Chương thứ 67 trong ‘Đạo đức kinh’, Lão Tử từng viết như thế này: “Ta thường có tam bảo, cần duy trì và bảo vệ: Một là tấm lòng từ bi, hai là tính tiết kiệm, ba là không dám đứng đầu thiên hạ”. Lão Tử đã chỉ ra cho chúng ta biết về 3 nguyên tắc sống, đó chính là cần nhân từ với người, biết sống tiết kiệm và không tranh hơn thua. Do vậy mới nói, từ bi, tiết kiệm, khiêm tốn không chỉ là nguyên tắc làm người tốt mà còn là thái độ tốt nhất trong đối nhân xử thế ở đời.
1. Từ bi
Trong quyển 27 của cuốn ‘Trí tuệ độ luận’ có viết: “Đại từ mang đến niềm vui cho chúng sinh, đại bi sẽ tiêu trừ hết thảy khổ hạnh cho chúng sinh”. Người sống trên đời, cho dù là đối với người hay với vật cũng cần phải có tấm lòng trắc ẩn. Chi khi luôn giữ được từ bi trong tâm, vận mệnh của mỗi người mới trở nên tốt hơn mỗi ngày, mới có thể đắc được nhiều phúc báo hơn, đường đời cũng nhờ vậy mà thuận buồm xuôi gió hơn.
Trong “Thế thuyết tân ngữ” có kể về một câu chuyện như sau: “Khi danh sĩ Cố Quang thời Tây Tấn còn ở Lạc Dương, đã từng đến dự tiệc ở một gia đình. Trong hội yến, ông nhìn thấy một người hầu lộ vẻ thèm ăn miếng thịt nướng trên tay mình, thế là ông liền mang miếng thịt đến tặng cho người này ăn.
Những vị khách khác đã cười nhạo ông rằng làm vậy mất hết thân phận, thế nhưng Cố Quang lại nghiêm mặt nói: “Tại sao có người cả ngày làm thịt quay mà lại không được biết mùi vị của nó?”
Sau này chiến loạn nổi lên tứ phương, Cố Quang phải lưu vong về phương nam. Mỗi khi lâm vào tình huống nguy cấp, ông lại nhận được sự trợ giúp, vì vậy đã vô cùng cảm kích hỏi nguyên nhân, lúc này ông mới biết người giúp mình chính là người hầu đã được ông tặng miếng thịt nướng năm đó.
Những cuộc gặp gỡ trong đời là một vòng luân hồi, và lòng trắc ẩn mà bạn vô tình lưu lại, đến cuối cùng lại nhận về thiện quả hồi báo ở tương lai.
Có người nhờ tấm lòng thiện lương của mình mà đắc được cuộc đời mới, cũng có người vì thiếu lương tâm mà suýt nữa vong quốc. Trong thời gian bị lưu đày, Tấn Văn công Trùng Nhĩ từng đến nước Tào. Lúc đó quốc vương Tào Cộng Công nghĩ rằng Trùng Nhĩ là công tử nghèo hèn, không muốn tiếp đãi, sau khi được các đại thần khuyên can, ông mới miễn cưỡng cho Trùng Nhĩ và đoàn người đi theo vào sống ở nước Tào. Thế nhưng chẳng những ông không tiếp đãi rượu và đồ ăn mà còn nhìn lén Trùng Nhĩ tắm.
Về sau, Trùng Nhĩ trở thành bá chủ, những nước trợ giúp ông trong thời gian lưu vong đều nhận được sự đối xử tử tế. Còn nước Tào bị tấn công quy mô, cuối cùng Tào Cộng Công đã bị người nước Tấn bắt sống.
Cổ nhân có câu: “Dựa vào tấm lòng thiện lương, phúc dù chưa tới nhưng họa đã rời xa. Chỉ cần có một chút ác tâm, họa dù chưa tới nhưng phúc đã mất rồi”.
2. Tiết kiệm
Lưu Văn Định Công triều đại nhà Thanh từng nói: “Tích lương thực, tích quần áo không phải là tích lũy tài duyên hay phúc đức”. Tích phúc ở đây có nghĩa là tiết kiệm. Nhìn các bậc hiền nhân đời trước, họ đều là người tu phúc dựa vào tiết kiệm.
