Đại Kỷ Nguyên

Chiếm đoạt thứ của người khác phải chịu hậu quả khôn lường

Vào thời nhà Minh, ở địa phương nọ có một người đàn ông giàu có tên là Từ Trì. Gia đình ông ta ở ngay bên cạnh của gia đình người đàn ông tên là Từ Bát. Thấy nhà của Từ Bát to và đẹp, Từ Trì không thể cưỡng lại mà tìm mọi cách để giành được nó.

Tuy nhiên Từ Bát lại không hề có ý định bán ngôi nhà của mình. Vì vậy, Từ Trì đã bằng nhiều cách dụ dỗ con trai của Từ Bát đánh bạc đến tán gia bại sản. Cuối cùng, không còn cách nào khác, Từ Bát đành phải bán rẻ lại ngôi nhà của mình cho Từ Trì. Vì việc này mà Từ Bát vô cùng khổ sở, hai cha con không hòa hợp. Sau một thời gian, Từ Bát vì phẫn uất quá mà chết.

Không lâu sau, ba người con trai và năm người cháu của Từ Trì đều tự nhiên bị bệnh nặng. Một hôm, trong giấc mơ Từ Trì mơ thấy ông nội hiện về nói rằng: “Tai họa của ngươi sắp đến rồi đấy! Ngươi có còn nhớ đã có được căn nhà này bằng cách nào không? Ở dưới Âm phủ, Từ Bát đã kiện ngươi rồi!” Từ Trì vô cùng sợ hãi. 

Sáng sớm hôm sau, Từ Trì đi đến miếu Thành Hoàng để cúng cầu. Ngay khi vừa bước vào miếu, ông ta đã gặp một người ăn mày nhìn chằm chằm vào mình với vẻ mặt kinh ngạc.

Có một người đã hỏi người ăn mày vì sao kinh ngạc khi nhìn thấy Từ Trì. Người ăn mày khẽ nói: “Đêm qua ngẫu nhiên ngủ ở trong miếu, tôi thấy ai đó đang cầm một bản cáo trạng, tố cáo Từ Trì đã dụ dỗ con trai ông ấy đánh bạc, khiến gia đình họ tán gia bại sản. Không ngờ, ngay sáng nay lại gặp Từ Trì đến đây để cúng cầu. Vì thế trong lòng tôi thấy vô cùng khiếp sợ!” Từ Trì nghe thấy người ăn mày nói vậy lại càng thêm sợ hãi.

Trong vòng một năm sau đó, Từ Trì bị bệnh nặng nằm liệt giường và một thời gian ngắn sau thì qua đời. Hơn nữa, các con trai của ông ta cũng lần lượt qua đời.

Bởi vì tham lam, muốn chiếm được ngôi nhà của người khác, Từ Trì đã bày mưu tính kế hãm hại, khiến cho con trai của Từ Bát trở nên đồi bại, cha con bất hoà, và cuối cùng khiến gia đình họ tán gia bại sản. Đây chính là chủ tâm hiểm ác của Từ Trì.

Tài sản của một người là do phúc báo của họ mà ra, không thể dùng âm mưu hãm hại mà có thể đạt được. Tiền tài của cải không phải của mình thì không thể có được, tiền tài của cải bất nghĩa cũng không thể lấy. Nếu cố bằng mọi cách hại người để giành được rồi cũng mất, hại người cuối cùng cũng hại bản thân mình!

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung

Video: Cổ nhân thường nói “tích đức, thất đức” – Đức ấy là gì?

 

Exit mobile version