Khán giả Việt Nam một thời từng yêu mến các nhân vật trong bộ phim truyền hình “Hoàn Châu cách cách” hẳn sẽ bất ngờ khi biết rằng, chàng “Phúc Nhĩ Khang” đức độ trong phim vốn là một vị tướng Trung Hoa có mối nhân duyên sâu sắc với nước Việt.

Nhân vật Phúc Nhĩ Khang trong tiểu thuyết “Hoàn Châu cách cách” của Quỳnh Dao nguyên là Phúc Khang An (1754 – 1796), một vị tướng thời nhà Thanh. Ông từng làm quan dưới triều Càn Long và Gia Khánh, từng giữ chức Nội vụ phủ Đại thần và Tổng đốc Lưỡng Quảng. Phúc Khang An cũng là một trong những đại thần trong triều đối đầu với đại thần Hòa Thân.

Phúc Khang An xuất thân trong gia tộc Mãn Châu danh giá là Sa Tế Phú Sát thị, là con trai của Đại học sĩ Phó Hằng và là cháu trai của Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu, nguyên phối thê tử của Hoàng đế Càn Long. Sinh thời ông lập được nhiều chiến công như bình định loạn Kim-Xuyên, dẹp yên cuộc nổi dậy của người Hồi ở Cam Túc, đánh bại quân Khuếch Nhĩ Khách – Mông Cổ v.v. Khi Phúc Khang An mất, Càn Long Đế hết sức đau buồn, truy tặng ông tước Gia Dũng Quận vương, tên thuỵ Văn Tương, cho phối thờ ở Thái Miếu.

Vậy nhân duyên giữa Phúc Khang An và nước Việt bắt nguồn như thế nào?

Chàng “Phúc Nhĩ Khang" đức độ trong phim vốn là một vị tướng Trung Hoa có mối nhân duyên sâu sắc với nước Việt.
chàng “Phúc Nhĩ Khang” đức độ trong phim vốn là một vị tướng Trung Hoa có mối nhân duyên sâu sắc với nước Việt. (Ảnh: lacoon.info)

Việt Nam cuối thời Lê: Nguyễn Huệ “phù Lê diệt Trịnh”

Cuối thời Lê, chính trị suy đồi, vua Lê không có thực quyền, chúa Trịnh Sâm say đắm Tuyên phi Đặng Thị Huệ mà bỏ trưởng lập thứ, vì thế nên xảy ra sự biến loạn. Bấy giờ, “ở đất Bắc Hà tướng thì lười, quân thì kiêu, triều đình không có kỷ cương gì cả” (Nguyễn Hữu Chỉnh).

Nguyễn Huệ nhân thời thế ấy mà kéo quân ra Bắc, lấy nghĩa “phù Lê diệt Trịnh” mà dứt họ Trịnh, trao lại quyền hành cho vua Lê Hiển Tông. Hiển Tông mất, truyền ngôi lại cho Hoàng tôn là Duy Kỳ, tức là vua Lê Chiêu Thống.

Theo “Việt Nam Sử Lược” của Trần Trọng Kim:

“Bấy giờ quyền bính ở đất Bắc Hà về cả vua nhà Lê, thật là một cái cơ hội ít có để lập lại cái nền tự chủ của nhà Lê, nhưng tiếc vì vua Chiêu Thống không có tài quyết đoán, mà đình thần lúc bấy giờ không có ai là người biết kinh luân: Hễ thấy có giặc thì bỏ chạy, giặc đi rồi thì kéo nhau ra bàn ngược bàn xuôi, người thì định lập lại nghiệp chúa, kẻ thì muốn tôn phù nhà vua. Lại có dòng dõi họ Trịnh là Trịnh Lệ và Trịnh Bồng chia đảng ra đánh nhau để tranh quyền. Vua Chiêu Thống bất đắc dĩ phải phong cho Trịnh Bồng làm Án Đô Vương, lập lại phủ chúa…”

Vua Lê Chiêu Thống đành xuống mật chỉ vời Nguyễn Hữu Chỉnh ra giúp. Nhưng Nguyễn Hữu Chỉnh đánh đuổi họ Trịnh xong rồi, lại cậy công khinh người, chuyên quyền ở đất Bắc. Nguyễn Huệ ở Phú Xuân thấy Hữu Chỉnh lừng lẫy ở đất Bắc, bèn sai Vũ Văn Nhậm ra bắt.

