Nền văn hoá truyền thống phương Đông là một nền văn hoá Thần truyền. Xuyên suốt lịch sử mấy nghìn năm, những câu chuyện con người thế gian tu luyện đắc Đạo thành Thần không phải là hiếm…
Thời hiện đại, do ảnh hưởng của thuyết vô Thần, nhiều người đã coi chúng như là ‘thần thoại’ do người xưa hư cấu nên. Là thật hay là hư, nên tin hay không tin, xin tuỳ mỗi người định đoạt. Chỉ xin kể ra vài câu chuyện được ghi chép lại rõ ràng trong các thư tịch cổ kể về người sống trong thế tục vẫn có thể tu thành Thần Tiên, hy vọng cùng những người hữu duyên chiêm nghiệm.
Hiên Viên Hoàng Đế lê bước bằng đầu gối cầu Đạo
Theo Thần Tiên truyện do học giả Cát Hồng đời Tấn biên soạn, Hiên Viên Hoàng Đế sau khi chiến thắng Xi Vưu, thống nhất thiên hạ thì nghe nói ở núi Không Động có Tiên nhân Quảng Thành Tử, bèn tìm đến bái sư học Đạo. Ông cùng đoàn văn võ bá quan và cung nữ đến dưới chân núi Không Động. Hoàng Đế cho đốt cỏ thơm và lệnh cho các quần thần và cung nữ cùng múa hát.
Quảng Thành Tử hiện thân ra ở trên đám mây, nói với Hoàng Đế một câu đầy ẩn ý rằng: “Người trị vì thiên hạ kia, chưa nhìn thấy mây mà lại muốn mưa xuống, chưa đến mùa thu thì đã muốn lá vàng rơi, như vậy làm sao có thể bàn đến Đạo được?”. Nói xong, hất cái phất trần lên, Quảng Thành Tử ẩn vào trong đám mây biến mất.
Hoàng Đế trở về, suy nghĩ lại lời nói của Quảng Thành Tử. Ông chăm chỉ việc triều chính, lo nước lo dân, tuyển chọn hiền thần theo khả năng đặt vào đúng trách nhiệm, dùng cả văn trị và võ trị, làm nên một sự nghiệp vĩ đại. Ông giao cho các quan sáng tạo chữ viết, cách nuôi tằm, phát triển giao thông bằng xe ngựa và tàu bè, lại khuyến khích mở mang âm luật, y học, toán số và nghi lễ…
Khoảng sáu mươi năm trôi qua, Hoàng Đế lúc đó đã trăm tuổi, ông quyết định một mình lặng lẽ lên núi Không Động lần nữa để bái sư học Đạo. Lúc này Hoàng Đế đã học được cung cách khiêm tốn, trên đường đi gặp Tiên nhân Xích Tùng Tử. Xích Tùng Tử chỉ dẫn cho Hoàng Đế rằng: “Tiên và phàm là không có biên giới, chỉ phân biệt ở trong tâm, nếu không quản ngại lê bước trên đầu gối, thì lòng thành đó sẽ mở ra cả trăm cửa”.
Trên đường đi, Hoàng Đế không ngừng suy nghĩ về ý nghĩa của câu nói này. Đến khi đôi giầy của ông đã mòn quẹt rách rưới, và bàn chân đau đến độ không thể đi bộ nổi nữa, ông đột nhiên tỉnh ngộ, quyết tâm đi tới núi Không Động bằng đầu gối. Đá và cát sỏi giống như dao cắt, cứa đầu gối của ông đến chảy máu. Máu của ông nhuộm đỏ cả đá trên đường đi.
Quảng Thành Tử đã sớm biết sự việc Hoàng Đế lại đến cầu Đạo. Lòng thành và ý chí kiên trì của Hoàng Đế đã làm Tiên Ông cảm động. Lúc Hoàng Đế bò đến dưới chân núi Không Động, Quảng Thành Tử lập tức phái một con rồng vàng xuống chở ông lên núi.
Sau đó, Quảng Thành Tử đã truyền Đạo cho Hoàng Đế. Khi Hoàng Đế trở về nước, cứ y theo con đường mà Tiên ông Quảng Thành Tử dạy bảo, yên lặng tu dưỡng thân tâm. Vào năm Hoàng Đế được 120 tuổi thì ông cưỡi rồng bay lên trời, bạch nhật phi thăng.
Thanh tâm quả dục vừa lo việc quốc sự vẫn có thể thành Đạo
Theo Thái Bình Quảng Ký (1) do nhóm 20 danh sĩ thời Tống biên soạn, sau khi con trai Khoái Vương là Yên Chiêu Vương kế vị, ông cực kỳ yêu thích Đạo thuật tu luyện thành Tiên. Trong triều đình có một đại thần tên là Cam Nhu vốn là một Tiên nhân. Cam Nhu thường kể cho Yên Chiêu Vương về chuyện ông lên núi Côn Luân tu Đạo và nói với vua rằng chỉ cần trừ bỏ những tư dục trong tâm, không tiếp xúc nữ sắc và vui thú, thanh tâm quả dục thì có thể đắc Đạo.
