Khi chúng ta chọn thiện lương, chúng ta không thể vứt bỏ nó chỉ bởi luôn có sự tồn tại của bất thiện. Ví như, nếu người khác đối bạn tốt thì bạn liền đối họ tốt, người khác đối bạn không tốt bạn liền đối họ không tốt, thì đó chưa phải là chọn cái thiện, mà là một loại giao dịch nhân sinh.

Mạng video “Douban” của Trung Quốc đại lục có một album rất hay mang tên “Nói chuyện với người không quen”, mùa thứ hai gần đây đã bắt đầu. Trong tập thứ chín, “Tôi và 300 chủ nợ của tôi”, một phụ nữ trẻ kể câu chuyện mượn tiền và trả tiền.

Câu chuyện diễn ra như thế này.

“Có nhầm lẫn gì không?”

Trương Hải Lâm là một cô gái nông thôn đến từ Tân Hương, Hà Nam. Cha cô lái một chiếc xe tải, tính cách rất nóng ruột, còn mẹ cô thường lái xe với cha cô. Trương Hải Lâm tự mình ở lại Bắc Kinh làm việc sau khi tốt nghiệp đại học, sau đó đến Hàng Châu làm việc, mỗi ngày đều làm việc chăm chỉ.

Rồi chuyện không may đã xảy ra, bố cô lái xe bị tai nạn, làm chết người, phải bồi thường số tiền 30 vạn tệ, còn mẹ cô thì ốm nặng. Trương Hải Lâm mới đi làm, không có nhiều tiền, em trai còn đang đi học, toàn gia đình lo lắng như kiến ​​bò trên nồi lẩu nóng.

Trong lúc tuyệt vọng, Trương Hải Lâm đã nghĩ ra một cách. Cô đăng một bản kê khai khoản vay trên mạng xã hội và thông báo kế hoạch trả nợ chi tiết của mình. Cô tuyên bố sẽ vay tiền của 300 người, mỗi người chỉ vay 1.000 nhân dân tệ, sau đó trả cho 5 chủ nợ mỗi tháng. Cô ước tính rằng sau khi trừ các chi phí cơ bản, cô có thể trả được 5.000 nhân dân tệ mỗi tháng, và có thể trả hết các khoản nợ trong khoảng 5 năm.

Bạn bè của Trương Hải Lâm rất bi quan về điều này, bạn có thể tìm đâu 300 người để cho bạn vay tiền?

Kết quả là chỉ 5 tiếng sau khi Trương công bố kế hoạch, cô ấy đã thực sự quyên góp được 30 vạn tệ để đối phó với cơn khủng hoảng bất ngờ ở nhà.

Nhưng bản chất của toàn bộ câu chuyện bây giờ mới thực sự bắt đầu. Trương Hải Lâm thực sự nghiêm túc trong việc trả nợ hàng tháng. Cô đánh số tất cả những người đã cho cô vay tiền, trả nợ từng người một theo thứ tự. Một số người không muốn cô hoàn tiền, thậm chí còn chặn mạng xã hội của cô, cô liền lấy danh nghĩa của đối phương để quyên tặng số tiền đó.

Hết tháng này đến tháng khác, hết năm này qua năm khác, Trương Hải Lâm đã thay đổi sáu công việc, từ Hàng Châu đến Thượng Hải, để kiếm tiền và trả nợ.

Khi nói về phản ứng của những người đã nhận được tiền trả nợ, cô cho biết hầu hết mọi người đều thấy lạ lùng là họ được trả lại tiền, còn một số “chủ nợ” cho biết bản thân họ sẵn sàng tin tưởng, lựa chọn tin tưởng, rằng tương trợ mới chính là tương lai của thế giới. Không ít người đơn giản là đã quên chuyện này, ba lần xác định đây không phải là chiêu trò mới của nhóm lừa đảo. Một chủ nợ nói, bạn làm chuyện này, còn khiến tôi cảm thấy trân quý hơn nhiều so với việc tiền được trả lại cho tôi. Còn có chủ nợ khác nói: “Có bạn lúc đầu khuyên tôi không cần trả, nhưng tôi nghĩ cần chứng minh một lần, xem xem trên thế giới có còn những người có thể tín nhiệm.”

Vào ngày 20/7/2018, Trương Hải Lâm đã trả hết các khoản nợ của mình. Cô cảm thấy thư thái hơn bao giờ hết.

Cô cho biết, hôm đó sau khi tan sở, cô đi rất chậm, trong tai nghe liên tục vang vọng lời bài thơ “Thanh bạch chi niên” của Phác Thụ: “Gió lớn thổi đến, ta theo gió mà phiêu đãng, những gương mặt thơ ngây bị lãng quên nơi phong trần…”

Tôi đoán đó là một niềm vui sâu lắng của tâm linh, vượt qua những gánh nặng, vượt qua phấn đấu thành công.

Một chủ nợ đã viết trên mạng xã hội của mình rằng thế giới đầy rẫy những câu chuyện lừa đảo và thô tục, nhưng anh ấy thà tin và cố gắng tìm ra những điều tốt đẹp vẫn tồn tại trên thế giới này. Anh nói: “Thế gian này, thiện lương là do chúng ta lựa chọn…”

Anh ấy nói đúng, thiện lương là một sự lựa chọn!

Thiện lương cũng là một loại lực lượng thúc đẩy sự trưởng thành tinh thần của chúng ta. Vượt trên cả thành công của thế tục, nếu có thể gia trì sự thiện lương, thì việc thăng hoa lên một cảnh giới khác của nhân sinh sẽ dễ dàng hơn.

Tôi chọn tin rằng câu chuyện của Trương Hải Lâm là một câu chuyện có thật, bất luận có một câu chuyện khác có tiến trình và kết cục hoàn toàn hoàn toàn tương phản vẫn đang xảy ra ở Trung Quốc. Bởi vì bản chất của thế giới này là thiện ác đồng tồn, cũng như vị chủ nợ đã nói, thiện lương là một lựa chọn, trên thực tế, ác cũng là một lựa chọn.

Bi kịch của đứa con bị chối bỏ

Câu chuyện ác là của Lưu Học Châu. Có lẽ đại bộ phận cư dân mạng đều đã biết về vụ việc này.

Cha mẹ của Lưu Học Châu đã chọn bán cậu khi cậu mới ba tháng tuổi, vì cậu là một đứa con ngoài giá thú, và số tiền đổi lại là món quà cưới của cha mẹ cậu. May mắn thay, cha mẹ nuôi của Lưu Học Châu đối xử rất tốt với cậu, nhưng cả hai đều qua đời khi cậu mới 4 tuổi. Ông bà nội nuôi nấng cậu, nhưng khi Lưu Học Châu 12 tuổi thì cả hai ông bà nội cũng mất.

Lưu Học Châu, một đứa trẻ mồ côi, vừa đi học vừa đi làm thêm, và bắt đầu tích cực tìm kiếm cha mẹ ruột của mình. Cậu khao khát một mái ấm, và cậu thực sự cần một mái ấm.

Nhờ sức mạnh của Internet, Lưu Học Châu nhanh chóng tìm ra cha mẹ ruột của mình. Nhưng lúc này, cha mẹ ruột đã ly hôn, cả hai đều tái hôn và có con riêng.

Một câu chuyện đáng lẽ có thể kết thúc bằng một vở kịch vui thì lại trở thành một bi kịch.

Cha mẹ ruột đều không muốn chấp nhận Lưu Học Châu. Điều này có nguyên nhân, vì cả hai đã tái hôn, mỗi người đều có vợ/chồng mới, có con riêng, và một người lạ đột nhiên xuất hiện ở nhà, điều này sẽ khá khó xử. Trên thực tế, quan hệ huyết thống của con người thực sự không bảo chứng cho sự thân thiết. Chúng ta vẫn thấy những trường hợp giữa cha mẹ, anh em, ông bà nội ngoại, vì quyền lực, vì kim tiền lợi ích mà tranh đấu bài xích lẫn nhau, thậm chí còn giết hại lẫn nhau.

