Đại Kỷ Nguyên

Câu chuyện xuyên việt thời không mà người Nhật Bản quen thuộc

Urashima Taro du hành xuyên việt thời gian và không gian là một câu chuyện dân gian cổ xưa nổi tiếng ở Nhật Bản đã có từ ngàn năm. (Pixabay)

Urashima Taro du hành xuyên việt thời gian và không gian là một câu chuyện dân gian cổ xưa nổi tiếng ở Nhật Bản đã có từ ngàn năm.

Kể từ thời cận đại ở Nhật Bản, với sự phát triển phi tốc của giáo dục và truyền thông, tốc độ truyền bá văn hóa ngày càng tăng nhanh, độ sâu và độ rộng phủ sóng của ảnh hưởng của văn hóa cũng ngày càng tăng lên. Được thúc đẩy bởi hai động cơ giáo dục và truyền thông, những câu chuyện dân gian như “Urashima Taro” được mọi gia đình, phụ nữ và trẻ em đều biết đến. Chúng gần như đã trở thành một tiêu chí có tính tượng trưng của văn hóa dân tộc Nhật Bản, phản ánh ra một số đặc thù của văn hóa Nhật Bản.

Vậy, Urashima Taro là thể loại truyện gì? Nó bắt nguồn từ khi nào? Có ghi chép nào liên quan trong sử sách không? Ý nghĩa tư tưởng và văn hóa của câu chuyện này là gì?

Urashima Taro Thăm Long Cung

Ngày xưa, ở một nơi nọ có một ngư dân tâm địa thiện lương tên là Urashima Taro. Một ngày nọ, Urashima Taro nhìn thấy một số trẻ em đang chọc ghẹo một con rùa trên bãi biển. Vì vậy, chàng đã trả tiền mua con rùa và thả nó trở lại biển cả.

Vài ngày sau, Urashima Taro đi câu cá như thường lệ. Đột nhiên, một con rùa từ biển nổi lên, nói với chàng: “Urashima Taro, xin chào! Ta là con rùa đã được chàng cứu vài ngày trước. Công chúa trong Long Cung mời chàng đến thăm Long Cung và ra lệnh cho ta đến đón chàng.” Theo đó, Urashima Taro ngồi trên lưng rùa và tiến xuống biển.

Con rùa biển lớn đến nghênh tiếp Taro Urashima. (Pixabay)

Long Cung được bao quanh bởi san hô, mỹ ngư tung tăng bơi lội, mỹ lệ vô cùng, công chúa của Long Cung hoa dung nguyệt mạo, vẻ đẹp của nàng trên thế gian không ai có thể sánh bằng.

Khi công chúa nhìn thấy Urashima Taro, nàng nói: “Chàng có thể ở lại đây sống nhàn nhã.”

Thế là Urashima Taro liền lưu lại. Ở trong Long Cung, Urashima Taro dường như đã quên mất thời gian trôi qua, như thể mỗi ngày đều đang sống trong mộng cảnh.

Sau vài ngày, Urashima Taro chợt nhớ đến mẹ của mình và thôn trang nơi mình sinh sống, chàng quyết định cáo biệt Long Cung, trở về gia hương. Trước khi đi, công chúa đưa cho chàng một hộp báu nhỏ và dặn: “Chàng dù gặp khó khăn gì, cũng đừng mở chiếc hộp này”.

Rồi, Urashima Taro lại ngồi trên lưng rùa, cáo biệt công chúa, rời khỏi Long Cung và trở về gia hương của mình.

Tuy nhiên, điều kỳ lạ là thôn trang đã thay đổi hoàn toàn diện mạo, chàng không thể tìm thấy nhà và mẹ già của mình. Đối mặt với tình cảnh trước mắt, chàng bất lực không biết phải làm thế nào. Vì vậy, chàng quyết định mở hộp kho báu để xem. Khi mở chiếc hộp kho báu, một làn khói trắng bay ra từ nó, và Urashima Taro ngay lập tức biến thành một ông lão.

Không ngờ, chàng chỉ vui vẻ mấy ngày ở Long Cung, mà thế gian đã trôi qua mấy trăm năm. Chàng hoang mang không biết mình đang ở đâu, và không biết thời khắc này là mơ hay thực…

Urashima Taro trong thư tịch cổ

Tóm tắt câu chuyện trên đây chỉ là bản tiêu chuẩn dùng trong giáo dục từ thời cận đại, ngoài ra còn nhiều bản khác được lưu truyền.

Bắt đầu từ thời trung thế kỷ, đã xuất hiện những truyền thuyết liên quan về Urashima Taro, nhưng trong các tài liệu trước đây, tên của nhân vật không phải là Urashima Taro mà là Urashimako. Cái tên này đều có ghi chép trong nhiều bộ sách sử, dường như trong lịch sử thực sự có người như vậy. Một số học giả khảo sát, tin rằng Urashimako thuộc tộc Kusaka, và là hậu duệ của Khai Hóa Thiên Vương, một nhánh của gia tộc Trì Mã Quốc Tạo.