Yên Chiêu Vương chiểu theo yêu cầu của Cam Nhu thực hành đã được rất lâu rồi. Một lần, Tiên nhân Cốc Tương Tử cưỡi tường vân đến cung điện của Yên Chiêu Vương và nói với vua rằng:
“Tây Vương Mẫu sắp giáng lâm, Bà muốn xem tình hình tu Đạo của vua, chỉ cho vua quyết khiếu tu luyện”.
Một năm sau, Tây Vương Mẫu quả nhiên giáng lâm, cùng Yên Chiêu Vương du ngoạn ở Toại Lâm, đồng thời nói cho vua biết phương pháp mà Viêm Đế khoan gỗ lấy lửa.
Hôm đó đến nửa đêm, nhựa cây quế được đốt lên dùng để chiếu sáng. Đúng lúc đó, đột nhiên có rất nhiều thiêu thân miệng ngậm đốm lửa tập trung ở trong cung của Yên Chiêu Vương, trong chốc lát những đốm lửa này biến thành những viên sa châu hình tròn. Yên Chiêu Vương liền xâu chúng lại thành chuỗi ngọc đeo. Khi Yên Chiêu Vương leo lên một cái đài cao gần với mặt trời nhất, vua được chim Thần ngậm một viên bảo châu đến cho. Viên bảo châu này có thể khiến người ta tránh được mặt trời thiêu đốt.
Sau này, Tây Vương Mẫu lại giáng lâm 3 lần xuống cung điện của Yên Chiêu Vương. Yên Chiêu Vương bận tấn công thành trì, chiếm đất đai, xử lý quốc sự, do đó đã không tuân theo lời chỉ bảo của Cam Nhu năm xưa là tĩnh tâm tu luyện. Thế là Tây Vương Mẫu từ đó không còn đến nữa.
Nhưng sau này Cam Nhu đã nói như thế này: “Món ăn trong tiệc rượu của Tây Vương Mẫu không phải là thứ có được ở thế gian, những ngọc tửu kim dịch đó đều là cần hàng vạn năm để ủ rượu, là để cho các Thần Tiên dùng. Yên Chiêu Vương đã được ăn những món ăn đó thì tự nhiên sẽ đắc Đạo, chỉ cần để tâm tu luyện cao khiết, tự nhiên sẽ được trường sinh”.
Sau này Cam Nhu cũng bay lên trời ra đi. Tiếp theo, 33 năm sau Yên Chiêu Vương không bệnh mà chết. Sau khi ông chết, thân thể xương cốt vô cùng mềm mại, trên thân tỏa ra mùi thơm ngào ngạt khắp hoàng cung. Sau khi Yêu Chiêu Vương chết, con trai ông là Huệ Vương làm quốc quân.
Các Thần Tiên cùng ở trên thế gian với vua Phục Hy
Cũng trong Thái Bình Quảng Ký có một câu chuyện khác: Hoàng An là người quận Đại, làm sai nha trong quận nha. Quan trên thấy ông hình dáng xấu xí nên để ông làm phu xe, cầm roi đánh ngựa. Nhưng ông thường giắt roi ngựa vào thắt lưng và khắc khổ đọc sách, đồng thời dùng ngón tay viết lên mặt đất để ghi nhớ. Một buổi tối, mảnh đất mà ông viết chữ đó bỗng nhiên biến thành một hồ nước. Đương thời, mọi người đều nói Hoàng An là một người chuyên cần đọc sách.
Khi Hoàng An 80 tuổi, mắt vẫn sắc sảo như thuở thanh niên. Ông thường xuyên ăn chu sa, toàn thân đều sáng, mùa đông ông cũng không cần mặc áo rét, ngồi trên lưng một con rùa lớn dài 3 thước, rộng 3 thước.
Có người hỏi ông rằng con rùa đã bao nhiêu tuổi. Hoàng An nói: “Thời viễn cổ vua Phục Hy sáng tạo ra lưới, bắt được con rùa này và tặng tôi. Giờ đây cái mai con rùa này đã bị tôi cưỡi lâu đến mức nó bằng phẳng rồi. Con vật này sợ ánh sáng của mặt trăng mặt trời, 2000 năm mới thò đầu ra một lần xem xét xung quanh. Từ khi tôi sinh ra tới nay thì con rùa này đã thò đầu ra 5 lần rồi”.
Hoàng An đi ra ngoài đều cõng con rùa này đi. Mọi người đều nói Hoàng An đã sống một vạn năm rồi.
Nguồn ảnh: Youtube
Kiến Thiện
Chú thích:
(1) Thái Bình Quảng Ký là bộ sách ghi chép những sự việc thực do nhóm danh sỹ 20 người đời Tống, đứng đầu là Lý Phưởng phụng mệnh Tống Thái Tông biên soạn. Bộ sách gồm 500 quyển, đề tài là những câu chuyện thực và câu chuyện trong kinh Đạo, kinh Phật. Bộ sách bắt đầu biên soạn năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 2 (năm 977), đến năm thứ 8 (983) thì hoàn thành. Do hoàn thành vào những năm Thái Bình Hưng Quốc đời Tống, được biên soạn đồng thời với bộ sách Thái Bình Ngự Lãm, nên được gọi là Thái Bình Quảng Ký.
Bạn đang đọc bài viết: “Có hay chăng chuyện con người thế gian tu thành Thần Tiên? “ tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |