Đại Kỷ Nguyên

Có một Khổng Minh Gia Cát Lượng nhuốm màu huyền thoại trong thơ ca (P.2): Lửa thiêu gò Bác Vọng

Khổng Minh Gia Cát Lượng là một nhà quân sự kiệt xuất thời Tam Quốc. Cả đời ông cúc cung tận tụy, dốc hết sức mình phò tá Lưu Bị khôi phục giang sơn nhà Hán. Cuộc đời và sự nghiệp của Gia Cát Lượng đã trở thành thiên cổ truyền kỳ, không chỉ ghi chép trong sử sách, mà còn được khắc họa qua thơ ca và các tác phẩm văn học.

Tiếp theo: Phần 1

Phần 2: Trận đầu lập kỳ công – gò Bác Vọng quân sư dùng binh

Trận ra mắt của Ngọa Long là trận chiến gò Bác Vọng: mưu kỳ kế lạ, lấy ít địch nhiều, tiêu diệt đại quân Tào do danh tướng lẫy lừng Hạ Hầu Đôn chỉ huy, khiến những kẻ kiêu hùng như Vân Trường và Trương Phi cũng phải quỳ gối kính phục. Người đời sau tóm tắt chiến công này qua bài thơ sau:

Bác Vọng dùng mưu đánh hoả công
Cười cười nói nói vẫn ung dung
Tào Man nghe tiếng hồn bay bổng
Rời khỏi lều tranh đệ nhất công!

Bác Vọng dùng mưu đánh hoả công, cười cười nói nói vẫn ung dung…

Khổng Minh lúc ấy tuổi còn trẻ, vậy mà lại được Lưu Bị tôn làm quân sư, điều binh khiển tướng, thế nên các tướng lĩnh như Trương Phi và Quan Vũ tỏ ra không phục. Khổng Minh yêu cầu Lưu Bị hãy ban cho kiếm ấn, rồi truyền lệnh:

– Vân Trường dẫn một nghìn quân ra mai phục ở núi Dự Sơn đón địch. Nếu quân địch kéo đến, cứ mặc cho chúng đi qua. Khi nào các xe lương thực tới, nếu thấy mé nam có hiệu lửa thì hãy thả quân ra đánh và đốt sạch lương thực của giặc.

– Dực Đức dẫn một nghìn quân ra sau rừng An Lâm, mai phục trong hang núi, đợi khi nào mé nam có hiệu lửa thì hãy kéo đến đốt kho lương ở thành Bác Vọng.

– Quan Bình và Lưu Phong dẫn năm trăm quân sắp sẵn củi đuốc, chực ở hai bên sườn gò Bác Vọng, chập tối địch kéo đến thì đốt lửa lên.

– Điều Triệu Vân ở Phàn Thành về và sai đi tiền bộ, không cần đánh thắng mà chỉ cốt lấy thua.

– Chúa công dẫn một toán quân tiếp ứng. Ai nấy đều phải theo kế mà làm, không được để lỡ.

Vân Trường và Trương Phi cùng cười ầm lên rồi nói:

– Chúng tôi đều đi đánh nhau cả, còn ông thì ngồi khểnh ở nhà thảnh thơi quá nhỉ?

Khổng Minh bình thản đáp:

– Có kiếm ấn ở đây, ai không tuân lệnh ta lập tức chém đầu.

Lưu Bị bèn khuyên Vân Trường và Trương Phi:

– Hai em phải biết “người có tài ngồi trong màn quyết thắng ở ngoài nghìn dặm”, hai em không được trái lệnh.

Trương Phi hậm hực nói:

– Hãy xem kế của hắn có hiệu nghiệm không đã, bấy giờ ta sẽ hỏi tội cũng chưa muộn.

Hai huynh đệ Vân, Trương bèn đem quân đi. Các tướng cũng chưa biết tài thao lược của Khổng Minh ra sao, nên mặt ngoài nghe lệnh nhưng trong lòng vẫn nghi hoặc, không được yên tâm.

Hai huynh đệ Vân, Trương đem quân đi nhưng trong lòng vẫn nghi hoặc. (Ảnh minh họa từ youtube)

Khổng Minh nói với Lưu Bị rằng:

– Chúa công hãy dẫn quân đến dưới núi Bác Vọng đóng đồn. Tối mai thế nào quân giặc cũng kéo đến, chúa công nên bỏ trại rút chạy, hễ thấy lửa cháy thì lập tức đem quân quay lại đánh. Tôi cùng My Chúc, My Phương dẫn năm trăm quân giữ huyện.

Khổng Minh lại sai Tôn Càn và Giản Ung sắp sẵn tiệc ăn mừng và sổ ghi công. Mọi việc sắp đặt đã xong, nhưng lúc bấy giờ ngay cả bản thân Lưu Bị vẫn còn ngờ vực.

Tào Man nghe tiếng hồn bay bổng, rời khỏi lều tranh đệ nhất công!