Quý Văn Tử là một quý tộc của nước Lỗ thời Xuân Thu, trong nhà có 3 đời làm tướng, gia thế tôn quý nhưng vẫn dựa vào tiết kiệm để làm nền tảng sinh tồn của mình, đồng thời ông cũng yêu cầu người nhà không được xa xỉ lãng phí.
Ngoại trừ triều phục, quần áo ông mặc thường ngày đều là may từ vải thô. Mỗi lần ra khỏi nhà, ông đều ngồi trên xe ngựa vô cùng đơn giản, cơm canh trong nhà cũng không khác gì những gia đình bình thường.
Thấy ông tiết kiệm như vậy, có người khuyên nhủ: “Ngài thân là Thượng khanh, đức cao vọng trọng, mỗi lời ăn tiếng nói đều đại diện cho nước Lỗ. Thế nhưng ông cũng không cho vợ con được mặc y phục tơ lụa, bản thân cũng không chú trọng dung mạo phục sức, ngồi xe ngựa sơ sài như vậy, ngài không sợ người khác chê cười sao? Nếu như ngài để cho bản thân ăn mặc tươm tất hơn một chút, đối với bản thân và đất nước đều tốt, vì sao lại không làm?”
Sau khi nghe điều này, Quý Văn Tử cười nhẹ một chút rồi nghiêm túc nói: “Ta cũng muốn ăn mặc thứ đồ đắt hơn một chút, ngồi xe kiệu đẹp hơn một tí, nhưng mà người dân ở nước chúng ta, có nhiều người ăn còn chưa no, trên người mặc quần áo rách nát. Nghĩ tới họ, ta sao có thể nhẫn tâm chỉ biết hưởng thụ cho riêng mình?”
“Kinh dịch” có câu: “Quân tử dựa vào đức hạnh tiết kiệm để vượt qua khó khăn”. Quý Văn Tử dựa vào mỹ đức tiết kiệm mà được mọi người kính trọng, làm quan hơn 30 năm, mở ra một thời kỳ thực thành lối sống đơn giản, đưa gia tộc mình trở thành gia tộc đứng đầu ở nước Lỗ, cũng thúc đẩy sự cải cách phát triển đất nước.
Gia Cát Lượng trong “Quân lệnh” có viết: “Trên đường đời của người quân tử, lấy tu thân và tiết kiệm để dưỡng đức”.
Người hiền đức, cho dù là sống ở thời thái bình thịnh trị, vẫn luôn lo nghĩ đến những lúc khó khăn. Bởi vì họ biết rõ, thường ngày tiết kiệm thì khi lâm vào hoàn cảnh khốn cùng mới có thể vượt qua. Khi giàu sang mà tiêu hoang phung phí thì lúc suy bại sẽ lâm vào cảnh cơ hàn chết đói.
Xa hoa, lãng phí, nhỏ thì cũng đủ để phá hủy một gia đình hạnh phúc, lớn cũng đủ khiến một quốc gia hưng thịnh phải diệt vong. Phàm là người đại trí tuệ, họ đều coi tiết kiệm là nguyên tắc làm người, nâng cao sự tu dưỡng của bản thân.
3. Không tranh cao thấp với thiên hạ
Lão Tử từng nói: “Thượng thiện nhược thủy, thủy thiện lợi vạn vật, hựu bất tranh, xử chúng nhân chi sở ác, cố kỷ vu đạo”. Nghĩa là: Nước là tốt nhất, nước đem lại lợi ích cho muôn vật mà lại không tranh giành.
Nước âm thầm nuôi dưỡng, không tranh hơn thua với vạn vật, chọn ở chốn thấp hèn mà mọi người chán ghét, lại gần với Đạo nhất.
“Không dám làm đệ nhất thiên hạ”, kỳ thực câu này muốn nhắn nhủ với người trong thiên hạ rằng, thái độ làm người nên giống với đặc tính của nước, dù là đang ở đâu cũng cần phải khiêm tốn.
Thạch Phấn vốn là một viên quan nhỏ phụng dưỡng bên cạnh Hán Cao Tổ. Bởi vì ông luôn có thái độ khiêm tốn cung kính cho nên mới nhận được sự tín nhiệm và coi trọng của Cao Tổ.
Khi các quan viên khác trở nên cuồng ngạo tự đại bị đế vương loại bỏ, Thạch Phấn nhờ vào tu dưỡng thái độ khiêm cung thận trọng mà được 3 đời hoàng đế yêu mến. Thời Hán Văn Đế, ông làm quan tới chức Thái Phó, Thái Trung đại phu. Đến thời Cảnh Đế kế vị, ông đứng vào hàng Cửu Khanh.
Sau khi Thạch Phấn cáo lão hồi hương, mỗi khi vào tiếp kiến hoàng đế, khi bước qua cửa cung vẫn luôn là xuống xe cúi đầu bước nhanh. Chỉ cần nhìn thấy kiệu của hoàng đế, dù có người ngồi bên trong hay không, ông đều cúi mình kính chào.
Thạch Phấn không chỉ tuân thủ nguyên tắc khiêm tốn trong suốt cuộc đời mình mà còn giáo dục con cháu thông qua lời nói và hành động mẫu mực. Người trong gia tộc nhờ vậy mà có tấm lòng hiếu thuận biết lắng nghe, 4 con trai đều là người khiêm tốn, cũng là những trọng thần ‘Nhị thiên thạch’ (*).
Ngay cả Hán Cảnh Đế cũng từng xúc động nói: “Thạch Phấn và bốn người con trai đều là quan viên lên tới Nhị thiên thạch, tất cả sự kính trọng và sủng ái của quần thần đều tập trung ở gia tộc này”.
Mặc dù gia tộc cực kỳ thịnh vượng nhưng người của Thạch gia lại vô cùng tuân thủ gia huấn khiêm cung, không tranh chấp với người, nhờ vậy mà vinh quang mới kéo dài được tới hậu thế.
Trong “Thượng thư” có câu: “Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích, thì nãi thiên đạo”. Ý tứ là kẻ tự cao tự đại sẽ chuốc lấy tai họa, người khiêm nhường cung kính sẽ được lợi ích, đây là đạo trời.
Vô luận là vương hầu tướng quân hay kẻ phàm phu tục tử, người thông minh thật sự đều sẽ biết khiêm tốn làm việc, đặt bản thân ở chỗ thấp hơn người để đối đãi. Bởi vì họ hiểu được, chỉ khi biết ẩn thân, không để lộ tài năng mới có thể sống được thuận buồm xuôi gió một đời bình an.
Lão Tử nói: “Giữ mà làm cho đầy mãi, không bằng dừng lại. Mài cho nhọn, cho sắc không giữ được lâu. Vàng ngọc đầy nhà, chẳng thể giữ được. Giàu sang mà kiêu căng, sẽ tự chiêu mời tai họa”.
Kiên trì theo đuổi sự đầy tràn không bằng dừng lại. Tài năng quá nổi trội nhất định sẽ khó mà tồn tại bền lâu. Vàng ngọc đầy nhà cũng chẳng thể giữ được. Nếu vì của cải mà kiêu ngạo, chắc chắn sẽ chiêu mời tai họa đến.
Hung ác tàn độc, phú quý kiêu xa, kể công tham vị, khó tránh khỏi chịu nhận tai họa. Gốc rễ của đối nhân xử thế chính là biết đối đãi từ bi, hiểu được tiết kiệm, thái độ làm người khiêm tốn, không tranh đấu cùng người. Làm được như vậy thì mời có thể thuận lợi bước đi, để lại phúc trạch cho hậu thế.
Theo Vision Times
San San biên dịch
(*): Đời Hán lấy lộc thạch 禄石 nhiều ít làm tiêu chí cho quan vị cao thấp, ví dụ như Cửu khanh 九卿 là trung 2000 thạch (trung nhị thiên thạch 中二千石) (1), Thứ sử Thái thú là 2000 thạch, Huyện lệnh là từ 1000 thạch đến 600 thạch.