Tóm tắt bài viết
Đằng sau mỗi câu thành ngữ đều chứa đựng một câu chuyện, một giai thoại sâu sắc và ý nghĩa, là tinh hoa của văn hóa cổ đại. Chuyên mục Câu chuyện thành ngữ - Thời báo Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những câu thành ngữ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, như một sự nâng niu, giữ gìn và trân quý nét đẹp văn hóa truyền thống của người xưa.
Câu nói “Đến sau vượt trước” hay còn hiểu là “Đi trước về sau”, nhiều người hiểu là người sau vượt người trước, nhưng hàm nghĩa thực sự của thành ngữ này lại vô cùng sâu sắc.
Cấp Ảm là một vị quan Đại Thần dưới thời trị vì của Hán Vũ Đế trong thời kỳ Tây Hán (206 TCN – 23 SCN). Ông là một người thẳng thắn, cương quyết chính trực, không sợ uy quyền.
Thậm chí ông sẽ trực tiếp can gián Hoàng Đế nếu ngài làm trái đạo lý. Bởi tính cách thẳng thắn này, có lần Hán Vũ Đế đã giáng chức Cấp Ảm và điều ông tới một vùng xa xôi hẻo lánh với chức danh nhỏ bé.
Tuy vậy, Cấp Ảm đã xuất sắc đảm đương công việc, nêu cao nghĩa khí, lập lại thịnh trị cho toàn vùng. Tiếng lành đồn xa, sau rồi đến tai Hán Vũ Đế, vài năm sau ông được gọi trở về Hoàng Cung và phong lên tước vị cao hơn.
Truyện kể có lần Hán Vũ Đế muốn thực hiện một chính sách biểu thị lòng nhân từ và khoan dung nên đưa ra cùng quần thần luận bàn.
Khi ấy Cấp Ảm bẩm tấu: “Tâu Bệ Hạ, khoan dung và nhân từ xuất phát ở nội tâm, chứ không có chính sách”.
Vũ Đế nghe xong, mặt nghiêm nghị nhìn Cấp Ảm, nhưng Cấp Ảm vẫn một mực thần thái trước sau như một.
Một thời gian sau đó có hai vị công thần dưới cấp Cấp Ảm được thăng chức nhanh chóng. Như một bước lên mây, lần lượt trở thành Thừa tướng và Quan Ngự sử của triều đình.
Canh cánh mối lo cho quốc thái dân an, bất kể an nguy bản thân, ông kiên định cần phải giữ cho nghiêm chính việc phong tước vị trong triều đình.
Vì vậy, trong buổi lên triều, Cấp Ảm đã tấu lên Hoàng Đế: “Tâu Bệ Hạ, người nông dân chặt cây để khô rồi mới dùng làm củi nấu. Bệ hạ dùng người cũng vậy, người đến sau không nên phong chức vị quá cao”.
Câu chuyện này xuất phát từ Sử ký Tư Mã Thiên (1). Thế hệ sau này sử dụng cụm từ “Hậu Lai Cư Thượng” (後來居上), được dịch là “Đến sau vượt trước” như một thành ngữ.
Ngày nay, câu này được sử dụng để chỉ ra rằng người kế nhiệm có thể nổi trội hơn những người tiền nhiệm của họ, đó là hoàn toàn khác với ý nghĩa ban đầu của Cấp Ảm về đề bạt nhân tài trọng yếu cần xét đến tư cách lý lịch rõ ràng, chính trực.
Ghi chú:
(1) “Sử ký Tư Mã Thiên” được viết bởi nhà sử học vĩ đại Trung Quốc Tư Mã Thiên (Sima Qian) (135-86 TCN), bao gồm 130 Chương có nội dung bao quát khoảng thời gian từ khoảng 2.600 TCN đến 86 TCN.
Minh Tinh biên dịch
Xem thêm: