Đại Kỷ Nguyên

Chuyện cầu hiền kỳ lạ nhất lịch sử: Đổi 5 tấm da dê lấy nhân tài trị quốc (Kỳ 2)

LTS: Những kẻ tài trí lỗi lạc thường có liêm sỉ lễ nghĩa, khí chất thanh cao nào đâu chịu co mình vào khuôn khổ mà luồn cúi theo kẻ khác? Chốn gai góc cũng chẳng phải là nơi chim loan, chim phượng đậu. Thế nên xưa nay, anh hùng thường là sinh bất phùng thời, có khi tóc bạc da mồi mà vẫn chưa tìm ra đất dụng võ. Lần giở lại cổ sử Á Đông, có quá nhiều những anh hùng từng phải bất đắc chí như vậy, điển hình nhất chính là Khương Tử Nha hơn 80 tuổi vẫn ngồi câu cá ở sông Vị chờ thời.

Hôm nay, chúng tôi xin mạn phép thưa cùng quý độc giả câu chuyện về một kỳ tài ẩn dật khác, phải nuôi trâu, chăn dê bao ngày tháng trước khi bước ra và tỏa sáng trên vũ đài lịch sử. Nhưng “cái giá” mà bậc quân vương phải bỏ ra để có được tài năng trác tuyệt của ông thật khiến người ta phải bật cười: vỏn vẹn 5 tấm da dê. Chúng ta đang nói về Bách Lý Hề.

Tiếp theo: Kỳ 1

Số kiếp long đong lận đận và vận rủi vẫn còn đeo bám Bách Lý Hề mãi không thôi. Cuộc bôn tẩu giang hồ của ông dường như chưa phút ngừng lại…

Ngày qua tháng lại, hết xuân đến hè, Bách Lý Hề vẫn lủi thủi một mình, làm kẻ hầu người hạ ở nước Tấn. Một hôm, khi đang tản bộ giải phiền trong thành đô, Bách Lý Hề bắt gặp một lão nhân dựng quầy xem tướng ngoài phố. Lão nhân ấy tóc bạc như cước, hình dung tươi tỉnh, tướng ngũ đoản, mặc chiếc áo nâu, ngồi trầm ngâm đọc sách. Trên chiếc bàn gỗ bày sơ sài mấy quyển sách tướng thuật, tử vi, một nghiên mực, vài tờ giấy và mấy quản bút lông.

Bách Lý Hề tiến đến trước mặt thầy tướng nói: “Lão nhân gia, xin hãy xem cho tại hạ một quẻ”.

Thầy tướng ngước nhìn, khẽ mỉm cười: “Chẳng hay quan nhân muốn xem đường công danh, tài lộc hay khoa bảng, tình duyên? Già này hành nghề cũng ngoài 40 năm rồi, chưa nhìn sai ai bao giờ”.

Bách Lý Hề thầm nghĩ bụng: “Ông già này khẩu khí cũng cao lắm, để rồi xem”. Đoạn ông kéo ghế ngồi xuống trước mặt thầy tướng và nói: “Vậy phiền lão nhân gia xem cho tại hạ một quẻ về đường tiến thủ công danh”.

Ông thầy tướng quét ánh mắt qua Bách Lý Hề một lượt rồi thong thả vuốt râu, nói rằng: “Già này thấy quan nhân tướng mạo bất phàm, mũi to, trán cao, nhân trung sâu dày, ánh mắt tinh anh, chính là người kiên trung đảm lược. Mai này, quan nhân ắt có phú quý, đứng dưới một người mà trên vạn người”.

Bách Lý Hề cười ha hả, chỉ vào thầy tướng mà rằng: “Lão nhân gia có lẽ già cả nên hóa hồ đồ rồi. Ta lúc này tứ cố vô thân, bốn biển không dung, có nhà chẳng về được, hôm sớm ra luồn vào cúi, chịu làm chó ngựa cho người sai bảo, chỉ cầu đủ miếng ăn cái mặc, còn mong chi đến ngày mở mặt mở mày?”.

Thầy tướng lại mỉm cười, lấy giấy bút ra viết mấy dòng chữ rồi đưa cho Bách Lý Hề đọc. Trên giấy viết:

“Mãnh long ngủ vùi dưới giếng sâu
Lặng nhìn thế sự cuộc bể dâu
Trăm năm định số an bài cả
Tang bồng phỉ chí chẳng còn lâu”

Bách Lý Hề giật mình: “Ông già này biết được tâm tư của ta, quả không phải dạng thường”.

