Chuyên mục “Chữ và Nghĩa” chủ trương trả lại ý nghĩa đích thực, nghĩa gốc của những từ ngữ mà chúng ta đang dùng trong đời sống hiện đại. Nếu chúng ta hiểu không đúng nghĩa của từ, chúng ta sẽ không thể hiểu được lời nói của ông cha, cũng không đọc được sách vở chính thống, chính là tự cắt đi sự liên hệ với quá khứ. Do vậy, chúng tôi xin giúp độc giả phạt cỏ dọn cành ngõ hầu phát quang lối cũ về với người xưa. Và cũng nhân đó giúp cho độc giả có được dăm ba phút giải trí nhẹ nhàng.
Có những khẩu hiệu hay cụm từ đã trở nên quá quen thuộc với cuộc sống chúng ta đến mức ít người quan tâm đến nguồn gốc của nó. Đa phần chúng ta đều tin rằng đó là “sản phẩm địa phương”. Tuy nhiên, nếu truy nguyên về nguồn gốc của nó thì chúng ta lại có thêm những nhận thức thú vị.
1. Nhà nước của dân, do dân, vì dân
Chúng ta hay nghe nói trong các văn bản chính trị rằng: Nhà nước Việt Nam là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Tuy nhiên, đây là tư tưởng được tổng thống vĩ đại nước Mỹ Abraham Lincoln nói ra lần đầu tiên trong diễn văn Gettysburg nổi tiếng trong buổi lễ khánh thành Nghĩa trang Quốc gia vào tháng 11 năm 1863. Lincoln nói rằng: “…một chính phủ của dân, do dân, vì dân sẽ không bao giờ lụi tàn khỏi trái đất này” (Goverment of the people, by the people, for the people shall not perish from the Earth).
Hàm ý của câu nói này đó là: Chính quyền không phải những người làm nên lịch sử mà chính nhân dân đã xây dựng, chiến đấu và bảo vệ đất nước. Chính phủ được sinh ra để phụng sự nhân dân chứ không phải điều ngược lại. Tư tưởng này có nhiều điểm tương đồng với tư tưởng của Mạnh Tử: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” – Dân là quý nhất, đất nước đứng sau, vua đứng cuối cùng. Lincoln là một người thành thật với biệt hiệu Honest Abe (Abe thành thật) và đó không phải là lời đầu môi chót lưỡi của một chính trị gia mị dân mà thực sự là tinh thần của chính quyền Lincoln và nước Mỹ.
Tư tưởng này của Lincoln gây ảnh hưởng tới rất nhiều chính trị gia khác. Có người nói Tôn Trung Sơn (Tôn Dật Tiên), người khai sinh ra Trung Hoa Dân Quốc đã xây dựng lý thuyết trị quốc của ông trên tinh thần của diễn văn Gettysburg. Tương ứng với “của dân”, “do dân”, “vì dân” của Lincoln, ông Tôn Trung Sơn đã xây dựng khái niệm “dân hữu”, “dân trị”, “dân hưởng”.
2. Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay
Câu hát này xuất hiện trong một bài hát của một nhạc sĩ Việt Nam. Có lẽ cũng từ đó nhiều người hay thích hỏi: “Bạn đã làm được gì cho đất nước hay chưa?”.
Câu hát này lấy nguyên văn phát biểu của một chính khách nổi tiếng của Mỹ, tổng thống J.F. Kennedy, trong bài diễn văn nhậm chức tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ của ông vào ngày 20 tháng 1 năm 1961. Ông nói rằng: “Hỡi những người Mỹ thân mến của tôi: Đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho các bạn – hãy hỏi rằng các bạn có thể làm gì cho đất nước”. (And, so, my fellow Americans: ask not what your country can do for you – ask what you can do for your country).
Tất nhiên, như trên đã nói, nhân dân Mỹ là những người làm nên lịch sử kể từ khi lập quốc và đất nước Hoa Kỳ thực sự là một đất nước “của dân”, “do dân”, “vì dân” cho nên khẩu hiệu đó của Kennedy cũng là tuân theo truyền thống của nước Mỹ mà thôi.
