Tóm tắt bài viết
Đằng sau mỗi câu thành ngữ đều chứa đựng một câu chuyện, một giai thoại sâu sắc và ý nghĩa, là tinh hoa của văn hóa cổ đại. Chuyên mục Câu chuyện thành ngữ của Thời báo Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những câu thành ngữ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, như một sự nâng niu, giữ gìn và trân quý nét đẹp văn hóa truyền thống của người xưa.
Chứa đựng trong câu thành ngữ là trí tuệ và ý nghĩa thường thức vẫn còn hữu dụng và thích hợp cho các nhà quản lý trên tất cả lĩnh vực trong thời hiện đại.
Thành ngữ “Thập Dương Cửu Mục” (10 con cừu, 9 người chăn) bắt nguồn từ câu chuyện về bản tấu trình của một viên thượng quan dưới triều một hoàng đế Trung Hoa thuở xưa.
Khoảng 1.500 năm trước, Trung Quốc đang ở trong một thời kỳ hỗn loạn kéo dài hơn 100 năm, khi đất nước chia cắt thành hai phần, phía bắc và phía nam, được trị vì bởi một loạt các triều đại ngắn ngủi.
Có những cuộc chiến tranh và họa loạn xã hội không ngừng nghỉ, nhưng nó cũng là thời điểm thịnh vượng cho nghệ thuật, văn hóa và tôn giáo. Giai đoạn này được gọi là thời Nam Bắc triều (420-581 SCN).
Sau khoảng thời gian này, triều đại nhà Tùy (581-618 SCN) được dựng lập bởi vua Tùy Văn Đế, người đã thống nhất Trung Quốc lần đầu tiên sau hơn một thế kỷ phân chia Bắc-Nam. Tùy Văn Đế khi ấy có một số công thần kiến quốc rất tận tâm phò tá ông. Trong số đó có Dương Thưởng Tích (khoảng 533-590 SCN).
Dương đại thần nhận thấy một số thách thức trong việc quản lý đất nước. Ở những châu phủ có quá nhiều quan lại cùng cai quản, do sự khác biệt trong việc phân chia phạm vi quyền hạn pháp lý từ các triều đại trước. Vì vậy, hầu hết các quan chức chịu trách nhiệm tại các châu phủ không có thực quyền hoặc không cống hiến hiệu quả.
Tình trạng này không chỉ áp đặt một gánh nặng chi phí lớn đối với triều đình, mà còn là một trở ngại cho việc thực hiện công việc suôn sẻ. Dương đại thần cảm thấy rất lo lắng, vì vậy ông trình báo cáo lên Tùy Văn Đế.
Ông viết: “Hiện nay có quá nhiều địa hạt và quá nhiều quan chức, giống như có 9 mục đồng cho 10 con cừu. Nó gây ra chi phí nặng nề cho các phủ doãn và thường phải mất một thời gian dài để những chỉ lệnh được thực hiện”.
“Giảm số lượng các địa hạt và các quan phụ trách là một ưu tiên khẩn cấp cho triều đình. Thần đề nghị rằng chúng ta chỉ duy trì các châu phủ có ý nghĩa, và phân công quan lại có năng lực đến các địa điểm nơi đang thực sự cần họ. Đối với các quan được miễn nhiệm, chúng ta có thể bố trí cho họ những công việc khác.”
“Những thay đổi này sẽ cho phép triều đình giảm đáng kể ngân sách và công việc trị quốc an bang trở nên hữu hiệu hơn.”
Sau khi đọc báo cáo của Dương đại thần, Tùy Văn Đế đã đưa ra trước quần thần thảo luận và thực hiện một loạt cải cách tập trung, dẫn đến kết quả rất tốt.
Câu chuyện này đã được nêu rõ ở phần tiểu sử của Dương Thưởng Tích trong “Tùy Thư” (1). Các cụm từ Thập dương cửu mục (十 羊 九 牧) trong báo cáo của Dương Thưởng Tích cho Tùy Văn Đế, nghĩa là “10 con cừu, 9 người chăn” sau này đã trở thành một thành ngữ.
Thành ngữ này thường được dịch là “9 mục đồng cho 10 con cừu”, và được sử dụng để mô tả một tình huống trong đó có quá nhiều người ra lệnh mà lại thiếu người thực hiện chúng. Nó cũng được sử dụng để truyền đạt được tầm quan trọng của việc có đường lối rõ ràng của chính quyền trong quản lý mọi nhiệm vụ hay việc tổ chức, vì vậy sẽ không có sự chồng chéo hoặc không chắc chắn về thực hiện mệnh lệnh được đưa ra.
Ghi chú:
Cuốn “Tùy Thư” (隋書, Sui Shū) là lịch sử chính thức của triều đại nhà Tùy. Nó được viết bởi một nhóm các học giả nổi tiếng trong triều đại nhà Đường và hoàn thành vào năm 636 SCN. Cuốn sách gồm năm tập biên niên sử, 30 tập chuyên luận, và 50 tập tiểu sử.
Minh Tinh biên dịch
Xem thêm: