Đại Kỷ Nguyên

‘Chẳng có công việc nào không phải chịu ấm ức’: Vậy hóa giải như thế nào?

Có nhiều người từng rút ra kết luận rằng: “Bị khiển trách cũng đem lại một nguồn sức mạnh”. Khi đối mặt với những uất ức, bạn thực sự không cần quan tâm quá nhiều đến ánh mắt của những người khác, chỉ cần nhớ rằng tự mình phải chịu trách nhiệm với bản thân mình, luôn luôn là như vậy.

“Tấm lòng được rộng mở nhờ ấm ức”

Đời người tại thế gian, nhất định gặp phải nhiều chuyện oan ức. Khi đối diện với muôn hình vạn trạng những chuyện ấm ức đó, cần học được cách cười trừ cho qua chuyện, không mảy may để bụng, quan trọng hơn là học cách chuyển hóa nó thành sức mạnh của mình.

Chẳng có công việc nào mà không phải chịu ấm ức

Các bạn trẻ vừa tốt nghiệp thường có những băn khoăn như: Khi mới bắt đầu đi làm, gặp phải việc có chỗ khó xử thì làm thế nào? Ngoài ra khi mới đi làm lương lại không cao, làm thế nào để giải quyết các vấn đề của cuộc sống?

Đối với những người đã từng trải qua, hầu như đều có chung trạng thái như vầy, rằng 10 năm sau khi bạn quay đầu lại nhìn ngày hôm nay, nhìn lại thời khắc này, tất cả những việc không hay mà mình gặp phải, thực sự đều không gọi là ‘sự cố’.

1. Trải nghiệm càng gian khổ, ký ức càng đẹp

Thời gian gần đây, tôi có dịp nói chuyện với mấy người bạn cũ, bồi hồi ôn lại kỉ niệm về khoảng thời gian khi mới đi làm. Nhớ lại khi đó, tự đi ăn cơm ở căng tin, việc đầu tiên cần làm bao giờ cũng là xem giá cả của các món ăn đắt rẻ ra sao. Có cậu nói năm đó cả tháng trời đều chỉ ra quán ăn nhanh bên dưới văn phòng gọi một suất cơm đậu phụ, vừa coi như xong bữa lại vừa tiết kiệm được tiền bạc.

Anh ấy đã tích lũy được một số năm kinh nghiệm làm việc, giờ đây gặp được một nhà đầu tư rất tốt và đã bắt đầu tự thân khởi nghiệp. Chỉ là anh ấy của ngày hôm nay, mỗi lần mời chúng tôi đi ăn, đã không còn là cậu thanh niên ngày nào, không còn phải tính toán chi li từng đồng từng hào cho từng món ăn. Cũng chính là nói, trong tâm anh ấy đã không còn có nỗi lo sợ nào nữa rồi.

Quay trở lại những câu hỏi băn khoăn của các bạn trẻ vừa mới tốt nghiệp, tôi muốn nói rằng, khi có những chuyện phải chịu đựng, chuyện qua đi rồi sẽ lại tốt lên thôi. Dùng lời của người bạn tôi mà nói thì là chỉ cần bạn không chết, nhất định sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhà triết học Nietzsche đã từng nói: ”Những gì không tiêu diệt được bạn, thì sẽ làm bạn mạnh mẽ lên”. Hay có thể nói một cách đơn giản rằng: Chẳng có công việc nào mà không phải chịu ấm ức cả!

Có những việc ta phải chịu đựng, chuyện qua rồi sẽ lại tốt nên thôi. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Ý nghĩa của việc nhìn lại những ký ức năm xưa, chính là việc chỉ những thứ tốt đẹp mới đọng lại, còn những gì không hay đã bị lu mờ dần theo năm tháng.

Tôi cũng đã hỏi rất nhiều bậc đàn anh đàn chị đi trước về kinh nghiệm của họ khi họ đối diện với những lúc đắng cay nhọc nhằn. Họ bảo rằng đa phần đều là cười cho qua chuyện, bởi chính họ cũng chẳng biết phải làm sao.

Trong cái ngày khó khăn năm đó, nhiều khi chỉ là do chúng ta tức thời mà cảm thấy khó khăn trùng điệp, mà không ngờ rằng thực ra cái mà bạn đang trải qua, cũng chính là những gì mà hầu hết người khác cũng đang trải qua.