Bạn đọc có thể xem Kennedy phát biểu nội dung này trong một đoạn phim tư liệu được lồng vào bộ phim điện ảnh Mỹ nổi tiếng “sinh ngày 4/7” của đạo diễn Oliver Stone do diễn viên Tom Cruise thủ vai chính.
3. Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người
Có thể chúng ta vẫn nghĩ câu nói này là của Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tư tưởng ấy lại là của một người sống cách ông 2600 năm vào thời Chiến Quốc nước Trung Hoa. Đó là Quản Trọng, một chiến lược gia vĩ đại thời cổ và là công thần số 1 của Tề Hoàn Công nước Tề.
Khi Tề Hoàn Công hỏi Quản Trọng về chính sách phát triển quốc gia, Quản Trọng đã trả lời như sau (điều này được ghi lại trong sách Quản Tử của ông):
“Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc
Thập niên chi kế mạc như thụ mộc
Chung thân chi kế mạc như thụ nhân
Nhất thu nhất hoạch giả, cốc dã
Nhất thu thập hoạch giả, mộc dã
Nhất thu bách hoạch giả, nhân dã”.
Tạm dịch:
Kế một năm, chi bằng trồng lúa
Kế 10 năm, chi bằng trồng cây
Kế trọn đời, chi bằng trồng người.
Trồng một, gặt một, ấy là lúa
Trồng một, gặt mười, ấy là cây
Trồng một, gặt trăm, ấy là người.
Nghĩa là để giải quyết chuyện đói no trước mắt hãy đi trồng cây lương thực. Nếu muốn có lợi ích xa hơn, lớn hơn thì trồng cây lớn. Còn kẻ lão mưu thâm toán biết nhìn xa trông rộng thì phải biết gieo trồng trong tư tưởng của người khác. Với người dân trong nước, đó chính là chính sách giáo dục để trồng nên những thế hệ sau tài năng và có nền tảng đạo đức, văn hóa vững mạnh thì nước nhà mới cường thịnh. Ấy chính là “trồng một, gặt trăm”. Ngược lại với quốc gia kẻ địch thì phải gieo trồng tư tưởng thực dân khiến nhân dân nước đó yếu kém về nhận thức, hủ lậu về văn hóa và suy sụp về đạo đức.
4. Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên
Đây là bốn câu thơ nổi tiếng mà nhiều người Việt thuộc lòng. Thực tế, bốn câu này cũng được lấy từ “Ấu học ngũ ngôn thi” trong sách giáo khoa chữ Hán xưa. Nguyên văn chữ Hán của bốn câu thơ này như sau: “Tạc sơn thông đại hải/ Luyện thạch bổ thanh thiên/ Thế thượng vô nan sự/ Nhân tâm tự bất kiên” (鑿 山 通 大 海/ 鍊 石 補 青 天/ 世 上 無 難 事/人 心 自 不 堅). Tác giả bài thơ “Huấn mông ấu học thi” này là Uông Thù, người thời Bắc Tống.
Bạn đọc thân mến, ngôn ngữ chính là tư tưởng. Những phát ngôn chí lý nhất, thâm sâu nhất chúng ta nghe được lại bắt nguồn từ những tư tưởng xa xưa, không phải sáng tạo gần đây. Tỷ như chúng ta vẫn tấm tắc với câu nói: “Hành trình ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân”. Thực ra đấy lại là tư tưởng cửa Đức Lão Tử từ 2500 năm trước: “Thiên lý chi hành thủy vu túc hạ”. Do vậy, tìm lại gốc tích của những phát ngôn này, chính là tìm đến đầu nguồn của những tinh hoa văn hóa của nhân loại, hiểu được, cảm được, thấm được tư tưởng của người xưa để chúng ta không còn mơ hồ về lịch sử, về quá khứ, cũng là cách tự làm đầy cái “túi khôn” của mỗi người.
Minh Trí