Sau ngày Lễ tình nhân, một vị cao tăng cùng đồ đệ ngồi đàm đạo với nhau. Vị đệ tử muốn biết ý nghĩa của “người yêu” là gì.

Đệ tử: Thưa thầy, người như thế nào được gọi là ‘người yêu’?

Cao tăng: Là một ai đó mà con đem lòng yêu mến, là kẻ thù của con hoặc là một người xa lạ.

Đệ tử: Tại sao người lại nói như vậy?

Cao tăng: Khi hai người yêu nhau, họ là người yêu của nhau. Khi không còn yêu nhau nữa, họ là kẻ thù của nhau. Khi họ đi trên hai con đường khác nhau và trở nên thờ ơ với nhau, họ sẽ trở thành người xa lạ.

Đệ tử: Sao lại trở nên như vậy được thưa thầy?

Cao tăng: Tình yêu được tạo ra từ sự khao khát, sau đó khao khát này biến thành sự ích kỷ. Từ ích kỷ dẫn đến sở hữu và kết quả là muốn kiểm soát đối phương. Khi hai người không thể đáp ứng mong ước của đối phương, họ bắt đầu trở nên nghi kỵ và ghen tuông lẫn nhau. Sau đó họ cãi vã, thiếu tôn trọng nhau và bạo lực sẽ từ đó mà sinh ra. Một số người sẽ gây tổn thương cho đối phương, một số người lại làm tổn hại lẫn nhau.  

Đệ tử: Tại sao họ không chúc phúc cho nhau hoặc chia tay trong hòa ái thưa thầy?

Cao tăng: Bởi vì trên đời, người hiểu chuyện thì ít mà người không hiểu chuyện thì nhiều. Người vị tha ít hơn người vị tư. Người khiếm nhã nhiều hơn những người biết cân nhắc. Và người khách quan không nhiều bằng người chủ quan.

Con hãy suy ngẫm xem, trong cuộc sống này, có bao nhiêu người thật sự nghĩ cho người khác trước khi nghĩ tới bản thân mình? Chỉ những người thiện lương mới có thể thực sự bao dung người khác, và sẵn lòng đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của chính mình.

Đệ tử: Ồ, bây giờ con mới hiểu vì sao Thầy lại chọn con đường tu hành.

Cao tăng: Khi người ta yêu nhau, lúc đó cũng giống như mùa xuân vậy, mọi thứ thật hoàn hảo. Mùa hè đến là lúc họ bắt đầu xảy ra xích mích, mâu thuẫn với nhau. Thu sang là khi tình cảm của họ dần dần nguội lạnh, và mùa đông sẽ kết thúc tất cả những điều lãng mạn đó.

Tuy nhiên, những cảm xúc này không phải là bất biến. Bởi vì mùa xuân lại đến khi mùa đông đi qua, như là một vòng luân chuyển không thể thay đổi, và đó chính là lý do của luân hồi.

Đệ tử: Vậy ý của thầy là không khuyến khích con người ta yêu nhau sao?

Cao tăng: Không đơn giản là ở “không” hay “có”. Tất cả tùy thuộc vào mỗi cá nhân lựa chọn điều gì là tốt nhất cho bản thân mình.

Đệ tử: Nhưng thưa thầy, nếu một người sống không có tình yêu, thì sẽ không lập gia thất, không có con cái, thì nhân loại sẽ không sinh sôi và thế giới sẽ tan biến sao?

Cao tăng: Con không cần phải lo lắng về điều đó. Khi ai đó gặp người họ yêu, họ sẽ tự nhiên muốn kết hôn. Ta đã từng được hỏi rằng: “Nếu ai cũng đi tu, thì quốc gia đó sẽ như thế nào, và xã hội đó sẽ ra sao?”

Ta trả lời rằng: “Giả thuyết đó của chư vị là không thể có vì bản thân chư vị không hề muốn đi tu. Vì thế, đừng lo lắng quá nhiều, chỉ cần chăm sóc bản thân mình thật tốt là được”.

Đệ tử:  Vậy “người yêu” rốt cuộc là gì thưa thầy?

Cao tăng: Đó là người sẽ khảo nghiệm con, tôi luyện con, giúp con thoát khỏi nghịch cảnh, và thức tỉnh trong con những năng lực tiềm tàng để con có thể đối mặt với mọi tình huống, buông bỏ mọi thứ và cuối cùng đạt đến cảnh giới của tự do. “Người yêu” là người quan tâm tới con nhưng đồng thời cũng mang lại cho con những đau khổ trong đời.

***

“Hỏi thế gian tình ái là chi, mà cho đôi lứa thề nguyền sống chết?”, câu nói đó đã trở nên quá quen thuộc với nhiều người. Vậy, ‘người yêu’ rốt cuộc là gì? Có lẽ ai đã từng trải qua rồi mới thấu hiểu. Thế nên, mỗi chúng ta hãy tự tìm câu trả lời cho mình vậy!

Theo Visiontimes
Đào Nguyên biên dịch

Video: Đời trước thiếu nợ, đời này gặp nhau!

videoinfo__video3.dkn.tv||310e36309__