Đại Kỷ Nguyên

Chuyện cổ Phật gia: Vì sao tôn giả Ca Diếp chỉ nhận bố thí từ người nghèo?

Khi Đức Phật Thích Ca còn tại thế, ngài dạy đệ tử đi khất thực mỗi ngày. Theo lời chỉ dẫn, các đệ tử phải đến khất thực từng nhà một không cần biết gia chủ có bố thí hay không. 

Đức Phật có nhiều đệ tử, trong đó có Tu Bồ Đề và Ca Diếp là hai trong số những người nổi trội nhất. Nhưng họ lại thường bất đồng ý kiến về chuyện khất thực. Ca Diếp chỉ muốn xin bố thí từ người nghèo, còn Tu Bồ Đề lại muốn khất thực ở những nhà giàu có. 

Một hôm, tôn giả Ca Diếp đến một tòa thành, chợt bắt gặp một bà lão rất nghèo khổ. Bà lão không nhà cửa, không thân thích, ngày lang thang kiếm ăn trên đường phố, đêm trú mình ở góc hẻm tối tăm. Manh áo trên mình bà là một mảnh vải rách. Hôm ấy, bà đổ bệnh, gần như nằm liệt không ngồi dậy nổi, chừng như đang hấp hối. 

Chỗ bà nằm có nhiều mảnh ngói vỡ. Một người qua đường thương xót bà lão nên đổ nước vo gạo trên miếng gói vỡ để bà lão uống cầm hơi khi đói khát. Ca Diếp trông thấy bà lão, liền tiến tới khất thực. Bà lão nhìn thấy Ca Diếp thì cố gượng ngồi dậy, thở hổn hển, đoạn hỏi: “Ngài nghèo hơn tôi sao? Tôi rất yếu, không miếng ăn, không mảnh vải che thân, đang nằm chờ chết. Tôi còn gì để bố thí đây?”. 

Nghe vậy, Ca Diếp ôn tồn giảng giải cho bà lão: “Hôm nay tôi đến xin thức ăn của bà chính là để giúp bà. Nếu tôi cho bà thức ăn, tiền bạc thì vẫn chỉ là càng khiến bà nghèo hơn, khổ hơn. Nhưng nếu bà cho tôi chút gì lúc này thì chính là bà đã tích được đại đức, kiếp sau có thể tái sinh vào gia đình giàu có hoặc lên thiên thượng hưởng phúc dài lâu”. 

Tôn giả và bà lão. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)

Bà lão nghe Ca Diếp nói thì xúc động nghẹn lời. Nhưng khổ nỗi bà nhìn quanh chẳng thể tìm được món đồ nào tử tế để bố thí cho Ca Diếp. Bà buồn bã nhìn tôn giả Ca Diếp nói: “Tôi mang ơn lời dạy bảo của ngài nhưng chẳng tìm được chút thức ăn hay quần áo nào để bố thí cả. 

Ca Diếp lại nói: “Người nghèo nhất chính là những kẻ giàu có mà chẳng muốn cho đi”. 

Nghe lời ấy, bà lão bỗng mặt mày hớn hở, vui sướng, hai tay nâng những miếng ngói vỡ còn chút nước vo gạo ở trong dâng cho Ca Diếp. Ca Diếp kính cẩn tiếp nhận và uống ngay trước mặt bà lão. 

Sau đó chẳng bao lâu, bà lão chết và được lên thiên thượng làm tiên nữ. Chẳng ngờ hành động bố thí nước vo gạo cho nhà sư lại giúp bà có được phúc báo lớn như vậy. 

Chẳng ngờ hành động bố thí nước vo gạo cho nhà sư lại giúp bà đắc phúc báo được lên Thiên Thượng. (Ảnh minh họa: youtube.com)

***

Phật gia coi chuyện bố thí là hành động tích đức, tích công quả. Người biết bố thí, cho đi thì ắt nhận lại phúc phận gấp nhiều lần. Nhưng cũng có nhiều người cho rằng bố thí chút tiền tài, vật chất là có thể tích phúc phận, chết đi được hưởng phúc trời. Thực ra quan niệm đó đã có phần lệch lạc khá xa khỏi quan niệm ban đầu. 

Bố thí không cốt ở số lượng, ở vật phẩm mà cốt ở lòng người. Người bố thí bằng cả tấm lòng chân thiện thì còn đáng quý hơn cả bạc vàng châu báu ngàn vạn lượng. Bố thí một nụ cười, một lời khích lệ, bố thí một ánh mắt, một cái giơ tay giúp đỡ, một tấm lòng thiện lương… đều có ý nghĩa như vậy cả. 

Lại nói, ngày nay, người ta đi chùa, mang tâm bố thí, cố gắng cúng dường thật nhiều, thật lớn nhưng mấy ai hiểu được cái nghĩa đích thực của bố thí đây? Bố thí chính là thấy người khổ thì giúp, thấy người hoạn nạn thì dang tay, nào có cầu chi phúc thọ, lợi lộc. Người ngày nay bố thí, cúng dường là mang theo biết bao nhiêu truy cầu danh lợi. Bố thí để mong nhận lại lợi ích, vậy thì bố thí ấy dẫu có nhiều đến mấy cũng chẳng có tác dụng chi. 

Tham khảo: chanhkien.org
Văn Nhược

Exit mobile version