Ngạn ngữ có câu: “Vết thương do gươm đao dễ nhẫn chịu, còn vết thương do bị vu oan phỉ báng là khó lành lặn nhất”. Vậy các bậc hiền đức xưa đối đãi với người đã làm tổn hại mình như thế nào?

Khoan dung độ lượng là mỹ đức trong văn hóa truyền thống. Trong đối nhân xử thế mà có thể nhẫn nhịn, lấy thiện đãi người, thì có thể hóa giải rất nhiều mâu thuẫn không cần thiết. Độ lượng và nhường nhịn với người cũng là thể hiện của tấm lòng thiện lương. Dưới sự hun đúc của văn hóa truyền thống, tấm lòng khoan dung độ lượng của cổ nhân thật đáng để con người ngày nay lấy đó làm gương và noi theo.

Bị vu oan mà không biện bạch

Một lần, nhà thư pháp vĩ đại thời nhà Tống là Thái Tương đến dự bữa tiệc rượu tại vườn Linh Đông. Đang lúc tiệc rượu tưng bừng thì bỗng có người bắn tên làm thương một thực khách, vị khách đó khăng khăng nói đó là mũi tên của Thái Tương. Sự việc này mau chóng lan truyền khắp cả kinh thành.

Hoàng đế sau khi nghe tin đã hỏi Thái Tương, Thái Tương chỉ cúi đầu xin tha thứ, trước sau không hề thanh minh biện bạch cho mình. Sau khi từ hoàng cung trở về ông cũng không giải thích với người khác. Về sau, khi Thái Tương được minh oan, ai cũng hết lòng ca ngợi đức nhẫn phi thường của ông. 

Chịu vu oan cứu mạng người

Cao Phòng sống vào thời Đông Tấn, từng nhậm chức phán quan dưới trướng Phòng ngự sử vùng Thiền Châu là Trương Tùng Đức. Khi đó có một quân sĩ tên là Đoàn Hồng Tiến lấy trộm gỗ của quan phủ để làm gia cụ. Trương Tùng Đức biết chuyện rất lấy làm tức giận, định bụng tử hình y. Đoàn Hồng Tiến vì để bảo toàn tính mạng liền khai gian rằng: “Đây đều là chủ ý của Cao Phòng”. 

Trương Tùng Đức tìm đến Cao Phòng để chứng thực những lời của Đoàn Hồng Tiến, Cao Phòng nhanh chóng thừa nhận, Đoàn Hồng Tiến nhờ vậy mà thoát chết.

Trương Tùng Đức ban cho Cao Phòng một vạn xâu tiền và một con ngựa rồi ra lệnh đuổi ông đi. Cao Phòng ung dung rời đi, trước sau không hề biện bạch cho nỗi oan của mình. Về sau, Trương Tùng Đức lại cử người đưa Cao Phòng về. 

Hơn 1 năm trôi qua, thân tín của Trương Tùng Đức nói sở dĩ Cao Phòng nhận tội là vì để cứu một mạng người. Trương Tùng Đức khen ngợi mãi không thôi, trong lòng càng thêm kính trọng Cao Phòng.

Bố thí tiền tài cho người khác là việc không khó, nhưng dùng thiện lương để đối đãi với người đã hãm hại mình lại là cảnh giới mà người bình thường khó có thể làm được.

Ảnh minh họa: Cnnnv.

Được vàng không nhận

Trong thời gian Trương Tri Thường còn ở thái học viện, một hôm gia đình nhờ người mang đến cho anh 10 lạng vàng. Một người bạn cùng phòng thừa lúc Trương Tri Thường vắng mặt đã lén mở hành lý lấy mất số vàng ấy. Quan viên của học viện triệu tập những người ở cùng phòng tiến hành kiểm tra hành lý. Nhưng khi tìm được số vàng, Trương Tri Thường lại từ chối: “Đây không phải vàng của tôi”.

Đêm khuya, người bạn cùng phòng bí mật trả lại số vàng vào trong ống tay áo của Trương Tri Thường. Trương Tri Thường biết gia cảnh anh ta nghèo khó, bèn tặng anh ta một nửa số vàng.

Trương Tri Thường tặng vàng cho bạn, đây là điều chúng ta có thể lý giải được. Nhưng ngay lúc tìm được số vàng lại từ chối để bảo toàn nhân phẩm cho người, ấy là điều không phải ai ai cũng làm được.

Cảm hóa đạo tặc thành người lương thiện

Vu Lệnh Nghi sống ở vùng Tào Châu, vốn là dân thành thị, cuộc sống sung túc đủ đầy. Ông là người trung hậu, không làm chuyện hại người lợi mình.

