Nếu bạn chưa biết về “侘 wabi” và “寂 sabi” thì không thể nói rằng bạn đã nhận thức được vẻ đẹp của văn hóa Nhật Bản. “Wabi” và “Sabi” có thể nói là hai mặt của nhất thể, truyền đạt một loại tinh thần thẩm mỹ và cảnh giới tâm linh độc đáo của dân tộc Đại Hòa.
- Toàn tập Văn hóa Nhật Bản
Trong văn hóa Nhật Bản, từ thời cổ đại, định hướng thẩm mỹ đã sùng thượng sự giản ước, mộc mạc, điềm đạm và tĩnh tịch. Đến thời Trung cổ, các khái niệm thẩm mỹ như “侘” (Wabi) và “寂” (Sabi) ra đời. Những khái niệm mỹ học như vậy không chỉ được ứng dụng trong thi cú, ca vũ, mà còn thấm sâu vào đời sống thường ngày của thứ dân trăm họ, truyền thừa tới ngày nay. Ngay cả bây giờ, khi người ta nhìn ngắm một bộ ấm trà giản tiện và chất phác, hay đặt mình trong một khu vườn hoặc ngôi đền cổ kính tĩnh tịch, nội tâm rất nhiều người sẽ thốt nhiên cảm thấy một loại cảm giác cổ phác, điềm đạm và siêu nhiên. Loại thể nghiệm thẩm mỹ này không phải là vô can hệ đến tư tưởng truyền thống của Nhật Bản về “wabi” và “sabi”, có thể nói đó là một loại chiết xạ và phản ứng tự nhiên của nó.
Wabi và Sabi trong mỹ học Nhật Bản
Các khái niệm và lý luận về mỹ học Nhật Bản bắt nguồn từ văn hóa phương Tây và là một nhánh trọng yếu của triết học, là một môn học vấn về cảm tính, nói chung nó chủ đạo tham cứu về bản chất và ý nghĩa đối với cái đẹp. Trước thời cận đại, trong văn hóa phương Đông chưa từng minh xác đề cập đến khái niệm mỹ học tương tự văn hóa phương Tây, cho đến khi Tây học tiếp cận phương Đông, tác gia và học giả Nhật Bản Mori Ogai (1862-1922) đã phiên dịch mỹ học phương Tây là “thẩm mỹ học”, đồng thời nhà tư tưởng khai sáng Nhật Bản cận đại Nishi Shusuke (1829-1897) và Nakae Chōmin (1847-1901) và các học giả khác đã dịch nó là “thiện mỹ học”, “giai thú học”, v.v., sau này được gọi chung là “mỹ học”, được sử dụng đến ngày nay.
Phương Đông nói về mỹ thuật, nói chung là chỉ phạm trù triết học được tham cứu nội trong định nghĩa và khuôn khổ của mỹ học phương Tây, mà không bao hàm nội dung văn hóa phương Đông. Tuy nhiên, từ cổ chí kim, trong văn hóa tư tưởng của Trung Quốc, Nhật Bản và các nước phương Đông khác, nội dung liên quan đến mỹ học đã tồn tại, nhưng chưa bị khái niệm hóa, và được coi như một phạm trù độc lập. Do sự khác biệt giữa văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây, nên nội hàm và ý nghĩa trải dài của phương diện mỹ học được phản ánh trong mỹ học phương Đông tự nhiên cũng không tương đồng lắm với mỹ học phương Tây.
Xét từ hiện tượng văn hóa truyền thống Nhật Bản, người Nhật vốn có tư tưởng mỹ học truyền thống độc đáo, có thể gọi là mỹ học Nhật Bản, giống như tư tưởng mỹ học truyền thống Trung Quốc, nó cũng ẩn tàng trong một chỉnh thể văn hóa rộng lớn phồn thịnh. Vậy thì, mỹ học truyền thống Nhật Bản được biểu hiện theo phương thức nào, và đặc điểm của nó là gì? Ở đây, thông qua “wabi” và “sabi” để thẩm thị hình thức và hiện thực của mỹ học Nhật Bản, từ đó có được một cái nhìn tổng thể.
Những tư tưởng thẩm mỹ truyền thống như “wabi”, “sabi” là thể hiện điển hình của tư tưởng thẩm mỹ Nhật Bản, phản ánh sung mãn và chuẩn xác những đặc điểm của dân tộc Đại Hòa và văn hóa Nhật Bản. Hơn nữa, phương Tây nhìn chung coi mỹ học là triết học, còn mỹ học Nhật Bản không chỉ dừng lại ở tư khảo trên tầng diện học thuật, mà gắn bó mật thiết với cuộc sống thường nhật, trở thành một bộ phận không thể tách rời của nó.