Hy vọng của Lưu Học Châu được ở lại nhà của cha hoặc mẹ đã tan thành mây khói, cậu đề nghị cha mẹ trả tiền mua hoặc thuê nhà cho cậu, nhưng vẫn bị cha mẹ từ chối. Lưu Học Châu đưa câu chuyện của mình lên mạng với tiêu đề: “Cha tôi cưới mẹ tôi bằng tiền bán tôi”.

Một tiêu đề đau thương như vậy ngay lập tức thu hút sự chú ý lớn trên Internet. Nhưng những gì diễn ra tiếp theo thật bất ngờ. Có người trên mạng tìm được đoạn hội thoại giữa Lưu Học Châu và cha mẹ ruột của cậu, chứng minh cậu ta là một người “không biết thế nào là đủ”. Sau đó, một phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã đưa tin rằng Lưu Học Châu là người vô trách nhiệm, lười biếng và tham lam vô độ.

Lưu Học Châu tuyệt vọng đến mức, cậu đã chọn cách tự tử trên một bãi biển xinh đẹp ở đảo Hải Nam khi mới 15 tuổi.


Gần đây, ở huyện Phong, Từ Châu, Giang Tô, cũng xảy ra câu chuyện về một người phụ nữ bị nhốt tại nhà với dây xích trên cổ, và sinh ra 8 đứa con cho một người mà cô không hề quen biết. Chúng tôi sẽ không nói nhiều về chi tiết của câu chuyện này, vì đã có quá nhiều chi tiết trên Internet. Điều tôi muốn nói là hầu hết cư dân mạng đều cho rằng người phụ nữ này đã bị bắt cóc về địa phương và bán làm vợ. Trong ba thập kỷ qua với tư cách là một nhà báo, tôi đã thực hiện một số phóng sự tương tự và biết rằng có quá nhiều câu chuyện bi hài trong đó. Nhưng hôm nay chúng ta tạm gác chuyện đó lại.

Điều tôi muốn nhấn mạnh là những người phụ nữ này bị bắt cóc, thường là do tin nhầm lời dụ dỗ ngon ngọt của người khác, và một số do tin nhầm vào biểu diện tốt của kẻ xấu. Tin tưởng vào lòng tốt của người khác, nhưng lại tự chuốc lấy tình cảnh khốn cùng.

Cái giá của lòng tin

Đại học Zurich ở Thụy Sĩ đã làm một thí nghiệm tâm lý xã hội rất thú vị. Ban tổ chức đã tìm ra nhóm gồm sáu sinh viên không quen biết nhau. Quy tắc của thử nghiệm rất đơn giản. Mỗi tuần, các thành viên của nhóm có thể quyên góp cho một tổ chức ảo, với số tiền tối đa là 20 đồng và tối thiểu là 0. Sau một tuần, tổ chức này sẽ trả lại gấp đôi số tiền, số tiền này sẽ chia đều cho các thành viên trong nhóm.

Đối với người làm thí nghiệm, phương pháp hợp tình hợp lý nhất là mỗi tuần mỗi người quyên góp 20 đồng, như vậy họ cũng có thể nhận được “lợi nhuận” 20 đồng mỗi tuần. Nhưng hóa ra, đối với tất cả các nhóm, tổng số tiền quyên góp cuối cùng có xu hướng bằng không. Lý do rất đơn giản, nếu một người chọn không quyên góp, còn năm người kia quyên góp 20 đồng, thì 200 đồng trả lại vào tuần sau sẽ chia đều cho sáu người, và mỗi người sẽ được 33,33 đồng, và “tiền lời” của người không tặng sẽ được tăng lên rất nhiều.

Nhưng những người còn lại không phải là kẻ ngốc, từ kết quả này, họ có thể suy ra rằng có ai đó không quyên góp, vì vậy trò chơi trở thành cuộc thi “xem ai là người thông minh nhất”. Kết quả cuối cùng là tổng số tiền quyên góp trở thành con số không, và tổng số lợi nhuận, tất nhiên, trở thành con số không.

