Chuyện Kinh Thánh là tác phẩm văn học nổi tiếng của nữ văn hào Pearl Buck – người đã từng đạt giải Nobel Văn Chương năm 1938 và giải thưởng báo chí Pulitzer năm 1931. Từ tác phẩm Kinh Thánh, bà đã chọn lọc, sắp xếp các câu chuyện theo trình tự thời gian, rồi thổi hồn vào đó, chấm phá những nét khóc cười của nhân vật để khiến truyện gần gũi mà vẫn tôn trọng nguyên tác.

Chuyện Kinh Thánh mô tả cuộc hành trình về với đức tin nguồn cội của dân Do Thái, cũng là của cả loài người. Là nhịp cầu tâm linh nối tâm hồn con người với Đấng Cao Cả. Tác phẩm được đánh giá rất cao từ giới chuyên môn cũng như người đọc phổ thông, cả trong và ngoài đạo Thiên Chúa.

Vì lấy cảm hứng từ Kinh Thánh – cuốn sách ẩn chứa nhiều huyền cơ và những hàm nghĩa uyên thâm – nên tác phẩm của Pearl Buck cũng mang trong mình nhiều giá trị lớn lao. Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu tiểu mục dài kỳ Chuyện Kinh Thánh bao gồm các câu chuyện trong nguyên tác. Cũng trong loạt bài viết này, người viết mạn phép chia sẻ những hiểu biết và thể ngộ nông cạn của bản thân, rất mong được bạn đọc gần xa góp ý và thảo luận.

Kỳ 7: Lời Thiên Chúa hứa với Apram

Như vậy, dù có tục lệ người chiến thắng giữ chiến lợi phẩm, Apram vẫn không chịu nhận phần thưởng của người ta. Nhưng không lâu sau cuộc giải cứu Lot, Apram nghe tiếng của Chúa nói: “Đừng lo, Apram, ta sẽ che chở ngươi và sẽ thưởng ngươi trọng hậu vì sự công chính của ngươi”.

Lúc này, Apram đã có mọi thứ của cải ông muốn trên đời trừ một thứ, và vì thiếu độc nhất nên lòng ông phiền muộn.

“Thưa Thiên Chúa, ngài sẽ ban gì cho tôi?”, ông hỏi. “Bản thân tôi vẫn chưa có con. Eliezer người Damascus, kẻ cai quản nhà cửa và coi sóc mọi sự tôi có, kẻ được sinh ra trong nhà của tôi và là người ngay lành. Liệu có nên để nó làm người thừa kế của tôi không?”.

“Nó sẽ không thừa kế ngươi đâu,” Chúa bảo ông. “Con trai của chính ngươi sẽ là kẻ thừa kế của ngươi. Apram, hãy ngước mắt nhìn sao trời. Hãy xem liệu ngươi có thể đếm được chúng không. Trên trời có bao nhiêu ngôi sao thì dòng giống ngươi sẽ có bấy nhiêu con cháu. Ta là Chúa đã mang ngươi ra khỏi Ur, cho ngươi đất này để ngươi thừa hưởng. Ta ban nó cho ngươi và con cháu của các con ngươi chứ không phải cho ai khác sinh ra trong nhà ngươi”.

Thiên Chúa nói với ông những điều về một tương lai xa xăm… (Ảnh: pinterest.com)

Thiên Chúa nói với ông những điều về một tương lai xa xăm, tới lúc đó, người Hebrew sẽ chịu đựng những thời kỳ khắc nghiệt nhưng sẽ vượt qua các khổ đau của họ. Thiên Chúa bảo người tôi tớ trung thành Apram rằng tới một lúc xa xôi nào đó, con cái của dòng giống ông sẽ là những người xa lạ trên một vùng đất lạ, không thân thiện, trong bốn trăm năm. Họ sẽ làm nô lệ cho dân chúng xứ đó, nhưng khi rời xứ đó, họ sẽ trở thành một dân tộc vĩ đại với đầy đủ quyền hạn của mình, và họ sẽ tự mình làm chủ đất Canaan.

