Đại Kỷ Nguyên

Chuyện đội và gánh

Cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, tôi học trường Không quân trong Nha Trang. Đơn vị tôi gồm người tứ xứ từ Bắc vô Nam, nhưng quê Thái Bình chỉ có tôi và một anh người Hưng Hà. Khỏi nói việc trêu chọc quê hương của nhau giữa những người lính, mỗi địa danh đều có lý do nào đó để vui vẻ bông đùa, riêng đất Thái Bình ta là phong phú nhất, nào là “Thái Bình có cái cầu Bo – có nhà máy cháo có lò đúc muôi” hay là “Tay gậy tay bị”, v.v…

Nhưng giữa hai người cùng quê lúa với nhau thì tôi lại thua cái anh chàng Hưng Hà này, chẳng hiểu sao anh ta biết rõ quê mình đến thế, có lẽ anh ta ở một xã nào đó giáp Vũ Thư mạn Đồng Thanh Tam tỉnh. Anh ta nói dân Bách Thuận nhà ta cái gì cũng đội lên đầu, chắc đội cả phân! Tôi phải tốn với anh ta một chầu nhậu cùi dừa với bánh đa từ khoản phụ cấp còm cõi, rồi nhân lúc vui vẻ giải thích cho anh ta hiểu vì sao dân mình ưa đội mà không gánh như những nơi khác.

Khi xưa đất quê ta không có ruộng cấy lúa mà chỉ trồng dâu nuôi tằm, ngoài ra trồng thêm hoa màu cùng cây ăn quả. Mỗi nhà, mỗi gia đình đều có những mảnh vườn to nhỏ, ở đó ngoài cây ăn quả bao xung quanh thì ở giữa là những rạch dâu, dưới chúng là những luống rau hay luống hoa.

Bởi là vườn nhà nên người dân không phải vận chuyển phân gio hay các sản phẩm phục vụ việc chăm bón khác. Những thứ làm ra được tiêu thụ chủ yếu ở chợ Nhà, mùa nào thức ấy, khi ít rau cải, đôi khi rổ su hào hoặc hoa quả chín theo mùa v.v… Một lý do nữa là khi xưa quê ta lũ lụt hàng năm, có những quãng đường bị ngập nước thường xuyên khi nước lớn, nên không thể dùng quang gánh gánh hàng như những vùng quê khác. Được cái tất cả hàng hoá đều rất sạch sẽ, thường đựng trong rổ hay thúng nên có thể đội trên đầu và thường được lót thêm cái bị cói. Cứ như vậy từng tốp từng nhóm các bà các chị khi xưa đi chợ, trên đầu là rổ là thúng, có người phải dùng tay giữ cho khỏi đổ ngiêng, có nhiều bà đội siêu đến nỗi chẳng cần phải giữ, dù đội trên đầu mà hai tay vẫn vung vẩy thật tài. Những rổ rau quả đó không quá nặng nên đội thì đơn giản hơn nhiều, vì nếu gánh trên vai như các nơi khác thì quá cồng kềnh, nào đòn gánh, nào quang, nào thúng, có cảm giác vương vướng thừa thãi. Lời giải thích đơn giản đó của tôi quả là tác dụng, cái anh bạn Hưng Hà đó sau không thấy nhắc lại nữa.

Chuyện dân quê ta cái gì cũng đội lên đầu cũng là phong cách riêng độc đáo của một vùng đất bãi. Thuở ấy đi dân công nghĩa vụ làm các công trình thuỷ lợi trong huyện trong tỉnh, trong khi các nơi đều dùng quang gánh thì dân ta, đàn ông với cái bao cũ đội chéo trên đầu vác hòn đất to đùng đi băng băng, phụ nữ thì mỗi người một thúng đất đội trên đầu trước ánh mắt ngạc nhiên của bè bạn. Nhưng ấn tượng hơn nhiều là những bà những cô ngày ngày đội hàng sang Nam Định để bán, một ấn tượng cảm phục xen lẫn xót xa. Những rổ rau quả được xếp nhiều lớp chồng lên nhau, có khi nặng cả gần tạ, đội trên quãng đường cả chục cây số, từng bước chân cần mẫn lặng lẽ, dáng đi nặng nhọc từng sớm hôm chỉ để kiếm những đồng bạc ít ỏi trong cuộc sống còn nhiều gian truân.

Người Bách Thuận nay vẫn buôn bán như vậy, nhưng những người đội hàng không còn nhiều, thay vì đội, họ dùng ô-tô, xe máy hay ít ra cũng chở hàng bằng xe đạp, nhưng đội cũng là mội nét đặc trưng văn hoá của quê hương mà ta khó thấy ở các vùng quê khác. Người Bách Thuận mình có gánh không nhỉ? Xin thưa là có! Để chăm sóc vườn hoa vườn rau họ vẫn phải bón phân tưới nước, đó là những thứ không thể đội. Họ vẫn gánh trên vai, nhưng thay vì quang gánh họ dùng một đôi thùng và đôi móc xích. Những thứ đó vẫn có thể tìm thấy trong nhà bạn ngày nay…

Nguyễn Như Thạnh


Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.

Xem thêm:

Exit mobile version