… Đức Khổng Tử quay lại bảo với các đệ tử: “Bây giờ ta mới hiểu hết được câu nói của người thợ cày ngày trước. Thì ra cuộc đời quả là một vụ ăn cắp vĩ đại. Người ta đã ăn cắp vào đến cả linh hồn của mỗi con người”
Chuyện cũ kể rằng: Một hôm Khổng Tử và các học trò đi ngang nước Vệ thì gặp một nông dân đang cày ruộng, Khổng Tử bèn sai Nhan Hồi tới hỏi thăm đường. Người nông phu bèn trỏ tay về phía Khổng Tử mà hỏi:
– Người đang ngồi nơi kia là ai thế?
Nhan Hồi đáp:
– Đó là thầy tôi.
Người đi cày nói:
– Thế nhân giờ đây quả là lắm đạo nhiều thầy. Có khi trong nhà vừa mất cắp, ra khỏi ngõ đã gặp ngay một kẻ xưng ‘thầy’, vậy thì quả thực ngao ngán lắm thay! Ngươi có thể nói rõ hơn cho ta biết thầy ngươi là ai không?
Nhan Hồi từ tốn đáp:
– Sư tôn tôi chính là Khổng Tử. Đạo mà sư tôn dạy là ‘đạo lý’ chứ không phải ‘đạo tặc’. Đạo ấy chẳng liên quan gì đến mấy chuyện trộm cắp xấu xa cả.
Người nông phu cả cười, nói:
– Thế tại sao cũng gọi là đạo? Nhìn theo phương diện nào đó thì cuộc đời này chẳng phải cũng chính là một vụ ăn cắp vĩ đại đó sao? Vì thế mới phải sinh ra đạo lý. Vậy mà ngươi lại bảo rằng chẳng liên quan gì là hà cớ làm sao? Điều này gọi là “đạo tặc khứ, đạo lý lai” (Đạo tặc vừa đi khỏi, đạo lý liền đến ngay). Hai thứ đạo ấy cứ thay nhau mà trở đi trở lại mãi!
Lão nông vừa vung roi thúc trâu đi nốt đường cày dang dở, vừa ngoái lại nhìn Nhan Hồi rồi nói tiếp:
Sẵn có thầy trò ngươi hỏi đường vậy thì ta đây cũng chẳng hẹp hòi gì mà không chỉ: Có duy nhất một con đường phía trước gọi là độc đạo, lại chỉ có các thầy trò ngươi hiện tại đang đi gọi là độc hành cớ chi còn phải hỏi?
Nhan Hồi bèn trở lại thưa với thầy. Đức Khổng Tử trầm ngâm một lát rồi than rằng:
– Đó là một bậc ẩn sĩ cao nhân đấy. Dạy ta biết nghĩ là cha mẹ ta. Dạy ta biết những điều ta nghĩ đã gần với đạo hay chưa? chính là lão nông phu này.
Thấy các học trò tỏ vẻ băn khoăn chưa hiểu. Khổng Tử tiếp lời:
– Chẳng phải các con vì quá hăng hái nên lúc nào cũng sẵn sàng đi nhầm đường đó sao? Vì thế thỉnh thoảng lại mất công dừng lại hỏi đường. Giả sử hôm nay ta không nghe được những lời của lão nông đó thì không biết phải ôm hận đến bao giờ.
Một hôm khác, đức Khổng Tử lại cùng các học trò đi qua một vùng quê nọ thì gặp một bà mẹ già đang ôm lấy anh con trai của mình mà gào khóc rất thê lương.
Nhìn người con trai mũ cao áo dài, cân đai chỉnh tề, nét mặt rạng rỡ phong thái biểu hiện đúng là một kẻ học hành đỗ đạt, đang sắp sửa được bổ làm quan. Khổng Tử thấy vậy lạ lắm bèn hỏi:
– Con bà vừa thi đỗ trạng nguyên, nay sắp được bổ nhiệm làm quan, vinh quy bái tổ đó ư? Tôi biết, bà cũng vì quá vui mừng xúc động nên khóc cũng là lẽ thường. Nhưng cũng không cần phải thống thiết đến như vậy chứ?
