29 tuổi, kinh tế gia đình kiệt quệ vì lo chạy chữa cho đứa con thứ 2 bị máu trắng, chị đành nuốt nước mắt một thân một mình sang Úc lập nghiệp. Một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết, có lần chị đi lạc từ 3h chiều tới 12h đêm mới về được đến nhà. Chị vừa học vừa làm: ngày làm 10 tiếng, tối đi học 5-6 tiếng nữa; có những ngày chỉ ăn 1 đồng bánh mì và uống nước lã cầm hơi… Giờ đây, chị đã là chủ một nhà hàng; con gái lớn của chị được ăn học đàng hoàng, hiện đang công tác trong một bệnh viện của chính phủ Úc. Chị Mai, 55 tuổi, chia sẻ với Đại Kỷ Nguyên về con đường tìm thấy hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời mình…
Cuộc đời long đong lận đận, ra nước ngoài vẫn lận đận long đong…
Sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, lấy chồng ở Hải Phòng, gia đình buôn bán, chị đã trải qua những ngày tháng vất vả mưu sinh. Năm ấy, con thứ 2 của chị mới 5 tuổi đã bị mắc bệnh máu trắng. Lúc đó, tìm lương y rất khó khăn, vì lo chạy chữa cho con nên kinh tế gia đình kiệt quệ. Cuối cùng, chị phải nuốt nước mắt xa con, tìm đường đi nước ngoài. Chị đi được 6 tháng thì cháu mất. Lúc cháu mất, chị cũng không về được…
Mặc dù cuộc sống ở Việt Nam vất vả, nhưng dẫu sao cũng là tiếng nói của mình, ngày vẫn lo đủ 3 bữa ăn. Thế nhưng sang đến Úc thì chị cảm thấy “như trên trời rơi xuống, rất là khó khăn đau đớn vì như một người câm điếc ra ngoài xã hội hoặc như người nhà quê ra tỉnh”. Chị kể lại một kỷ niệm khó quên những ngày đầu nơi đất khách:
“Tuần đầu tiên đi làm, nhờ người ta mua cho một cái vé đến chỗ làm, tầm 3h chiều được về rồi mà lúc bấy giờ đi lạc đường, từ 3h chiều mà đến 12h đêm mới về đến nhà. Bởi vì không biết tiếng, cứ ngồi trên xe lửa chuyển từ xe này sang xe kia rất là khổ, nước mắt cứ trào ra, thấy sao mình khổ thế này? … thấy mình bơ vơ không biết cuộc đời đi về đâu, cuộc đời như đến ngày tận thế”.
Tập đứng lên trên đôi chân của mình
Nhưng khóc mãi rồi, chị thấy rằng mình phải đứng lên bằng đôi bàn chân của mình. Chị bắt đầu đi học tiếng Anh; vừa làm vừa học để có tiền trang trải. Vừa đi làm hãng, vừa nấu ăn, vừa đi bán thịt, bán cá ở chợ trời… ngày đi làm 10 tiếng như vậy, tối lại lên trường học 5, 6 tiếng nữa. 1, 2 năm đầu rất cực khổ: chị đặt cho mình mục tiêu là chỉ ăn 1 đồng (đô-la Úc) bánh mì 1 ngày, còn nước thì uống nước lã ở vòi, vì nước vòi ở bên này sạch.
Chị tâm sự: “Người ở nước ngoài họ rất là thật, khi họ nhìn thấy mình chịu khó và có ý chí thì họ giúp, họ sẵn sàng dẫn mình lên trường để xin học. Cũng may mắn là gặp những người tốt, họ hướng dẫn mình để có thể đứng được trên đôi chân của mình”. Để tập trung học tiếng Anh cho tốt, chị Mai đã phải từ bỏ hết tất cả những sở thích và hưởng thụ cá nhân, tự hối thúc bản thân, thậm chí còn phải tránh tiếp xúc với người Việt bởi như vậy thì sẽ chỉ nói tiếng Việt, không còn cơ hội thực hành tiếng Anh nữa.
Ngày lại qua ngày, với nỗ lực vượt qua chính bản thân mình, sau 4 năm thì tiếng Anh của chị cũng tạm ổn, chị cũng đã tích luỹ được khá nhiều kinh nghiệm làm việc cho các công ty. Lúc ấy, chị bảo lãnh con lớn sang, lúc đó cháu 12 tuổi. Năm nay, con gái chị Mai 32 tuổi, hiện đang công tác trong khoa tim mạch ở một bệnh viện của chính phủ. Bản thân chị Mai sau khi kinh qua vị trí đầu bếp chính, rồi giám đốc điều hành cho một công ty chuyên về ăn uống thì cách đây 6 năm, chị đã mở được một nhà hàng và tự mình làm chủ cho tới nay.
Bị tai nạn, chuyện dữ bỗng hoá lành
Cũng vì lao động quá nhiều, chị bị vôi hoá và lão hoá cột sống khiến toàn thân đau nhức, khi ngủ nằm xoay người cũng rất là đau. Cách đây hơn 1 năm, chị bị ngã, cảm giác như bị chùn cột sống, lưng đau đến mức tưởng như bị liệt rồi. Mấy tháng ròng, chị chìm trong buồn bã, lo lắng không biết mình rồi sẽ kinh doanh nhà hàng ra sao.
Chị đem điều ấy tâm sự với một người cháu mà chị cảm phục và tin tưởng: phục vì học giỏi, từng học Bách Khoa Hà Nội và luôn đạt học bổng; tin tưởng vì chịu khó và thật thà. Thế là cháu của chị mới chia sẻ với chị về quy luật Nhân Quả Báo Ứng, về nguyên nhân của bệnh tật là do nghiệp lực tích luỹ bao đời gây ra, và khuyên chị nghe 9 bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp.
Trước đây, khi nghe nói Sư phụ Lý Hồng Chí là người Hoa thì chị không thích nên cảm thấy khó tiếp thu; nhưng hôm nay, có lẽ rằng cơ duyên đã tới, nên chị ngồi nghe mà lặng cả người đi. Chị bỗng nhận ra những lời Sư phụ giảng đều có căn cứ khoa học, trong đó có các bằng chứng địa chất, khảo cổ học từ xưa tới nay; khiến những vấn đề tâm linh trở nên vô cùng khoa học và sáng tỏ. Lúc đó, ngay cả tiếng gió đập vào cửa kính chị cũng không muốn nghe, chị tắt hết cả quạt đi để nghe Sư phụ giảng cho tĩnh tâm.
Thật kỳ diệu, lúc chuẩn bị nghe Pháp, lưng chị vẫn còn đau lắm, xoay người cũng không nổi, nước mắt rơi lã chã vì đau mà than thân trách phận; thì khi bắt đầu nghe Pháp, chị cảm giác cơn đau trên sống lưng dịu lại ngay lập tức, dịu hẳn luôn; chị bắt đầu xoay được người và ngồi dậy. Ngày đó chưa đả tọa song bàn được, chị ngồi vắt chân đơn bàn để nghe. Khi nghe xong 9 bài giảng thì chị vào phần video hướng dẫn luyện công của Sư phụ để luyện theo. Mới đầu còn hơi chập choạng, động tác còn cứng, nhưng khi tập xong lần thứ 3 thì chị đã cảm thấy cái lưng không còn đau nhiều như ngày xưa nữa.
Từ đấy, sáng nào chị cũng dậy luyện công. Nhờ các đồng tu giúp đỡ, chị có được cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” bằng giấy để đọc. Vừa học Pháp, vừa luyện công đều đặn, cứ thế sau 1 năm, cái lưng vốn hành hạ chị đau đớn nay đã hoàn toàn bình phục. Giờ đây, một ngày chị làm việc 15 tiếng cũng thấy vui vẻ thoải mái.
Không còn nóng tính
Từ khi tu luyện chiểu theo các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, chị Mai đã cải thiện tâm tính của mình rất nhiều. Chị tâm sự: “Ngày xưa nóng tính lắm, khi mà khách hàng đến ăn uống, kiếm chuyện rồi không trả tiền thì nổi nóng lắm… Cái gì mà không đúng thì không thể chấp nhận được… kể cả sẵn sàng có thể nhảy vào đánh nhau hay cãi nhau được”.
“Nhưng từ khi biết đến Pháp Luân Đại Pháp, thì Sư phụ dạy tất cả những gì đến với mình đều có lý do, có thể kiếp này mình không làm những điều thất đức hay điều ác cho ai, nhưng mà mình không biết là hằng bao nhiêu kiếp trước mình đã làm cho người ta đau đớn, hay đã từng ăn gian, ăn cướp của người ta. Nếu như khi người ta đến đòi nợ, mình vui vẻ mình lặng thinh mình trả đi, thì tự dưng là nghiệp sẽ hết; còn nếu như mình lại làm căng lên, thì cái nghiệp ấy chưa trả hết mà lại còn tạo thêm nghiệp mới”.
“Cho nên, bây giờ chị luôn tâm niệm là phải đối xử tốt với tất cả những người xung quanh mình. Ngày xưa, chị giận là chị phải nói ngay; nhưng mà bây giờ chị có giận thì chị đi ra chỗ khác. Chị đang cố học điều mà Sư phụ dạy là: không được giận, chứ không phải là giận rồi kìm lại cái cơn giận của mình; làm sao cho có thể coi mọi thứ rất là nhẹ, thì tự dưng cái tâm của mình sẽ trở nên nhẹ nhàng”.
Nhân viên trong cửa hàng của chị Mai cũng cảm nhận được sự thay đổi tích cực trong tính tình của chị. “Ngày xưa chị dữ lắm, nghe thấy tên chị thì ai cũng sợ… nhân viên mà làm sai hoặc không có trách nhiệm thì chị hay la, hay mắng chúng nó lắm”, nhưng giờ đây, chị chỉ nhắc nhở nhân viên, “làm được thì làm, không làm được thì chị làm chứ chị không nói nữa”. Có khi nhân viên thấy chị làm nhiều quá thì rất là thương, bảo chị nghỉ đi để em làm, nhưng chị bảo rằng không sao đâu, chị em mỗi người một tay cho nó vui…
“Khi biết đến Pháp của Sư phụ rồi thì tính tình giảm cơn nóng rất là nhiều; lớn bỏ thành bé, bé bỏ thành không, xong rồi thì không nghĩ nữa. Bây giờ làm bất kể thứ gì cũng như là có Sư phụ nói ở bên cạnh, là cái này không đúng, không tốt đâu, không nên làm như vậy; lúc nào cũng nghĩ đến Pháp”, chị Mai chia sẻ
Không tham của rơi
Một lần, khi đang dọn dẹp ở cửa hàng, chị Mai nhìn thấy ở cửa có một vật gì đó, khi cầm chổi ra quét thì phát hiện ra đó là một chiếc ví rất dày. Chị mở ra để kiểm tra, thì thấy trong đó có rất nhiều thẻ, rất nhiều tiền và cả bằng lái. Chị xem địa chỉ của chủ nhân chiếc ví, định bụng đem trả lại thì chỗ ở lại xa quá, cả đi cả về mất 2 tiếng, như vậy nhân viên đến sẽ không có chìa khoá mở cửa vào nhà hàng. Nghĩ vậy, chị định đến tối sẽ đi.
Vừa nghĩ đến đó thì điện thoại đổ chuông, một người đàn ông giọng run run gọi đến: “Chị ơi chị, em có để quên cái ví ở nhà hàng chị hay không?”. Thì ra, túi của anh ấy bị rách, nên cái ví rơi ra lúc nào không biết. Nghe chị trả lời là nhặt được, anh ấy mừng khôn xiết, 1 tiếng sau thì quay lại lấy ví. Anh rút từ ví ra mấy trăm đô-la định cảm ơn chị, thì chị từ chối: “Cái gì là mồ hôi nước mắt của chị thì chị mới lấy, còn nếu không phải thì chị không lấy, của em thì em lấy đi”. Anh ấy rất cảm kích, mới hỏi rằng “Chị theo đạo Phật ạ?”, thì chị trả lời rằng chị tu luyện Pháp Luân Công, vừa học Pháp và vừa luyện công.
Chị cũng chia sẻ với anh về những lời giảng của Pháp Luân Công, rằng cái gì không thuộc về mình thì mình sẽ không thể nào chiếm lấy được, dù có vào tay này thì sẽ ra tay kia, vậy nên chị chọn con đường không tham lam, không tơ hào bất cứ thứ gì của người khác. Có thể người khác cho rằng chị ngờ nghệch, vì số tiền trong ví rất lớn, nhưng lương tâm của chị không cho phép, và Sư phụ cũng dạy chị không nên làm như vậy.
Tìm thấy bình an và hạnh phúc
Nếu như trước đây, chị thường xuyên phải lo lắng về tiền bạc, bệnh tật, những người xung quanh, thậm chí cả sợ chết… thì sau khi tu luyện Pháp Luân Công, chị đã tìm thấy bình an tự sâu thẳm tâm mình. Bởi chị hiểu rằng “những gì đến với mình là mức độ tu luyện và trả nghiệp của mình được đến đâu, khi mà mình mang được điều gì đó tốt đến cho người khác thì mình thấy cuộc sống của mình thoải mái hơn và tốt hơn”.
Giờ đây, chị đã không còn nặng về tiền bạc như trước, với chị “biết đủ là sẽ đủ”. Cuộc sống của chị nhẹ nhàng như thế đó: công việc, giấy tờ xong xuôi là chị sẽ học Pháp, luyện công, mỗi lần đọc sách là ngộ ra một điều mới, đấy chính là hạnh phúc của chị. Có người cảm thấy như vậy thật buồn tẻ, nhưng chỉ có chị mới hiểu được sự bình an, thoải mái từ sâu thẳm trong tâm khi đã buông bỏ được rất nhiều gánh lo của đời sống.
Nhờ đó, chị cũng đã có thể giúp đỡ những người xung quanh mình bớt đi nhiều nỗi lo. Chị cho rằng, không phải vì chị cho tiền hay phục vụ người ta thì mới là hạnh phúc; mà chính là khi chị giúp họ thông suốt vấn đề, thoát khỏi bế tắc, đó mới là hạnh phúc của chị.
Đời sống vị tha
Sống ở Úc bao năm, chị hiểu ra một điều rằng tại sao 250 năm nay nước Úc hoà bình đến vậy. Bởi vì xã hội Úc xây dựng trên nền tảng nhân đạo, công bằng, không cướp bóc. Ở Úc, ngay cả những con vật cũng được nâng niu chiều chuộng, thương xót. Người Úc rất ghét nói dối.
Đi quanh Sydney, chị thấy nhiều cây xanh, một cây từ 5 năm đến 10 năm tuổi nếu như muốn chặt thì phải xin phép chính phủ, ngay cả nếu nó ở trên đất của nhà mình. Chính phủ Úc lo cho dân nhiều, dùng tiền thuế để đầu tư cho các cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người nghèo hoặc đầu tư cho học sinh đi học. Ở đây, chỉ cần có chí, chịu khó và ham học hỏi là ai cũng có cơ hội để thành công.
Dầu vậy, ở đâu cũng hiện hữu những áp lực trong cuộc sống. Con gái chị Mai công tác trong một bệnh viện chính phủ từng chia sẻ với chị về áp lực trong công việc của mình. Có nhiều bệnh nhân không hiểu về quy luật nhân quả, nên họ thường đòi hỏi được quan tâm và trở nên khó tính. Những lúc như vậy, chị thường nhắc nhở con gái rằng: “mình làm cái gì tốt nhất có thể, đừng làm cho người khác cảm thấy đau đớn và bức xúc. Khi về nhà con cảm thấy thanh thản vì hôm nay con đã giúp được người ta, thì đấy là hạnh phúc của con rồi”.
Cửa hàng của chị Mai có tới 97% là khách nước ngoài, người Úc. Những khi thấy họ than phiền vì căng thẳng mệt mỏi, chịu áp lực về gia đình, hay bệnh tật, là chị lại giới thiệu cho họ về Pháp Luân Công. Chị nói: “Pháp Luân Công không phải trả tiền, cũng không cần phải đi ra ngoài mà ở nhà tập cũng được. Pháp này rất là tốt và phù hợp với tất cả mọi người”.
Trong số khách hàng của chị, có một số người Trung Quốc hiểu lầm Pháp Luân Công do tin theo những lời phỉ báng vu khống của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Họ hỏi rằng: Nếu không phải “tà đạo” thì sao lại bị chính quyền Trung Quốc mổ cướp nội tạng? Thế là chị chia sẻ với họ về hiểu biết của mình: Vì những điều giảng trong Pháp Luân Công đều là đạo lý, nên rất nhanh rất đông người tin theo, khiến Đảng Cộng Sản Trung Quốc lo sợ. Những người tu luyện Pháp Luân Công chân chính đều có cơ thể khoẻ mạnh, lục phủ ngũ tạng vô bệnh, nên trở thành món hàng béo bở cho những kẻ ác giết người thu lợi bất chính.
Trái ngược với cuộc đàn áp vô nhân đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc lên những người tu luyện Chân – Thiện – Nhẫn, chị Mai cho biết Pháp Luân Công được tự do luyện tập ở khắp nơi trên lãnh thổ Úc. Bởi vì quần chúng tập Pháp Luân Công thì trở nên khoẻ mạnh, đạo đức đề cao; nên chi phí điều trị y tế cũng giảm, họ sẽ chủ động làm việc kiếm sống chứ không lười biếng ngồi không và nhận tiền trợ cấp từ chính phủ. Nhờ đó, chính phủ giảm bớt được gánh nặng tài chính.
Năm nay chị Mai đã 55 tuổi rồi, nhưng khi chị nói tuổi thì không ai tin. 1 năm nay tu luyện Pháp Luân Công, chị cảm thấy mình trẻ lại rất nhiều. Đôi mắt tươi vui của chị như muốn chia sẻ với tất cả mọi người xung quanh niềm hạnh phúc vô biên mà chị đã có cơ duyên tìm thấy.
(Ảnh do nhân vật cung cấp)
Thanh Ngọc