Thầy tướng lại cất lời: “Đúng vậy, già này sớm đã biết quan nhân là một tay hảo hán đạp đất đội trời, lòng ôm chí lớn, lưu lạc nơi này chẳng qua chỉ là kiếp nạn. Những phường giá áo túi cơm, đi ngang quán của già này chỉ bỏ vài xu lẻ vào xem chuyện làm ăn cỏn con, món lợi nhỏ nhen. Quan nhân vào lại đòi xem ngay đường công danh hoạn lộ, lẽ đâu là kẻ tầm thường? Xưa nay thời thế tạo anh hùng, giờ là lúc thiên hạ đại loạn, những tay tuấn kiệt đều đang ra sức thi triển. Già này nhìn không sai đâu, mai này ắt là quan nhân sẽ được như nguyện. Nhưng trước lúc vinh hiển vẫn phải trải qua vài kiếp nạn nữa mới xong”.

Bách Lý Hề vội vã đứng dậy, ôm quyền hành lễ: “Vừa rồi, vãn bối có điều gì thất thố mong lão nhân gia xá tội. Hôm nay gặp được lão nhân gia quả là như được vén đám mây mù mà trông thấy mặt trời”.

Thầy tướng đỡ Bách Lý Hề, giữ chặt tay ông mà nói: “Nhất định phải tạo phúc cho trăm họ. Ngày sau phú quý, xin chớ quên lời già này”.

Thầy tướng số thấu hiểu tâm tư làm Bách Lý Hề rất cảm động. (Ảnh minh họa từ youtube)

Bách Lý Hề bái tạ ra về. Đi được một quãng, chừng như nhớ ra điều gì, Bách Lý Hề quay gót rảo bước tìm đến chỗ ông thầy tướng định bụng hỏi thêm. Nhưng đến nơi, ông ta đã dọn hàng đi khuất tự lúc nào, lần hỏi những người xung quanh cũng chẳng một ai biết. Đêm ấy về phủ, Bách Lý Hề vẫn chưa thôi cảm thấy nghi hoặc trong lòng, trằn trọc mãi đến canh năm vẫn chưa chợp mắt được.

Sáng hôm sau, có người truyền khẩu dụ của Tấn Hiến Công đến cho gọi Bách Lý Hề vào cung. “Có lẽ nhà vua lại đi săn ngoài thành hay tổ chức yến ẩm gì đây”, Bách Lý Hề tự nhủ thầm, đoạn chuẩn bị áo quần, nặng nề đi theo sứ giả. Cung vua Tấn hôm nay kết hoa đăng ngay từ cửa, dọc lối vào lại còn trang trí đèn lồng đỏ. Tấn Hiến Công cho xây cung điện mới này để mừng công diệt hai nước Ngu, Quắc, đặt tên là cung Trường Thụy. Đám cung nhân tất tả xuôi ngược, nhịp bước chân người hối hả, mùi mồ hôi người, mùi thức ăn sực cuộn lên, lại có tiếng khánh nhạc vang lừng. Bách Lý Hề đi qua mấy thềm cửa nữa, càng vào trong không khí càng khẩn trương, nhộn nhịp.

Vừa bước tới điện, Bách Lý Hề đã nhìn thấy Tấn Hiến Công ngồi chễm trệ trên chiếu rồng, mặt ngoảnh về phía nam, dưới thềm hai bên bày hơn chục chiếu ngồi nữa, hình như bá quan văn võ nước Tấn đều được lệnh triệu tập đến đây. Bách Lý Hề phủ phục lạy vua Tấn: “Quốc quân cho triệu kẻ hèn này vào gấp, chẳng hay có chuyện gì cần sai bảo”.

Tấn Hiến Công mỉm cười, vẫy tay ra hiệu cho bình thân, sai người mang một tấm nệm rơm cho Bách Lý Hề ngồi, nói: “Quốc quân nước Tần là Tần Mục Công dạm hỏi ái nữ Bá Cơ của ta. Duyên Tấn Tần bao đời nay vẫn hòa thuận, ta cũng ưng lòng. Nhưng đường vào đất Tần xa xôi, hiểm trở, để một mình Bá Cơ đi ta không yên tâm. Nay lệnh cho ngươi đi theo làm hộ vệ cho ái nữ của ta, ngày mai lên đường, phải ngày đêm hầu hạ, không được sai sót”. Bách Lý Hề cúi đầu lĩnh mệnh.

