Đại Kỷ Nguyên

Chỉ bởi một chữ này, Tào Tháo muôn đời xếp sau Lưu Bị

Trong lịch sử cũng như phim ảnh, Tào Tháo và Lưu Bị vẫn xung khắc với nhau như nước với lửa. Cuộc đụng độ của hai anh hùng thời Tam Quốc cách đây hàng nghìn năm đến bây giờ dường như vẫn chưa từng kết thúc.

Khi viết ra kiệt tác “Tam Quốc diễn nghĩa”, La Quán Trung đã không ngần ngại bộc lộ sự thiên vị của mình dành cho Lưu Bị. Trong bộ truyện, Lưu Bị luôn xuất hiện với tư cách là một chính nhân quân tử, có lòng bác ái, thương người, hành xử hết mực đạo đức. Còn Tào Tháo thì bị quàng cho cái ách “Tào tặc”, “gian hùng”, sẵn sàng giày đạp lên mọi thứ đạo đức, bất chấp mọi thủ đoạn để đoạt lấy lợi ích.

Giới sử gia cũng luôn cho thấy một cái nhìn tương tự. Nhà Thục Hán của Lưu Bị được cho là một triều đại “chính thống”, nối nghiệp nhà Hậu Hán đã mất. Trong khi đó, nhà Ngụy do Tào Tháo sáng lập lại luôn bị cho là giặc cướp, bị gọi là “Ngụy khấu”.

Duyên cớ nào an bài điều ấy?

Tào Tháo chưa đủ Nhân

Tạo hình Tào Tháo trên điện ảnh. Ảnh: Internet.

Trong lịch sử, Tào Tháo không phải là kẻ tầm thường chút nào. Đó là một con người túc trí, đa mưu, biết binh pháp, giỏi quyền biến. Tào Tháo đánh trận giỏi, tiêu diệt được tất cả thế lực cát cứ ở miền bắc Trung Quốc thời bấy giờ như: Đổng Trác, quân Khăn Vàng, Đào Khiêm, Lã Bố, Trương Tú, Viên Thuật, Viên Thiệu, Lưu Biểu…

Ông cũng là một nhà chính trị quyền mưu, một “gian hùng thời loạn” như cách nói của nhiều người. Một trong những nước cờ chính trị được đánh giá là khôn ngoan bậc nhất của Tào Tháo là việc khống chế Hán Hiến Đế, lấy danh nghĩa nhà vua ra lệnh cho thiên hạ.

Ngoài ra, trên thi đàn, văn đàn, Tào Tháo cũng là một cái tên nổi bật. Ông cùng với hai con là Tào Phi và Tào Thực là những lá cờ đầu của thơ ca hồi cuối thời Đông Hán.

Tào Tháo nổi tiếng là một tay gian hùng. Ảnh: Internet.

Dù có một sự nghiệp lẫy lừng nhưng Tào Tháo lại là một trong những kẻ “máu lạnh” nhất thời Tam Quốc. “Tam Quốc diễn nghĩa” đã thuật lại rất nhiều câu chuyện liên quan đến sự tàn độc của Tào Tháo. Từ chuyện giết hại cả nhà ông lão Lã Bá Sa vô tội đến cuộc thảm sát hàng vạn dân lành khi tiến đánh thành Từ Châu của Đào Khiêm. Họ Tào còn nổi tiếng với điển tích rút kiếm đâm chết kẻ hầu trong khi ngủ chỉ vì hắn lại gần vén chăn cho ông.

Với Tào Tháo, chữ “nhân” không có chỗ đứng trong tình cảnh thiên hạ loạn lạc, giặc cướp như ong, quần hùng tranh thực, cá lớn nuốt cá bé như thời Tam Quốc. Tào Tháo ưa dùng kỷ luật, bạo lực, quyền biến, thủ đoạn nên đương nhiên xem nhẹ nhân nghĩa. Chỉ một câu nói: “Ta thà phụ người chứ quyết không để người phụ ta” đã thể hiện rõ con người họ Tào.

Lưu Bị thắng vì coi Nhân Nghĩa như sinh mạng

Lưu Bị luôn coi trọng nhân nghĩa. Ảnh: Internet.

Cần phải khẳng định rằng Lưu Bị là một người không có gì đặc biệt: xuất thân bình dân, chỉ là một anh bán giày cỏ. So với những đối thủ của mình, Lưu Bị thua kém rất nhiều Về địa vị, ông không bằng Viên Thiệu, ba đời làm tam công. Về mưu lược, quyền biến, ông chắc chắn thua Tào Tháo. Về võ bị, Lưu Bị cũng không sánh nổi Lã Bố hay Đổng Trác.

Thế nhưng dưới trướng Lưu Bị lại tập hợp những nhân tài xuất sắc nhất thời Tam Quốc bấy giờ: Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Tử Long, Gia Cát Lượng, Bàng Thống, Hoàng Trung, Mã Siêu… Bản thân Lưu Bị cũng được xếp vào hàng anh hùng, hào kiệt trong thiên hạ. Có lần, khi ngồi đối ẩm cùng nhau, Tào Tháo trỏ vào mình và Lưu Bị mà nói: “Anh hùng trong thiên hạ bây giờ chỉ sứ quân và Tháo này mà thôi”.

Tào Tháo và Lưu Bị là kỳ phùng địch thủ. Ảnh: Internet.