Lại nói phía quân Ngụy, tướng Hạ Hầu Đôn cùng Vu Cấm dẫn quân đến thành Bác Vọng, chia một nửa tinh binh làm tiền đội, còn bao nhiêu quân lính thì đi sau bảo vệ xe lương thực.

Đến gò Bác Vọng, thấy mé sau là cửa sông La Xuyên, tướng Hạ Hầu Đôn sai Vu Cấm và Lý Điển giữ vững góc trận, còn mình thì cưỡi ngựa ra tiền tuyến. Nhìn về phía xa xa thấy một toán quân mã kéo lại, Đôn cười ầm lên. Các tướng lấy làm lạ hỏi:

– Tướng quân cười gì thế?

Hạ Hầu Đôn nói:

– Ta cười Từ Nguyên Trực khoe với thừa tướng rằng Gia Cát Lượng là người giỏi. Nay xem cách dùng binh của hắn, đem thứ quân mã thế kia đối địch với ta, khác nào đem đàn dê đánh nhau với hổ báo? Ta đã nói trước mặt thừa tướng rằng sẽ bắt sống Lưu Bị và Gia Cát Lượng, nay nhất định ta làm được việc ấy.

Nói rồi Hạ Hầu Đôn tế ngựa xông lên. Triệu Vân ra ngựa, Đôn mắng rằng:

– Bọn mi theo Lưu Bị có khác gì cô hồn theo ma quỷ!

Triệu Vân cả giận tế ngựa lại đánh, được vài hiệp giả tảng thua chạy. Hạ Hầu Đôn đuổi theo, Triệu Vân chạy độ hơn mười dặm rồi quay ngựa lại đánh, nhưng chưa được vài hiệp lại giả bộ tháo chạy. Hàn Hạo thấy vậy, bèn tế ngựa lên trước can ngăn:

– Triệu Vân dử địch, e là có mai phục.

Hạ Hầu Đôn nói:

– Quân giặc như thế, dẫu có mai phục cả mười mặt ta cũng chẳng sợ!

Rồi Đôn nhất định không nghe lời Hàn Hạo, đuổi thẳng đến gò Bác Vọng. Bỗng có tiếng pháo nổ, Lưu Bị bèn dẫn quân xông tới tiếp ứng. Hạ Hầu Đôn cười, bảo Hàn Hạo rằng:

– Quân mai phục đó! Ta không đến được Tân Dã chiều nay, thì nhất định không nghỉ quân.

Nói xong, Hạ Hầu Đôn lại thúc quân tiến lên, Lưu Bị và Triệu Vân rút chạy. Bấy giờ trời đã tối, mây kéo dày đặc, lại không có ánh trăng, gió càng thổi càng mạnh. Hạ Hầu Đôn cứ thúc quân đuổi miết. Vu Cấm và Lý Điển đi vào quãng đường hẹp nhỏ, thấy hai bên lau sậy um tùm. Hai người sợ có mai phục, nghĩ rằng nếu bị đánh hỏa công thì ắt sẽ thua nên bàn nhau cùng dừng lại.

Hạ Hầu Đôn đương chạy, thấy Vu Cấm rượt tới liền hỏi duyên cớ làm sao. Vu Cấm nói:

– Phía nam này đường sá chật hẹp, sông núi san sát, cây cối rậm rạp, phải đề phòng hỏa công mới được.

Đôn sực tỉnh, lập tức truyền lệnh cho quân mã không được tiến công nữa. Nói chưa dứt lời thì đã nghe thấy sau lưng có tiếng reo hò ầm ĩ, lửa cháy đùng đùng, hai bên lau sậy cũng bốc cháy. Chỉ trong chớp mắt, ba bề bốn bên biến thành biển lửa, lại gặp gió to lửa bốc càng mạnh, quân Tào giẫm đạp lên nhau chết không biết bao nhiêu mà kể.

Hạ Hầu Đôn kinh hoàng nhìn lửa đốt quân mình. (Ảnh từ youtube)

Khó khăn lắm Hạ Hầu Đôn mới xông pha ra khỏi được biển lửa mà chạy thục mạng.

Lúc ấy, Lý Điển thấy tình thế không lợi, bèn vội vội vàng vàng quay về thành Bác Vọng thì bất ngờ gặp ngay cánh quân chặn đường của Vân Trường. Lý Điển xông ngựa đánh bừa, cướp đường tháo chạy. Còn Vu Cấm nhìn thấy xe lương cháy sạch nên cũng đành liền men theo đường nhỏ mà chạy trốn.

Hạ Hầu Lan và Hàn Hạo xúm lại cứu xe lương thì chạm trán Trương Phi. Chưa được vài hiệp, Hạ Hầu Lan bị Trương Phi cho một xà mâu nên lăn nhào xuống ngựa, còn Hàn Hạo thì cố sống cố chết cướp đường chạy thoát. Hai bên đánh nhau suốt một đêm, quân Tào bị bại trận, xác chất đầy đồng, máu chảy thành sông.