Và sau cùng, việc đó đã xảy ra. Các hậu duệ của Apram trở thành người nô lệ tại đất Ai Cập, rồi họ rời xứ của các Pharaoh, cất bước lên đường chầm chậm về lại đất hứa. Nhưng việc đó xảy ra vào rất nhiều năm sau, và bản thân Apram sẽ không nhìn thấy nó xảy ra. Trong khi vẫn sống tại Mamre bên ngoài những cây sồi to lớn ở Hebron thì không chỉ Apram mà còn vợ ông, cứ triền miên nghĩ tới việc họ chẳng có được đứa con nào.

Sarai nghĩ hoài nghĩ mãi chuyện ấy vì bà thèm muốn có con một cách ghê gớm. Dù bà đã biết lời Thiên Chúa hứa với chồng mình, nhưng thời gian dần trôi, bà hết tin tưởng rằng bản thân mình còn có khả năng sinh con. Ngày nọ, bà nói với Apram: “Chúa không để cho tôi có một đứa con. Ông hãy tới với nữ tì của tôi là Hagar. Ông hãy ăn nằm với nó, và bằng cách đó, qua nó tôi có thể có một đứa con”.

Hagar là một nữ tì người Ai Cập, gắn bó với gia đình của Apram từ chuyến đi của ông tới Ai Cập vào thời kỳ có nạn đói ở Canaan. Thời đó, việc người chồng có hơn một người vợ hoặc việc người vợ đưa nữ tì của mình ăn nằm với chồng là điều bình thường. Đôi khi những phụ nữ không có con như Sarai yêu cầu chồng sinh con cho mình qua một nữ tì trung tín, và lúc đó, người vợ được xem như người mẹ của những đứa con do người nữ tì sinh ra.

Apram chấp nhận đòi hỏi của Sarai, và Sarai đưa cho ông người nữ tì của bà để nàng có thể thụ thai.

Chẳng bao lâu, Hagar thấy mình sắp sinh con. Nàng tự hào việc đó và bắt đầu xem thường bà chủ vì bản thân Sarai không thể có con. Đây là thái độ mà vợ của Apram chẳng trông mong xảy ra chút nào, và bà cảm thấy mình bất hạnh quá sức. Thay vì có cảm giác mình như một người mẹ, bà cảm thấy mình là một người vợ thất bại. Và Hagar khiến bà cảm thấy điều đó; Hagar công khai khinh dễ bà.

“Tôi đã làm trật rồi”, Sarai buồn bã nói với Apram. “Vì sai lầm đó nên nay tôi bị Hagar nhìn với con mắt khinh miệt. Ông nói cho tôi biết tôi phải làm sao bây giờ?”.

“Nó là thị tì của bà”, Apram trả lời. “Bà cứ việc xử với nó theo ý bà”.

Sarai buồn bã vì thấy Hagar xem thường mình. (Ảnh: pinterest.com)

Và Sarai cứng rắn với nàng Hagar khinh người đó. Bà đối xử với nàng nghiêm khắc tới độ Hagar không chịu đựng nổi phải bỏ đi vào sa mạc. Chẳng bao lâu, nàng thấm mệt, phải dừng lại nghỉ ngơi. Nàng nghỉ cạnh suối nước trên đường đi tới Shur, và chính nơi hoang địa đó, thiên sứ của Chúa tìm thấy nàng.

Thiên sứ nói, “Hagar, thị tì của Sarai! Ngươi làm gì ở đây và ngươi đi đâu vậy?”.

Nàng trả lời, “Tôi chạy trốn bà chủ Sarai của tôi”.

“Hãy quay lại với bà chủ của ngươi”, thiên sứ của Chúa nói, “và hãy vâng lời bà ấy. Thiên Chúa đã thấy sự khổ cực của ngươi. Ngươi sẽ có một đứa con và nó sẽ lớn lên thành người đàn ông mạnh mẽ và phi thường, cư trú nơi hoang địa. Qua nó, ngươi sẽ có một dòng giống vĩ đại của chính ngươi. Nhưng lúc này, Hagar, ngươi phải trở về. Chúa đang nhìn ngươi và ở với ngươi”.