Một buổi tối nọ có kẻ lẻn vào nhà trộm cắp, con trai của Vu Lệnh Nghi bắt được kẻ trộm, thì ra là cậu con trai nhà hàng xóm.

Vu Lệnh Nghi hỏi: “Ngày thường ta thấy cháu chưa từng làm chuyện gì xấu, nay cớ sao lại làm ra cái chuyện trộm cướp vậy?”.

Cậu ta đáp: “Đều là nghèo khổ bức bách cả”.

Vu Lệnh Nghi hỏi rằng cần bao nhiêu mới có thể thoát khổ, cậu ta trả lời nếu có một vạn tiền thì đủ để mua lương thực và y phục rồi.

Vu Lệnh Nghi đã tặng cho cậu ta một vạn. Nhưng khi cậu ta vừa mới đi, Vu Lệnh Nghị lại gọi lại khiến cậu ta sợ hãi, cho rằng Vu Lệnh Nghi muốn tố giác mình.

Vu Lệnh Nghi nói: “Ta biết nhà cháu rất nghèo, đêm khuya lại mang theo số tiền lớn như vậy e rằng sẽ bị lính tuần tra trong đêm truy bắt”. Vu Lệnh Nghi bèn mời cậu nghỉ qua đêm cho đến lúc trời sáng, khiến cậu ta vô cùng hổ thẹn, cuối cùng đã trở thành một người lương thiện. Hàng xóm trong vùng đều khen ngợi Vu Lệnh Nghi là bậc quý nhân.

Sau này, con cháu của Vu Lệnh Nghi đều lần lượt thi đỗ tiến sĩ, trở thành danh gia vọng tộc của cả vùng phía nam Tào Châu. Có thể đây cũng là phúc báo từ việc hành thiện tích đức của ông.

Ảnh minh họa: Sohu.

Khoan dung độ lượng, chí công vô tư

Trương Tề Hiền là vị quan nổi tiếng thời Bắc Tống, sau được thăng chức lên làm chuyển vận sứ ở Giang Nam. Một ngày trong nhà mở yến tiệc, một gia nhân đã lấy trộm mấy món đồ bằng bạc rồi giấu trong người, không may bị Trương Tề Hiền ở phía sau rèm cửa trông thấy. 

Vào những năm cuối đời Trương Tề Hiền được thăng làm tể tướng, rất nhiều kẻ hầu người hạ trong nhà ông cũng được phong quan, chỉ có người gia nhân kia là không có quan chức bổng lộc gì.

Một hôm, anh ta nhân lúc nhàn rỗi đã quỳ xuống trước mặt Trương Tề Hiền, than rằng: “Tiểu nhân đã hầu hạ ngài lâu như vậy, những người vào sau đều được phong quan cả, vậy sao ngài lại có thể bỏ quên tiểu nhân?”. Nói xong, anh ta khóc lóc mãi không thôi.

Trương Tề Hiền đáp rằng: “Có chuyện này ta vốn dĩ không định nói, nhưng nếu không thì nhà ngươi sẽ oán trách ta. Chắc ngươi vẫn còn nhớ khi ở Giang Nam đã từng lấy trộm mấy món đồ bằng bạc. Ta đã giấu kín chuyện này trong tâm khảm gần 30 năm qua, trước giờ chưa từng nói với ai, ngay đến nhà ngươi cũng không được biết. Hiện giờ, ta thân ở ngôi tể tướng, có thể bổ nhiệm và miễn nhiệm quan viên, khích lệ tiến cử những người hiền lương, cách chức đám tham quan vô lại… Thế sao ta lại có thể tiến cử một tên trộm làm quan được đây? Bởi hôm nay ta đã bóc trần chuyện trước đây, nhà ngươi đương nhiên cũng sẽ tự cảm thấy hổ thẹn mà không muốn ở lại thêm nữa. Nể tình nhà ngươi đã theo hầu ta lâu như vậy, bây giờ ta cho ngươi 30 vạn quan tiền, ngươi hãy rời khỏi đây mà kiếm nơi an thân lập nghiệp”. 

Anh ta nghe xong vừa kinh hãi vừa cảm kích, khóc lóc từ biệt mà đi. 

Thuận An
Theo Nhân Dân Báo

Bạn đang đọc bài viết: “Chịu thiệt là phúc: Vài mẩu chuyện về đức khoan dung độ lượng của người xưa” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||407e4b412__