2. Điều mà bạn thể hiện ra chỉ có thể là hành vi và thái độ

Khi mới đi làm, chúng ta phải học các nguyên tắc làm việc cơ bản, cần nhanh chóng nắm bắt được các kĩ năng cần thiết cho vị trí công tác của mình.

Lúc này năng lực học tập và năng lực hiểu biết của một người sẽ trở thành năng lực cạnh tranh lớn nhất. Ngoài ra, quan trọng hơn là chúng ta cần phải biết điều chỉnh thái độ của mình, những việc nhỏ như ta có nên chào hỏi đồng nghiệp bên cạnh hay không, những việc lớn như nếu sếp giao cho ta công việc mà bị mâu thuẫn với luật lệ của công ty, thì những lúc đó ta nên làm gì?

Bạn có phát hiện ra không, khi đó bạn giống như một đứa trẻ tự mình mò mẫm trong đêm tối, không người thân, không thầy cô giáo, không bạn học để xin lời tư vấn, xung quanh bốn bề đều là những người xa lạ thoăn thoắt qua lại ngoài hành lang phòng làm việc. Giống như một cảnh quay nhanh trên phim ảnh. Cảnh tượng đằng sau bạn cứ liên tục thay đổi, chỉ mình bạn lặng lẽ cô đơn dừng tại nơi đó.

Bạn không có nhiều kinh nghiệm nói chuyện, vì thế những gì họ nhìn vào chỉ là biểu hiện tính cách cùng với thái độ làm việc cơ bản của bạn.  

Cho dù khi bạn làm được rất tốt phần việc của mình, trong lòng họ khen ngợi bạn, thì họ cũng không biểu hiện ra ngoài với vẻ nhiệt tình tán thưởng. Xét cho cùng, họ không phải là cha mẹ bạn, cũng chẳng phải ân sư của bạn, họ không cần thiết phải động viên khích lệ bạn.

Tất nhiên, nhìn từ một khía cạnh khác, họ cũng không vì việc bạn làm không tốt mà phê bình bạn. Đó là cái gọi là không phê bình cũng chẳng khen ngợi, là biểu hiện của những người đã làm việc lâu năm.

Chính vì thế, trạng thái dường như bạn không được công nhận này đem đến cho bạn cảm giác bạn liên tục làm các việc không được tốt, mà bạn cũng không biết phải làm sao cho đúng.

Còn nữa, bạn không chỉ là ngồi một chỗ mà làm việc, nhiều lúc bạn còn cần phải giao thiệp với các đồng nghiệp nữa.

Không thể nói là họ tốt hay xấu, chỉ là họ có cảm giác chưa hòa hợp với bạn, làm cho bạn cảm giác có những lúc chỉ những việc nhỏ thôi mà cũng rất vất vả để hiểu nhau. Dù chỉ là xin một con dấu, dù chỉ là điền một tờ phê duyệt quy trình, từng quan ải phải vượt qua khiến bạn thấy như mình đang chơi một trò chơi mạo hiểm, nhưng trong trò chơi này lại chẳng có chỗ nào thú vị, những bước đi dù nhỏ thôi cũng rất khó khăn.

Môi trường làm việc là nơi rèn dũa bào mòn những góc cạnh trong tâm thái của bản thân. (Ảnh minh họa: gettyimages.com)

3. Mỗi người đều đang nhẫn nại nhưng bạn cần phải chủ động học hỏi

Đây cũng là điều mà phải mất vài năm sau tôi mới hiểu ra được, những việc bạn cảm thấy làm rất vất vả, kỳ thực chính là để đảm bảo duy trì các hoạt động một cách có trật tự tại nơi làm việc.

Chính những việc mà năm đó bạn coi là phiền phức, hàng loạt hàng loạt những quy định quy tắc đó mới chính là những tài liệu giúp cho những người mới vào làm nắm bắt được nhanh nhất, vì những quy tắc đó đều là hàng năm bổ sung thêm vào, bạn nhớ được càng nhiều thì thích ứng càng nhanh, cảm giác lo lắng của bạn sẽ càng giảm bớt.