Hagar quay lại lều trại của Apram và Sarai. Đúng ngày đúng tháng, nàng sinh cho Apram một con trai và họ gọi nó là Ishmael. Lúc đó Apram tám mươi sáu tuổi, hãnh diện mình đã có con trai dù đó không phải con của Sarai; nhưng Sarai không bao giờ có thể tha thứ cho Hagar và chẳng chấp nhận Ishmael như một đứa con trai yêu quý của mình.

Quả thật, Ishmael không phải là đứa con Thiên Chúa hứa với Apram. Cậu lớn lên thành một đứa bé mạnh khỏe, liều lĩnh. Apram yêu quý cậu còn Sarai không thích cậu. Và cả Apram lẫn Sarai tiếp tục càng ngày càng già.

Khi Apram chín mươi chín tuổi và Sarai, dù trẻ hơn, cũng đã quá tuổi có thể có con, Thiên Chúa lại hiện ra với Apram và nói, “ta là Thiên Chúa Toàn Năng, và ta lập giao ước với ngươi. Ngươi là kẻ hết lòng trung thành và hết sức phục vụ ta; và ngươi sẽ là cha của nhiều dân tộc. Từ con cái của ngươi và con cái của con cái ngươi sẽ xuất hiện những người vĩ đại và những vua vĩ đại, và hết thảy đất Canaan sẽ mãi mãi là của chúng”. Và vì Apram sẽ là cha của nhiều dân tộc, Chúa bảo rằng tên của ông phải đổi. Thay vì là Apram, nghĩa là “người cha tôn quí”, ông sẽ trở thành Abraham, nghĩa là “người cha của hằng hà sa số”. Sarai cũng phải đổi tên. Tên mới của bà là Sarah, nghĩa là “hoàng hậu”, vì bà sẽ là mẹ của các dân tộc, và từ bà sẽ ra đời những người làm vua.

Abraham, kẻ tin vào Chúa suốt những ngày tháng cuộc đời của mình, hầu như không dám tin vào những gì ông đang nghe… (Ảnh: pinterest.com)

Lúc đó, Abraham, kẻ tin vào Chúa suốt những ngày tháng cuộc đời của mình, hầu như không dám tin vào những gì ông đang nghe. Đối với ông, việc sẽ vẫn có một đứa con nghe quá đỗi khó tin khiến ông bật cười, và ông nói trong lòng rằng: “Liệu có thể một đứa con vẫn được sinh ra bởi một người đàn ông đã gần một trăm tuổi? Và bởi một người đàn bà đã chín mươi tuổi?”. Và ông nghĩ tới đứa con trai độc nhất mà ông đang có và là đứa ông thương yêu dù nó không phải là con của Sarah. Abraham muốn đứa con đó cũng được nhiều sự tốt lành. “Thưa Chúa, còn về Ishmael thì sao?”, ông hỏi.

Thiên Chúa nói: “Ta đã và đang chúc lành cho Ishmael. Nó cũng sẽ có nhiều con cái. Mười hai ông hoàng sẽ nối dõi nó, và ta sẽ làm cho nó trở thành một dân tộc vĩ đại. Nhưng giao ước của ta không phải với nó mà là với con trai của Sarah. Vì quả thật, Sarah sẽ sinh ra một con trai và ngươi sẽ gọi nó là Isaac. Lúc này ta nói cho ngươi biết rằng sang năm, đúng vào ngày giờ này, Sarah sẽ sinh một con trai”.

Tuy thế, đối với Abraham, việc này thật khó tin, và đối với Sarah, lại càng khó tin hơn.

