Đại Kỷ Nguyên

Chợ làng

Chợ Thuận Vi, đó chính là nơi hội tụ sự giàu đẹp, ấm no của dân làng là trái tim đập nhịp đều đặn mang sức sống đi khắp ngả. Từng phiên chợ dù là từng nhịp sống mới mỗi ngày một tràn trề, phong phú. Chợ Thuận Vi, niềm thương nhớ của người đi, tình yêu của người ở lại, mãi mãi là niềm tự hào tươi sáng, mãi mãi ấm áp trong lòng người dân Bách Thuận với hai tiếng gần gũi, thân thương ”Chợ Nhà”.

Qua phà Tân Đệ, bạn sẽ đặt bước chân đầu tiên lên đất Bách Thuận, một địa danh thuộc vùng hạ lưu của sông Hồng, nơi giao lưu giữa quê hương năm tấn và thành phố dệt. Nơi đây là một làng vườn du lịch nổi tiếng, hòn ngọc của Thái Bình. Mời bạn hãy đến Bách Thuận, đến với vùng đất bãi bồi xanh tươi quanh năm ngập tràn hoa trái, đến với tình người, tình đất của Thuận Vi:

     Tôi về Bách Thuận một làng xanh

     Cây níu chân tôi, quả trĩu cành

     Ong bay như dẫn tình yêu đến

     Và nụ cười em giữa lá xanh

           (Bùi Công Bính)

Đúng vậy, về Bách Thuận xin hãy đi chiêm ngưỡng phong cảnh hữu tình của nơi đây và không quên ghé thăm chợ quê tôi: chợ Thuận Vi, mà từ bao đời nông dân quê tôi vẫn gọi với hai tiếng thương yêu, trìu mến: chợ Nhà.

Thông thường, chợ những làng quê khác họp thành phiên, như chợ Thông (Hoà Bình) họp phiên 3, 5, 8, chủ nhật; chợ Huyện (Việt Hùng) họp phiên 1, 4, 7, 9… Riêng chợ quê tôi thì cả tháng là cả ba mươi ngày tấp nập, ồn ào kẻ mua, người bán, đông không khác gì những chợ to trong thành phố.

Quê tôi là làng vườn, dân Thuận Vi khéo tay, hay làm, cho nên đặc điểm nổi bật là hoa quả và bánh trái ngon nổi tiếng chiếm tới ba phần tư chợ. Nếu bạn tới thăm chợ vào mùa xuân bạn sẽ được đắm chìm vào trong hương, trong sắc. Hoa hồng, huệ, cúc, thược dược, lay ơn… thơm ngào ngạt, sáng rực hai bên cổng chợ. Những rổ táo, ổi xanh bóng, tròn căng nằm cạnh những mớ hồng xiêm nâu sậm, xù xì mà vị ngọt như đã đọng vào môi vào lưỡi ta tới ba ngày chưa hết. Những cành nhót đỏ mọng như những chùm đèn màu, giăng cùng với chuối tiêu, đu đủ vàng ươm mời mọc, đón chào gợi cho ta một cảm giác ngọt ngào trong làn mưa bụi bay nhè nhẹ.

Mùa hạ, chợ sẽ đón bạn bằng những trái roi hồng tươi, căng tròn như những đôi má trẻ. Roi từng chùm, từng chùm xen lẫn lá xanh xếp lên nhau đẹp như mơ. Chanh và khế Thuận Vi mới nhìn đã thấy mát mắt, chua chua nơi đầu lưỡi, giúp bạn quên đi không khí nóng bức của mùa hè. Và kìa ổi, ổi có bốn mùa, giòn thơm, ngọt dịu thêm vị chua mát tan trong miệng. Ăn trái ổi, ta như tỉnh lại, nghe thấy cả tiếng chim cùng tiếng gió trời. Từng sọt, từng sọt nhãn ta vừa thèm thuồng, vừa thích thú. Cách đây dăm bảy năm cứ tới mùa này là có tới gần nửa tháng chợ họp trong nước nổi.

