Đại Kỷ Nguyên

Cầu học Mạnh Tử: Đòi hỏi người trước tiên phải đòi hỏi mình

Cầu học Mạnh Tử: Đòi hỏi người trước tiên phải đòi hỏi mình

Nếu bản thân mình không làm việc theo chính đạo, cho dù chính đạo có ở trên thân vợ mình cũng không thể thi hành được, huống chi là ở người khác; Điều khiển người khác không dựa theo chính đạo, ngay cả đến vợ mình cũng không thể điều khiển được, huống chi là với người khác.

Chân thành lương thiện là phẩm chất tốt đẹp mà ông Trời phú cho con người, suy nghĩ tới việc giữ vững và phát huy loại tính thiện thành tâm này là sự cố gắng của bản thân con người. Một người nếu chân thành tới mức độ cùng cực mà mọi người không cho rằng đó là một sự việc đáng cảm động thì tuyệt đối là điều không thể có, còn những người thiếu thành ý thì không thể làm cho người khác cảm động được.

Đối với hiền nhân chỉ ngưỡng mộ mà không yêu, điều này cũng gần giống như nuôi lợn vậy, chỉ biết yêu mà không tôn kính thì cũng giống như coi họ là một loại súc sinh. Trái tim cung kính người khác ngay từ trước khi đưa tặng lễ vật đã cần phải có rồi. Nếu cung kính mà chỉ có hình thức mà không có thành tâm, người quân tử không thể câu nệ với loại lễ tiết giả dối này được.

Những người không có trái tim thông cảm thì đó không phải là con người; Những người không có trái tim biết hổ thẹn sỉ nhục, thì đó không phải là con người; Những người không có trái tim biết phải trái, thì đó không phải là con người.

Trái tim thông cảm là sự mở đầu của lòng nhân ái; Trái tim biết hổ thẹn sỉ nhục là sự mở đầu của đạo nghĩa; Trái tim biết khiêm nhường là sự mở đầu của lễ nghi; Trái tim biết phải trái là sự mở đầu của trí tuệ. Một người có đầy đủ bốn loại mở đầu này thì cũng như một cơ thể có đầy đủ tứ chi mạnh khỏe vậy.

Sống ở trong ngôi nhà rộng rãi nhất dưới bầu trời, đứng ở trên vị trí chính xác nhất ở trong thiên hạ, đi trên con đường rộng rãi nhất ở trong thiên hạ, chỉ có thể thực hiện được chí nguyện khi cùng tiến bước trên cùng một con đường với quần chúng nhân dân, sẽ không thể thực hiện được chí nguyện khi riêng một mình kiên trì giữ quan niệm của bản thân mình.

Phú quý không thể khiến cho họ phóng túng hưởng lạc, bần tiện không thể khiến cho họ thay đổi chí hướng, uy vũ không thể khiến cho họ khom lưng uốn gối, như vậy được gọi là Đại trượng phu.

Giao hữu bạn bè không thể ỷ dựa vào mình tuổi tác cao, không thể dựa vào chức quan cao của mình, cũng không thể dựa vào những anh em có tiền có thế của mình.

Một người từng trải qua nhiều lần sai lầm và thất bại, mới có thể sửa lỗi tự đổi mới mình; Chỉ có từng trải qua cuộc đời đấu tranh tư tưởng gian khổ và suy nghĩ lâu dài, mới có thể làm nên công trạng; Chỉ có sống trong sự rèn luyện gian khổ, hình sắc tiều tụy, phát ra những âm thanh khảng khái bi tráng mới có thể khiến cho mọi người hiểu được.

Cho nên ông Trời muốn đem trách nhiệm nặng nề trị quốc an dân đặt lên vai con người này, nhất định trước hết phải khiến cho họ phải nếm trải muôn vàn gian nan khốn khổ, làm cho họ tâm phiền ý loạn, gân cốt mệt mỏi, bụng ruột đói khát, hai tay trống rỗng, muốn làm việc gì đều phải quấy nhiễu rối loạn, điều này chính là vì muốn khiến cho họ tâm ý sửng sốt kinh ngạc, được rèn luyện tính cách kiên nhẫn, khắc phục tính lười nhác, do đó đã tăng trưởng được tài năng mà thường ngày họ không có đầy đủ.

Nếu không hợp với đạo và nghĩa, cho dù có lấy được của cải giàu có của thiên hạ đem cho họ để làm bổng lộc, họ cũng chẳng thèm để ý tới; Cho dù có buộc bốn nghìn con ngựa ở trước mặt họ, ngay cả đến mình họ cũng chẳng thèm nhìn. Nếu không hợp với đạo và nghĩa, một chút đồ vật nhỏ bé cũng không thể lấy cho người khác, và cũng như vậy tất nhiên không thể đòi hỏi một chút đồ vật nhỏ bé của người khác.

Biện pháp quan sát con người, không có gì tốt hơn là quan sát đôi mắt của người đó, đôi mắt là nơi không thể giấu giếm được sự xấu xa tàn ác của nội tâm con người. Nếu nội tâm ngay thẳng, đôi mắt của họ nhìn vào sẽ thấy trong sáng; Nếu nội tâm không ngay thẳng, đôi mắt của họ sẽ thể hiện rõ sự vẩn đục. Nghe một người nói chuyện, quan sát vào thần mắt của người đó, nội tâm của người này là thiện hay ác làm sao có thể giấu giếm được?

Nhà văn Dương Thu Ái biên dịch


Đôi lời về tác giả: Nhà văn Dương Thu Ái, tên thật là Dương Văn Thụ, sinh năm 1936 tại xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Năm 2012, ông được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập các Kỷ lục: Nhà văn – dịch giả dịch sách tiếng Trung được xuất bản nhiều nhất; Người sưu tầm và sáng tác các bài châm răn mình, răn đời nhiều nhất; Nhà văn dịch sách bằng bút nhặt nhiều nhất; Nhà văn – dịch giả dịch sách tiếng Trung được xuất bản nhiều nhất trong vòng 1 năm. Năm 2017, ông được Viện Nội dung Kỷ lục Thế giới vinh danh và trao tặng Đĩa vàng ở Nội dung kỷ lục có giá trị về đạo đức và nhân văn – Người sưu tầm và sáng tác các bài châm răn mình, răn đời nhiều nhất mang giá trị sưu tầm tư liệu và cống hiến các giá trị nội dung cho xã hội.

Exit mobile version