Tấn Hiến Công lại cúi nhìn hai ban văn võ: “Cô có chuyện hỉ, cho mở yến tiệc, các khanh ở lại chung vui, hôm nay không cần câu nệ quân thần như thường ngày, ai cũng phải uống thật say”. Đoạn, Tấn Hiến Công cho người bày tiệc rượu, đủ sơn hào hải vị, kì trân dị bảo. Mười vò rượu lớn đặt giữa điện, kẻ hầu người hạ không lúc nào ngơi tay rót. Tiếng khánh, tiếng nhạc dập dìu, ca nhi múa hát tưng bừng, thực là náo nức.

Bách Lý Hề ngồi im trong suốt buổi yến, chỉ lặng lẽ uống cạn từng chung từng chung rượu lớn. Có quan đại phu ngà ngà bước tới, trỏ vào Bách Lý Hề mà rằng: “Lần này được quốc quân tin tưởng, phải gắng mà làm cho tốt, chớ có ăn ở hai lòng. Phận nô lệ như ngươi được hậu đãi như hôm nay, tưởng cũng là có phúc lắm rồi!”, đoạn cười ha hả.

Bách Lý Hề cúi gằm mặt, nắm tay vò chặt tà áo, nghiến răng ken két, đoạn đứng dậy cáo từ Tấn Hiến Công, về thẳng nhà. Cả đêm hôm ấy, Bách Lý Hề thức trắng…

Nghe những lời lẽ của vị quan đại phu, Bách Lý Hề cúi gằm mặt, nắm tay vò chặt tà áo, nghiến răng ken két. (Ảnh minh họa: kknews.cc)

Tờ mờ sáng hôm sau, đoàn người ngựa của Tấn Hiến Công đã khởi hành. Bách Lý Hề làm thị vệ, đi cạnh xe chở công chúa Bá Cơ. Đoàn người lầm lũi đi trong gió bụi. Bách Lý Hề chẳng nói nửa lời, thúc ngựa kèm sát hộ vệ.

Thấm thoát, đoàn người đã đi được ngót nửa chặng đường. Đêm hôm ấy, họ dừng ở giữa đường hạ trại. Bốn bề núi non trùng điệp, mùa đông miền Hoa Bắc rất lạnh và khô. Hôm nay còn có tuyết rơi. Bách Lý Hề cho ngựa ăn cỏ xong, lặng lẽ đốt một đống lửa lớn ngồi sưởi ấm. Từ trong lều của công chúa có tiếng gọi lớn: “Công chúa cho gọi Bách Lý Hề vào sai bảo”. Bách Lý Hề bước vào, thấy công chúa ngồi trên chiếc ghế bọc nhung, dáng người thon thả, vẻ mặt thanh tú, đúng dáng con nhà quyền quý nhưng giọng nói của cô thì sắc lạnh, vô tình: “Ở đây lạnh quá, ta không quen. Ngươi đi đun một ấm trà nóng và một nồi nước sôi để ta ngâm chân, mau lên ta sắp phải đi nghỉ rồi!”.

Bách Lý Hề sững người, cúi mình lĩnh mệnh nhưng trong lòng thì cảm thấy đau như dao cắt: “Rốt cuộc ta cũng chỉ là kẻ hèn hạ, loài ưng loài khuyển chịu để người ta mặc sức sai khiến. Nay còn phải bưng chậu rửa chân cho nữ nhi, cay đắng lắm thay Bách Lý Hề ơi!”.

Rồi không đợi đến khi trời sáng, ngay trong đêm đó, Bách Lý Hề thúc ngựa ra đi, bỏ lại sau lưng tất cả những ấm ức của kiếp tôi đòi, những muộn phiền của người anh hùng lỡ bước. Bách Lý Hề muốn đến nước Tống ở Trung Nguyên nhưng vừa qua nước Sở thì gặp cảnh binh đao, đường đi nghẽn lối. Ông đành phải quất ngựa sang đất Uyển, cũng thuộc nước Sở. Rong ruổi trên đường gió bụi, người ngựa đều thấm mệt. Khi vừa đặt chân vào đến Uyển Thành, gặp một đầm lầy lau sậy um tùm, Bách Lý Hề không thể đi nổi, dừng cương thả ngựa, tứ chi bất động sõng soài trên đất.

