Đại Kỷ Nguyên

Chuyện bến phà

Thời tuổi trẻ tôi đi lại nhiều nơi, ngược Bắc xuôi Nam miền ngược miền xuôi đủ cả nên cũng biết được nhiều địa danh, đi trên nhiều chuyến phà qua các con sông lắm. Tôi đã đi hết các bến phà trên quốc lộ 10 từ Thái Bình sang Hải Phòng tới tận phà Bính, rồi cả phà Rừng, phà Bãi Cháy ngoài Quảng Ninh. Ngược lên miền núi miền trung du phía Bắc là những bến phà như Âu Lâu (Yên Bái), Lâm Thao (Phú Thọ) hay phà Trung Hà (Ba Vì – Hà Nội) .v.v…

Có những bến phà đơn sơ của miền rừng núi, có bến rộng lớn của đất Cảng nhưng thời đó không nơi nào sánh được về lưu lượng giao thông cũng như vẻ hoành tráng của bến phà Tân Đệ. Tôi xin lỗi là nếu có ai thắc mắc về đề tài, sao đang viết về Bách Thuận quê mình mà bến phà Tân Đệ lại thuộc về địa phương khác. Vâng đúng bến phà Tân Đệ thuộc xã Tân Lập kế bên, chỉ ngày nay mới giáp xã nhà do thôn Thượng Xuân được chuyển từ Tân Lập sang. Nhưng nếu tôi đặt câu hỏi là với những địa phương xung quanh dân nơi nào qua lại bến phà này nhiều nhất ? Tôi khẳng định rằng đó là dân Thuận Vi, Bách Thuận ta!

Tôi không có ý định tả lại chi tiết, chỉ biết rằng bến phà Tân Đệ xưa rất đẹp, ngăn nắp và hoành tráng lắm. Vì nằm trên quốc lộ chính từ Nam Định đi Thái Bình, Hải Phòng nên người đi lại qua phà đông nườm nượp, xe cộ qua lại suốt ngày đêm. Vào lúc cao điểm dù đã ghép phà đôi người ta vẫn phải dùng tới hai phà từ hai bên, đôi khi là ba phà cùng có mặt trên sông.

Mùa nước cạn dòng sông trở nên hẹp hơn nên qua một chuyến phà nhanh lắm, chỉ ít phút là ta đã có mặt ở bờ bên kia, nhưng mùa mưa lũ thì lâu hơn nhiều. Lúc đó nước dâng cao mấp mé mặt đường lộ, dòng sông nước chảy xiết làm phà trôi xa tít ngang với đất Liên hồng phía hạ lưu. Nhưng dù ở mùa nào, nắng mưa hay gió bão, những người công nhân vẫn cần mẫn với từng chuyến phà và chẳng thấy giao thông bị ách tắc bao giờ…

Trở lại điều tôi muốn trình bầy khi viết về địa phương khác. Bến phà này đã gắn bó quá nhiều với dân Bách Thuận ta, trong ý nghĩ của mỗi người cái tên Tân Đệ quá đỗi thân thuộc như thể tên một thôn một xóm trong làng. Như tôi đây khi giới thiệu quê quán với bạn bè thì cũng hay nói là người Bách Thuận – Thái Bình ngay bên cạnh bến phà Tân Đệ ấy cho họ dễ hình dung.

Dân quê ta có nhiều người buôn bán, sản phẩm nông nghiệp, rau quả chủ yếu được bán sang Nam định nên việc qua lại bến phà ngày đôi ba lần là bình thường. Những đội hàng nặng trên đầu những phụ nữ, khi qua phà hạ xuống nâng lên làm kinh ngạc người dân tứ xứ, những chiếc xe đạp chằng đầy hàng hóa của các chàng trai cô gái, lên xuống phà phải nhờ người kéo giữ rồi đẩy lên. Đây cũng là lúc dừng chân nghỉ tạm lúc qua sông, bến phà này đã gắn bó với dân ta như lẽ tự nhiên vậy. Cứ mỗi sáng dân Bách Thuận lại ào ạt qua sông, đội nắng đội mưa đi sang thành phố, để trưa chiều về lặng lẽ đứng ngồi trên phà nhìn sông nước trong lòng nặng lo nỗi mưu sinh…

Nơi đây còn là nơi tiêu thụ hoa quả từ đất Bách Thuận. Ngày ấy trên bến phà có rất nhiều phụ nữ bất chấp nắng nóng, lạnh hàn, đường đất đầy bụi bặm cắp từng rổ trái cây bán cho khách vãng lai với nỗi vất vả nặng nhọc khắc trên từng khuôn mặt, nhưng mà họ nhận được rất ít sự cảm thông, còn bị mang tiếng là lừa đảo, cân điêu.

Tôi đã từng phải thanh minh cho họ với mấy anh bạn cùng quân ngũ người phố Chùa Cuối – Nam Định rằng họ chỉ là những người phụ nữ, những người mẹ ngày ngày phải bươn trải, phơi mặt trên đoạn đường đầy bụi mong kiếm được cho con trẻ manh áo miếng cơm. Họ chẳng muốn lừa ai để lấy những đồng tiền không lương thiện mà chỉ bán với đúng giá trị với đồng tiền mà người ta trả cho họ. Một cân táo thời đó giá 2 đồng mà khách đi xe chỉ trả họ có một đồng hai thì họ vẫn phải bán nhưng một cân chỉ có sáu bảy lạng thì vẫn đúng với giá trị hàng hoá, tuy việc làm không minh bạch lắm nhưng tôi vẫn thông cảm với họ, vì hoa quả tươi không thể để lâu, cũng chỉ cố bán hết, để kiếm đồng tiền mua bơ gạo, mớ rau…

Trở lại với bến phà thủa xưa ồn ào náo nhiệt nhưng thật bình yên người đi kẻ lại, xe cộ ngược xuôi nhưng trật tự ngăn nắp. Câu viết “Xuống phà xe trước người sau – Lên phà người trước xe sau an toàn” để nhắc nhở an toàn giao thông nghe thật gần gũi và còn in tâm trí bao người. Đứng trên cầu Tân Đệ ngày nay nhìn xa xa về phía hạ lưu, bến xưa vẫn còn đó nhưng đã vắng bóng những con phà…, cái bến đó đã không còn phù hợp với giao thông thời hiện đại nữa, nó chỉ còn là kỷ niệm của một thời đã qua và vẫn ở trong ký ức bao người.

Nguyễn Như Thạnh (Cộng hòa Séc)


Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.

Exit mobile version