Đại Kỷ Nguyên

Chuyện cổ Phật gia: Cả đời đeo đuổi ảo mộng nào khác chi bầy khỉ vớt trăng đáy giếng?

Chuyện cổ Phật gia: Cả đời đeo đuổi ảo mộng nào khác chi bầy khỉ vớt trăng đáy giếng?

Ảnh ghép minh họa: Đại Kỷ Nguyên.

Trong tiểu thuyết vĩ đại “Tây Du Ký”, Tôn Ngộ Không vốn là con khỉ nứt ra từ tảng đá, tính khí ngang tàng bạo ngược, trải qua quá trình tu luyện gian khổ, trừ bỏ ma tính của bản thân mà chứng đắc Phật quả.

Theo Phật giáo và Lão giáo, loài vượn, khỉ vốn lăng xăng, nhảy nhót, chuyền leo không chịu ngồi yên, tượng trưng cho cái tâm của con người cũng lao xao, tơ tưởng chuyện này, nhớ nhung chuyện nọ, dao động giữa thiện ác, trong chớp mắt di chuyển giữa thiên đàng và địa ngục. Tác giả Ngô Thừa Ân cũng hay sử dụng từ “tâm viên” (tâm con vượn) để nói về Tôn Ngộ Không.

Loài khỉ cũng từng xuất hiện không ít lần trong chuyện cổ Phật gia với ngụ ý sâu xa thâm thuý.

Câu chuyện 1: Chúa khỉ mò trăng (Viên hầu tróc nguyệt)

Chuyện kể rằng, ngày xưa, trong khu rừng vắng vẻ có một bầy khỉ 500 con sinh sống và lập nên một quốc gia riêng. Con khỉ đầu đàn được làm Viên hầu vương, là chúa của tất cả. Trong vương quốc khỉ đó có một cây du da lớn, cành lá tỏa rợp tứ bề, rễ buông từng chùm đong đưa. Trong lòng cây đa có vị thần thiêng được gọi là Thụ thần. Cạnh gốc cây có một cái giếng sâu thẳm, nước lặng tờ, uống mát ngọt.

Một tối, một con khỉ ngó cổ nhìn xuống đáy giếng rồi hét toáng lên:

– Trăng rơi xuống giếng mất rồi. Chết mất thôi!

Cả đàn xúm lại xôn xao lo lắng. Viên hầu nói:

– Hôm nay trăng chết, rơi xuống đáy giếng rồi, chúng ta phải cùng nhau vớt trăng lên, không thể để thế gian chìm trong đêm tối được.

Cả đàn nghe khỉ chúa nói liền đồng thanh rối rít:

– Làm sao được, làm sao được! Giếng thì sâu, chúng mình chân thì ngắn, tay thì ngắn…

Con khỉ chúa ấy mới nói:

– Ta biết cách bày cho. Ta nắm lấy cành cây, các ngươi nắm lấy đuôi ta, cứ thế đứa này nắm đuôi đứa khác mà nối nhau, như cái dây thòng xuống, nghe chửa! Phải vớt trăng lên cho ta.

Lũ khỉ nghe như cởi tấm lòng, chúng hăng hái nắm đuôi nhau thành một chuỗi dài, choe chóe bảo nhau níu cho chắc, túm thật chặt. Nhưng khổ nỗi, cái giếng sâu hun hút, chúng nối mãi vẫn chưa đến nơi.

Bỗng nhiên, rắc.. rắc… rắc… rắc…, cành cây nhỏ quá không tài nào chịu nổi nên gẫy luôn. Lũ khỉ cả đàn rơi tùm xuống đáy mà chết.

Lúc đó, Thần cây bèn đọc bài kệ rằng:

“Ngu sao lũ khỉ dại khờ,

Theo nhau mà chết sau bờ giếng khơi.

Khổ đau thì chuốc lấy thôi,

Làm sao cứu đặng muôn người thế gian”.

500 con khỉ trong câu chuyện trên không có trí tuệ để phân biệt thực hư, tưởng hư là thực, xem ảo ảnh là chân lý, rồi cố chấp đuổi theo cái ảo vọng đó, lại còn xúi dục nhân quần nối nhau kiếm tìm ảo ảnh của chính mình, chung cuộc tự kết liễu đời mình dưới đáy giếng.

