Đại Kỷ Nguyên

Chuyện Tôn giả Ca Diếp: Sống bên cạnh mĩ nhân, lòng không động tà niệm

Tôn giả Ca Diếp là đệ tử đứng đầu trong “Thập đại đệ tử” của Đức Phật Thích Ca. Mặc dù sinh ra trong nhung lụa, lại được cha mẹ thương yêu hết mực, nhưng Ca Diếp luôn một lòng hướng Phật, cuối cùng đã chứng đắc quả vị A La Hán sau 8 ngày gia nhập tăng đoàn.

Trong cuộc đời mình, tôn giả Ca Diếp đã làm được điều mà hiếm ai có thể làm được: Cuộc sống vương giả, nhưng không màng vinh hoa; sống cùng mĩ nữ, nhưng lòng không động niệm dâm tà.

Thuở nhỏ, Ca Diếp xuất thân trong một gia đình vô cùng giàu có, gia sản khó ai có thể sánh bằng.

Lớn lên, Ca Diếp càng ngày càng khôi ngô tuấn tú, tài năng cũng hơn người, nên cha mẹ muốn tìm cho ông một người vợ xứng đáng. Ca Diếp nghe cha mẹ nói vậy thì rất bối rối, ông nói: “Con đã định là đời này không thành gia lập thất, con muốn tu hành, con muốn được giải thoát”. Cha mẹ ông không còn cách nào khác, chỉ biết cố gắng khuyên nhủ con trai, thậm chí còn bảo bạn bè thân quyến hãy khuyên ông thêm lần nữa. Rất nhiều người lớn tuổi và thân nhân đều đến khuyên giải nhưng họ cũng không có phương cách nào.

Về sau Ca Diếp nghĩ ra một cách, ông mời một người thợ kim hoàn, rồi dùng vàng đúc ra một mĩ nữ vô cùng xinh đẹp, mục đích là muốn làm khó cha mẹ để ông không phải cưới vợ. “Muốn con lấy vợ ư? Thế thì bố mẹ hãy cưới cho con cô gái giống y như bức tượng này, ngoài ra những cô gái khác con nhất quyết không cần”.

Cha mẹ Ca Diếp biết rõ là con trai đang làm khó mình, nhưng cũng không có cách nào khác, họ thầm nghĩ: “Chúng ta cứ thử xem sao, biết đâu…”. Sau đó, cha mẹ Ca Diếp bèn sai người làm ra một chiếc kiệu, đặt bức tượng cô gái vào trong kiệu, rồi khiêng đi khắp nơi. Họ đồn thổi rằng bức tượng có dung mạo xinh đẹp, hễ cô gái nào đến bái tượng, thì tương lai cũng sẽ trở nên xinh đẹp và giàu sang.

Kết quả là thiếu nữ khắp nơi đều đến lễ bái, bởi lời đồn lan truyền ngày càng xa, nên càng ngày lại có càng nhiều cô gái tò mò đến bái lạy. Nhưng dù đã đi qua rất nhiều, rất nhiều khu vực, từ thành Vương Xá đi về phía bắc, băng qua sông Hằng, đi qua nước này rồi lại đến nhiều nước khác, vậy mà cha mẹ Ca Diếp vẫn không tìm thấy ai có dung mạo giống như bức tượng cả!

Ấn Độ thời bấy giờ phân chia thành rất nhiều tiểu quốc khác nhau. Một hôm, họ đi đến nước Bì Xá Ly. Bên ngoài thành có một thôn trang là Già La Tỳ Già, trong thôn đó có một trưởng lão vô cùng giàu có, gia tài lên đến bạc triệu tên là Ca Tỳ La. Ông có cô con gái là Diệu Hiền, vừa đức hạnh vừa thông minh, có đủ cả tam tòng tứ đức của người phụ nữ. Hôm ấy đúng ngày lễ hội, tiểu thư Diệu Hiền cùng chúng bạn ra ngoài chơi đùa. Vừa ra ngoài họ tình cờ thấy nhóm người khiêng bức tượng mĩ nữ bằng vàng cho người ta lễ bái. Các cô gái cũng bước đến bái lạy như nhiều người khác.

Khi nàng Diệu Hiền đứng trước kiệu, mọi người đều ngạc nhiên thấy dung mạo của nàng giống hệt như bức tượng cô gái bằng vàng. Nhóm người khiêng kiệu vội hỏi: “Nhà cô ở đâu? Cha cô tên là gì?”. Cuối cùng lần theo địa chỉ họ tìm đến nhà Diệu Hiền, và nói rõ đầu đuôi câu chuyện với cha nàng. Bởi gia đình Ca Diếp là dòng tộc cự phú có tiếng, gia sản có thể sánh ngang với bậc đế vương, tuy nói là hai quốc gia khác nhau, nhưng chẳng qua chỉ là hai tiểu quốc, cách nhau lại không xa lắm. Cha của nàng Diệu Hiền cũng biết danh tiếng dòng tộc này đã lâu, nên ông nhanh chóng đồng ý. Nhóm người khiêng kiệu hoan hỉ trở về thưa lại với cha mẹ ngài Ca Diếp, cha mẹ chàng liền chọn lấy ngày lành tháng tốt cưới vợ cho con trai.

Thật tình cờ nàng Diệu Hiền lại giống y như bức tượng cô gái trong kiệu. (Ảnh minh họa: vintageindianclothing.com)

Đêm động phòng hoa chúc, cả hai bước vào tân phòng, nhưng người thì ngồi chỗ này, kẻ lại ngồi chỗ kia, chẳng ai muốn nói với nhau câu nào, chỉ lặng lẽ ngồi tại đó, bộ dạng trông thật sầu bi. Hai người cứ thế ngồi lặng lẽ suốt cả đêm, mãi cho đến khi trời gần sáng, cuối cùng Đại Ca Diếp nhìn thấy bộ dạng rầu rĩ của nàng, bèn hỏi: “Nàng có tâm sự gì sao?”.

Diệu Hiền không trả lời. Hỏi mấy lần, Diệu Hiền cũng chỉ rơi lệ rồi khóc: “Than ôi, ta bị chàng hại rồi”. Ca Diếp mới hỏi tiếp: “Nàng tại sao lại nói những lời như thế?”. Diệu Hiền lúc ấy mới đáp: “Nguyện vọng của thiếp là muốn một đời thanh tĩnh tu hành, thiếp chỉ muốn tu đạo thôi! Chỉ bởi phụ thân thiếp tham tiếc tiền tài và địa vị nhà chàng nên thiếp mới ra nông nỗi này”.

Khi nghe điều đó, Ca Diếp vô cùng mừng rỡ, hết sức phấn chấn nói rằng: “Thế thì được rồi, bản thân ta cũng muốn thanh tĩnh tu hành, mà nàng cũng muốn thanh tĩnh tu hành, thế thì tốt quá rồi! Vậy hai chúng ta quy ước thế này: Về sau phòng này sẽ đặt hai chiếc giường, nàng ngủ giường nàng còn ta ngủ giường ta, như vậy chúng ta đều có thể yên tâm tu hành rồi”. Hai người sau khi thương lượng như thế đều rất vui sướng, bèn kê hai chiếc giường trong phòng. Một thời gian sau, cha mẹ Ca Diếp đều biết chuyện đó, bèn sai người dọn đi một chiếc.

Chiếc giường bị dọn đi rồi, hai người lại nghĩ ra cách khác: “Thế cũng không sao, điều này càng kiên định cái tâm tu đạo của chúng ta hơn. Chi bằng chúng ta hãy như vầy, trong lúc một người ngủ thì người kia đả tọa, thay phiên nhau ngủ, nàng ngủ nửa đêm trước, còn ta ngủ nửa đêm sau”. Sau khi thương lượng xong xuôi, ngày ngày hai người đều thay phiên nhau, người này ngủ thì người kia đả tọa niệm Phật, ngày ngày đều trôi qua như vậy.

Một ngày kia, khi Diệu Hiền đang ngủ, Ca Diếp ngồi tĩnh tu trong phòng thì nhìn thấy một con rắn độc bò đến trước giường, khi đó cánh tay của Diệu Hiền buông thả xuống đất. Thấy con rắn sắp bò đến chiếc giường, Ca Diếp rất lo lắng, vội dùng tấm khăn bọc tay mình lại rồi nắm lấy cánh tay của Diệu Hiền đặt lên trên giường, lúc đó nàng chợt tỉnh giấc. Diệu Hiền ngồi dậy rồi hỏi: “Ôi chao, chàng làm vậy là sao?”. Đại Ca Diếp giải thích sự tình về con rắn độc lúc nãy, nàng mới vỡ lẽ: “À, hóa ra là chuyện như vậy!”.

Thời gian cứ thế trôi đi, cha mẹ của Ca Diếp ngày càng già yếu, rồi lần lượt qua đời. Sau đó Ca Diếp cùng bàn bạc với Diệu Hiền: “Ta đối với tất cả tài sản trong nhà không hề có chút tham luyến gì, điều mong muốn duy nhất chính là tu đạo, mong được giải thoát thôi. Ta muốn ra ngoài tìm kiếm minh sư, khi nào tìm được minh sư rồi, ta trở về đón nàng. Chỉ cần chúng ta tìm một sư phụ chân chính, chúng ta sẽ cùng bái sư tu hành”. Diệu Hiền nói: “Được, vậy tốt quá rồi!”.

Về sau Diệu Hiền ở lại nhà, còn Ca Diếp đi tìm sư phụ trước. Cũng có lẽ là nhân duyên, Ca Diếp vừa ra ngoài đã gặp được Đức Phật. Nghe Đức Phật thuyết Pháp, Ca Diếp lòng sinh hoan hỷ và trở thành đại đệ tử của Ngài, không lâu sau đã chứng đắc được quả vị A La Hán.

Ca Diếp đi tìm sư phụ để Diệu Hiền ở lại nhà. (Ảnh minh họa: pinterest.com)

Bởi tăng đoàn thời đó chỉ có nam mà không có nữ, cho nên sau bao nhiêu năm Ca Diếp vẫn không thể quay về để đón Diệu Hiền. Diệu Hiền ở nhà đợi mãi mà không thấy tin tức, cũng không có cách nào, nàng bèn tự mình ra ngoài, kết quả đã bái ngoại đạo làm thầy.

Sau đó, vì dì của Đức Phật là Ma Ha Ba Đồ Ba xuất gia, mang theo hàng trăm người nữ, từ đó mới có tì kheo ni, tăng đoàn nữ. Sau đó Ca Diếp được Đức Phật đồng ý, quay về đón Diệu Hiền trở lại. Bởi dung mạo của Diệu Hiền siêu xuất người phàm, nên nhận được rất nhiều lời ong tiếng ve của nhiều người trong tăng đoàn. Lúc ấy Ca Diếp đã chứng đắc được quả vị La Hán, Diệu Hiền mang bát hóa duyên, mọi người cũng lời ra tiếng vào ít nhiều, về sau nàng không hóa duyên nữa. Như vậy Ca Diếp mỗi lần hóa duyên trở về, lấy phần cơm đó chia cho nàng một nửa. Thời gian lâu dần, người đời ngày càng soi mói mối quan hệ của hai người, những lời nói ra nói vào không ít, nhưng Ca Diếp không hề chú ý, chỉ chuyên tâm tu hành.

Về sau thông qua giáo hóa của Đức Phật, Diệu Hiền kiên trì cái tâm tu đạo của mình, ngày ngày dũng mãnh tinh tấn thực tu, kết quả cũng chứng đắc quả vị La Hán, nhận được lời khen của Đức Phật. Trong số các tì kheo ni thời đó cũng có rất nhiều người chứng đắc được quả vị La Hán, nhưng Ngài nói rằng công năng túc mệnh thông của nàng là đệ nhất. Túc mệnh thông, chính là biết được quá khứ và vị lai vậy!

Người đời vẫn luôn tự hỏi: Như thế nào mới có thể tu thành? Tu hành, ấy chính là phải buông bỏ nhân tâm. Tại thế gian con người, sát sinh, trộm cắp, dâm dục là chuyện thường hằng. Lại có câu: “Vạn ác dâm đứng đầu”, con người trầm luân trong lục đạo cũng một phần do dâm dục gây ra, xoay vần trong Tam giới cũng do ái tình làm cơ sở. Vậy nên người tu luyện chân chính là phải đoạn dứt dâm dục. Được như tôn giả Đại Ca Diếp, dẫu sống cùng mĩ nữ giai nhân mà lòng không động niệm dâm tà, quả giống như viên ngọc quý không tì vết, thật xứng là đại đệ tử của Đức Phật vậy.

Theo Phật Đệ Tử Văn Khố
Đường Minh biên dịch

 

Exit mobile version