Trước đây, đã lâu lắm rồi, tôi liên tục tự nhắc nhở bản thân, nói chịu đựng qua đoạn thời gian này rồi sẽ tốt lên thôi, nhưng tôi dần dần phát hiện ra hai chữ “chịu đựng” đó không thể mang lại được cho tôi sức mạnh.

Tôi dần dần nhận ra rằng, khi tôi bắt đầu có kinh nghiệm trong công việc, tôi mong được tự mình quản lý một đội ngũ nhân viên, nhận một dự án tốt, quá trình này chắc chắn liên quan đến rất nhiều thứ mà trước đây tôi chưa từng tiếp xúc.

Ví như làm thế nào để lên kế hoạch làm việc được cho nhóm, làm thế nào để liên hệ công tác với các bộ phận khác, làm thế nào để dự kiến được có đảm bảo hoàn thành công việc đúng thời hạn hay không, những việc này vất vả hơn nhiều so với những vất vả thời đầu bạn mới đi làm.

Và tôi cũng bắt đầu nhận ra, người trưởng phòng ngồi đối diện với tôi trong văn phòng, ông ấy mỗi ngày đều phải cân nhắc điều chỉnh công việc của cả phòng sao cho cân đối, những CEO hàng ngày đi sớm về muộn kia, họ đều phải thuyết trình trước các nhà đầu tư về tiền đồ và xu thế. Họ còn phải đối mặt với các loại quan hệ truyền thông phức tạp, ngoài ra lại còn phải liên hệ công tác với các cơ quan bộ phận có liên quan trong nước.

Tại giây phút này có thể là ông lớn, nhưng ngay giây phút sau cũng lại chỉ như một đứa trẻ nhỏ trước mặt người khác mà thôi.

4. Khởi nghiệp còn vất vả hơn làm công ăn lương

Gần đây rất nhiều bạn bè xung quanh tôi đã tự ra riêng khởi nghiệp. Trước tôi cứ nghĩ đây là một việc rất oách, nhưng trải qua thời gian, tôi bắt đầu nhìn nhận lại những sự việc như thế này. Một số người khởi nghiệp có tư tưởng, có đường lối, có chiến lược hầu hết đều rất bình tĩnh, chậm rãi hoàn thành từng bước từng bước một.

Nhưng có một bộ phận những người khởi nghiệp đơn thuần vì một câu gọi là “quyết không ở lại công ty, làm việc còn mệt hơn một con cẩu nữa”. Kết quả là khi tự mình xây dựng đội ngũ làm việc cho bản thân mới thấy rằng không chỉ có hàng trăm việc khó, mà những việc khó khăn này là không có kết thúc…

Khi bắt đầu khởi nghiệp là khi bạn đã có được tâm thái thâm trầm đối mặt với khó khăn được rèn dũa qua những trải nghiệm. (Ảnh: pixabay.com)

Vì rằng khi bạn vừa thức dậy sớm mai, công việc đầu tiên không chỉ là để nuôi sống bản thân mà còn phải nuôi cả các nhân viên của bạn nữa.

Ở một cuộc hội thảo khởi nghiệp, tôi quen biết một vị khởi nghiệp đến từ Bắc Kinh. Một đêm nọ thấy anh vẫn đang làm việc, tôi bèn hỏi anh một câu: “Anh vất vả thế này có đáng không?”. Anh ấy trả lời tôi rằng: “Từ khi bắt đầu, tôi đã biết, làm một người khởi nghiệp, bạn cần phải có tầm nhìn xa trông rộng, nắm bắt được xu thế, bạn cũng cần phải có khả năng làm cả những công việc chân tay như bê vác, chuyển đồ, sắp xếp trang trí phòng làm việc, thậm chí là cả các công việc lau dọn phòng buồng, nếu không bạn đừng nói đến việc khởi nghiệp”.

Anh ấy còn bảo với tôi, bất luận bạn là một người khởi nghiệp hay một công nhân viên chức, bạn sẽ phát hiện ra mỗi giai đoạn đều có những khó khăn của nó, mỗi một vai trò đều có những vấn đề phức tạp tương ứng.

