“Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó, sao ta không tròn ngay tự trong tâm?”.
Chiếc giày da của vị vua
Có một vị vua ở vương quốc nọ, một hôm thiết triều rồi nói với các đại thần rằng ông muốn chu du khắp thiên hạ. Vị vua muốn đi chân trần nên yêu cầu những vùng đất ông qua, đường đi phải được lót bằng da thú. Các đại thần sau khi nghe thế ai nấy đều lo lắng, nếu làm vậy thì lượng da thú làm sao mà phủ hết nổi những con đường mà quốc vương đi qua, hơn nữa làm thế thì số lượng động vật chết để lấy da sẽ rất lớn.
Đang lúc ai nấy đều không biết phải làm thế nào với yêu cầu có phần vô lý của quân vương, bỗng một vị đại thần bước ra và đề xuất như sau. Ông nói rằng, thay vì trải da thú khắp lộ trình mà quốc vương đi, chi bằng nhờ một người thợ giỏi đóng cho vua một đôi giày thật vừa chân và chắc chắn, như thế vị vua có thể thoải mái chu du mà không phải tốn công sức, bắt người dân lấy da thú mà lót đường. Quốc vương và các đại thần còn lại cho là chí lý lắm.
Chỉ việc làm một đôi giày cho vua mà tránh được biết bao nhiêu hao tổn. Thay vì ép người khác và hoàn cảnh bên ngoài theo ý mình, chi bằng thay đổi cách nhìn của bản thân, như thế sự việc mới thông suốt.
Người vợ “lãng tai”
Một người chồng gần đây phát hiện vợ mình càng ngày càng bị lãng tai, thường phải hỏi cô ấy vài lần mới trả lời.
Cuối cùng anh ấy đi hỏi bác sĩ: “Tôi nên làm như thế nào?”. Bác sĩ nói với anh ta: “Anh có thể thử nói to hơn. Như thế này, đầu tiên đứng xa hỏi, sau đó đứng gần hơn, cuối cùng đứng bên cạnh cô ấy mà hỏi”.
Thế là người đàn ông trở về nhà. Vừa vào cửa anh ta liền hỏi: “Vợ yêu, hôm nay ăn gì thế?”. Không nghe thấy vợ trả lời, anh liền tiến lại thêm vào bước hỏi vợ: “Em yêu, tối nay ăn gì vậy”. Người chồng vẫn không nghe thấy tiếng trả lời. Cuối cùng anh liền đến ngay phía sau lưng vợ, hỏi lại một lần nữa: “Em yêu, tối nay chúng ta ăn gì?”. Lúc này vợ anh ta mới trả lời: “Ăn cá anh ạ. Mà em trả lời anh 3 lần rồi đấy!”.
Hóa ra người chồng… bị lãng tai chứ không phải vợ. Hôm đi bác sĩ là do anh chồng ngồi gần mới nghe thấy được. Nếu người chồng suy xét vấn đề kỹ càng hơn thay vì cứ đổ cho vợ, có lẽ anh sẽ không mất tới 3 lần hỏi để tìm được câu trả lời…
Cuốc xích lô ngắn giá gần 3 triệu
Mới đây một cụ ông người Nhật tên là Oki Toshiyuki đến Sài Gòn du lịch. Một hôm cụ đi dạo trung tâm quận 1 thì gặp được anh xích lô mời đi. Cụ đồng ý thuê người đàn ông này chở về khách sạn trên đường Tôn Đức Thắng.
Sau chặng đường khoảng 1 cây số với hơn 5 phút di chuyển, cụ đã cảm kích ý tốt của người đạp xích lô và sẽ gửi anh 500 nghìn đồng, nhưng anh xích lô đòi trả thêm tiền. Trong lúc cụ đang lóng ngóng lấy thêm tiền, anh xích lô đã thò tay vào ví của cụ, lấy 5 tờ 500 nghìn (bao gồm tờ lúc đầu định trả) và 2 tờ 200 nghìn, rồi bỏ đi. 5 phút đi xích lô với quãng đường tầm 1 cây số mất… 2,9 triệu đồng.