Các truyền thuyết liên quan về Urashimako lần đầu tiên được nhìn thấy trong các tài liệu cổ: “Nhật Bản Thư Kỷ”, “Vạn Diệp  Tập” và giai thoại “Đan Hậu Quốc Phong Thổ Ký”. Tuy tên gọi giống nhau, nhưng nội dung được ghi lại khá khác biệt.

“Đan Hậu Quốc Phong Thổ Ký” là một biên niên sử mô tả phong tục tập quán của nước Đan Hậu (nay là phía bắc tỉnh Kyoto), nội dung phần lớn đã bị thất truyền, chỉ còn lại những đoạn mô tả giai thoại. Theo ghi chép của “Thích Nhật Bản Kỷ” (đây là cuốn sách bình luận về “Nhật Bản Thư Kỷ”, tổng cộng 28 tập) xuất hiện vào cuối thời Kamakura, “Đan Hậu Quốc Phong Thổ Ký” được thụ mệnh biên soạn vào năm Hòa Đồng thứ 6 (năm 713), vì vậy cuốn sách nguyên bản có lẽ được xuất hiện muộn nhất vào thế kỷ thứ 8. Trong “Đan Hậu Quốc Phong Thổ Ký”, có ghi chép nhiều câu chuyện như truyền thuyết Urashima và Vũ Y, còn có Hòa Ca dùng bút danh Vạn Diệp để viết sách.

Sách “Đan Hậu Quốc Phong Thổ Ký”, trong mục “Đồng Xuyên Dư Tử, Urashimako ở Thủy Giang”, có mô tả sau:

Ở Nhật Trí Lý, huyện Dữ Tạ, có một thôn trang tên là Đồng Xuyên, có một chàng trai có diện mạo nổi bật, khuôn phép trang nghiêm, tên gọi là Urashimako, và là tổ tiên của Kusaka.

Vào thời đại Thiên Vương, Urashimako một mình chèo thuyền ra biển đánh cá, ba ngày không bắt được một con cá nào, cuối cùng bắt được một con rùa lớn ngũ sắc. Trong khi Urashimako đang chợp mắt trên thuyền, con rùa biển đã biến thành một mỹ nữ. Vì vậy, chàng hỏi cô gái về thân thế của nàng, và nàng trả lời: Ta vốn là người trong tiên tộc trên thiên thượng, ta rất muốn gặp chàng, vì vậy ta đã đến đây. Sau đó, cô gái yêu cầu chàng nhắm mắt lại. Khi chàng mở mắt ra, phát hiện mình đã đến một hòn đảo lớn, nơi đó là Bồng Sơn nơi cô gái cư ngụ.

Đến cửa cung điện, bảy tám nhi đồng ra nghênh đón, nói: “Hoan nghênh phu quân của nàng rùa đến!” Cô gái cùng cha mẹ cũng ra nghênh tiếp chàng. Chàng được chiêu đãi yến tiệc, và đàm luận sự khác biệt giữa nhân gian và tiên giới. Rồi, chàng và nàng thề nguyện kết duyên phu thê.

Sau ba năm, chàng chợt hoài niệm cố hương, nảy ý muốn trở về nhà. Người vợ thập phần lo lắng, đưa cho chàng một hộp báu và dặn chồng: Nếu chàng còn muốn gặp thiếp, xin đừng mở hộp báu ra. Sau đó, tiễn chàng ra khỏi tiên cảnh.

Tuy nhiên, khi trở về cố hương, chàng không thể tìm thấy ngôi nhà cũ của mình khi xưa, cũng không biết tung tích người nhà. Chàng biết được từ thôn dân rằng: Ba trăm năm trước, một người đàn ông tên là Urashimako đã biến mất ở ngôi làng này. Trong lúc hoảng loạn, chàng quên mất lời dặn của vợ, vội vàng mở hộp ra, chỉ thấy một bóng dáng mỹ diệu cưỡi mây hướng lên trời mà bay. Vì vậy, Urashimako ngộ ra rằng, chàng sẽ không bao giờ gặp lại nàng tiên đó trong cuộc đời này.

Mở hộp báu ra, chuyến du hành xuyên việt thời không của Urashima Taro đã đi đến hồi kết. (Pixabay)

Tập thứ chín của “Vạn Diệp Tập”, tuyển tập thơ sớm nhất của Nhật Bản, được xuất bản vào cuối thời Nara (710-794), có trường ca “Vịnh Urashimako” của Takahashi Chongmaro, bài ca ngâm vịnh:

Urashimako của Thủy Giang ra biển đánh cá, bảy ngày không quay lại. Vô tình, chàng vượt qua hải giới, gặp một cô nương thần biển. Hai người trò chuyện, kết duyên nam nữ. Theo đó, Urashimako sống trong Cung điện Thần biển.

Một hôm, chàng nói muốn về quê. Vợ chàng đưa cho chàng một hộp báu và dặn chàng: Nếu chàng vẫn muốn quay lại Thần giới, thì đừng mở hộp kho báu.

Urashimako trở về quê hương Thủy Giang, chàng nghĩ rằng mình chỉ mới xa nhà ba năm, nhưng ngôi nhà đã biến mất không tung tích. Chàng nghĩ, có lẽ nếu mình mở hộp, ngôi nhà xưa kia sẽ xuất hiện trở lại, vì vậy chàng đã mở hộp kho báu. Chỉ nhìn thấy một làn khói trắng bay lên không, hướng về phía Thần giới. Urashima lập tức biến thành một ông lão tóc hoa râm nhăn nheo, chàng kinh hoàng kêu lên, mất hết thần khí.

Trong “Nhật Bản Thư Ký” (năm 720), cũng có mô tả về Urashima Taro trong mục Thu tháng 7 năm Thiên Vương thứ 22 (năm 478), như sau:

Urashimako, sống ở quận Dư Xã nước Đan Ba (nay là tỉnh Kyoto và quận Tạ), đã đi thuyền ra biển đánh cá, bắt được một con rùa lớn. Thật bất ngờ, con rùa lớn lập tức biến thành một mỹ nữ. Trái tim chàng rung động trước vẻ đẹp, vì vậy chàng đã cưới nàng làm vợ. Sau đó, hai người lặn xuống biển, tiến về phía núi Bồng Lai. Ở đó, chàng đã trải nghiệm nhiều điều, và gặp gỡ rất nhiều tiên nhân.

Câu chuyện Urashima Taro bắt nguồn từ Trung Quốc?

Rất lâu trước những ghi chép này, đã có nội dung liên quan tồn tại, được cho là bút tích của Mã Dưỡng ở nước Đan Ba. Mã Dưỡng là một quý tộc, nhà thơ người Hán, học giả và quan lại thời Asuka (năm 592-710), từng đảm nhiệm vương thái tử học sĩ, tham gia chế định “Luật Lệnh” và biên soạn sách lịch sử, trong “Hoài Phong Tảo” thu lục nhiều bài thơ chữ Hán của ông, trong đó chứa đầy tư tưởng thần tiên của Đạo gia. Xét về tu dưỡng Hán học của Mã Dưỡng, có người cho rằng, truyền thuyết Urashima Taro là đến từ truyền thuyết liên quan của Trung Quốc, đã được qua tay Mã Dưỡng bản địa hóa.

Từ góc độ văn hóa so sánh, câu chuyện Urashima Taro có nhiều điểm tương tự và tương đồng với nội dung liên quan của các thư tịch Trung Quốc như “Thủy Kinh Chú”, “Sưu Thần Hậu Ký”, “Long Nữ Truyền”, “Liễu Nghị Truyền” v.v. Do đó, không thể phủ nhận rằng nguồn gốc của nó đến từ văn hóa Trung Quốc.

Từ thời cận đại cho đến thời Showa (1926-1989), truyện Urashima Taro đã được đưa vào nội dung sách giáo khoa quốc ngữ. Bố cục nội dung của nó đại khái giống với tình tiết câu chuyện được lưu truyền ngày nay. Vì vậy, câu chuyện về Urashima Taro đã dần trở thành một nét văn hóa có tính dân tộc mà người Nhật Bản quen thuộc và chia sẻ.

Điều đáng chú ý là, vì mục đích giáo dục đạo đức, khi chuyển thể nó thành văn bản giảng dạy, các tình tiết như cuộc hôn nhân của Urashima Taro trong Long Cung đã bị xóa một cách có chủ ý, chỉ nhấn mạnh việc Urashima Taro đã thất bại tuân thủ quy ước mà mở hộp báu, mà dẫn đến xui xẻo.

Sở dĩ truyện Urashima Taro được trường kỳ lưu truyền và yêu thích, không chỉ bởi sắc thái lãng mạn, mà còn là cốt lõi tư tưởng “thiện hữu thiện báo” của câu chuyện, đây hẳn là một nguyên nhân trọng yếu. 

Người Nhật Bản từ xưa đã coi trọng đạo đức, thượng tôn lễ nghĩa, tư tưởng “thiện ác hữu báo” từ lâu đã trở thành căn cơ tư tưởng vô hình và vĩnh cửu trong văn hóa Nhật Bản. Urashima Taro đã được phúc báo vì thiện hành của mình, nhưng vì không thể tuân thủ lời hứa mà tai họa đã xảy ra. Việc triển thị một chính một phản này, thứ nhất là để khuyến thiện, thứ hai là để cảnh giới.

Ngoài ra, sự tồn tại và hình thái của sinh mệnh trong những cảnh giới khác nhau như nhân thế, tiên giới, long cung v.v. cũng như nhân sinh quan, vũ trụ quan tồn tại trong thời không sai dị và cảnh giới khác biệt, hẳn là điểm sáng văn hóa tư tưởng có ý nghĩa sâu xa hơn.

Tác giả Tu Thực, Epoch Times, Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version