Bà lão giơ tay lên quệt ngang dòng lệ đục, buồn tủi trả lời:
– Già đây nào đâu dám vui mừng. Già thất học từ bé nên mới cố cho con theo đòi trường ốc. Ngài là bậc thánh nhân chắc cũng chẳng lạ gì đạo học thời nay giả nhiều hơn thật, nơi nơi người ta toàn nhồi nhét vào đầu sỹ tử những điều lừa gạt dối trá, nhằm cải biến chúng thành những kẻ u mê, không biết phân biệt được đâu là thực, đâu là giả. Nên nỗi bậc trí giả ngày nay bề ngoài thì có vẻ sáng sủa đạo mạo, mũ cao áo dài, song họ lại không trọng đạo đức, không hiểu đạo lý làm người, chỉ biết cúc cung phục vụ cường quyền, bon chen danh lợi. Hỡi ôi, dạy học như thế có khác chi lừa bịp? Biết con mình bị lừa mà không cứu được nên già mới đau đớn. Nay nó lại thi đỗ đầu bảng nghĩa là cái sự lừa bịp ấy cũng đã thành tựu hàng đầu rồi. Vì thế nên già mới khóc!
Khổng Tử ngỡ ngàng hỏi:
– Lão bà không đi học, hà cớ chi lại biết con mình bị lừa?
Bà lão thở dài nói:
– Xin thánh nhân chớ có chê cười thân già này. Đã là mẹ thì không cần phải đọc sách cũng biết con mình thay đổi tốt xấu ra sao. Huống chi xã hội thời này đạo đức suy thoái, thế sự nhiễu nhương, dối trá ngự trị… đạo học xưa nay cốt là dạy đạo lý làm người nên chú trọng kinh sử. Thế mà kinh thì loạn tạo, sử cũng bất minh, ngay cả văn chương thơ phú cũng chỉ thấy thằng con già học vẹt những thứ lý luận một chiều, ngợi ca sự giả dối, đấu tranh, tàn nhẫn… đạo học như thế chẳng phải là lừa dối hay sao? Thậm chí có khác nào lấy cắp linh hồn của người ta rồi nhét những thứ đểu giả của mình vào? Con trai già học những thứ đó thì dẫu có đỗ trạng nguyên cũng chỉ là một thứ ngụy tạo dở người. Rồi nó sẽ trở thành kẻ tiểu nhân, họ bảo sao nghe vậy, rồi thì chỉ biết tham lam, đớn hèn, nịnh bợ… dẫu nó có bị người khác thao túng hãm hại cả trăm năm ngàn đời cũng chắc gì tỉnh mộng?
Đức Khổng Tử thở dài nói:
Vậy nay bà có đồng ý cho con trai bà đi theo tôi vân du để học lại đạo lý làm người chăng? Chỉ có điều con bà sẽ không thể nhậm chức quan được nữa…
Nói đoạn đức Khổng Tử quay lại bảo với các đệ tử:
– Bây giờ ta mới hiểu hết được câu nói của người thợ cày ngày trước. Thì ra cuộc đời quả là một vụ ăn cắp vĩ đại. Người ta đã ăn cắp vào đến cả linh hồn của mỗi con người. May sao trong thiên hạ vẫn còn có những bà mẹ dù không biết chữ nhưng rất đỗi tinh minh như lão bà đây, nếu không thì chẳng biết đến đời nào ta mới nguôi được nỗi buồn này?
Nghe Khổng Tử nói, bà mẹ già mừng vui khôn xiết, bèn dắt con trai tới chắp tay mà vái lạy thầy Khổng ba vái, đoạn trao lại cậu con trai duy nhất của mình cho Khổng Tử.
Người con đó chính là Tử Hạ người nước Vệ, họ Bốc tên Thương, ông nhỏ hơn thầy Khổng bốn mươi tư tuổi.
Sau này Tử Hạ trở thành một trong số những học trò giỏi nhất của đức Khổng Tử, ông vô cùng nổi tiếng về văn chương chữ nghĩa. Suốt cuộc đời Tử Hạ nối nghiệp theo thầy mở trường dạy học, rảnh thì viết sách khuyên bảo thế nhân sống theo đạo lý, coi trọng phẩm đức và các giá trị truyền thống tốt đẹp. Tiếng thơm của ông được hậu thế lưu truyền muôn thuở.
Đường Uyên