“Hành trình khởi đầu bằng một đứa trẻ bị bỏ lại trên hai cái lá đu đủ và bị che kín bằng một cái mẹt rách, ở một nơi chẳng mấy người qua kẻ lại. Kiến, côn trùng bu kín vết thương bị cắn xé nham nhở. Và máu khô lại trên cơ thể đã tím đen.”
Đó là một đoạn trích từ cuốn sách “Hành trình yêu thương: Nhật ký Thiện Nhân”, mà tác giả là một người phụ nữ giờ đây đã được biết bao nhiêu trẻ em gọi một cách thân thương, trìu mến là “Mẹ”.
Hành trình của Thiện Nhân
Tháng 7 năm 2006, người dân phát hiện trong vườn hoang một bé sơ sinh đang thoi thóp với cơ thể tím đen, trên mình hằn đầy những vết cắn, nhấm. Cháu bé nhanh chóng được đưa đến bệnh viện Đa khoa Quảng Nam.
Cậu bé đáng thương bị mẹ đẻ bỏ rơi khi còn đỏ hỏn, đầm đìa máu và dây rốn đã trở thành miếng mồi cho thú hoang. Bé đã bị ăn mất bộ phận sinh dục, cả hai tinh hoàn, chân phải cũng bị ăn cụt lên tận háng.
Các bác sỹ tại bệnh viện đã đặt cho bé cái tên “Thiện Nhân” với mong muốn ghi nhận lòng Thiện, điều Nhân của những người đã giúp đỡ và cưu mang cháu.
Khi Thiện Nhân lên 1 tuổi, cậu bé đã may mắn được vợ chồng anh chị Trần Mai Anh – Phùng Quang Nghinh nhận nuôi. Chị Mai Anh nhớ lại: “Khi đọc thông tin trên báo về trường hợp của cháu bé, tôi đã rất xúc động. Cuối năm 2007, tôi cùng một vài người bạn vào Quảng Nam thăm cháu. Đúng là không thể cầm được nước mắt khi nhìn thấy cảnh cháu lết chân tay bò khắp nhà để tìm thức ăn, mặt mũi lem luốc… Lúc đó, không hiểu sao tôi lại có niềm khao khát được làm người mẹ chăm lo cho cháu”.
Rồi chị bàn với chồng, với cha, mẹ nội ngoại hai bên xin được đón cháu về nuôi. Lúc đầu, anh cũng đắn đo. Anh phân tích cho chị những khó khăn vất vả khi nuôi một cháu bé mà cơ thể không còn lành lặn, những tổn thương về tinh thần trong cuộc sống mai sau… Nhưng rồi, tình thương, lòng trắc ẩn đã chiến thắng. Anh đồng ý đón cháu về. Mẹ chị chỉ nhắn một câu: “Con đã bước một bước thì hãy bước tiếp. Mẹ luôn ở bên cạnh con”. Cuối tháng 3, Nhân được đưa ra Hà Nội.
Bà ngoại nuôi của Thiện Nhân kể: “Khi mới được đón về, cả đêm cháu không ngủ. Ngày khóc, đêm về cháu cứ ngồi, mỗi khi gục xuống giường thì giật mình rồi lồm cồm ngồi dậy. Dỗ thế nào cũng không chịu ngủ, chẳng chịu theo ai. Thức ăn thì chỉ độc thích chuối và cơm nguội. Khi cho ăn thứ khác, cháu cứ đưa lên mũi mà hít, ngửi”.
“Suốt 3 ngày bị mẹ bỏ rơi trong vườn, bị kiến bâu, rồi đủ các con vật cắn, mà nó vẫn sống, quả là kỳ lạ”, bà nói..
Và đó là điểm khởi đầu của hành trình tưởng như bất tận của một người mẹ muốn đem lại một thân thể lành lặn và cuộc sống hạnh phúc cho Thiện Nhân. Mẹ Mai Anh đã dạy cậu bé tập ăn, tập nói, kiên trì tìm bác sỹ chữa chạy cho “chú lính chì” những chứng bệnh từ nhỏ (ghẻ lở, viêm đường ruột…) và nhẫn nại, bền bỉ song hành cùng con trong quá trình chạy chữa, tái tạo bộ phận sinh dục kéo dài nhiều năm, phải đi tới nhiều quốc gia xa xôi như Italy, Đức, Mỹ…
Tính đến nay, Thiện Nhân đã trải qua 9 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ. Trong suốt hành trình dài dằng dặc của những ca phẫu thuật, chỉ có duy nhất một lần Nhân khóc nức nở với mẹ Mai Anh: “Mẹ ơi lâu quá”. Nhân không kêu “đau quá” mà là “lâu quá” khiến mẹ Mai Anh thương con đứt ruột.
Được truyền cảm hứng từ “chú lính chì dũng cảm” Thiện Nhân và người mẹ có trái tim bằng vàng Mai Anh, chương trình khám và phẫu thuật miễn phí mang tên “Thiện Nhân và Những người bạn” (TN&F) đã và đang mang lại những câu chuyện cổ tích giữa đời thường cho hàng trăm em nhỏ Việt Nam khác.
Hôm nay, cậu bé Thiện Nhân đã 13 tuổi, năm học tới sẽ vào lớp 8. Tin mới nhất là mẹ Mai Anh và TN&F đang chuẩn bị ca đại vi phẫu tiếp theo cho Nhân vào tháng 11 năm 2019.
Chị Mai Anh tâm sự: “Nhân khỏe mạnh dù chặng đường điều trị vẫn còn dài phía trước. Nhân được các bạn gọi là ‘Mũi tên vàng’ không ai theo kịp dù chân phải dùng nạng”.
Hành trình thay đổi của Thiện Nhân đã được “mẹ Còi” Mai Anh ghi chép lại rất dí dỏm ngộ nghĩnh, qua những status nhỏ xinh, lấp lánh tinh thần lạc quan đối diện với nghịch cảnh và tình người ấm áp.
“Mất một chân quá vui đi”
“…Hải Minh nhận được một đôi giày nhân sinh nhật. Thế nào mà đôi giày cũng vừa chân của Nhân và lại đúng kiểu ông Nhân đang chết mê chết mệt. Nhà 4 mẹ con thì vẫn duy trì truyền thống cái sở thích chia sẻ với nhau ngay cả quà sinh nhật.
Anh Minh bé thấy thằng em sướng tít mắt vì đôi giày sinh nhật của mình, nên rất đàn anh hào phóng, bảo là anh em mình sẽ đi chung nhau. Chung nhau thì có nghĩa là cùng sử dụng rồi.
Minh bé vừa cao cả phát ngôn thì Nhân chia đôi giày ra làm 2, đi luôn vào chiếc chân còn lại của mình một chiếc, đưa Hải Minh chiếc còn lại. Đến nước cờ bất ngờ này thì anh Minh bé mặt chỉ còn có thể toát ra vẻ tuyệt vọng ao ước, giá gì mình cũng chỉ có một chân như thằng em!
Bữa trưa hôm nay 4 mẹ con nhắc lại chuyện đấy để cười ngặt nghẽo.
Rồi mẹ kể lại cho mấy anh em nghe chuyện trước đây khi Nhân còn học nhà trẻ, mẹ đã làm cho Thiện Nhân một cái chân giả xịn tới độ nhìn y chang như thật. Ai dè khi tới nhà trẻ được nửa buổi Nhân nóng quá, tháo chân gác vào một góc.
Thế là đại họa ập tới, đại họa chưa bao giờ xảy ra đã ập tới nhà trẻ của anh em Minh bé – Thiện Nhân: toàn bộ trẻ em gào khóc trong sợ hãi – ai mà không sợ cho được khi có thằng oắt con vặn rắc 1 cái, bẻ cả chân ra ném một góc!
Cú đấy về mẹ phải tháo hết phần mút trang trí, tất da chân… để cái chân giả trơ lại lõi sắt như robot. Rồi mẹ dán trang trí thêm hình siêu nhân, bảo kiếm, tia chớp…để Thiện Nhân hiện nguyên hình là một anh bạn cụt một chân hài hước đáng yêu”.
“Nhân thật giỏi làm mất uy tín của mẹ”
“Nửa đêm mẹ Còi cuốn kín cái khăn len to trong thang máy. Đêm đông mưa và lạnh. Ngại lắm nhưng phải mò đi mua phở khuya vì mấy ông con tuổi ăn tuổi lớn ăn sớm giờ kêu đói thèm ăn phở nóng.
Đang co ro thì một cô áo choàng dạ ấm áp hỏi thăm:
– Hôm qua mưa lạnh thế em thấy cháu Thiện Nhân phong phanh có cái áo cộc tay, em hỏi cháu “mẹ Mai Anh đi vắng nên không có ai nhắc à sao mặc ít áo thế ốm bây giờ”.
Khổ thật ý, mấy ai biết là từ bé tí tới giờ là thằng bé không bao giờ tắm nước nóng. Mùa đông giá lạnh dội nước ấm là cu Nhân la hét như phải bỏng.
Áo thì chỉ cộc tay, quát lắm thì mặc được cái áo khoác thì ra khỏi nhà vài bước là Nhân cởi luôn. Đi ô tô thì mở cửa sổ há mồm hóng từng cơn gió lạnh cho mát mà bé tới giờ không ho hen, sổ mũi viêm họng… bao giờ.
Mẹ Còi chỉ còn biết kêu than với Nhân:
– Con chỉ được cái làm ảnh hưởng uy tín gia đình, con cứ ăn mặc vậy người ta tưởng mẹ này không chăm sóc con cái.
Nhân cười toét: “Giờ này làm gì có người mẹ nào rét thế vẫn đi mua phở cho con mình”.
Tóm lại mùa đông mưa buốt thì Nhân vẫn cứ quần đùi quần cộc thế này, và cười tinh nghịch thế này”.
Cần lắm những lòng Thiện, cần lắm những điều Nhân
Nhiều người gọi câu chuyện về bé Thiện Nhân và mẹ Mai Anh là câu chuyện “cổ tích thời hiện đại”. Cách ví von ấy phảng phất một nỗi buồn rằng thời đại ngày nay, những tấm lòng thiện lương, nhân nghĩa như vậy đã ngày càng hiếm hoi, đã trở thành “cổ tích”.
Có một mẹ Mai Anh sẵn sàng chịu bao gian khổ để nhận nuôi một em bé khuyết tật bị bỏ rơi, nhưng có biết bao nhiêu người mẹ trẻ không tên bỏ rơi đứa con còn đỏ hỏn của mình? Có em bé sơ sinh còn bị mẹ thả rơi từ tầng cao chung cư xuống đất… Xã hội ngày một lạnh lùng, vô cảm đang cần lắm những lòng Thiện, cần lắm những điều Nhân.
Thông minh là thiên phú nhưng thiện lương lại là sự lựa chọn