Đại Kỷ Nguyên

Chồng ngoại tình, phản ứng trí tuệ của vợ khiến chồng hồi tâm chuyển ý

Phải làm gì khi chồng ngoại tình? Đó là câu hỏi ngày càng nhức nhối trong xã hội ngày nay, khi quan điểm luyến ái tự do đang bào mòn sự vững chãi, thiêng liêng của gia đình truyền thống. Vượt lên cảm xúc thường tình, những người phụ nữ trong hai câu chuyện dưới đây đã có cách xử lý tuyệt vời khiến chồng họ cúi đầu nể phục.

Lẽ thường, khi biết tin bị chồng phản bội, phụ nữ sẽ cảm thấy tổn thương sâu sắc. Trong tâm trạng đó, họ có thể có phản ứng bộc phát như: tìm “tình địch” để đánh ghen, đòi ly hôn, oán trách chồng, hay lặng lẽ khóc trong đau khổ… Mang vết thương lòng rỉ máu, người phụ nữ khó có thể vui vẻ bình hoà làm các việc như thường ngày, tâm trí của họ ngập tràn cảm giác cô đơn, giận dữ, đau thương, chỉ mong vấn đề được giải quyết càng nhanh càng tốt.

Tuy vậy, những cách xử lý nóng vội thường khó mang tới kết quả tốt đẹp. Ngay cả khi người chồng muốn giữ gìn gia đình và nghĩ cho con cái, quyết định chấm dứt với người phụ nữ kia, thì những tổn thương và xáo trộn gây ra vì cơn ghen cũng vĩnh viễn không thể xoá nhoà. Trường hợp tệ hơn, người chồng chọn đi theo “tiếng gọi tình yêu”, gia đình tan vỡ, thì người đau khổ nhất sẽ là bản thân người vợ và những đứa trẻ.

1. “Em đối xử với anh như vậy, anh không thể nào chịu được!”

Người phụ nữ trong câu chuyện đầu tiên (tạm gọi là Ngọc Lan), khi biết tin chồng mình có mối quan hệ ngoài luồng, phản ứng của cô vô cùng kỳ lạ. Những buổi tối, anh lấy cớ đi tiếp khách hàng về muộn, cô sinh nghi, sau khi gọi điện thoại hỏi thăm đồng nghiệp của chồng, cô biết rằng anh nói dối. Nhưng cô lẳng lặng không nói gì. Đồng nghiệp hỏi han câu chuyện, chồng Ngọc Lan mới vỡ lẽ rằng thì ra vợ mình đã biết. Tối ấy, anh chờ đợi cơn thịnh nộ từ vợ, những giọt nước mắt chua xót và bữa cơm lạnh nhạt. Anh đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất.

Thế nhưng… không có điều gì xảy ra cả. Anh về tới nhà, thấy vợ ra đón, bàn ăn ấm cúng và cô vẫn săn sóc anh như mọi khi. Anh ấp úng không nói nên lời. Nhưng cô không mảy may đề cập gì tới chuyện ấy cả.

Mấy ngày liền diễn ra như vậy, cho tới một ngày, vừa về đến nhà, anh đã lao tới nắm chặt tay cô và thốt lên: “Em đối xử với anh như vậy, anh không thể nào chịu được! Thà rằng em mắng anh, em đánh anh, anh còn thấy dễ chịu hơn! Đằng này, em lại đối tốt với anh như vậy, khiến anh cảm thấy nếu mình còn có lỗi với em, thật anh không đáng làm người! Em à, anh xin lỗi! Anh quyết định cắt đứt với người con gái kia, mong em và con tha thứ cho anh…!”

Lúc này, anh mới thấy giọt nước mắt lăn trên má cô. Cô đã nhẫn nại và bao dung anh, lặng lẽ dùng tình yêu thương ấm áp của một người vợ để đánh thức bản tính thiện lương trong anh, cuối cùng anh đã thức tỉnh.

2. “Anh có chết cũng không đền hết tội…!”

Nếu như người phụ nữ trong câu chuyện đầu tiên đã nhẫn nại trong nhiều ngày để tìm lại hạnh phúc, thì người phụ nữ trong câu chuyện thứ hai (tạm gọi là Diệu Liên) đã nhẫn nại, bao dung và bền bỉ trong nhiều năm để hoá giải oán thù. Có lẽ không phải ai cũng làm được như cô ấy, cô ấy là một người đặc biệt, nhưng vẫn xin kể ra câu chuyện của cô để quý vị thấy rằng cuộc đời này vẫn còn rất nhiều điều kỳ diệu.

Chồng của Ngọc Lan ngoại tình một cách vụng trộm, ít ra trong lòng anh còn có sự trân quý gia đình, nể mặt vợ. Chồng của Diệu Liên còn không được như thế. Anh ta công khai bồ bịch, thậm chí dẫn cả người phụ nữ kia về nhà sống. Nghĩa là hai người họ trơ trẽn đi lại với nhau ngay trước mặt Diệu Liên. Giống như công khai tuyên bố: Cô là vợ cả, giờ tôi có vợ hai, cô phải chăm sóc cả hai chúng tôi. 

Diệu Liên rơi vào nghịch cảnh này, đầu tiên cô nhắc mình phải NHẪN. Cô tự nhủ bản thân: Mỗi một cảnh ngộ xảy ra đều có quan hệ nhân duyên, là nhân quả báo ứng, có lẽ kiếp trước cô từng đối xử tệ bạc với họ, kiếp này cô phải hoàn trả; nên cô cần nhẫn nại, thiện lương, dùng lòng chân thành của mình để cảm hoá họ. Đáp lại, chồng cô và người phụ nữ kia có con với nhau, họ bỏ đứa trẻ ở nhà cho cô nuôi, còn họ dọn ra ngoài sống vui vẻ.

Một lần nữa, Diệu Liên lại nhắc mình phải NHẪN. Cô coi đứa bé là sinh mệnh bé bỏng, đáng thương có tiền duyên với cô, cô đã không quản vất vả khó nhọc mà nuôi nấng bé như con đẻ của mình. 

Ngày qua ngày, đứa bé lớn lên, hồn nhiên nghĩ rằng Diệu Liên chính là mẹ ruột. Tuy thiếu vắng sự săn sóc của cha, nhưng nhờ sự nuôi dưỡng tận tâm và thiện lành của mẹ, đứa bé lớn khôn mà không cảm thấy quá thiệt thòi.

Đến một ngày, Ông Trời có mắt, người chồng phụ bạc và người phụ nữ vô trách nhiệm kia cùng đổ bệnh nặng. Họ phải nhập viện, tính mạng như ngọn đèn trước gió. Lúc bấy giờ, Diệu Liên thấy rằng phải nói cho con sự thật, để con tới nhận cha mẹ đẻ trước khi không còn kịp nữa.

Cậu bé được tin như sét đánh ngang tai. Sao có thể ngờ người mẹ hiền từ bao năm qua đã nuôi nấng mình lại không phải là mẹ đẻ, hơn nữa bà đã nuôi con cho chính “tình địch” của mình! Còn người phụ nữ lòng dạ sắt đá kia, sao có thể nhận là Mẹ cơ chứ?!

Tuy nhiên, Diệu Liên đã ôn tồn khuyên con rằng: “Cha mẹ ruột con tuy không nuôi dưỡng, nhưng có ơn sinh thành to lớn như trời biển. Dù họ đối xử với mẹ con ta thế nào, thì họ cũng vẫn là cha mẹ ruột của con, con phải hiếu kính cha mẹ”.

Nghe lời khuyên nhủ của Diệu Liên, cậu bé (nay đã lớn) cùng mẹ vào viện thăm cha mẹ ruột. Người cha khi ấy đang ốm liệt giường, dây nhợ truyền nối vào người không thể nhúc nhích. Cậu bé thăm hỏi cha mẹ, kể lại những gì mẹ nuôi đã làm cho cậu, đã khuyên nhủ cậu. Nghe đến đó, bỗng người cha dùng hết sức bình sinh giật đứt dây truyền, ông lăn khỏi giường, quỳ mọp xuống đất khóc lớn, vái lạy Diệu Liên. “Anh không phải là người! Anh có chết cũng không đền hết tội! Tạ ơn em!…”

***

Cả hai câu chuyện phía trên đều hoàn toàn có thật, người viết chỉ ghi lại qua trí nhớ của mình, nhưng đọc lên cảm giác như truyện cổ tích. Nếu câu chuyện đầu tiên là “phi thường”, thì câu chuyện thứ hai phải là “siêu thường”. Người phụ nữ trong câu chuyện đầu tiên là một người vợ tuyệt vời nhân hậu. Người phụ nữ trong câu chuyện thứ hai là một vị Bồ Tát giữa thế gian.

Vì sao hai người phụ nữ ấy có thể thoát ra khỏi cảm xúc tiêu cực thường tình, vượt lên cảm giác giận dữ khi bị phản bội, để thiện hoá người khác? 

Ngọc Lan là người phụ nữ trân trọng các giá trị truyền thống, câu chuyện của cô được nhắc tới như một ví dụ điển hình trong các bài giảng văn hoá truyền thống “Đệ Tử Quy” của một học giả người Hoa. Văn hoá truyền thống Á Đông đề cao đức nhẫn nại, khiêm nhu, ôn hoà của người phụ nữ. Người phụ nữ truyền thống mềm mại thiện lành như nước, nước mềm mại nhưng có thể kiên trì bào mòn cả núi đá, nước hạ mình chảy về nơi thấp nhất nên biển lớn có thể trở thành vĩ đại.

Còn Diệu Liên là một người phụ nữ tu luyện Chân – Thiện – Nhẫn, câu chuyện của cô được đăng tải trên mạng Minh Huệ của các học viên Pháp Luân Công. Từ tháng 7 năm 1999, Pháp Luân Công bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại, dưới áp lực của hình thế khủng bố tà ác, nhiều học viên Pháp Luân Công đã phải chịu đựng những tổn thương to lớn trong gia đình, mất đi mái ấm gia đình. Câu chuyện của Diệu Liên xảy ra trong bối cảnh cô phải chịu nhận thêm những bức hại từ nhiều phương diện khác. Bằng tấm lòng chân thành, thiện lương và nhẫn nại của mình, các học viên Pháp Luân Công như Diệu Liên đã viết nên những câu chuyện thần thoại tại nhân gian, để con người thế gian chứng kiến vẻ đẹp và sức mạnh diệu kỳ của Chân Thiện Nhẫn.

Thanh Ngọc

Exit mobile version