Đại Kỷ Nguyên

Chấp pháp có tư tâm, bị Thần linh khiển trách

Báo ứng của thị lang: Chấp pháp có tư tâm, Thần khiển trách

Ảnh minh họa: Secretchina.

Cổ nhân giảng: Trời cao có mắt, nhất cử nhất động của mỗi người đều có Thần linh chứng giám. Trong Tân Tề Hài, đại học sĩ Viên Mai đời Thanh đã kể lại một câu chuyện như sau…

Năm Càn Long thứ 20, một thị lang theo lệnh triều đình đi tuần tra Hoàng Hà, đã nghỉ lại trong công quán ở Đào Trang. Hôm ấy đúng vào đêm giao thừa, ông cùng với bốn tùy tùng cưỡi ngựa giám sát dọc ven sông. Cả đoàn đi trong mưa tuyết, trời tối đen, gió lạnh buốt, đằng xa bốn bề vắng lặng. Đi một đoạn xa, cả đoàn phát hiện trong bụi cây có chiếc lều bạt, trong lều heo hắt ánh sáng lờ mờ. Thị lang lệnh cho quân lính tiến tới kiểm tra, thì ra là quan Chủ bá của địa phương đang trực ban.

Thị lang cất tiếng khen ngợi chủ bá, chủ bá nói: “Đại nhân đêm giao thừa tới đây, hiện nay đã là canh ba, trời lại lạnh như vậy. Hạ thần có chút rượu, xin kính mời đại nhân một chén không biết có được không?”. Thị lang liền vui vẻ ngồi xuống, rượu mấy chén đã tới giờ về. Sau khi về tới Đào Trang, ông liền thay quan phục rồi đi ngủ, trong mơ thấy mình đang cưỡi ngựa tuần tra nhưng cảnh sắc hiện ra trước mắt lại không giống như những gì đã thấy.

Thị lang đi được khoảng hai dặm đường thì thấy trước mặt hiện ra một chòi lá, bên trong có ánh sáng hắt ra. Ông vừa gõ cửa thì có một bà lão bước ra, ông giật mình nhận ra đó chính là thân mẫu đã qua đời của mình. Bà lão vừa nhìn thấy ông liền tỏ ra vô cùng kinh ngạc: “Con trai, sao con lại tới đây?”. Ông kể rằng mình đang đi tuần sông, bà lão nói: “Con chắc cũng biết đây không phải là nhân gian. Giờ đã tới rồi, làm sao về được đây?”. Thị Lang kinh ngạc nhận ra mình đã chết, bà lão nói: “Bờ tây của con sông có một vị cao tăng, để mẹ đưa con tới xin ông ấy, xem liệu con có thể quay về được không”.

Bà lão dẫn thị lang tới một ngôi đền trang nghiêm như hoàng cung, ở phía nam đại điện có một vị cao tăng đang ngồi tĩnh tọa. Ông vội quỳ xuống vái lạy nhưng cao tăng vẫn nhắm mắt không nói gì. Ông lại vái tiếp, vị cao tăng vẫn không bận tâm. Ông hỏi: “Tôi đi tuần theo lệnh của nhà vua, có tội gì đáng chết thì xin ngài cho biết, vậy sao ngài lại không nói gì?”. Cao tăng trả lời: “Ngươi lúc sinh thời đã giết quá nhiều người, phúc lộc đã cạn, còn hỏi cái gì?”.

Thị lang liền giải thích: “Tôi chỉ làm theo quốc pháp, đó không phải lỗi của tôi”. Cao tăng đáp: “Khi xử tội, nhà ngươi có thực sự theo đúng quốc pháp không? Nhà ngươi tham tư lợi, cậy quyền cậy thế, chỉ muốn lấy lòng bề trên để được thăng quan tiến chức mà thôi”. Rồi cao tăng lấy viên ngọc như ý chỉ thẳng vào tim của ông, một luồng khí chạy qua tim khiến ông lạnh toát, không thể cử động, rất lâu sau mới có thể nói được đôi lời. Ông vội vàng van xin cao tăng: “Tôi biết lỗi rồi, có thể sửa được không?”.

Cao tăng nói: “Đáng tiếc đã quá muộn rồi, có điều giờ vẫn chưa phải ngày chết của ngươi, để sau này xuống âm phủ thì tính sổ một thể vậy”. Một hòa thượng tiến đến đưa thị lang trở lại nhân gian, đi qua một đoạn đường tối rồi về tới Đào Trang. Người mẹ đã qua đời của thị lang bước tới, khóc lóc than rằng: “Con trai, sao khi chấp hành pháp luật con không làm việc công tâm, lại lạm quyền, tư lợi như vậy?”.

Thị lang không còn mặt mũi nào nhìn mẹ, chỉ thở dài một tiếng rồi tỉnh dậy. Lúc đó đã là trưa ngày mùng 1, rất nhiều quan lại tới chúc mừng năm mới, thấy ông vẫn chưa dậy ai nấy đều cảm thấy lạ kỳ. Không lâu sau, thị lang bỗng mắc bạo bệnh rồi thổ huyết qua đời.

Theo Secretchina
Quỳnh Chi biên dịch

Video: 50 phút vĩnh hằng: Bộ phim miêu tả vụ tự thiêu giả chấn động Trung Quốc gần 20 năm trước

Có thể bạn quan tâm:

Exit mobile version