Theo Chinanews, ông Li, 62 tuổi bị chẩn đoán mắc bệnh máu trắng cần phải ghép tuỷ để kéo dài sự sống. Kết quả kiểm tra cho thấy chỉ có tuỷ của cô con gái 14 tuổi tên Chen là phù hợp nhất, nhưng em còn quá nhỏ và không đủ điều kiện cân nặng để hiến tuỷ.
Để cứu cha, ngày nào Chen cũng cố gắng ăn thịt mỡ, đồ ăn mà em từng rất ghét, để tăng cân. Chen cũng rất sợ tiêm, ghét uống thuốc nhưng giờ mỗi ngày cô bé đều đến bệnh viện kiểm tra, làm xét nghiệm. Chen hy vọng cha mình sẽ không gặp biến chứng gì, có thể sống cùng em thật lâu.
Câu chuyện của Chen đã chạm đến trái tim nhiều người. Độc giả Phùng Quang Khoa tâm sự trên VNExpress: “14 tuổi, ôi thật là xúc động! Cầu cho em sẽ không bị sao và cha em sẽ sống thêm được lâu hơn!”. Còn độc giả Trịnh Đức Hiển Minh bình luận: “Đạo nghĩa làm con em đã làm tròn, em xứng đáng là tấm gương cho tất cả những ai hiện còn cha còn mẹ đang tuổi già sức yếu. Chúc em mạnh khỏe và hạnh phúc”.
Lòng hiếu thảo là một trong những đức tính tốt đẹp nhất của con người. Người xưa nói: Trong trăm cái Thiện, chữ Hiếu đứng đầu (“Bách thiện hiếu vi tiên”). Nếu như Trung Hoa có Vương Tường tìm cá trong băng tuyết, Tử Lộ cõng gạo nuôi cha mẹ, Chu Thọ Xương từ quan tìm mẹ…, thì Việt Nam từ xưa đến nay cũng có rất nhiều tấm gương hiếu thảo.
Tự Đức có lẽ là ông vua duy nhất bị mẹ đánh đòn trong lịch sử. Năm đó, vua đi săn, chẳng may gặp lụt bất ngờ, không kịp về lo liệu ngày kỵ của tiên hoàng Thiệu Trị. Nhà vua hiếu thuận vội vàng đội mưa đến quỳ tạ tội với mẹ là thái hậu Từ Dũ. Ông còn chủ động dâng roi mây, nằm xuống chịu đòn.
Cuốn sách “Đánh thức yêu thương – những tấm gương hiếu thảo ngày nay” của nhà sách Phương Nam kể lại 27 câu chuyện có thật trong đời thường về những người con chí hiếu. Trong đó có Phan Văn Tài 22 tuổi, quê ở thôn Việt Sơn, xã Bình Trị, Thăng Bình, Quảng Nam. Tài là con trai một trong nhà, mẹ bị bệnh mà nhà nghèo không có tiền chạy chữa. Em đã rao bán thận của mình để có tiền cứu mẹ.
Còn có cậu bé Lê Văn Chiến, 12 tuổi ở Thanh Chương, Nghệ An mò cua, bắt ốc nuôi bà nội. “Hàng ngày ngoài một buổi đi học, Chiến lại lội xuống ruộng hay ao hồ mò cua bắt ốc, hoặc đi cuốc rau má bán lấy tiền nuôi bà và nuôi dưỡng ước mơ được đi học”. Câu chuyện đã khiến nhiều người rơi nước mắt.
Kỳ thực, dầu chúng ta có hiếu thảo tới đâu, cũng không đền đáp nổi ân tình của cha mẹ. Xương thịt này là cha mẹ ban cho. Người mẹ trải qua 9 tháng mang thai lao nhọc, cơ thể thường nặng nề mệt mỏi, dinh dưỡng cho con là rút từ xương thịt của mẹ, có người mẹ sinh con xong thì loãng xương, suy nhược. Sinh con mẹ trải qua bao đau đớn, có khi nguy hiểm đến tính mệnh. Nuôi nấng con trẻ càng vô cùng vất vả, biết bao đêm thức trắng, lưng mỏi tay đau, tinh thần hao tổn. Dạy dỗ con nên người lại càng khó khăn, chỉ bảo con từng li từng tí, con dại cái mang. Cha mẹ tần tảo hi sinh, dành hết tất cả những gì mình có cho con tới tận khi sức tàn lực kiệt.
Điền Thế Quốc, người được chọn là một trong mười thanh niên xuất sắc của năm ở Trung Quốc vì hiến thận cứu mẹ, đã nói: “Người khác đều có cống hiến cho đất nước, còn tôi chỉ làm một việc mà người con nên làm. Tôi chỉ làm được một chút việc nhỏ, không thể so sánh được vạn phần ơn đức cha mẹ đã dành cho tôi. Tôi cảm thấy khi nhận danh hiệu “Thanh niên xuất sắc” có chút hổ thẹn”.
Việc làm hiếu thảo này của Điền Thế Quốc đã làm cho rất nhiều bạn bè thân thiết đều cảm động. Phàm những ai gặp anh đều nói, năm nay cho dù bận thế nào, cũng nhất định phải về nhà thăm cha, thăm mẹ. Thực ra, một việc làm hiếu thảo sẽ mang tới vận khí tốt cho toàn xã hội, sẽ làm thức tỉnh lòng hiếu thảo tri ân báo ân của nhiều người hơn nữa.
Quả đúng như bài thơ của học sĩ Quách Cư Kính đời nhà Nguyên:
“Hiếu hạnh xưa nay vẫn đứng đầu
Gương soi cảnh tỉnh mãi dài lâu
Sinh thành dưỡng dục công non thái
Nghĩa cử đáp đền tợ bể sâu
Đạo đức suy đồi gây bất ổn
Luân thường loạn tưởng tạo thương đau
Thành tâm hướng thiện cầu an lạc
Khổ nạn tiêu tan rõ nhiệm mầu”.
Thanh Ngọc