Khi quân của Nguyễn Hữu Chỉnh bại trận, vua Chiêu Thống bèn bỏ Kinh đô, chạy sang Kinh Bắc. Vũ Văn Nhậm giết Nguyễn Hữu Chỉnh rồi, cho đi tìm vua Chiêu Thống không được, bèn tôn Sùng Nhượng Công tên là Lê Duy Cẩn lên làm giám quốc để thu phục lòng người.

Nguyễn Huệ nhân thời thế ấy mà kéo quân ra Bắc, lấy nghĩa “phù Lê diệt Trịnh" mà dứt họ Trịnh, trao lại quyền hành cho vua Lê Hiển Tông.
Nguyễn Huệ nhân thời thế ấy mà kéo quân ra Bắc, lấy nghĩa “phù Lê diệt Trịnh” mà dứt họ Trịnh, trao lại quyền hành cho vua Lê Hiển Tông. (Ảnh: forumotions.net)

Vua Chiêu Thống cầu cứu nhà Thanh, vua Quang Trung đại phá quân Thanh

Vua Chiêu Thống đóng ở núi Mục Sơn đất Yên Thế, đã mấy lần toan sự khôi phục, nhưng không thành, bèn cầu cứu nhà Thanh. Hoàng đế Càn Long sai Tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sỹ Nghị đem quân sang đánh Tây Sơn. Tôn Sỹ Nghị kéo quân đến Kinh Bắc, vua Chiêu Thống ra chào mừng rồi theo quân Tàu về Thăng Long. Tôn Sỹ Nghị càng ngày càng kiêu ngạo, coi việc binh làm thường, lại thả quân lính ra cướp phá dân gian, làm lắm sự nhũng nhiễu.

Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ được tin quân Thanh đã sang đóng ở Thăng Long, lập tức hội các tướng sĩ để bàn việc đem binh ra đánh. Các tướng đều xin ngài hãy chính ngôi tôn, để yên lòng người rồi sẽ khởi binh. Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, tự mình thống lĩnh thuỷ bộ đại binh ra đại phá quân Thanh.

Đêm 30 tháng chạp năm Mậu Thân (25/01/1789), quân Tây Sơn nhanh chóng vượt bến đò Gián Khẩu (Sông Đáy), tiêu diệt toàn bộ quân địch ở đồn tiền tiêu. Đến đêm mồng 3 tết, quân ta bí mật vây đồn Hà Hồi (Thường Tín, Hà Nội). Quân giặc bị đánh bất ngờ, hạ khí giới đầu hàng.

Sáng mồng 5 tết, quân ta đánh đồn Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội). Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết. Trưa ngày mùng 5 tết, Tôn Sỹ Nghị dẫn tàn quân bỏ chạy, trên đường chạy liên tiếp bị quân Tây Sơn mai phục chặn đánh. Cuối cùng, Tôn Sỹ Nghị và Lê Chiêu Thống chạy thoát về Trung Quốc.

Tôn Sỹ Nghị dẫn tàn quân bỏ chạy, trên đường chạy liên tiếp bị quân Tây Sơn mai phục chặn đánh. Cuối cùng, Tôn Sỹ Nghị và Lê Chiêu Thống chạy thoát về Trung Quốc.
Tôn Sỹ Nghị dẫn tàn quân bỏ chạy, trên đường chạy liên tiếp bị quân Tây Sơn mai phục chặn đánh. Cuối cùng, Tôn Sỹ Nghị và Lê Chiêu Thống chạy thoát về Trung Quốc. (Ảnh: DKN.tv)

Phúc Khang An mưu sự hoà hiếu giữa hai dân tộc

Về phần vua Quang Trung, mặc dù thắng trận, nhưng ông hiểu rằng “Hai nước mà đánh nhau thì chỉ khổ dân”. Bèn sai Ngô Thì Nhiệm làm thư đại ý nói rằng: “Nước Nam vốn không dám chống cự với đại quốc, nhưng chỉ vì Tôn Sỹ Nghị làm nhỡ việc cho nên phải thua. Vậy nay xin tạ tội và xin giảng hoà”.

Lại nói Hoàng đế Càn Long nghe tin Tôn Sỹ Nghị bại binh thì nổi giận đùng đùng, lập tức giáng chỉ sai Phúc Khang An ra thay Sỹ Nghị làm tổng đốc Lưỡng Quảng, đem binh mã chín tỉnh sang đánh Tây Sơn.

Phúc Khang An hiểu tâm lý của Hoàng đế Càn Long là muốn bắt Đại Việt quy thuận bằng mọi giá, nhằm gỡ lại quốc thể sau thất bại của Tôn Sỹ Nghị. Tuy vậy, ông là người có chủ trương ôn hoà, vì thế nên đã dốc sức giúp đỡ triều đình Tây Sơn.

Phúc Khang An dâng biểu xin Hoàng đế Càn Long bãi binh, đồng thời ông cũng chỉ thị cho Tả giang Binh bị đạo Thang Hùng Nghiệp gửi mật thư cho vua Quang Trung gợi ý nên làm biểu tạ tội với Hoàng đế nhà Thanh, thi hành chính sách hoà hiếu, tránh binh đao.

Vua Quang Trung bèn cho người đưa vàng bạc sang dâng biếu Khang An, rồi sai người cháu là Nguyễn Quang Hiển và quan là Vũ Huy Tấn đem đồ cống phẩm sang Yên Kinh vào chầu vua nhà Thanh và dâng biểu xin phong. Đồng thời, vua Quang Trung cũng sai người mang tiền bạc sang đút lót cho đại thần Hoà Thân.

Bấy giờ, ngoài thì có Phúc Khang An đề đạt giúp đỡ, trong thì có Hòa Thân làm chủ trương, cho nên Hoàng đế Càn Long mới thuận cho giảng hòa. Hoàng đế nhà Thanh sai sứ sang phong cho vua Quang Trung làm An Nam quốc vương, và lại giáng chỉ vời quốc vương vào chầu.

Phúc Khang An tuân chỉ hộ tống phái đoàn Tây Sơn có An Nam Quốc Vương và con trai lên kinh chiêm cận, từ chăm lo tiếp đón, chuẩn bị yến tiệc, phòng ốc ăn ở cho đến xin Hoàng đế một cân nhân sâm cho quốc mẫu (tức mẹ vua Quang Trung) tẩm bổ, chỉ dẫn phái đoàn Đại Việt cách hành lễ cho đúng điển lệ nhà Thanh.

Đặc biệt, Phúc Khang An còn hướng dẫn vua Quang Trung hành lễ “Bão kiến thỉnh an” (vốn là nghi lễ đón tiếp tôn quý nhất trong hệ thống điển lễ được quy định của nhà Thanh, người được thi hành lễ này được tiếp đón như quốc khách, các chế độ ưu đãi cũng phải gia tăng. Trong lịch sử Thanh triều đời Càn Long chỉ thi hành lễ này đúng có 3 lần).

Phúc Khang An còn hướng dẫn vua Quang Trung hành lễ “Bão kiến thỉnh an” (vốn là nghi lễ đón tiếp tôn quý nhất trong hệ thống điển lễ được quy định của nhà Thanh.
Phúc Khang An còn hướng dẫn vua Quang Trung hành lễ “Bão kiến thỉnh an” (vốn là nghi lễ đón tiếp tôn quý nhất trong hệ thống điển lễ được quy định của nhà Thanh. (Ảnh: forumotions.net)

Thậm chí, Phúc Khang An còn dốc tiền túi mình ra làm hai thanh như ý bằng vàng (đôi kim như ý) vì thấy trong lễ vật cống phẩm của Đại Việt không có món này. Phái đoàn nước ta không biết đến ý nghĩa của thanh như ý nên không dùng làm lễ phẩm, nhưng Phúc Khang An đoán biết ý của Hoàng đế Càn Long rất thích món quà này nên đã đặc biệt làm riêng, hòng nâng cao thể diện cho quốc vương An Nam.