Phật gia cho rằng cõi người là cõi mê, những lợi ích “hiện thực” bày trước mắt con người kỳ thực đều là huyễn tượng. Là huyễn tượng hay không, có người tin, có người cảm thấy khó tin. Nhưng có một điều ai cũng nhận thấy là: danh vọng, tiền tài, quyền lực, tình cảm, v.v. đều không thể mang theo khi lìa đời. Nếu vì chúng mà tranh mà đấu, hao tâm tổn trí, tạo nhiều ác nghiệp, thì có khác gì bầy khỉ mò trăng đáy nước đâu?

Câu chuyện 2: Chín con khỉ xấu ác trong giấc mơ của vua Kriki (Cật Lý Chí Vương 訖哩枳王)

Có một vị vua là đệ tử thuần thành của Đức Phật Ca Diếp (Kashyapa, Đức Phật quá khứ thứ sáu. Đức Phật thứ bảy là Phật Thích Ca). Trong bản kinh mang tên Thủ hộ quốc giới chủ đà-la-ni kinh (守護國界主陀羅尼經), vua Kriki lo lắng vì những giấc mơ của mình và xin Đức Phật Ca Diếp làm sáng tỏ giúp.

Một trong những giấc mơ của vua liên quan đến mười con khỉ, chúng sống với nhau trong cùng một đàn. Chín con trong số chúng thường quấy nhiễu dân chúng trong thành phố bằng việc trộm cắp đồ ăn thức uống của họ. Con thứ mười không tham gia với chín con kia và bằng lòng với những gì ít ỏi mà nó có được. Vì điều này, chín con khỉ khác đã tẩy chay nó.

Đức Phật Ca Diếp giảng giải rằng giấc mơ tượng trưng cho những điều kiện của thế giới Phật giáo mà nó sẽ thịnh hành sau khi Đức Phật lịch sử nhập diệt. Mười con khỉ tượng trưng cho mười hạng Tăng sĩ; con khỉ bị tẩy chay là người có ít tham dục và biết bằng lòng tượng trưng cho hàng Tăng sĩ chân thực, người tìm cầu Pháp. Chín hạng Tăng sĩ khác, được tượng bằng những con khỉ tham lam, sẽ vu khống vị Tăng sĩ chân thực với người cai trị và các đại thần của nhà nước. Họ buộc tội vị Tăng sĩ chân thật thực hiện những hành vi xấu ác và vi phạm giới luật. Kết quả là, người cai trị trục xuất vị Tăng sĩ chân thật đó, và giáo huấn của Đức Phật lịch sử sau đó sẽ biến mất. Những Tăng sĩ này có những động cơ thầm kín khác nhau, chẳng hạn như mong muốn danh lợi.

Kinh Phật cũng ghi lại cuộc đối thoại giữa Phật Thích Ca và ma Ba Tuần như sau:

Ba Tuần bèn nói: “(…) Thời kỳ Mạt Pháp căn tánh chúng sanh ngày càng kém, không có năng lực biện biệt được đúng-sai, không có năng lực biện biệt được thiện-ác, đương nhiên càng không có năng lực biện biệt được thật-giả. Ta vào lúc này, sai ma con, ma cháu của Ta thảy đều xuất gia, khoác áo cà-sa của ông để diệt Phật Pháp của ông”.

Phật Thích Ca Mâu Ni nghe xong chẳng nói một câu nào, chỉ biết rơi lệ…

Nay đã là thời Mạt Pháp loạn thế. Để phân biệt được thiện-ác, thật-giả, chính-tà thật không dễ dàng. Không thể nhìn hình thức tôn giáo để nhận định, vì “chiếc áo không làm nên thầy tu”. Cũng không thể nghe theo những lời đồn đại, vì khi cái chính xuất hiện thì cái tà sẽ lần lượt xuất động, phỉ báng Chính Pháp, cản trở con người theo chính lộ. Kinh Phật dự ngôn về một vị Phật tương lai sẽ hạ thế độ nhân, và chỉ có những người có tâm hồn lương thiện mới có thể nhận ra Ngài.

Video: Người không làm chuyện trái lương tâm, ma quỷ cũng không hại được

Exit mobile version