Chợ họp bằng thuyền, thuyền bơi trên chợ dập dềnh, lách cách, lao xao. Mọi người phải vất vả, bon chen mãi mới mua sắm đủ. Chỉ sướng lũ trẻ con được theo bà, theo mẹ đi thuyền gọi nhau í ới, cười đùa ầm ĩ khắp các ngả. Kỷ niệm khó phai mờ trong tuổi thơ của tôi là những ngày đi coi thuyền đợi bánh. Chúng tôi ngồi rút những cây súng tím, bẻ tách thành những sợi dây chuyền đeo vào cổ nhau, trêu đùa cô dâu, chú rể, rồi hò hét gọi bạn đua thuyền. Có đứa hăng hái quá bị lăn xuống nước, chìm ắng lặng một lúc chợt ngoi lên vuốt mặt, khanh khách cười làm cả lũ thót tim, tái mặt!

Mùa thu, khế ngọt, khế chua, bòng bưởi, na, chuối, cốm, hồng… gọi mọi người tới sắm mâm ngũ quả xếp cỗ trông trăng. Về mùa đông, cam quất, quýt vấn vít với trứng gà, cà rốt… khoe những sắc màu vàng tươi, đỏ rực trông thật là ấm áp. Những cô gái Thuận Vi tóc dài, da trắng, môi cười tươi thắm, tay thoăn thoắt xếp quả, giọng mời khách ngọt ngào khiến cho ai tới chợ cũng phải vấn vương với hương, với sắc, với vị đậm đà của tình người Bách Thuận.

Những chị buôn hàng đi chợ xa, hàng chồng chất trên gác ba ga, có khi nhìn từ đằng sau ta chẳng thấy đầu họ đâu, mà chỉ thấy đôi chân đang gồng lên, gắng đạp. Bạn có bao giờ nghe nói: ”Dân Thuận Vi cứng đầu, cứng cổ” chưa? Xin bạn hãy hiểu theo nghĩa đen chứ đừng nghĩ theo nghĩa bóng. Chắc bạn phải tròn mắt khâm phục khi chiêm ngưỡng những người đội tới năm sáu rổ hàng nặng tới năm, sáu chục cân mà hai tay vẫn đánh nhịp vắt va, vắt vẻo. Phụ nữ Thuận Vi khoẻ mạnh, nhanh nhẹn tháo vát mà vẫn đằm thắm, dịu dàng.

Nào, mời bạn hãy rời hàng hoa quả và bước vào hàng bánh. Kẻ xa, người gần đi chợ Thuận Vi bao giờ cũng không thể bỏ qua cái thú được nếm náp vị thơm ngon của bánh và không quên mua về làm quà cho cụ già, con trẻ. Khi ở nơi xa, người ta thường hỏi tôi quê đâu, khi biết họ trầm trồ: ”Ồ, Bách Thuận à, có bánh ngon nổi tiếng!”, thật hãnh diện và tự hào.

Trước tiên mời bạn vào thăm hàng bánh cuốn, được tráng nóng ngay tại chỗ. Bánh mỏng vừa phải, cuộn lẫn tóp mỡ, hành hoa, ăn giòn ngậy chứ không dai nhách như bánh cuốn Nam Định hoặc dầy bịch như các chợ lẻ Thái Bình. Bánh cuốn khi ăn cuộn lẫn lá mùi, ngập vào nước chấm trong, đặm vừa phải có thêm vị chua, ngọt, cay cay. Người ăn ai cũng tấm tắc, xuýt xoa khi được thưởng thức vị béo ngậy của bánh, mùi thơm hấp dẫn của hành, mùi, quất, hạt tiêu.

Bánh bèo thì khỏi phải nói, ngon giật mình. Giữa tấm bánh tròn như lá bèo là một lỗ nhỏ ăn sâu như đường hầm vào lòng bánh, ngập mỡ phi hành chứng tỏ người làm phải thật khéo tay khi đổ bột. Nước chấm của bánh bèo là loại nước mắm thượng hạng. Những người xa quê hương thường thèm nhớ tới hương vị của bánh bèo.

Mỗi khi về làng họ lại nhào ra chợ mua bánh ăn cho đỡ khao khát. Bánh hấp của bà Vượng, chị Phi… thì không chợ nào có được. Tôi đã từng đi bao nhiêu chợ hỏi bánh hấp, họ đều quầy quậy lắc đầu. Sao bì được với chợ quê tôi, với những người khéo tay, hay làm giỏi giang đến vậy. Bánh là những lá bột mỏng xếp lên nhau như những cánh hoa, mỗi lớp lá bột là một lượt thịt băm nhỏ ướp mắm, hành, bột ngọt rắc đều. Bánh hấp phải xôi bằng chõ trên bếp củi ăn mới đậm đà thơm ngậy. Hồi xưa, người ta chỉ ưu tiên loại bánh này cho cụ già, người ốm và sản phụ sau khi sinh nở. Đó là một sự ưu ái đặc biệt cho bánh hấp, còn bánh giày giò thì sao? Xin bạn hãy nghe nhà thơ Vũ Quần Phương bày tỏ:

             Ôi bánh giò Thuận Vi

           Sao mà ngon đến vậy!

Thật vậy, giày giò chính là đắc sản của chợ Thuận Vi mà khi đến, khi đi ta đều không quên mua vài cặp. Bạn hãy nếm mỗi thứ một chút để còn thưởng thức hết những hàng bánh chưa kể tới tên: bánh nếp, bánh tẻ, bánh mật, bánh chưng, giầy đỗ, bánh rán, xôi, phở, bún… tất cả đều hấp dẫn bạn với vị ngon lạ riêng biệt, với mùi thơm quyến rũ và nhũng nụ cười, những lời chào khách ngọt ngào của người làm bánh.

Chợ quê tôi, bánh không những ngon, sạch mà lại rẻ, rẻ tới bất ngờ. Tôi có cô em họ ở Hà Nội về ra chợ thăm hàng bánh. Ăn no rồi, chợt trông thấy bánh bèo sà lại mua một cái, ăn xong hỏi hết bao nhiêu tiền, bà hàng trả lời: ”300 đồng”; ”Ôi rẻ quá, cháu ăn thêm cái nữa!”, rồi ngon quá lại xơi thêm cái nữa, trưa về bỏ cơm, bê bụng mà miệng vẫn luôn miệng tấm tắc khen.

Rời hàng bánh, mời bạn tới thăm hàng gạo, thịt, cá, nhộng, rau… và các hàng vải vóc, đồ dùng sinh hoạt, tất cả đều phong phú đủ các sắc màu toát lên một bản sắc riêng biệt của làng quê trù phú, đầm ấm, vui tươi. Không tự hào sao được khi hoa quả quê tôi được khắp nơi đón nhận. Hoa quả Thuận Vi có mặt trong tất cả các bữa tiệc đón khách, trong các cuộc hội nghị, liên hoan và đặc biệt các bàn thờ của mọi gia đình đều kính cẩn, trân trọng đặt sản phẩm của làng vườn Bách Thuận.

Chợ Thuận Vi, đó chính là nơi hội tụ sự giàu đẹp, ấm no của dân làng là trái tim đập nhịp đều đặn mang sức sống đi khắp ngả. Từng phiên chợ dù là từng nhịp sống mới mỗi ngày một tràn trề, phong phú. Chợ Thuận Vi, niềm thương nhớ của người đi, tình yêu của người ở lại, mãi mãi là niềm tự hào tươi sáng, mãi mãi ấm áp trong lòng người dân Bách Thuận với hai tiếng gần gũi, thân thương ”Chợ Nhà”.

Thúy Hằng


Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.

Xem thêm:

Exit mobile version