Quân Thục đại thắng, cả Quan Vân Trường và Trương Phi cùng nhìn nhau nói:

– Khổng Minh quả là bậc anh tài!

Hai anh em đi chưa được vài dặm thì gặp My Chúc và My Phương dẫn quân theo hầu một cỗ xe nhỏ. Đó chính là cỗ xe của Khổng Minh. Quan, Trương thấy vậy liền xuống ngựa sụp lạy. Một lúc sau Lưu Bị, Triệu Vân, Lưu Phong và Quan Bình đều đến, thu thập quân sĩ, đem lương thảo bắt được chia cho tướng sĩ, rồi kéo quân về Tân Dã.

Trăm họ ra đón rước chật hai bên đường mà vái lạy và nói rằng:

– Chúng tôi được an toàn, cũng là nhờ sứ quân dùng được người hiền vậy.

***

Câu nói của Lưu Bị: “Người có tài ngồi trong màn quyết thắng ở ngoài nghìn dặm” là ý nhắc nhở Quan Vũ và Trương Phi rằng, chớ thấy Khổng Minh trẻ người, thảnh thơi ngồi trong trướng mà không phải đích thân xung phong hãm trận; bởi vì với tài thao lược của ông, chỉ cần bày mưu tính kế là đã quyết định được thắng bại ngoài vạn dặm rồi.

Câu nói của Lưu Bị quả không sai. (Ảnh từ youtube)

Thực tế, câu nói ấy nguyên là của Hán Cao Tổ Lưu Bang: “Vận trù duy ác chi trung, quyết thắng thiên lý chi ngoại”. Lúc ấy sát cánh bên Lưu Bang là Trương Lương, Hàn Tín và Tiêu Hà – được coi là “Hán sơ tam kiệt”, cũng tức là ba anh hùng hào kiệt giúp Lưu Bang dựng nên nghiệp đế. Lưu Bang từng nói: “Phàm việc mưu tính trong màn trướng mà quyết định được chiến thắng ở ngoài nghìn dặm thì ta không bằng Tử Phòng. Trị nước nhà, vỗ yên trăm họ, vận tải lương thực không bao giờ đứt thì ta không bằng Tiêu Hà. Nắm trong tay trăm vạn quân đã đánh là nhất định thắng, tiến công là nhất định lấy thì ta không bằng Hàn Tín. Ba người này đều là những kẻ hào kiệt, ta biết dùng họ cho nên lấy được thiên hạ”.

Tiêu Hà vốn xuất thân văn lại, không chút công lao nơi chiến trường, nhưng vẫn được xếp trên các võ tướng mặc giáp cầm binh, vào sinh ra tử. Ấy là bởi: Tiêu Hà là công lao vạn thế, mà các võ tướng chỉ là công lao một ngày. Cũng là nói, bậc quân sư có tài thao lược, biết nhìn xa trông rộng sẽ quyết định thành hay bại của cả một cuộc chiến.

Vậy nên khi nhắc lại câu nói của Lưu Bang: “Người có tài ngồi trong màn quyết thắng ở ngoài nghìn dặm”, Lưu Bị đã khẳng định tài năng và vị trí ‘không ai có thể thay thế’ của Khổng Minh Gia Cát Lượng.

Tài năng của Gia Cát Lượng ngay trong trận đầu ra quân đã khiến quân Ngụy phải khiếp sợ, còn quân Thục thì dập đầu kính phục. Từ đó hình ảnh vị quân sư đầu đội khăn lượt, mình mặc áo cánh hạc, tay cầm chiếc quạt lông đã trở thành huyền thoại. Nói riêng về chiếc quạt lông ngỗng, đây là vật bất ly thân mà Gia Cát Lượng luôn mang theo bên mình, trên đó có đề bài thơ sau:

Phi cầm linh khí,
Từ tống thanh phong.
Thủ ác càn khôn,
Mưu trù thiên lý.

Dịch thơ:

Linh khí loài phi cầm,
Nhẹ đưa làn gió mát.
Tay nắm cả càn khôn,
Mưu thắng ngoài ngàn dặm.

Gia Cát Lượng vốn là người tu hành có đạo hạnh cao thâm, có khả năng đoán trước tương lai, biết được mệnh Trời, có thể hô mưa gọi gió, tài năng vượt xa Tiêu Hà, Trương Lương năm xưa. Thế nên mới có chuyện ông chỉ cần ngồi trong trướng hoạch mưu tính kế mà đã nắm chắc chiến thắng trước quân đội hùng mạnh của Tào Tháo. Ấy chính là: “Tay nắm cả càn khôn, mưu thắng ngoài ngàn dặm”.

(Còn tiếp)

Nam Phương

Exit mobile version