Người Việt có thể bất bình thay cho cụ, đồng thời trách anh xích lô đã làm hỏng hình tượng quốc gia. Nhưng khi được hỏi về sự việc trên, cụ chỉ trả lời rằng: “Lỗi là tại tôi đã không hỏi giá trước khi lên xe”.
Ta cho rằng cụ Toshiyuki không làm gì sai cả, tại sao phải xin lỗi. Nhưng theo cách nhìn của người Nhật, họ xin lỗi vì sự thiếu chu toàn của mình mà người khác có cơ hội làm việc xấu, sai là việc của người còn xin lỗi là việc của ta.
***
Bài thơ “Tự sự” của Lưu Quang Vũ (1) được lấy làm đề thi thử THPT Quốc gia của một trường cấp 3 ở Thanh Hóa. Nội dung bài thơ như sau:
Dù đục, dù trong con sông vẫn chảy
Dù cao, dù thấp cây lá vẫn xanh
Dù người phàm tục hay kẻ tu hành
Đều phải sống từ những điều rất nhỏ.
Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó
Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?
Đất ấp ôm cho muôn hạt nảy mầm
Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng
Nếu tất cả đường đời đều trơn láng
Chắc gì ta đã nhận ra ta
Ai trong đời cũng có thể tiến xa
Nếu có khả năng tự mình đứng dậy.
Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy
Đâu chỉ dành cho một riêng ai.
Có câu hỏi yêu cầu các sĩ tử trình bày suy nghĩ của mình về hai câu thơ: “Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó / Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?”. Mỗi người với trải nghiệm khác nhau sẽ có những lý giải khác nhau, cho nên sẽ khó có một đáp án tiêu chuẩn.
Ta thấy điều này, ngoại cảnh biến đổi, như trong bài thơ là tính chất “đục, trong” của con sông, đặc tính “cao, thấp” tùy thuộc vào từng loại cây, trong cuộc sống có người này kẻ nọ, nhưng đặc tính nội tại thì vẫn do chính vật đó hoặc người đó quyết định. Ví như sông vẫn phải chảy, cây vẫn phải xanh, người tu hay người thường cũng phải chú ý những điều nhỏ tức là phải sống tử tế. (Bài thơ sinh động, xanh tươi mà thấm đẫm triết lý nhân sinh nhưng phạm vi bài viết chỉ phân tích hai câu thơ được đề cập thôi).
Cái bên ngoài ta không thay đổi được, cũng như ta không thể thay đổi được người khác, nhưng tâm thái bên trong thì ta có thể điều chỉnh. Nếu như sống vì ánh mắt của người khác, hay tâm trạng phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài, ví như người khác chê ta thấy buồn, khen ta thấy vui, được chút lợi mà vui mừng, hay mất đi thứ gì đó thì dằn vặt đau khổ; như vậy chẳng phải tâm ta cứ dao động theo những điều đó sao? Thế thì chẳng có lúc nào ta cảm thấy yên định vì ngoại cảnh cứ biến đổi không ngừng.
Cuộc đời đâu phải cũng như ý, có những lúc “méo mó” không thuận tâm, thay vì cứ than vãn chờ hoàn cảnh thay đổi, chi bằng điều chỉnh tâm thái vẹn tròn, tĩnh tại từ trong tâm.
Ghi chú:
(1) Về tác giả bài thơ này, một số nguồn khác nói là Nguyễn Quang Vũ viết khi còn là sinh viên trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Có nguồn nói là của Nguyễn Quang Hưng của Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đăng trên báo Hoa học trò năm 1994.
http://vanngantuongcong.blogspot.com/2013/09/khong-e.html
Video: Tâm thuần tịnh thì từ trường tốt, vận mệnh cũng tốt