Sử chép rằng lần đi chầu ấy không phải là vua Quang Trung thật, mà là một người có dung mạo giống vua tên là Phạm Công Trị. Nhưng “vua Càn Long nhà Thanh tưởng là Nguyễn Quang Trung thật, vời đến chầu ở Nhiệt Hà, cho vào làm lễ ôm gối, như là tình cha con một nhà, và cho ăn yến với các thân vương. Đến lúc về nước, vua lại sai thợ vẽ làm một bức ảnh truyền thần để ban cho ân lễ thật là hậu” (Việt Nam Sử Lược).

Lại nói về vua Lê Chiêu Thống, ông vẫn một mực muốn mượn binh mã nhà Thanh lấy lại cơ nghiệp nhà Lê. Khi gặp Chiêu Thống ở thành Quế Lâm, Phúc Khang An vì muốn làm hoà với Tây Sơn nên nói thác rằng:

“Trời đang mùa hè nắng nóng, sang đánh phương nam không tiện, nên để đến mùa thu mát mẻ sẻ khởi binh. Vậy nhà vua nên gióng giả dần bọn tướng thuộc đi trước. Nhưng nhà vua hãy nên gọt đầu thay áo, làm như dáng người Tàu, để khi về nước, giặc không nhận được mặt. Việc hành binh phải nên biến trá, đợi khi thành công rồi lại theo tục nước mà ăn mặc”.

Vua Chiêu Thống không ngờ là Khang An đánh lừa mình, bèn cùng với các quan cạo đầu gióc tóc và đổi y phục.

Phúc Khang An bèn làm một tờ biểu tâu với vua nhà Thanh rằng: “Vua nước Nam là Lê Duy Kỳ không có ý xin viện binh nữa, vua tôi hiện đã gióc tóc, thay áo, xin yên tâm ở lại nước Tàu, vậy xin bãi binh đánh An Nam”. Ở trong lại có Hòa Thân tán thành, bởi vậy Hoàng đế Càn Long mới xuống chỉ bãi binh (Theo Việt Nam Sử Lược).

Vua Chiêu Thống không ngờ là Khang An đánh lừa mình, bèn cùng với các quan cạo đầu gióc tóc và đổi y phục.
Vua Chiêu Thống không ngờ là Khang An đánh lừa mình, bèn cùng với các quan cạo đầu gióc tóc và đổi y phục. (Ảnh: quora.com)

Lời bàn:

Nhà thơ Nguyễn Duy từng viết:

“Nghĩ cho cùng

Mọi cuộc chiến tranh

Phe nào thắng thì nhân dân đều bại…”

Theo lời ấy, thì Phúc Khang An là một người có công lớn với cả hai dân tộc Việt Nam và Trung Hoa. Có thể với vua Lê Chiêu Thống, ông thật tàn nhẫn vì lừa vua tôi nhà Lê cạo đầu gióc tóc, cuối cùng chết ở xứ người. Kết cục đau xót của vua Lê Chiêu Thống âu cũng một phần vì nhà vua kém tài, khi Nguyễn Huệ trao lại quyền chính trị cho nhà Lê thì không giữ được, sau lại phải cầu viện nhà Thanh. Mà Nguyễn Huệ Quang Trung lại là ông vua có hùng tài thao lược, Phúc Khang An ủng hộ Quang Trung cũng là hợp đạo Trời, thuận lòng người.

Nếu coi lịch sử như một vở kịch lớn, thì Phúc Khang An chẳng qua cũng chỉ là diễn cho tròn vai diễn của mình mà thôi. Phật gia giảng rằng con người sống không chỉ có đời này, kiếp này, mà là luân hồi trong muôn ngàn kiếp, mỗi một kiếp lại là một số phận khác nhau, có khi sống ở miền đất khác nhau. Diễn viên Châu Kiệt thủ vai Phúc Nhĩ Khang trong phim Hoàn Châu cách cách giờ đã ở tuổi 50, sau bao nhiêu thăng trầm trong sự nghiệp, giờ trở thành một người nông dân trồng lúa ẩn dật ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. Suy cho cùng, bao nhiêu ân ân oán oán trong lịch sử, một thời lẫy lừng oanh oanh liệt liệt, ngoảnh đầu nhìn lại chỉ còn là vài dòng trong sách sử mà thôi. Chi bằng hãy dùng một trái tim độ lượng mà lặng nhìn thế thái nhân tình, lấy bao dung hoá giải mọi oán cừu chốn nhân gian.

Thanh Ngọc