Đại Kỷ Nguyên

Chuyện con hổ báo ơn, không ăn thịt người mà ngày ngày còn mang vật tặng quà

Động vật cũng có tình cảm và nhận thức. Vì vậy từ xưa đến nay, có rất nhiều câu chuyện cảm động về sự báo ơn của loài vật. Dưới đây là câu chuyện có thật được lưu giữ tại bảo tàng cố cung tại thành phố Đài Bắc, Đài Loan.

Vào thời nhà Đường đầu những năm Kiến Trung, tại phía bắc huyện Bắc Hải, Thanh Châu (nay thuộc thành phố Duy Phường, Sơn Đông, Trung Quốc) có đài quan sát biển Tần Thủy Hoàng, bên cạnh đài quan sát là hồ Biệt Tẫn Bạc. Cách đó không xa, có túp lều cỏ của một ngư dân tên là Trương Ngư Chu.

Một đêm nọ, Trương Ngư Chu đang chìm sâu trong giấc ngủ thì đột nhiên một con hổ lớn từ đâu bước vào, vì ngủ quá say nên ông không hề hay biết sự xuất hiện của con hổ này. Con hổ thấy người ngủ say không có động tĩnh gì, cũng không đuổi đánh nên nó nằm xuống, chẳng mấy chốc cũng lăn ra ngủ.

Trời gần sáng, Trương Ngư Chu lờ mờ nghe thấy tiếng thở phì phò bên cạnh, nhưng ông chỉ mơ hồ nghĩ rằng ai đó lỡ bước đi ngang qua nên vào ngủ nhờ, vì vậy ông không để ý nữa mà lại tiếp tục giấc nồng. Đến khi tỉnh dậy, Trương Ngư Chu mới giật nảy người không dám tin vào mắt mình, một con hổ to lớn đang nằm ngay bên cạnh. Trương Ngư Chu run sợ khiếp đảm, toàn thân đẫm mồ hôi lạnh vì sợ hãi, hai chân run lên bần bật không dám động đậy.

Lúc này con hổ cũng mở mắt, thấy người đã tỉnh dậy nên nó lấy chân trước cào cào về phía trước như đang vẫy gọi: “Lại đây, lại đây!”. Trương Ngư Chu tưởng con hổ muốn vồ lấy mình nên sợ hãi lùi về sau một đoạn rồi nhắm chặt mắt lại chờ đợi kết quả…

Con hổ cũng mở mắt, thấy người đã tỉnh dậy nên nó lấy chân trước cào cào về phía trước như đang vẫy gọi: “Lại đây, lại đây!”. (Ảnh minh họa : taringa.net)

Nhưng đợi mãi, đợi mãi, sau một hồi vẫn không thấy động tĩnh gì, Trương Ngư Chu khe khẽ mở mắt ra nhìn, thấy con hổ vẫn ngoan ngoãn nằm im ở đó, không hề có ý muốn ăn thịt mình, ông thấy vậy mới từ từ lấy lại bình tĩnh.

Con hổ thấy người đã mở mắt ra nhìn nên nó lại tiếp tục đưa chân trước ra khều.

Trương Ngư Chu nghĩ bụng phải chăng con hổ đang gặp vấn đề gì đây? Ông bạo gan đứng dậy, tiến lại gần và kiểm tra cái chân con hổ đang duỗi ra xem, hóa ra dưới chân nó bị một vật cứng đâm vào tạo thành vết thương khá dài. Con người chỉ cần bị thương nhỏ đã không thể đi lại rồi, đằng này nó lại bị nghiêm trọng thế kia chắc chắn là rất đau đớn. Trương Ngư Chu nhẹ nhàng giúp con hổ nhổ vật nhọn đó ra, con hổ tỏ ra khoan khoái vô cùng, vui mừng chạy ra đám cỏ bên ngoài lều rồi lại quay lại phủ phục trước cửa, cúi đầu cảm ơn ân nhân, rồi nó lại tiến vào trong áp sát thân vào người Trương Ngư Chu như bằng hữu thân thiết. Mãi một hồi lâu sau con hổ mới quyết định rời đi.