Lúc này, ông chợt nghĩ đến người vợ và đứa con côi cút, nghĩ đến phận khách tha hương bốn bể không nhà của mình, nước mắt chợt trào ra. Một bụng kinh sử, thân đầy đảm lược, chí khí ngút trời, bây giờ tất cả đều hóa hư vô. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu ông: “Hay là kết liễu cái mạng rẻ này cho xong, sống ở trên đời thật là mang nhục”. Nhưng hình ảnh người vợ tảo tần, đứng ở bậu cửa vẫy vẫy tay tiễn chồng rồi dặn với theo “Sau này phú quý xin chớ phụ nhau” cứ hiện lên, vang lên trong đầu Bách Lý Hề. “Không! Ta không thể chết uổng phí như vậy được! Nhất định phải sống, phải ngẩng đầu thật cao!”. Đoạn, Bách Lý Hề hai tay bưng mặt khóc hu hu, nấc không thành tiếng…

Phận khách tha hương bốn bể, một bụng kinh sử, thân đầy đảm lược, chí khí ngút trời, bây giờ tất cả đều hóa hư vô… (Ảnh minh họa: sohu.com)

Bất ngờ từ trong đám lau sậy có tiếng người quát vọng ra: “Gian tế! Nằm im! Động đậy ta bắn ngay!”. Rồi từ trong đám cây cỏ um tùm bốn năm thợ săn khỏe mạnh nhảy ra, người cầm đao lớn, người cầm cung nỏ, mặt mũi bặm trợn, tóc xõa ngang vai, trên mình mặc rặt những đồ da thú. Bách Lý Hề cũng chẳng còn sức phản kháng, đành nằm im chịu trói. Đám thợ săn trói chặt và buộc ông vào đòn gánh, xốc về thành. Vào đến Uyển Thành, Bách Lý Hề bị ném vào nhà kho, khát không miếng nước, đói không hạt cơm. Mãi đến tận đêm, toán người nọ mới kéo ông ra tra hỏi. 

Tay thợ săn cao lớn nhất bọn, tay cầm chiếc roi ngựa trỏ mặt Bách Lý Hề hỏi: “Mi là gian tế nước nào, sao dám đến đây dò la? Mi biết tội chưa?”. 

Bách Lý Hề mặt không biến sắc, điềm tĩnh đáp: “Ta không phải gian tế, cũng không phải đến để dò la. Ta đi không đổi tên, ngồi không đổi họ, tên Bách Lý Hề. Ta làm đại phu nước Ngu. Chỉ vì quốc quân nước Ngu hồ đồ, bị người Tấn lừa mưu diệt quốc, ta mới phải làm kẻ vong quốc, vốn định chạy sang nước Tống, chẳng ngờ hôm nay mắc kẹt ở đây”. 

Đám thợ săn ngơ ngác nhìn nhau, rõ ràng bọn họ không biết nước Ngu hay Bách Lý Hề là ai. Một người trong đám bước ra từ tốn nói: “Gần đây biên ải dấy động binh đao, chúng tôi phải cảnh giới không dám khinh suất. Nếu các hạ đã không phải là gian tế thì cũng bỏ qua đi. Nhưng chúng tôi vẫn phải giữ các hạ ở đây để theo dõi thêm. Chẳng hay các hạ có nghề gì?”.

Bách Lý Hề vẫn điềm tĩnh đáp: “Tôi biết nuôi trâu”.

Đám thợ săn nghe vậy, bèn cởi trói cho ông, giao cho chăm nom đàn trâu của gia trang. Trâu Bách Lý Hề nuôi con nào con nấy béo mẫm, săn chắc, khỏe mạnh, tuyệt không sơ sảy chút gì. Ai thấy cũng đều khen Bách Lý Hề có tài nuôi trâu giỏi. Tiếng đồn đến tai vua Sở. Một hôm nhà vua cho người triệu kiến Bách Lý Hề vào cung hỏi về chuyện nuôi trâu, chăn ngựa. Thực là:

Nửa đời sương gió lấm bụi trần
Thân trâu lấm đất chẳng ngại ngần
Một mảnh hùng tâm còn dang dở
Trăm năm chưa dứt cuộc ly phân

* Chuyến đi lần này không biết lành dữ thế nào, rồi số phận lại đẩy đưa Bách Lý Hề tới đâu, xin quý độc giả theo dõi tiếp ở kỳ sau, hạ hồi phân giải.

Văn Nhược

Exit mobile version