Xã hội hiện đại, con người tưởng chừng như một cỗ máy, suốt ngày làm việc rồi về nhà ôm điện thoại để dần dần trở nên vô cảm xúc. Tình người thiết nghĩ còn lại rất mong manh… Nhưng những gì đọng lại sau vụ cháy sẽ khiến chúng ta có nhìn nhận khác và càng thêm yêu con người xứ Việt.
Cuộc sống vốn luôn ẩn chứa những điều bất ngờ mà ai trong chúng ta cũng khó có thể lường trước được. Mới ngày hôm nay có thể chúng ta vẫn còn cười nói với nhau mà ngày mai đã về với cát bụi.
Cũng như vậy, mới ngày hôm qua mọi người trong chung cư Carina Plaza TP.HCM vẫn còn về nhà ăn uống bên gia đình, quây quần cùng con cái, hàng xóm với nhau còn chào hỏi, những đứa trẻ chạy từ nhà này qua nhà kia chơi đùa vui vẻ, mọi người cùng ra tắm chung một hồ bơi… Vậy mà chỉ sau một đêm, sự yên bình ấy được thay bằng đủ mọi cung bậc cảm xúc: hoảng loạn, mất mát, đau thương, tiếc nuối, buông xuôi, mệt mỏi, mừng rỡ, yêu thương…
Khi còn sống chẳng bao giờ ai nghĩ bất hạnh sẽ ập đến hoặc có đến cũng không phải là hôm nay, nhưng đã là bất hạnh thì không ai có thể lường trước được. Người ta thường nói: “Có hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau”, thật đúng như thế.
Vào rạng sáng ngày 23/3 định mệnh, khi tất cả mọi người đang chìm trong giấc ngủ sâu, thì tại chung cư Carina Plaza bỗng vang lên tiếng cháy nổ, tiếng đập cửa, mùi khét, tiếng mọi người hoảng loạn hô hào, tiếng còi cứu hỏa… làm náo động cả một khu chung cư rộng lớn. Trong giờ phút sinh tử ấy, ta mới được chứng kiến và nghe kể lại những câu chuyện hết sức chân thực nhưng thấm đẫm tình người: tình mẫu tử, tình hàng xóm, tình đồng đội, tình chủ tớ của chú chó với con người, tình người với người trong cơn hoạn nạn…
Để từ đó khơi dậy trong ta tình người ấm áp, mà có lẽ cuộc sống mưu sinh bận rộn đã khiến ta xao lãng. Cùng một lần nữa ta được cảm tạ và thêm tin tưởng vào thế giới tâm linh tốt đẹp.
Trong số các câu chuyện được kể lại, tôi rất ấn tượng câu chuyện cả gia đình thoát khỏi đám cháy của chị Đan, câu nói cứ lặp đi lặp lại vào cuối bài chia sẻ của chị đã khiến tôi nhớ mãi: “Tất cả chữ ‘nhờ’ ấy, chính là phép màu của Chúa”.
Vâng, trong giây phút định mệnh đó, trong lúc hoảng loạn cùng cực như những bộ phim hành động mà chị đã từng xem, khi cận kề với sinh tử không thể kêu cứu ai chị đã có niềm tin mãnh liệt vào Chúa, chị cầu nguyện một phép màu và nó đã thật sự đến với cả gia đình chị. Cả nhà chị Đan đã thoát khỏi đám cháy an toàn. Nhìn nụ cười trên gương mặt lấm lem bụi khói của gia đình chị, tôi thấy được niềm hạnh phúc vô bờ của sự đoàn tụ xen lẫn sự mừng rỡ như vừa được trở về từ cõi chết.
Tình mẫu tử vốn thiêng liêng và là đề tài muôn thuở trong các tác phẩm văn chương nghệ thuật, nhưng sau vụ cháy tôi lại càng sâu sắc hơn về sự cao quý đó.
Hầu hết các bà mẹ trong chung cư đều cố hết sức lực thoát hiểm nhưng không quên che chở hy sinh vì sự sống của con mình. Và cũng không thể không nhắc đến câu chuyện của bà mẹ trẻ Trần Bùi Cẩm Hà (24 tuổi) giữa sinh tử nhưng đôi tay vẫn trong tư thế choàng lấy con thơ.
Tuy nhiên điều làm chúng ta thương xót cảm phục hơn là đứa bé con chị dù đã ra đi cùng mẹ nhưng gương mặt chưa bị bỏng bởi khói nóng mà còn rất nguyên vẹn sáng sủa bình yên như đang ngủ ngoan trong lồng ngực mẹ. Có lẽ em đang ngủ thì được mẹ vỗ về bế đi rồi từ từ chìm vào giấc ngủ vĩnh hằng mà không hay biết sự việc gì đang diễn ra, còn thi thể của người mẹ ấy thì bị bỏng rát toàn thân lẫn dính đầy khói bụi đến nỗi không thể nhận diện.
Và một câu chuyện được người dân khu A kể lại cũng khiến chúng ta thêm phần ngưỡng mộ pha lẫn xót thương về tình mẫu tử. Đó là một người mẹ vô danh khác trong lúc thoát hiểm đã dẫn theo cả hai con nhỏ, một đứa ẵm trên tay vì chưa biết đi, một đứa thì vài ba tuổi. Khói đen ám đầy cả cầu thang bộ cùng dòng người hoảng loạn khiến chị kiệt quệ, nhưng chị vẫn dồn cả sức lực còn lại nắm tay hai con đi tiếp. Một chị hàng xóm trong lúc thoát hiểm thấy vậy đã vội bế giúp đứa nhỏ hơn trong lúc nguy cấp. Khi mọi người tranh nhau chạy lại lan can để hít oxy, thì người mẹ ấy cũng kịp chạy theo nhưng bản thân mình lùi lại về sau trong khói đen mịt mù nhường chỗ cho hai con ra trước để thở.