Hổ báo ân

Vào một đêm nọ, trong lúc đang ngủ Trương Ngư Chu nghe thấy tiếng động bên ngoài lều vọng lại. Ông thấy lạ kỳ nên đứng dậy bước chân ra xem, chợt nhìn thấy một con lợn rừng đã chết nằm ngay trước lều, cạnh đó là con hổ đang nằm chờ chực. Vừa thấy Trương Ngư Chu bước ra, nó lập tức tiến lại gần cọ sát vào ông như hai người bạn thân thiết, sau một lúc lâu nó mới chịu rời đi.

Từ đó về sau, hổ thường xuyên cắp thức ăn săn được mang đến cho Trương Ngư Chu, lúc thì lợn, lúc thì nai… Sự việc này cũng đến ngày gây chú ý tới dân làng gần đó. Họ xì xào bàn tán, cho rằng Trương Ngư Chu là yêu quái, nếu không làm sao một người bình thường có thể sai khiến được hổ? Bất luận Trương Ngư Chu có giải thích thế nào đi chăng nữa, mọi người cũng không tin, sau đó còn kiện ông lên quan huyện nhờ quan xử lý.

Quan huyện xử án

Quan huyện cũng cảm thấy việc này có đôi chút ly kỳ, tại sao hổ không ăn thịt lại còn ngày ngày mang thức ăn cho người? Quan huyện lập tức thăng đường tra xét. Trương Ngư Chu bị lôi lên công đường, cúi đầu quỳ trước mặt quan huyện, quan huyện đập mạnh chiếc kinh đường mộc xuống bàn rồi yêu cầu phải khai rõ nguồn cơn: “Trương hổ tử, hãy mau mau khai rõ sự tình, nhà ngươi có quan hệ như thế nào với con hổ kia, tất cả phải kể chi tiết cho bổn quan đây nghe”.

Trương Ngư Chu mời hòa thượng về lập đàn tế Trời cầu Phật bảo hộ bình an cho hổ.(Ảnh minh họa: tinhhoa.net)

Trương Ngư Chu vốn dĩ là người thật thà, trước nay không hề làm điều gì sai trái với lương tâm. Nhưng quỳ giữa công đường thấy quan lính đứng kín hai bên, lại bị quan huyện đập bàn thị uy nên không khỏi thất kinh, vậy bèn lắp bắp đem đầu đuổi sự việc kể cho quan huyện nghe, không bỏ sót một chi tiết gì.

Quan huyện nghe xong, bán tín bán nghi, vì để chứng thực lời Trương Ngư Chu nói nên phái thuộc hạ cùng ông trở về lều, xem có đúng là hổ sẽ mang thức ăn săn được cho Trương Ngư Chu không? Quả nhiên đến giữa đêm hôm đó, con hổ xuất hiện, đem theo một con nai rừng. Quân lính tận mắt chứng kiến ai nấy đều kinh ngạc trở về bẩm báo quan huyện, từ đó Trương Ngư Chu mới có thể chứng tỏ mình vô tội.

Sau khi trở về lều cỏ, vì để cám ơn tấm thâm tình của con hổ hậu đãi mình, Trương Ngư Chu mời hòa thượng về lập đàn tế Trời cầu Phật bảo hộ bình an cho hổ. Đêm đó con hổ lại tha về một con nai cho Trương Ngư Chu.

Có một ngày, con hổ quay lại phá tan lều cỏ, rồi nhìn Trương Ngư Chu như muốn nói rằng hổ không muốn thấy ân nhân của mình phải tiếp tục cô đơn một mình nơi hoang vắng như vậy. Chân trời góc bể, nơi đâu cũng có làng mạc thôn xóm, nơi đâu cũng có người sinh sống, ân nhân hãy lên đường, nhất định sẽ tìm được người hữu duyên để cùng an cư lập nghiệp. Trương Ngư Chu hiểu được thành ý của hổ nên thu dọn đồ đạc chuyển đi nơi khác. Từ đó về sau cũng không ai còn trông thấy con hổ quay trở lại Biệt Tẫn Bạc nữa.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Minh Vũ biên dịch

Exit mobile version