốc Phong, những người trước đó đều cho rằng Lý Chấn đã bị giết, hiện tại lại thay đổi, nói là tự sát, làm sao có thể giải thích chuyện này với lãnh đạo các cấp của Bộ Công an đã đóng cửa, chỉ trích, điều tra trong suốt hai tháng?

Sau khi nghiên cứu, tiểu tổ nòng cốt của Bộ Công an quyết định: Truyền đạt nguyên nhân cái chết của Lý Chấn theo hai bước, đầu tiên nói rằng có tồn tại hai khả năng: giết người và tự sát, sau đó nói rằng đó là tự sát.

“Bắt” và “Thả”

Liên quan đến cái chết của Lý Chấn, có hai màn kịch hay: một là bắt Vu Tang và Lưu Phục Chi, hai là thả Vu Tang và Lưu Phục Chi.

Sau cái chết của Lý Chấn, Chu Ân Lai giao nhiệm vụ cho Hoa Quốc Phong lãnh đạo cuộc điều tra vụ án. Ban đầu, Vu Tang và Lưu Phục Chi, lúc đó là thứ trưởng Bộ Công an, đã tham gia phá án.

Sau ba ngày điều tra, Vu Tang và những người khác kết luận Lý Chấn đã treo cổ tự tử sau khi uống một lượng lớn thuốc ngủ.

Ngày 26/10/1973, Chu Ân Lai lãnh đạo các thành viên Bộ Chính trị ĐCSTQ triệu tập cuộc họp toàn thể thành viên của tiểu tổ nòng cốt Bộ Công an tại Đại lễ đường Nhân dân. Ngay khi Vu Tang và Lưu Phục Chi bước vào, họ đã bị lính của Cục Cảnh vệ Trung ương bắt giữ, nói rằng họ đang được “bảo vệ thẩm tra”.

Chu Ân Lai phát biểu tại cuộc họp rằng Lý Chấn “không có nhân tố tự sát. Sau cái chết của Lý Chấn, Vu Tang và Lưu Phục Chi đã biểu hiện bất hảo, phá hoại hiện trường, vui sướng trên nỗi bất hạnh của người khác. Bộ trưởng Bộ Công an bị sát hại là chưa từng có kể khi kiến quốc”.

Di Nghĩa Chi, lúc đó là chủ nhiệm Cục Chính trị Bộ Công an, nhớ lại: “Sau cuộc họp này, trong đầu tôi có cảm giác thế này, Trung ương đảng và thủ tướng Chu đã nắm vững tài liệu về việc Lý Chấn bị hại, bộ trưởng Lý bị hại khả năng là do Vu, Lưu hỗ trợ.”

Sau khi Vu Tang và Lưu Phục Chi bị “bảo vệ thẩm tra”, họ bị giam giữ tại “Trường Cán bộ Giao thông”. Sau khi Mao Trạch Đông lên tiếng và tổ phá án kết luận Lý Chấn chết vì “tự sát”, cả hai người này đều được trả tự do, phục hồi nguyên chức. Rõ ràng, việc Lý Chấn từ “bị giết” biến thành “tự sát”, then chốt là chỉ thị của Mao. Vì sao vậy?

Mao Trạch Đông sợ bị ám sát?

Cái chết của Lý Chấn có liên quan đến Mao Trạch Đông? Hiện có rất ít tài liệu về mối quan hệ cụ thể, câu chuyện mờ ám này cần được tiết lộ thêm. Tuy nhiên, khi xét đến mối quan hệ của Mao với bộ trưởng, thứ trưởng Bộ Công an, cục trưởng cục phó Cục Công an thành phố Bắc Kinh, thì có thể nói là việc trọng đại.

Sau khi “Cách mạng Văn hóa” nổ ra, Mao nghi ngờ các quan chức của Bộ Công an và Cục Công an Bắc Kinh có thể tham gia chính biến, đồng thời lo lắng rằng họ có thể mưu sát tính mạng ông ta, nên trước Cách mạng Văn hóa, đã đem Bộ Công an, Cục Công an Bắc Kinh tất cả bỏ vào nồi cháo. Đối với bộ trưởng đầu tiên của Bộ Công an La Thụy Khanh, người trung thành nhất tâm với Mao, đã bị chỉnh đến mức phải nhảy lầu tự sát.

La bị gãy chân nhưng không chết, Mao vẫn không chịu buông tha, nói rằng: “Việc La Thụy Khanh tự sát là trách nhiệm của bản thân anh ta, việc của La vẫn chưa xong”, “Việc La muốn ép Trung ương là vô dụng, và hội nghị (phê đấu La) sẽ tiếp tục mở.” Sau đó, La Thụy Khanh bị dán nhãn là thành viên của “tập đoàn phản đảng Bành La Lục Dương”, bị tra tấn về thể xác và tinh thần.

Từ Tử Vinh, Dương Kỳ Thanh, Uông Kim Tường, Lăng Vân, Nghiêm Hữu Dân, các phó bộ trưởng thường vụ Bộ Công an, cùng một nhóm các chính, phó cục trưởng, đều bị bỏ tù. Du Tử Vinh bị tra tấn đến chết, và nhiều quan viên của Bộ Công an bị đả thành “phản bội”, “đặc vụ”, “phản cách mạng” và “phái theo tư bản đến chết không hối cải”.

Phùng Cơ Bình, cục trưởng tiền nhiệm Cục Công an Bắc Kinh; Hình Tương Sinh, cục trưởng Cục Công an Bắc Kinh, và các phó cục trưởng Lã Triển, Mẫn Bộ Doanh, Diễm Đường, Trương Liệt, Lý Nhất Bình, Trương Phong, Tiêu Côn; từ Bộ Công an phái đến sau khi Cách mạng Văn hóa bùng phát, Lý Cương, cục trưởng Cục Công an Bắc Kinh và những người khác, toàn bộ đều bị tống vào tù, bị chỉnh đến chết đi sống lại.

Những quan viên này của Cục Công an Bắc Kinh đều được bình phản sau Cách mạng Văn hóa. Điều này cho thấy nghi tâm của Mao đối với họ là không có cơ sở. Tuy nhiên, Mao đã nghi ngờ họ, đả đảo họ, nhiều người trong số họ bị chỉnh đến mức vợ con ly tán, gia đình tan nát, gia phá nhân vong. Vì vậy, việc Mao nghi ngờ Lý Chấn không trung thành với mình và cố tình giết chết Lý Chấn là hoàn toàn có khả năng. Nếu không, người khác vừa nhìn liền thấy Lý Chấn là do bị giết chết, tại sao Mao lại không nhìn thấy điều đó?

Bi kịch sẽ lại xảy ra

Lý Chấn “nghe lời Mao Chủ tịch, chiểu theo chỉ thị của Mao Chủ tịch” trong Cách mạng Văn hóa, cuối cùng, chỉ vì một câu nói của Mao, ông bị Hội nghị Công an Toàn quốc lần thứ 17 tuyên bố “tự sát vì sợ tội”, thực là đáng thương, đáng trách.

Nhìn lại lịch sử một thế kỷ của ĐCSTQ, chúng ta có thể thấy ĐCSTQ là một cỗ máy xay thịt dưới sự chi phối của “triết học đấu tranh”. Hôm nay, nếu bạn có quyền lực, bạn có thể trừng phạt người khác; ngày mai, nếu người khác có quyền lực, họ có thể lại đến chỉnh trị bạn. Cứ như vậy, ngươi chỉnh ta, ta chỉnh ngươi, nội bộ đấu tranh không ngừng, tuần hoàn ác tính, oán hận tương báo đã bước đến hôm nay.

Hôm nay lại thêm một Lý Khắc Cường chết không rõ nguyên nhân, ngày mai thì sao?

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version