Lời bàn:

Sau trận lụt Hồng thủy, thì đồng thời tuổi thọ của con người thời kỳ mới không còn được lâu dài như trước nữa. Chúng ta còn nhớ rằng, Adam và các hậu duệ của ông đến tận thời Noah, sống đến tám, chín trăm tuổi. Khi họ vài trăm tuổi vẫn có thể có con. Nhưng đến thời Apram đã khác. Rõ ràng, Thiên Chúa đã không cho phép con người sống quá lâu như trước, hay bởi vì như ngài đã từng nói: “Thần khí của ta sẽ không lưu tồn mãi mãi nơi loài người. Nếu chúng không vượt qua được sự sa đọa hoặc độc dữ này thì tuổi đời của chúng sẽ không hơn một trăm hai mươi năm” (xem Kỳ 4: Noah và lụt Hồng thủy). Và đã thành như vậy. Cho nên, Apram mới 86 tuổi đã được coi là già, và niềm khắc khoải nhất của hai vợ chồng Apram – Sarai là chưa có một đứa con dù họ đã có dư thừa của cải và không còn điều gì để mong ước nữa.

Sự việc ngẫu nhiên hay lời Thiên Chúa đã được thực hiện?

Thiên Chúa hứa với Apram không chỉ một đứa con, mà là dòng dõi của ông sẽ nhiều như sao trên trời giữa lúc ông gần như tuyệt vọng về việc sinh nở và đã tính đến việc giao phó hậu sự cho người dưng. Nhưng con người sao hiểu được rằng: Thiên Chúa hay các bậc Thần Phật không bao giờ làm sai lời mình nói, nhưng trung gian còn có nhiều sự việc mà con người không nhìn thấy được. Bởi vì những bậc ấy không chỉ sắp đặt cho một sự việc như tính toán của con người, mà là sự sắp đặt mang tính tổng thể của rất nhiều sự việc liên quan. Sau cùng, Apram và vợ mình sẽ có con cái như Thiên Chúa đã hứa, nhưng không phải ngay lập tức. Qua đó, cũng là cơ hội để thử thách đức tin của hai vợ chồng Apram.

Câu chuyện Adam – Eva phải chăng lại tái diễn với cặp vợ chồng Apram – Sarai? (Ảnh: pinterest.com)

Câu chuyện Adam – Eva lại tái diễn với cặp vợ chồng Apram – Sarai. Trong khi Apram, cũng giống ông tổ Adam của mình, đặt lòng tin vào việc sống theo lời Chúa, thì người vợ của ông là Sarai bắt đầu dao động giống như bà tổ Eva. Năm tháng trôi qua, bà thấy khả năng có con dần trở nên xa vời. “Cứ như suy diễn thông thường thì tuổi ta đã già thế này, cơ thể ta đã mất hết tất cả sinh lực của tuổi trẻ, làm sao ta có thể sinh nở được nữa? Lời Chúa nói với chồng ta phải hiểu thế nào đây? Thật là vô lý” – có thể những suy diễn ấy đang nảy sinh trong đầu Sarai.

Và bà quyết định để Hagar, nữ thị tì của mình ăn nằm với Apram để có một đứa con. Và Hagar đã thụ thai đứa con của Apram. Có vẻ như đó là sự việc phát sinh ngoài kế hoạch mà Thiên Chúa đã sắp đặt cho Apram?

Nhưng trên đời này, xét cho cùng, đâu có việc gì là ngẫu nhiên. Tất cả đã là một sự an bài sắp đặt khéo léo của các bậc cao cả nơi Thiên thượng, chính là cái sự việc trung gian mà người viết đã nói trên kia về lời hứa của Thiên Chúa cho Apram. Sarai có khi đã nghĩ rằng chính bà là người tạo ra cái kết quả đó. Nhưng bà đâu hiểu rằng: Thiên Chúa đã sắp đặt cho Apram làm tổ phụ của hai giống người: Do Thái và Ả Rập thì có nghĩa là qua bà, một công cụ của Ngài, mà sự việc ấy sẽ xảy ra một cách không hề ngẫu nhiên.

