Đại Kỷ Nguyên

Chữ Đạo trong văn hóa Thần truyền: Phải có Đức mới tìm thấy Đạo

Đây là chữ ĐẠO: 道. Cùng đọc âm “Đạo” nhưng tiếng Hán có nhiều chữ khác nhau. Chúng đều đọc là ĐẠO.

Thông thường ta biết:

– Đạo có nghĩa là chỉ dẫn ĐẠO DIỄN.

– Đạo có nghĩa là giống lúa nước. Tam tự kinh có câu: “Học như hòa, như đạo; bất học như thảo, như cảo” (Người có học như lúa như nếp, người không học như cỏ dại, con trâu con bò cũng không thèm nhai). Ta cũng hay nói về bệnh ĐẠO ÔN.

– Đạo có nghĩa là kẻ cắp, như từ ĐẠO TẶC

Chữ ĐẠO (道) mà chúng ta đang xem trong hình dưới đây có ở trong từ̀ ĐẠO ĐỨC với nghĩa ban đầu là cái đường thẳng, là cái lẽ mà nhất định ai nấy đều phải tuân theo mới duy trì được tầng Pháp thấp nhất của vũ trụ này.

Chữ “Đạo”

ĐẠO () còn là trường phái ĐẠO GIA đi theo Lão Tử, người đã rời khỏi thế gian này một cách bí hiểm và vội vàng để lại 5000 chữ trong cuốn ĐẠO ĐỨC KINH – một tác phẩm mà cho đến hôm nay còn làm điên đầu các giáo sư và sẽ còn làm cho nhân loại này tiếp tục sờ voi nếu như họ không dám bước ra cái gọi là “khoa học thực chứng” với những suy lý logic tội nghiệp của con người.

Lão Tử (Ảnh: tinhhoa.net)

Đây là một đề tài khác. Theo tôi nghĩ, hiểu ĐẠO, ta không thể dùng các thứ lý luận thông thường, mà hãy tu luyện để “đạt Ngộ”. Những chân lý mà người đời vẫn còn thấy bí hiểm sẽ triển hiện xuất lai. Sự khác nhau giữa duy vật và duy tâm đã là câu chuyện hài về con gà mái và quả trứng. Sự khác nhau giữa một hệ quy chiếu mà chúng ta đang sống với ức tỷ các hệ quy chiếu khác rất uyên áo của đại khung vũ trụ mênh mang quả là không thể nghĩ bàn.

Thực ra, con người rất bảo thủ. Ai dám động tới những gì đã biết của họ, thì họ sẽ móc chân lý vốn ở trong tay áo, túi áo của mình mà phản đối những người khác với chính kiến của mình. Mà cái chân lý ấy “mô tê, ra răng, ra rứa”… lại nằm ngoài khả năng của chính họ.

Thực ra, tôi cũng thế thôi. Ai nói trái nhĩ mình là không ưng. Chỉ muốn ngọt ngào cơ! Ngay cả Đường Thái Tông anh minh mà nhiều lúc cũng muốn tự mình giết trung thần Ngụy Trưng bởi ông được vua cho quyền nói thật!

“Phản bổn quy chân”

Đạo gia có câu PHẢN BỔN QUY CHÂN rất đáng cho ta suy nghĩ.

Thực ra, hai chữ ĐẠO và CHÂN là sản phẩm rất đặc trưng của ĐẠO GIA.

Chữ ĐẠO có cấu trúc do 2 chữ hợp lại:

  1. Bên phải là chữ THỦ (首)
  2. Bên trái là bộ SƯỚC (辶)

Theo tôi hiểu thì bản thân chữ THỦ này ngoài cái nghĩa quan trọng, cần thiết, trí tuệ thì cấu trúc của nó còn ẩn giấu những nội hàm văn hóa Thần truyền.

Trên cùng có dấu huyền và dấu sắc. Nam tả, nữ hữu, biểu tượng cho âm dương tương sinh tương khắc, hóa diễn mà thành vũ trụ muôn loài; để có Sinh Lão Bệnh Tử ở trong cõi bể dâu, để có “Thành Trụ Hoại Diệt” ở những đại khung, vũ trụ to lớn hơn…

Chữ thứ 2 trên xuống là chữ NHẤT. Kết hợp lại là Âm Dương thống nhất, hòa hợp, viên dung.

Ký hiệu thứ ba là dấu phẩy. Nó nối toàn bộ khối tương sinh tương khắc, Âm Dương nhất thống ở trên với chữ MỤC (目) là con mắt ở dưới.

Như vậy dùng con mắt duy nhất, con mắt Thiên Mục, con mắt thứ ba (cái mà người tu luyện thường gọi một cách trang nghiêm là Đệ Tam Nhãn) của mình để câu thông với bản nguyên của vũ trụ, của sinh mệnh thì đó là cái đầu của trí huệ, cái đầu được khai sáng không phụ thuộc vào những nhận thức hậu thiên sai lạc, mê lầm của con người.

Đạo gia và Phật gia gặp nhau ở chỗ khẳng định tròng mắt thịt và tư tưởng con người khi nhìn và tư duy về thế giới chỉ thấy được ở cái tầng thấp nhất của vũ trụ với những gì bề ngoài hời hợt, nông cạn nhất mà thôi. Vì vậy Phật Thích Ca Mâu Ni nói nhân loại sống trong mê. Tất cả những gì họ cảm thụ, nhận thức được chỉ là huyễn tưởng, không thật là vì vậy!

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Ảnh: Petrotimes)

Chữ bên trái là SƯỚC, chỉ bước đi chậm rãi, chắc chắn, có lựa chọn khi chuyển dời cơ thể hay tư tưởng của mình từ không gian, thời gian này đến một hệ thời – không khác.

Tóm lại ĐẠO (道) là hội tụ nghĩa của câu PHẢN BỔN QUY CHÂN. Đạo chính là đường để trở về. Và người hạnh phúc nhất chính là người đã tìm thấy ĐẠO.

Chúc mọi người một sáng mùa xuân lên đường giã từ Hậu Thiên, tìm tới Tiên Thiên trẻ thơ. Đó là về với Đạo.

Hãy trao cho mọi người tình thương và sự từ bi. Đó là khuyến thiện để mọi người tích Đức, giữ Đức. Có Đức, chúng ta hãy lên đường đến với Đạo! Thật trân quý nếu ai cho ta những món quà là Đức ấy, nhân ngày Xuân này!

Ba chữ “Chân Thiện Nhẫn”

Và bằng trí huệ của mình, chúng ta hãy bước vào vũ trụ cùng Chân Thiện Nhẫn để mà: PHẢN BỔN QUY CHÂN!

La Vinh

Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa – Nghệ thuật Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.

Xem thêm:

Exit mobile version