Trong “Tam Quốc chí”, một bộ sử liệu tin cậy hàng đầu về thời Tam Quốc, Trần Thọ nhận định về Lưu Bị như sau: “Tiên chủ (tức Lưu Bị) là người khoan hồng, đức độ, có lòng tri nhân đãi sĩ, có phong phạm của Cao Tổ, là bậc anh hùng.

Quả vậy, dù thua kém Tào Tháo nhiều mặt cả về thế và lực nhưng Lưu Bị có một vũ khí mà họ Tào không bao giờ có được, đó là lòng nhân nghĩa. Đúng vậy, với Lưu Bị, nhân nghĩa chính là sinh mạng, là lẽ sống của mình. Trái ngược với Tào Tháo, cách sống của Lưu Bị là: Thà người phụ ta chứ ta quyết không phụ người.

Bản đồ Trung Quốc thời Tam Quốc.

Lưu Bị luôn tỏ ra khiêm cung, nhã nhặn, nhẫn nhịn, đúng với tác phong của nhà nho đạo Khổng. Ông ba lần đến lều cỏ ở Long Trung cầu Gia Cát Lượng xuất sơn phò tá. Được Lưu Biểu nhường Kinh Châu, Lưu Bị cũng nhất mực từ chối vì cho là chuyện bất nghĩa.

Khi bị quân Tào truy đuổi gấp ở Phàn Thành, có đến mười mấy vạn người chạy nạn theo Lưu Bị. Có người khuyên ông nên bỏ dân ở lại mà tiến nhanh về Giang Lăng nhưng Lưu Bị nói: “Muốn làm việc lớn phải lấy dân làm gốc. Nay mọi người theo ta, nỡ lòng nào ta vứt bỏ họ”. Đến khi mang quân vào Ích Châu, Bàng Thống khuyên ông nên lừa giết Lưu Chương để đoạt lấy Ích Châu, Lưu Bị cũng gạt đi vì cho rằng đó là chuyện bất nghĩa.

Tư tưởng nhân nghĩa của Lưu Bị rất phù hợp với truyền thống đạo đức của người Á Đông. Bởi thế, thời gian càng lùi xa dần thì hình tượng Lưu Bị lại có phần lấn át hơn Tào Tháo. Có thể nói, chỉ với một chữ “nhân”, Lưu Bị đã hạ gục Tào Tháo trên cuộc cờ của lịch sử.

Bài học về nhân nghĩa thời Tam Quốc, thiết tưởng đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nhân nghĩa là cái gốc của mọi sự thành bại. Trong “Bình Ngô đại cáo“, Nguyễn Trãi từng viết: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Quân điếu phạt trước lo trừ bạo“. Nhân nghĩa trong quan niệm truyền thống không chỉ bó hẹp ở cách hành xử của một cá nhân. Nó còn là cách hành xử của cả một dân tộc. Phàm càng là làm chuyện lớn thì không thể quên điều nhân nghĩa.

Kinh nghiệm đã chỉ ra rằng những kẻ bất nhân, bất nghĩa sẽ bị đào thải, ruồng bỏ khỏi vũ đài lịch sử và mang tiếng xấu ngàn đời. Tần Thủy Hoàng ngày xưa “đốt sách, chôn Nho”, truy cầu thuốc trường sinh bất tử rồi cuối cùng cũng không qua nổi mệnh trời, chỉ thọ 49 tuổi. Đế chế của bạo chúa ấy cũng chỉ tồn tại vỏn vẹn 15 năm. Đến thời hiện đại, cũng chỉ vì không còn tôn trọng truyền thống hành xử nhân nghĩa nên những người cầm quyền Trung Quốc mới ngang ngược gây chiến khắp nơi. Những tranh chấp chủ quyền biên giới, lãnh thổ, lãnh hải với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines… xuất phát chính từ “tâm lý Tào Tháo” ấy, tâm lý coi thường chuyện nhân nghĩa, thích chuyện bạo ngược ấy.

Một chiếc ghế dùng để thẩm vấn học viên Pháp Luân Công với hai còng tay, hộp điểm chỉ và một vật giống như bông tẩm cồn. Ảnh: Internet.

Một trong những bàn tay độc ác nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại, có thể sánh ngang với Tào Tháo là cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Giang Trạch Dân. Trong nhiệm kỳ của mình, Giang Trạch Dân đã dồn toàn lực thực hiện một trong những hành động khủng bố dã man nhất trong lịch sử nhân loại, đó là: Bức hại Pháp Luân Công, một bộ môn khí công tu luyện cổ truyền của Trung Hoa do ông Lý Hồng Chí sáng lập, truyền giảng.

Chưa có một thống kê đầy đủ nào về số học viên Pháp Luân Công bị bức hại, đàn áp nhưng những cuộc điều tra gần đây của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã công bố một kết luận gây sốc với rất nhiều người. Theo đó, ĐCSTQ, dưới sự chỉ đạo của Giang Trạch Dân ít nhất đã giết chết trên 2 triệu học viên Pháp Luân Công để mổ sống lấy nội tạng. Cuộc bức hại diễn ra đến nay đã bước sang năm thứ 17 nhưng chính quyền Trung Quốc vẫn đang duy trì khủng bố với các học viên Pháp Luân Công. Thậm chí, đến lúc này, họ vẫn đang cưỡng bức các học viên phải thử máu, dấu hiệu cho thấy việc thu hoạch nội tạng sống phi pháp hãy còn tiếp diễn.

Hữu Bằng

Xem thêm:

Exit mobile version