Apram có ăn nằm với một người phụ nữ Ai Cập thì ông mới thành tổ phụ của dân Ả Rập sau này. Sống cảnh “hai gái lấy chung một chồng” thì một người như Sarai mới không chịu đựng nổi, dẫn đến việc sau này Hagar phải bỏ nhà đi đến một vùng đất mới, đó chính là Chúa đã tạo ra hoàn cảnh để dòng giống Ả Rập của Apram được nảy nở, sinh cơ lập nghiệp trên một vùng đất mới, không phải đất Canaan mà Thiên Chúa đã hứa dành cho dòng giống Do Thái của Apram.

Đức tin thực sự chính là tin khi tưởng như không còn lý do gì để tin

Nhưng con người, trong những lúc đau khổ nhất, khi không nhìn ra được một tia sáng nào của cuộc đời, không còn thấy được logic trong lời nói của các sinh mệnh cấp cao, thì sẽ thể hiện lòng tin của họ thế nào với Chúa, với Thần, với Phật? Họ vẫn sẽ tiếp tục tin hay họ oán trách? Chính cái đó làm nên sự khác biệt giữa đức tin của người ngoan đạo hay ngộ tính của người tu luyện với đa số thường nhân.

Con người, trong những lúc đau khổ nhất, khi không nhìn ra được một tia sáng nào của cuộc đời, vẫn sẽ thể hiện lòng tin của họ với Chúa, với Thần, với Phật? (Ảnh: jw.org)

Cũng giống như là khi Apram và Sarai chờ mãi mà không thấy lời Thiên Chúa thành hiện thực thì họ đã thể hiện như thế nào? Sau này, Sarai vì cảnh chồng chung vợ chạ mà yêu cầu Apram đuổi mẹ con Hagar ra khỏi nhà, đứa con đầu tiên Ishmael mà ông rất mực yêu quý. Đồng thời Thiên Chúa cũng bảo ông phải nghe lời Sarai, thì ông nghĩ thế nào? Ông có nghĩ sai về Thiên Chúa của ông không? Quyết định ấy thật là khó khăn.

Rồi khi hai mẹ con Hagar gần như chết đói chết khát giữa sa mạc thì họ nghĩ thế nào về Thiên Chúa? Họ có oán ngài không? Họ có mất lòng tin vào ngài không? Tất cả những thường nhân chúng ta, những người không còn giữ được đức tin vào đấng cao cả đã và luôn nghĩ rằng: “Mọi nghịch cảnh xảy ra trên đời là sự bất công với ta”. Nào có mấy người hiểu rằng tất cả câu chuyện đời ta là đã được sắp xếp an bài trong một thời gian rất rất lâu dài theo nghiệp quả chứ không chỉ trong một kiếp sống ngắn ngủi, đâu phải chỉ là những việc trước mắt. Cho nên, lấy lòng mình để đo lòng Thần là điều sai lầm nhất của con người.

Chỉ đến khi Apram đã hài lòng với hoàn cảnh mới với đứa con trai đầu lòng Ishmael mà ông hằng trông đợi, cuộc đời tưởng như đã mãn nguyện, thì lúc này sứ mệnh của ông mới bắt đầu. Đứa con của lời hứa lúc ấy mới xuất hiện, biến ông trở thành Abraham: “Người cha của hằng hà sa số” và vợ ông trở thành Sarah – hoàng hậu: “Người mẹ của các dân tộc”. Quả là điều khó tin với ngay cả một người có đức tin mạnh mẽ như Apram và càng khó tin hơn với một người ít đức tin hơn là Sarai. Và khó tin với tất cả những quan niệm của thường nhân chúng ta. Vậy mà hai con người khô héo ấy sắp được làm cha mẹ, như cây khô lại đâm chồi, nở hoa.

Nhưng ta hãy để họ chờ đợi thêm chút nữa mà đến với nhân vật dường như đang bị bỏ quên là Lot và số phận của hai toà thành độc dữ mà Lot đang ở là Sodom và Gomorrah trong kỳ tới.

Bình Nguyên