“侘 Wabi” (phiên âm Hán Việt là ‘sá’) có ý nghĩa là từ trong sự thô tháo, bần khổ, thiếu thốn mà đạt được sự sung thực về tâm linh; “寂 Sabi” (phiên âm Hán Việt là ‘tịnh’) đề cập một loại vẻ đẹp thâm thúy và sung mãn được cảm ngộ một cách tự nhiên trong tĩnh lặng và thư nhàn. Ý nghĩa nội hàm của hai chữ Hán này vừa lặp lại nguyên nghĩa của Hán tự Trung văn, nhưng cũng có chỗ bất đồng, trên thực tế là mượn hai chữ Hán này để biểu đạt tư tưởng văn hóa Đại Hòa, triển hiện ý cảnh riêng có của mỹ học Nhật Bản.
Khi nói về mỹ học Nhật Bản, “wabi” và “sabi” thường không tách rời nhau mà được thảo luận và tham cứu như một thể thống nhất. Do đó, sự tổng hợp của “wabi” và “sabi” chính là: người ta từ sự thô tháo, bần khổ, thiếu thốn hoặc trong sự tĩnh lặng thanh nhàn, mà dò dẫm kiếm tìm hoặc cảm thụ cảm giác sung thực về tâm linh, tìm kiếm cảm ngộ về cái đẹp – mỹ. Vì thế, người Nhật thường cảm thụ tới sự vô thường của hiện thế, của nhân sinh đa đoan, coi đó như một loại vẻ đẹp, không buông xuôi trong vô vọng, đó là một loại lý niệm giá trị gần gũi với sự ngộ Đạo, lĩnh ngộ nhân sinh, một loại triết học về xử thế.
Trong tập thơ cổ của Nhật Bản, “Vạn Diệp Tập” (năm 783), có những ghi chép liên quan đến “wabi”, nhưng hầu hết chúng được dùng để mô tả những cảm xúc như sự cô đơn tịch mịch trong tình yêu. Từ góc độ văn học mà xét, trong cuốn sách về trà “Nam Phương Lục” (không rõ tác giả, được cho là do thánh trà Sen Rikyu viết) vào thời Edo, đã lần đầu tiên đề xuất và sử dụng khái niệm mỹ học.
Là một từ đơn, “wabi” nguyên bản biểu thị một trạng thái thân tâm buồn tẻ, sinh ra chán nản, nhưng đến thời kỳ trung cổ, từ đơn này đã phát sinh biến hóa, diễn biến thành một loại ý thức thẩm mỹ hoàn toàn mới: tìm kiếm vẻ đẹp từ sự thiếu thốn và buồn tẻ.
Ý thức thẩm mỹ này được kết hợp với thiền học, dần dần mở rộng ảnh hưởng của nó. Sau thời Muromachi ở Nhật Bản, tư tưởng truy cầu bản chất của sự vật trong thiền học vô cùng thịnh hành trong giới võ sĩ và văn nhân, đồng thời cũng phát sinh ảnh hưởng rất lớn đến tầng diện văn hóa, ví như việc dùng sa thạch thể hiện mô hình núi non nước chảy trong các đình viện là một ví dụ.
Vào cuối thời Muromachi, trà đạo và haikai (một trong những hình thức thơ ca và văn học Nhật Bản, đặc trưng bởi sự dí dỏm và hài hước) cũng đã dẫn nhập ý thức thẩm mỹ này, và được công nhận rộng rãi, gia tốc sự phổ biến của nó. Trà đạo, haikai, v.v. đều từ trong sự giản khiết và thuần phác mà phát hiện ra vẻ đẹp trong sáng và điềm tĩnh. Vào thời Edo, thi nhân Matsuo Basho đã đưa nó lên một tầm cao mới. Về sau, loại ý thức thẩm mỹ này dần dần lan rộng từ tầng lớp thượng lưu như quý tộc, văn nhân, võ sĩ cho đến thứ dân bách tính trong xã hội.
Một thoáng vẻ đẹp của trà đạo “Wabi”
Vào thời đại Muromachi (năm 1336-1573), giai tầng quý tộc và võ sĩ có phong tục sưu tập và hân thưởng những dụng cụ uống trà hào hoa của Trung Quốc. Sau giữa thời Muromachi, tăng nhân Murata Jukō (năm 1422-1502), người sáng khởi “Trà Wabi” và những người khác bắt đầu sử dụng những bộ ấm trà đơn giản, có thể khiến người ta cảm thụ được sự tĩnh tịch, đơn thuần, từ đó dần dần khai sáng trà lễ phong cách mới. Murata Jukō trong các văn chương liên quan của mình có nói: so với trăng tròn đầy trong sáng tinh khiết, thì trăng khuyết khi ẩn khi hiện giữa những đám mây mĩ lệ cảm động nhân tâm hơn. Điều mà ông ấy chủ trương là: ứng dụng vẻ đẹp của sự khuyết thiếu vào trong trà đạo, khiến cho người tham dự trà đạo có thể thể ngộ đến cảnh giới mỹ diệu của “wabi” trong trà đạo.