Thí nghiệm này là một trong chuỗi các thí nghiệm trong xã hội học có tên: Trò chơi hàng hóa công cộng (Public Goods Game). Nếu bạn quan tâm, bạn có thể kiểm tra.

Thí nghiệm này đã mang lại nhiều khải thị cho con người, một trong số đó là cái xấu của xã hội (tính tự tư trong thực nghiệm này) rất dễ lây lan, và nó sẽ đầu độc mối quan hệ nhóm, đặc biệt là sự tin cậy lẫn nhau, dẫn đến sự “thiện lương” trong quần thể bị tổn hại nghiêm trọng.

Bản thân tôi cũng từng trải qua một câu chuyện tương tự.

Một lần vào những năm 1980, tôi đi từ Tây Tạng đến Tứ Xuyên. Vì tò mò và để mua vui, tôi không mua vé xe buýt mà leo lên một chiếc xe tải lớn bằng gỗ chở một vài công nhân nhập cư Tứ Xuyên. Người tài xế xe tải rất xảo quyệt, anh ta đã nhận ra có người trên xe, nhưng anh ta chọn dừng xe trên đỉnh núi ở nơi hoang vu và yêu cầu mỗi người đưa cho anh ta 10 tệ. Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa tiền. Tuy nhiên, hai trong số những công nhân nhập cư không có tiền, họ nói rằng họ đã bị lừa khi đến Tây Tạng để tham gia vào các dự án và không có tiền. Người lái xe không khoan nhượng và yêu cầu họ xuống xe trên đỉnh tuyết.

Tôi đã chọn cho họ tiền, và tôi cũng mời họ ăn tối trên đường đi. Xe đến Khương Định, Tứ Xuyên. Xe chở gỗ đến nơi, tôi định bắt xe đường dài đến Thành Đô. Hai công nhân nhập cư không có tiền đến gặp tôi, cầu xin tôi cho họ vay tiền để mua vé và hết lần này đến lần khác thề với Thượng đế rằng họ sẽ trả lại số tiền đó cho tôi. Tôi lại cho hai người vay tiền và để lại địa chỉ để họ trả tiền.

Sau này, không có sau này, không ai trả lại tiền. Vào giữa những năm 1980, 60 nhân dân tệ tương đương với tiền lương hàng tháng của một sinh viên tốt nghiệp đại học. Lúc đó tôi đã tốt nghiệp đại học ba năm.

Nếu tôi là một nữ sinh viên đại học, có lẽ tôi đã bị bán vào thời điểm đó.

Sự việc này khiến tôi bị xung kích không ít, nhưng cuối cùng tôi đã chọn tin vào người khác, tin vào thiện lương, sau bao nhiêu năm, có kết cục tốt, và cũng có kết cục không tốt. Nhưng tôi quyết định chọn ghi nhớ những kết cục tốt đẹp đó, trên thực tế, những gì lòng tốt mang đến, cuối cùng sẽ tràn đầy năng lượng tích cực.

Như chủ nợ Vân Nam của Trương Hải Lâm đã nói, thiện lương là một sự lựa chọn, và đó là sự lựa chọn của riêng mỗi người. Khi chúng ta chọn thiện lương, chúng ta không thể vứt bỏ nó chỉ bởi luôn có sự tồn tại của bất thiện. Ví như, nếu người khác đối bạn tốt thì bạn liền đối tốt, người khác đối bạn không tốt bạn liền đối họ không tốt, thì đó không phải là sự lựa chọn cái thiện, mà là một loại giao dịch nhân sinh.

Tôn giáo chân chính hướng mọi người đến cái thiện; kiên trì và kiên định lựa chọn cái thiện, thì sẽ thành đạt tín ngưỡng.

Nhân dịp năm mới, ngoài lời chúc sức khỏe, hạnh phúc đến mọi người, tôi cũng chúc tất cả các bạn hãy kiên định với tâm nguyện sơ khai của mình, và kiên định với những thiện niệm tốt đẹp của chính mình.

Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch