Từ xưa đến nay, nam nữ khi bàn chuyện hôn nhân nên chú trọng điều gì? Là đức hạnh và tài năng của đôi bên nam nữ, hay là điều kiện kinh tế và gia cảnh của hai bên? Trước tiên, xin kể một câu chuyện nhỏ.

Vào những năm Gia Khánh triều Thanh có một vị quan lớn trong triều tên là Kim Sĩ Tùng, người Ngô Giang, tỉnh Giang Tô. Năm Càn Long thứ 25 (tức năm 1760), ông đậu Tiến sĩ, từng đảm nhiệm các chức Nội các học sĩ, là Thị lang của bộ Lễ, bộ Binh và bộ Sử, rồi làm Thuận thiên học chính. Về sau, ông làm đến chức quan nhất phẩm – Binh bộ thượng thư. Sau khi qua đời, ông được ban Thụy hiệu là “Văn Giản”.

Lúc Kim Sĩ Tùng còn nhỏ, gia cảnh thanh bần nghèo khó, ông thường theo cha ra bên ngoài đọc sách học tập. Cha ông quanh năm làm gia sư cho một gia đình ở trong huyện. Có một năm, Kim tiên sinh dạy học cho đến tận đêm giao thừa mới nghỉ. Chủ nhà rất ngạc nhiên, bởi vì năm nào cũng sẽ được nghỉ sớm, bèn hỏi tại sao. Kim tiên sinh bèn nói: “Hạ tuần tháng Giêng năm sau tôi dự định cưới vợ cho con trai, lo lắng bỏ lỡ thời gian lên lớp, cho nên dạy bù trước trong năm nay”.

Kim tiên sinh còn nói thêm: “Kẻ đọc sách nghèo lo liệu hôn sự quả thực không dễ dàng gì, chi phí sính lễ vẫn chưa biết trông vào đâu. Không biết tôi có thể lĩnh trước hai tháng thù lao dạy học của năm sau được không?” Chủ nhà vui vẻ đồng ý.

Đúng ngày đã định, nhà họ Kim chuẩn bị sính lễ, tổ chức lễ đính hôn và mở tiệc chiêu đãi tân khách. Người làm mối họ Triệu là bằng hữu đã quen biết lâu năm của Kim tiên sinh. Sau một buổi uống rượu vui vẻ, ông Triệu mang theo sính lễ đi đến nhà gái.

Bên nhà gái họ Từ, là một gia đình giàu có ở địa phương với tài sản kếch xù. Người cha họ Từ vừa nhìn thấy ông Triệu, liền thay đổi sắc mặt, tức giận nói: “Suýt chút nữa thì bị ông làm cho lỡ việc, bây giờ mới biết nhà họ Kim nghèo đến như vậy. Con gái tôi làm sao có thể gả vào một gia đình như thế để mà chịu khổ chứ?”

Triệu tiên sinh nói: “Trước đây đã nói với ông về gia cảnh của nhà họ Kim, ông cũng đã đồng ý hôn sự, giờ làm sao có thể đổi ý đây?” Người cha họ Từ vẫn kiên quyết không đồng ý, ngôn từ và giọng điệu rất gay gắt, nói rằng không có gì để thương lượng.

Không còn cách nào khác, ông Triệu đành phải đem sính lễ quay trở lại nhà họ Kim và kể lại chuyện hủy hôn. Khi những vị khách có mặt nghe được sự việc này, họ cũng không biết phải nói sao.

Kim tiên sinh vô cùng hổ thẹn và nói: “Việc này cũng không trách Triệu tiên sinh được. Ông đã làm mối cho gia đình tôi và không nghĩ rằng sẽ xảy ra sự việc như thế này. Bị người ta cười chê âu cũng là chuyện bất đắc dĩ”.

Triệu tiên sinh cúi đầu suy nghĩ một lúc rồi nói: “Tôi và ông là bạn cũ, ở nhà tôi có một tiểu nữ, tuổi cũng gần bằng tuổi con trai ông. Tôi đem con gái gả cho con trai ông, hai nhà chúng ta kết thông gia, ông thấy sao?”

Thầy giáo Kim nghe xong, vui mừng quá đỗi, lập tức đồng ý. Thế là họ nhờ tân khách có mặt làm mối và đưa sính lễ cho nhà họ Triệu. Sau đó, hai gia đình tiếp tục cử hành hôn lễ.

Sau khi Kim Sĩ Tùng làm quan đến chức Binh bộ Thượng thư, phu nhân họ Triệu cũng được thụ phong là Nhất phẩm phu nhân, trong khi con gái họ Từ vẫn im hơi lặng tiếng.

Khi bàn đến chuyện hôn nhân, cần coi trọng tài đức của đôi bên nam nữ.

Trong “Chu Tử gia lễ”, Chu Hy, một nhà Nho lớn của triều Tống từng mượn lời của Tư Mã Quang để nhiều lần cảnh báo mọi người rằng: Khi bàn đến chuyện hôn nhân, cần coi trọng tài đức của đôi bên nam nữ, mà không phải là bối cảnh gia thế và tình trạng tài phú của hai bên. Tức là, phàm bàn về chuyện hôn nhân, trước tiên phải xem xét đến tính cách hành vi của người chồng và người vợ, cũng như khuôn phép gia đình đó như thế nào. Đừng cầu đến sự giàu có của họ. Người chồng cầu hiền là được rồi, hiện nay tuy nghèo khổ, sao biết được sau này không phú quý? Gặp người bất tài, nay tuy giàu, sao biết được lúc khác không nghèo khổ? Là người vợ, gia đình cũng phải trải qua thịnh suy mà thôi. Ngưỡng mộ phú quý nhất thời của họ mà lấy họ, người ham danh phú quý đó, hiếm có người không coi thường chồng mình mà xấc láo với cậu cô; dưỡng thành tính kiêu ngạo và đố kỵ, là mối họa sau này, há có tốt đẹp sao? Mượn của cải của vợ để làm giàu, dựa vào thế lực của vợ mà phú quý, nếu người chồng có chí khí, có thể không thấy hổ thẹn ư?”

Người trong câu “Người chồng cầu hiền là được rồi, hiện nay tuy nghèo khổ, sao biết được sau này không phú quý?” là muốn nói đến những người như Kim Sĩ Tùng vậy. Người cha họ Từ lo nghĩ cho con gái cũng là điều dễ hiểu, nhưng ông không chỉ thất hứa mà còn coi trọng của cải hơn đức hạnh, thì quả thực tầm nhìn có chút thiển cận. Có lẽ, cũng là bởi vì trong mệnh con gái họ Từ không có thân phận cao quý kia.

Theo Lưu Hiểu, Chánh Kiến Net