Thế gian này không thể vì bạn là một người làm công mà bắt bạn vất vả hơn, cũng không đợi đến lúc bạn trở thành một ông chủ, uy quyền của bạn mới tăng lên một chút.

Theo nguyên tắc phán đoán của tôi, anh ấy thuộc về dạng những người khởi nghiệp có lý trí. Kiểu người này cho dù trên còn đường khởi nghiệp nếu có không bước được tiếp, sẽ quay lại trở thành người làm công ăn lương, anh ta cũng không phải là người không biết đi đâu khi gặp khó khăn.

5. Đều kiên định vì cuộc sống tốt đẹp hơn

Chúng ta không thể thay đổi người khác, nhưng ít nhất chúng ta cũng có thể tự mình thực hiện các lễ nghĩa cơ bản. Vì thế tôi bắt đầu hiểu ra, họ cũng giống như tôi, cũng là từ những người mới bỡ ngỡ vào làm dần dần trở thành người có kinh nghiệm, giải quyết xong những vấn đề cơ bản của cuộc sống, liền đi tìm một con đường mới tốt hơn. Vậy là lại có một tốp người mới đến, vòng quay cứ như vậy mà tiếp diễn.

6. Đừng mong cầu cao quá, chỉ cần dần dần trở nên tốt hơn là được

Tôi cứ luôn nghĩ rằng trên thế giới này chẳng thể có sự việc nào phản đảo một cách cực độ, những sự việc mà chúng tôi nghe được, như việc một con vịt chậm chạp đột nhiên trở mình thành một con thiên nga, đại đa số đều là sự khoếch đại của truyền thông.

Trong số những người mà tôi quen biết, người bạn học năm xưa mời chúng tôi đi ăn cũng cần phải xem bảng giá, cho dù ngày hôm nay đã bắt đầu khởi nghiệp rồi, anh ấy cũng vẫn như xưa cẩn thận dùng từng đồng tiền của mình. Trong tay có hơn chục dự án đầu tư của các ông lớn, anh ấy cũng vẫn cần phải kiên trì nhẫn nại khiêm tốn mà điều hành trong vòng quay công việc đó để ngày càng phát triển hơn.

Con đường dẫn đến thành công là cả một quá trình, nó là tự nhiên, không có đường tắt cũng không có ngoại lê. (Ảnh: flickr.com)

Không ai thoải mái hơn ai, chẳng qua chỉ là tự bản thân nỗ lực giải quyết những vấn đề khó mới phát sinh, chẳng qua là tích lũy kinh nghiệm từ trong sai lầm, để bản thân lần sau làm tốt hơn mà thôi.

Thời gian ba, bốn năm trôi qua, tôi vẫn đang vật lộn ở nơi làm việc, vẫn đang vật lộn trên con đường sinh tồn, tôi sẽ không tự nhủ: “Qua quãng thời gian này rồi sẽ lại ổn thôi”.

Những gì tôi sẽ nói với bản thân mình bây giờ là, Nếu như đời người nhất định cần phải trải qua quãng thời gian gian khó này, thì tôi thà san sẻ những vất vả này ra mỗi ngày mỗi đêm.

Vì vậy, ngay cả một ngày tôi thực sự đạt được một chút thành công nào đó, cũng sẽ không vui mừng đến nỗi đắc ý vênh vang, bởi vì tôi biết rằng đó là kết quả tất yếu sẽ đến sau những nỗ lực dài kỳ mà thôi.

Tất nhiên nếu trên con đường này có người đồng lòng với bạn, thì những vất vả gian khó này sẽ giảm bớt đi ít nhiều, giống như câu nói của một người bạn của tôi: “Nói chuyện với cao nhân, thu hoạch lớn nhất không phải là thu được bí quyết gì, mà là biết được cần tránh những khúc cong nào”.

Cũng với lý lẽ đó, điều tôi có thể nói với các bạn chính là, chẳng có công việc nào lại không có vất vả.

Hiểu ra điểm này, có lẽ chúng ta đối với cái gọi là “sẽ tốt lên thôi” sẽ không còn nhất mực mong chờ nữa, thay vào đó là một dạng không truy không cầu mà dần dần tốt lên.

Theo cmoney.tw
Vi Dung biên dịch

Exit mobile version