Đại Kỷ Nguyên

Câu chuyện về tội nghiệp sát sinh giữa vị hòa thượng và tú tài

Tú tài nhìn thấy người chèo thuyền vì đẩy thuyền xuống sông để chờ khách mà làm chết nhiều tôm và cá liền hỏi vị hòa thượng xem tội nghiệp sát sinh ấy là thuộc vềngười chèo thuyền hay người đi thuyền? Vị hòa thượng trả lời thật thấu đáo!

Câu chuyện như thế này:

Một ngày nọ, một nhóm đông người đang chờ đợi để được qua sông. Người chèo thuyền vội vã đẩy thuyền từ trên bờ sông xuống. Không ngờ, những con cá nhỏ, tôm nhỏ và cua nhỏ đang ở ven bờ bởi vì bị thuyền đi qua đè lên mà chết rất nhiều.

Trong nhóm đông người khách ấy, có một vị hòa thượng và một tú tài trẻ tuổi.

Vị tú tài nhìn thấy cảnh những con tôm con cua bởi vì bị thuyền đè lên mà chết, liền hỏi vị hòa thượng: “Hòa thượng! Ngài xem, người chèo thuyền kia vì đẩy thuyền từ trên bờ xuống sông mà làm chết nhiều tôm cá như vậy. Ngài thử nói xem, tội này là của ai? Là những vị khách đi thuyền hay là của người chèo thuyền đây? Tương lai, tội nghiệp sát sinh này sẽ giáng xuống người chèo thuyền hay những người khách đi thuyền?”

Không ngờ, tú tài vừa nói xong, vị hòa thượng chỉ vào tú tài trẻ tuổi và nói: “Là lỗi của thí chủ đấy!”

(Ảnh minh họa)

Vị tú tài thực sự tức giận, nói: “Làm sao mà là lỗi của tôi được? Tôi không phải người chèo thuyền mà tôi cũng chưa đi thuyền. Sao ngài lại nói là lỗi của tôi?”

Vị hòa thượng nói: “Bởi vì thí chủ xen vào việc của người khác. Người chèo thuyền là vì để chở những người khách sang sông chứ trong lòng không hề có ý nghĩ sát sinh.

Những vị khách đi thuyền kia chẳng qua cũng chỉ là muốn sang sông để làm việc. Họ cũng không có ác niệm sát sinh. Cái tâm không cố ý sát sinh của họ giống như một khoảng trời xanh vậy. Cho dù mây trắng, mây đen bay lượn che lấp nhưng cũng không thể làm ảnh hưởng đến sắc trời trong xanh vốn có của nó được!”

Vị tú tài nghe xong những lời này của vị hòa thượng như đã tỉnh ngộ ra nhiều điều.

(Ảnh minh họa)

Lúc này, vị hòa thượng lại nói: “Tội nghiệp của con người là do tâm tạo ra. Cho nên, một người nếu chỉ nhìn bề mặt mà phán xét phải trái, đúng sai một cách hồ đồ, ngông cuồng thì cũng bằng với việc tự chuốc thêm phiền não cho mình!”

Kỳ thực, ngẫm nghĩ đến cuộc sống của chúng ta, chẳng phải cũng có không ít người giống như vị tú tài kia sao? Thường xuyên thích bình luận thiện ác, tốt xấu của người khác trong khi chưa hiểu rõ điều gì. Họ không biết rằng chính việc thị phi ấy đã khiến cả tâm và thân của mình bị mệt mỏi, mất tự do tự tại rồi.

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version