Doanh nhân giàu có kiêm trà đạo gia Takeno Joo (1502-1555) càng tiến một bước thâm sâu hóa tư tưởng trà đạo của Murata Jukō, và Sen no Rikyu (1522-1591), người sau này trở thành nhất đại tông sư về trà đạo, đã bái ông làm thầy, tu tập trà đạo. Trong trà đạo, Sen no Rikyu truy cầu sự giao lưu nội tâm giữa con người, và dựa theo quan niệm thẩm mỹ của bản thân mình để sáng tạo ra nhiều bộ trà, mỗi bộ đều thể hiện tính độc đáo sáng tạo chưa từng có, làm nên vẻ đẹp của “wabi” trong trà đạo.
Đến thời Edo, vẻ đẹp của “wabi” được định vị là căn bản của thẩm mỹ trà đạo, cần được tích cực thực hành, những ý nghĩa và nội dung của nó có quy định tương quan. Hình thức “Trà Wabi” có từ thời đại Edo được bắt nguồn từ trường phái Sen no Rikyu.
Matsuo Bashō (1644-1694), được mệnh danh là Thánh thơ Haikai Nhật Bản, thường ca ngợi vẻ đẹp của “wabi” trong các tác phẩm của mình. Ví dụ, bài hát nổi tiếng “Ao vuông cổ tĩnh tịch, tiếng ếch nhảy nước reo” là một ví dụ điển hình. Đương thời, thơ haikai ngâm vinh truy cầu ngôn từ, ý cảnh xa hoa diễm lệ, nhưng thơ haikai của Bashō lại nồng hậu vẻ đẹp của “wabi”, tự nhiên đã mang lại sự xung kích và mở đường cho giới thi nhân haikai. Bằng cách này, “wabi” đã trở thành sự thể hiện cảnh giới thẩm mỹ của tác giả, Bashō và những người khác đã tích cực thực tiễn nó, nỗ lực xướng đạo, thúc đẩy sự phổ biến tư tưởng thẩm mỹ của họ.
Vào đầu thời kỳ Edo, Kobori Enshū (1579-1647), người vừa là một võ tướng, vừa là một danh nhân về trà đạo, đã theo học Sen no Rikyu và Furuta Oribe, trải qua thời kỳ thiên hạ cự biến từ Toyotomi đến Tokugawa. Sau khi sàng lọc nhiều trường phái khác nhau, ông đã giới thiệu trà đạo kết hợp với văn hóa vương triều, đề xuất một khái niệm mỹ học trà đạo hoàn toàn mới: “vẻ đẹp tĩnh lặng”. Đặc điểm của nó là: sự hào hoa uẩn chứa trong vẻ đẹp tĩnh lặng. Chỗ khác biệt so với các trường phái khác là, trà lễ tuy uẩn hàm phong vị cổ xưa, nhưng vẫn giữ được một chút diễm lệ và hoa mỹ. Trong cuộc đời của mình, chỉ riêng tại Viễn Châu, ông đã tổ chức hơn 400 tiệc trà, mời các nhân sĩ thuộc mọi tầng lớp xã hội tham gia, từ daimyo (võ sĩ có lãnh thổ rộng), quan chức chính phủ cho đến thị dân, v.v. lên đến 2.000 người.
“Wabi” “Sabi” và Thiền học
“Wabi” và “Sabi” ban đầu là những khái niệm khác nhau. Việc so sánh hai khái niệm này cũng như việc đề xuất và phổ biến chúng với tư cách là các khái niệm mỹ học Nhật Bản, suy cho cùng đều chịu ảnh hưởng của thiền học. Vì vậy, “wabi” và “sabi” trong tư tưởng mỹ học Nhật Bản mang đậm sắc thái thiền học, chúng được coi là những yếu tố cần thiết để đạt được “ngộ”.