Ba người bảo vệ ở chung cư là người đầu tiên phát hiện đám cháy nhưng đã quên thân mình, vội cùng nhau chạy lên các phòng thông báo hướng dẫn mọi người thoát hiểm. Thật không may là một người bảo vệ chung cư đã thiệt mạng trong lúc cứu người. Chú tên Trần Văn An, 43 tuổi, vì lớn tuổi nhất và làm bảo vệ tại chung cư đã lâu nên chú nắm hết đường đi nước bước tại đó, nhờ chú mà 40 người trong chung cư đã thoát chết trong gang tất, những người được chú cứu khi hồi tỉnh đã không tiếc lời cảm tạ và hết sức đau buồn khi nghe tin chú mất.
Trong tất cả các vụ cháy, không thể không nhắc đến công sức của những người lính cứu hỏa dũng cảm. Nhờ các anh mà vụ cháy đã được giảm thiểu đáng kể mức độ thương vong. Hình ảnh những người lính cứu hỏa mặt mày bơ phờ, rã rời ngồi bệt xuống đất ăn bánh mỳ lấy lại sức, ta mới cảm giác được tối qua các anh đã nỗ lực như thế nào. Rồi bàn tay các anh dù bỏng rát vì nóng, nhợt cả da tay nhưng vẫn ngóng xem tin tức người bị nạn mà không vội lên xe cứu thương. Qua đó chúng ta mới hiểu được sự hy sinh quên mình, thương người như thể thương thân của các anh.
Không chỉ có con người mà động vật cũng biết cứu chủ, chúng cũng có yêu thương như con người vậy. Nhờ chú chỏ nhỏ không ngừng sủa và cào cửa phòng lúc nửa đêm mà cả gia đình đã phát hiện kịp thời đám cháy thoát nạn.
Rồi sau một đêm rã rời hoảng loạn nằm vờ vật ngoài đường của người bị nạn, mọi người lại như tiếp thêm sức mạnh bởi những phần cơm từ thiện từ các mạnh thường quân hay những chai nước, món quà miễn phí từ siêu thị bên dưới chung cư.
Còn rất nhiều rất nhiều những hình ảnh đẹp khác ta được nghe kể về sự hy sinh, tương thân tương ái của người Việt. Có thể nói sau vụ cháy tình người như cơn mưa mát lành xoa dịu ngọn lửa hung tợn và khiến mọi người được sát lại gần nhau hơn, làm cho ai đó càng thêm yêu quý cuộc sống này và trân trọng những phút giây hiện tại, để không hối tiếc những gì chưa làm được.
Và như thế, hình ảnh người với người sát cánh bên nhau cùng thoát khỏi hỏa hoạn càng làm tôi thêm tin tưởng vào tinh thần tương thân tương ái của người Việt. Lúc bình thường có lẽ mọi người không biết nhau, cũng có thể chưa một lần chào hỏi, nhưng khi hoạn nạn họ không chỉ lo cho mình mà lại tay trong tay giúp nhau vượt qua lúc ngặt nghèo.
Tuy rằng, chúng ta không thể phủ nhận những vấn nạn vẫn đang diễn ra trong xã hội hiện đại, nhưng tình làng nghĩa xóm, sự quan tâm cùng giúp đỡ nhau lúc khó khăn của dân tộc Việt Nam là một truyền thống vẫn chưa hề mai một. Bất cứ nơi nào có lũ lụt, động đất, hay một tai nạn nào đó phát sinh, tôi đều thấy sự quan tâm của người dân cả nước đến người bị nạn. Điều đó cũng có thể xoa dịu một phần nào đó vết thương lòng của nơi xảy ra biến cố.
Tuy sống ở thế giới hiện đại, con người mãi lao vào vòng xoáy mưu sinh mà thờ ơ với gia đình, bè bạn, hàng xóm. Trong tâm ai đó cũng tự hỏi vì sao đạo đức của nhân loại đang ngày một xuống dốc… Nhưng tôi hy vọng rằng hình ảnh người người giúp đỡ nhau, tinh thần vì người khác, san sẻ yêu thương sẽ không chỉ quen thuộc khi có sự cố hay tai nạn bất ngờ nào đó, mà còn trong cả cuộc sống bình yên thường ngày.
Tôi tin khi ai cũng nghĩ được rằng, nếu bỗng ngày mai tai họa ập đến bất ngờ, thì điều gì sẽ khiến bạn luyến tiếc nhất, ai có thể giúp bạn, và bạn có thể lấy gì làm điểm tựa tinh thần? Có phải khi đó bạn sẽ thêm trân quý phút giây hiện tại bên gia đình, người thân, và không làm những gì hổ thẹn với lòng mình? Bạn muốn làm người tốt hơn nữa để hy vọng phép màu đến với mình vì Thần Phật chỉ có thể giúp đỡ người thiện lương? Tất nhiên, khi đó hạt giống yêu thương của tình người sẽ lan tỏa khắp mọi nơi vào mọi thời điểm dù không cần một biến cố nào.
Nhã Thanh