Hàn Tín (256 TCN – 195 TCN) là một vị tướng tài ba lỗi lạc, đã có rất nhiều đóng góp cho triều đại nhà Hán (206 TCN – 220 SCN) với những cuộc trường chinh thống nhất lãnh thổ.
Vào năm 205 TCN, sau khi đã chinh phạt nước Ngụy, tướng quân Hàn Tín nhận được lệnh tấn công nước Triệu. Lúc bấy giờ nước Triệu có 20 vạn quân trong khi dưới trướng tướng quân Hàn Tín chỉ có 3 vạn.
Nước Triệu có ải Tỉnh Hình nằm ở phía tây dãy núi Thái Hàng Sơn, lại có dòng sông chắn phía trước, địa thế vô cùng kiên cố.
Tướng quân Hàn Tín hiểu rất rõ những điều kiện bất thuận về địa thế, đồng thời ông cũng nhận thấy binh lính đã quá mỏi mệt sau một hành trình dài và quân lương có thể dễ dàng bị quân Triệu cắt đứt. Vậy nên ông đã nghĩ ra một kế.
Tướng quân ra lệnh cho một tốp binh sĩ vượt sông và đóng quân đối diện cách ải Tỉnh Hình 30 dặm. Sau đó ông ra lệnh cho binh lính bắt đầu đào hào và lập chiến lũy.
Các tướng lĩnh nước Triệu thấy thế đã cười nhạo tướng quân Hàn Tín, bởi vì đây là điều tối kỵ trong binh pháp, một khi thất bại sẽ không có đường lùi với con sông phía sau. Tướng quân Hàn Tín vẫn bất động tâm.
Trước đó ông đã bí mật ra lệnh cho một toán quân khác gồm 2000 người, chờ đợi ngay khi quân Triệu ra khỏi thành thì xâm nhập vào trong để đặt cờ quân Hán lên cổng thành.
Vào giữa đêm hôm đó, tướng quân Hàn Tín yêu cầu quân sĩ của mình chỉ ăn nhẹ, và hứa sẽ tổ chức ăn mừng vào ngày hôm sau, sau khi quân Triệu đã bị tiêu diệt. Mặc dù họ đã làm theo lời ông, nhưng đến cả những người thân cận cũng không dám tin tưởng lời ông nói.
Sáng sớm hôm sau, tướng quân Hàn Tín ra lệnh gióng trống mở cờ xuất quân thẳng tiến về phía thành Tỉnh Hình. Quân chủ lực của Triệu đã bỏ thành mà đuổi theo quân Hán.
Lập tức, tướng quân Hàn Tín lệnh cho binh sỹ rút lui về phía các hào sâu và chiến lũy đã làm sẵn. Quân nước Triệu gấp rút đuổi theo khiến quân Hán bị dồn vào đường cùng. Chỉ có chiến đấu hoặc là chết nên tất cả đã chống trả quá kiên cường, làm cho quân Triệu thực sự sợ hãi.
Không muốn mất thêm người vô ích cho đội quân mà họ cho rằng thất bại là kết quả đã định sẵn, tướng nước Triệu đã ra lệnh quay về thành. Vừa về đến nơi, họ kinh hãi thấy tua tủa những lá cờ quân Hán trên cổng thành.
Quân Triệu bàng hoàng tưởng rằng họ bị tấn công từ phía sau. Chính tại khi ấy, tướng quân Hàn Tín phát lệnh tấn công với tất cả những gì mình có, và quân nước Triệu đã đại bại.
Trong bữa tiệc mừng chiến thắng, có người hỏi tướng quân Hàn Tín tại sao ông lại đưa quân lính của mình vào nơi có con sông ở sau lưng. Ông trả lời: “Trong tình hình như vậy, một người lính sẽ chiến đấu hết mình vì họ không thể chạy trốn. Nếu được đặt vào một nơi mà họ có thể rút lui được thì chắc chắn họ sẽ bỏ chạy”.
Chiến lược này đã được nêu thành thành ngữ “bội thủy nhất chiến” (背水一戰), có nghĩa đen là: quay lưng vào sông mà đánh một trận (thế đánh không có đường lùi, quyết chiến).
Nó được sử dụng để mô tả tình huống mà người ta phải chiến đấu để giành chiến thắng hoặc là chết, hay một thời điểm khi người ta phải nỗ lực tối đa nếu không hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Minh Tinh biên dịch
Xem thêm: