Tóm tắt bài viết
Đằng sau mỗi câu thành ngữ đều chứa đựng một câu chuyện, một giai thoại sâu sắc và ý nghĩa, là tinh hoa của văn hóa cổ đại. Chuyên mục Câu chuyện thành ngữ - Thời báo Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những câu thành ngữ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, như một sự nâng niu, giữ gìn và trân quý nét đẹp văn hóa truyền thống của người xưa.
(thiếu lời dẫn….)
Vào thời Đường (618-907), có một người tên Hàn Triều Tông, có tấm lòng nhân hậu và nhiệt tình, nức tiếng gần xa. Hàn hay giúp những người trẻ tuổi tìm được những công việc tốt và ông rất được mọi người nể trọng.
Một hôm, Hàn nhận được một bức thư từ một chàng thanh niên, nhờ ông giúp giới thiệu công việc. Hàn rất ấn tượng trước sự nhã nhặn trong văn phong và thái độ khiêm nhường của người viết thư.
Chàng thanh niên ấy chính là Lý Bạch, người sau này trở thành văn nhân lỗi lạc nhất trong lịch sử Trung Hoa.
Chàng trai Lý Bạch đã kết thúc bức thư bằng câu: “Khủng điêu trùng tiểu kỹ, bất hợp đại nhân”. Ý tứ rằng sợ kỹ năng viết lách còn thô thiển, chẳng đáng cho ngài để mắt đến.
Tuy nhiên, Lý Bạch về sau đã viết hơn cả ngàn bài thơ, được hậu thế xưng tụng là bậc “Thi Tiên”. Thơ Lý Bạch thấm đượm tình yêu thiên nhiên, tình bạn hữu, những nỗi niềm lúc uống rượu và cả nỗi cô đơn sâu thẳm.
Hầu hết những áng thơ của Lý Bạch miêu tả cuộc sống nhân sinh mất mát, lẻ loi và khao khát được trở về Thiên thượng. Tương truyền rằng ông đã qua đời ở tuổi 63 khi đang du thuyền, vì quá cảm hứng, đã nhảy xuống lòng sông để với bắt ánh trăng.
Câu chuyện về đức tính khiêm tốn của Lý Bạch được ghi chép vào tiểu sử của Hàn Triều Tông trong cuốn Tân Đường Thư [1].
Mặc dù câu “điêu trùng tiểu kỹ” trước đó đã được giới thiệu trong cuốn “Bắc Sử” [2], sau khi được Lý Bạch sử dụng, nó đã trở thành thành ngữ.
Theo sát nghĩa, câu này lại có ý là “chạm khắc một thứ côn trùng bằng chút ít kỹ năng”. Thành ngữ này được dùng để nói về những bài văn vụng về hoặc để miêu tả những kỹ thuật sơ đẳng hay những kỹ năng vụn vặt.
Ghi chú:
- Tân Đường Thư là một trong 24 sách lịch sử Trung Hoa, ghi chép lịch sử của triều đại nhà Đường (618-907), bao gồm 10 quyển với 225 chương, được biên soạn bởi một nhóm học giả triều nhà Tống (960-1279).
- Bắc Sử cũng là một trước tác trong số 24 sách lịch sử Trung Hoa, ghi chép những sự kiện trong thời kỳ 316-618, được biên soạn bởi Lý Diên Thọ (570-628), bao gồm 100 quyển.