Để giúp việc lý giải nội hàm mỹ học của “wabi” và “sabi”, người Nhật đã đặt ra cho nó bảy tiêu chuẩn. Thứ nhất là bất quân hoành, nghĩa là không có tính đối xứng, không có tính quy tắc, không có tính hoàn chỉnh. Thứ hai là sự giản ước, chất phác. Thứ ba là khô cứng, cục mịch, tức là biểu hiện bề ngoài khô cứng nhưng bên trong ngoan cường. Thứ tư là tự nhiên, tức là coi trọng các nguyên lý của tự nhiên, sùng thượng thiên chân vô tà. Thứ năm là u huyền, nghĩa là mơ hồ mà thâm sâu ưu nhã. Thứ sáu là thoát tục, nghĩa là loại bỏ tất cả chấp trước, đạt đến vô tâm. Thứ bảy là tĩnh tịch, khiến thân tâm tiếp thụ đến nhất ứng sự vật, đạt được sự tĩnh lặng cần thiết trong cả nội tâm và ngoại cảnh.
“Wabi” ban đầu có nghĩa là bần khốn, lỗi thời. Thân nơi bần khốn mà có thể dửng dưng với tài phú, quyền lực, danh tiếng, ẩn chứa giá trị trân quý vượt thời đại, vượt thế gian. Đây có thể là ý nghĩa của tính thẩm mỹ “wabi”.
Quả thực, thiền học từ cổ vẫn bị coi là cực đoan, việc thiết định tiêu chuẩn về mỹ thuật như trên, cũng là vấn đề khác biệt quan điểm, tưởng là thiên lệch, thực ra đó là một biểu hiện tự nhiên của thiền học trong thời kỳ mạt pháp. Tuy nhiên, ảnh hưởng của những quan niệm thẩm mỹ này đối với mỹ học Nhật Bản là chí thâm chí viễn, vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
“Wabi và Sabi” xuyên đại dương
Là một khái niệm mỹ học độc đáo của Nhật Bản, “wabi và sabi” sớm đã xuất khỏi Nhật Bản, tiến nhập thế giới. Tiếng Trung phần lớn được phiên dịch theo nghĩa gốc hoặc sát nghĩa của chữ Hán, trong khi tiếng Anh được dịch là “Wabi-Sabi” theo cách phát âm của nó. Hầu hết những người tu dưỡng văn hóa Nhật Bản ở phương Tây đều biết từ này. Đương nhiên, những người nước ngoài đến Nhật Bản du lịch thường nói hoặc nghe rằng “Wabi-Sabi” đại biểu cho quan niệm thẩm mỹ Nhật Bản.
Nhà tư tưởng Nhật Bản Okakura Kakuzō (1863-1913), trong tác phẩm “Trà thư” (bản tiếng Nhật “茶の本”, 1906), đã giới thiệu mối quan hệ giữa trà đạo Nhật Bản với thiền học, Đạo giáo, hoa đạo, v.v. nó thuyết minh toàn diện tư tưởng mỹ học phương Đông “Wabi-Sabi”, đồng thời đóng vai trò to lớn trong tiến trình truyền nhập văn hóa “Wabi-Sabi” ra thế giới.
Suzuki Daisetsu Teitarō (1870-1966) sau khi tu thiền đã đến Mỹ, dùng Anh ngữ viết hơn 20 cuốn sách về thiền học, khiến ông trở thành một học giả Phật giáo nổi tiếng thế giới. Trong thời gian thỉnh giảng của mình tại Đại học Harvard và Đại học Princeton, ông thường đề cập đến thiền học và mỹ học Nhật Bản, giúp Châu Âu và Hoa Kỳ lý giải sâu và thấu đáo hơn về “Wabi-Sabi” của Nhật Bản.
Ngoài ra, thông qua sự du nhập của những người nước ngoài như thợ gốm người Anh Bernard Howell Leach (1887~1979) và nhà văn người Mỹ Leonard Koren (1948~), mỹ học “Wabi-Sabi” dần được quốc tế hóa.
Con người tự cổ đã có khuynh hướng xu lợi tị hại, khiến người ta ngày càng yêu thích sự đầy đủ, phú quý, phồn thịnh, sung túc v.v. Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc lại sùng thượng đạo “trung dung”, đạo của tự nhiên, như điềm đạm, thanh nhã, thành thực, chất phác, v.v. điều thể hiện trong đó là pháp tắc tự nhiên của “vật cực tất phản”, “bĩ cực thái lai” v.v. Từ tầng thứ cao mà xét, bần cùng, thiếu thốn, thô tháo, tịch liêu… không hề là chuyện xấu, mà nó uẩn hàm bên trong xu thế chuyển hướng mỹ hảo. Nếu có thể từ trong chân lý nhân sinh mà lĩnh ngộ, thì đó chính là bậc trí giả. Trong mỹ học Nhật Bản, ắt uẩn hàm những trí huệ như vậy.
Tác giả: Tu Thực, Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch