Đại Kỷ Nguyên

Có một Tào Tháo hoàn toàn khác trong lịch sử: Nhẫn nại, bao dung, nhiều lần đổ lệ vì người

Có một Tào Tháo hoàn toàn khác trong lịch sử: Nhẫn nại, bao dung, nhiều lần đổ lệ vì người

Ảnh chụp phim "Tân Tam Quốc" 2010.

Người đời đều cho rằng Tào Tháo bất nhân, đa nghi, gian hùng. Nhưng trong lịch sử, con người này quả thực không tầm thường. Những dữ liệu lịch sử cho thấy quả là Tào Tháo không như người ta nghĩ. 

Những quan niệm về Tào Tháo phần lớn chịu ảnh hưởng từ góc nhìn trong tác phẩm “Tam Quốc diễn nghĩa” (La Quán Trung). Ở đó, Tào Tháo được xây dựng như một đại gian hùng, đầy mưu mô, quỷ quyệt, có tài nhưng cũng rất độc ác.

Nhưng tìm trong các sách chính sử như “Nguỵ thư” hay “Tam Quốc chí” (Trần Thọ), người ta thấy một hình ảnh hoàn toàn khác của Tào Tháo. “Tam Quốc chí” miêu tả ông là người “cơ trí nhạy bén, ứng biến“. Còn “Dị Đồng tạp ngữ” nói Tào Tháo “tài võ hơn người, khó có thể hại, tinh thông sử sách, lại giỏi về binh pháp“.

Thời Tam Quốc (220-280) là một kỷ nguyên hỗn độn trong lịch sử Trung Quốc. Những anh hùng của thời đại đầy màu sắc này đã cùng nhau diễn một chữ “Nghĩa”, đặt định nên nền tảng đạo đức về sự trung thành và liêm chính trong văn hoá Á Đông. 

Cùng với Lưu Bị, Gia Cát Lượng, Tôn Quyền, Chu Du…, Tào Tháo ở nước Nguỵ được biết đến là một trong những anh hùng nổi bật nhất. Tương truyền, trong một lần ngồi uống rượu ngắm mưa với Lưu Bị, Tào Tháo lấy tay trỏ vào Lưu Bị và vào mình mà nói: “Anh hùng trong thiên hạ thời này chỉ có sứ quân và Tháo này mà thôi“.

Trong chính sử, Tào Tháo được ghi nhận là một chính trị gia lỗi lạc với tầm nhìn và kỹ năng lãnh đạo hơn người. Ông còn có tài năng thi phú cũng như mưu lược quân sự. Khác với những quan niệm cố hữu, thiên kiến, Tào Tháo trong sử sách thường được mô tả là một bậc đại trượng phu đầy đủ bao dung và nhẫn nại. 

Vào năm 198, sau khi Trương Mạc phản bội Tào Tháo, mẹ, em trai, vợ con của Tốt Trạm, một bộ tướng của Tào Tháo đều bị giam giữ. Tào Tháo nói với Tốt Trạm rằng: “Lệnh đường ở chỗ Trương Mạc, ông nên về đó thì hơn“. 

Tốt Trạm lập tức khấu đầu, thề không có bụng dạ nào khác, điều đó khiến Tháo cảm động rơi nước mắt. Tuy nhiên, Tốt Trạm sau đó lại không giữ lời hứa của mình mà bỏ Tào Tháo chạy theo Trương Mạc, không một lời từ biệt. 

Khi Lã Bố bị Tào Tháo đánh bại, Tốt Trạm bị Tào Tháo bắt sống, ai cũng nghĩ rằng phen này Tốt Trạm chết chắc. Không ngờ Tào Tháo chỉ nói một câu: “Tận hiếu thì khó có thể tận trung! Đây là người mà ta cần” và phong chức cho Tốt Trạm. 

Tào Tháo cũng chưa bao giờ xem Lưu Bị là kẻ thù của mình. Trái lại, ông luôn xem người đối địch với mình là một vị anh hùng. Những quân sư của ông như Tuân Úc, Quách Gia nhiều lần giục ông giết Lưu Bị nhưng ông đáp lại họ rằng: “Đây là thời chúng ta cần trọng nhân tài. Ta không thể giết một người để rồi đánh mất lòng tin của muôn dân trăm họ“. 

Đến năm 200, trong cuộc chiến với Lưu Bị, Tào Tháo giành chiến thắng. Em kết nghĩa của Lưu Bị là Quan Vũ buộc phải đầu hàng. Tào Tháo đã đối đãi vô cùng trọng hậu với Quan Vũ, tặng ngựa Xích Thố, phong tước hầu cho ông, cứ ba ngày mở một tiệc nhỏ, năm ngày mở một tiệc lớn thết đãi Quan Vũ. 

Tuy nhiên, sau khi biết được nơi ở của Lưu Bị, Quan Vũ đã rời bỏ Tào Tháo với lá thư từ quan, lập tức lên đường. Các mưu sĩ dưới trướng Tào Tháo lại giục ông đuổi theo bắt Quan Vũ. Tào Tháo lại nói: “Ai cũng phải có chủ để thờ. Hãy để hắn ra đi!”. 

Sau này, khi Quan Vũ bị Đông Ngô đánh bại, bị xử trảm. Đông Ngô mang đầu của Quan Vũ đến tặng Tào Tháo như một món quà chiến thắng. Tào Tháo nhìn thấy thì đau xót vô cùng, sai tạc một thân hình người như thật để Quan Vũ được chôn cất toàn thây. Đó là ân nghĩa cuối cùng tỏ lòng kính trọng một bậc anh hùng. 

Trần Cung ban đầu đi theo Tào Tháo, sau lại chạy theo Lã Bố. Năm Kiến An thứ ba, Tào Tháo bao vây thành Hạ Phì của Lã Bố, quân Lã Bố tinh thần uể oải. Cả Lã Bố và Trần Cung bị bộ tướng trói lại và dâng cho Tào Tháo.

Sau khi gặp Tào Tháo, Trần Cung không chịu đầu hàng và muốn tìm tới cái chết. Tào Tháo hỏi rằng nếu Trần cung chết thì mẹ già sẽ ra sao. Trần cung trả lời: “Tôi nghe nói người dùng đức hiếu mà trị thiên hạ thì không sát hại cha mẹ người khác. Mẹ của tôi thế nào, đành nhờ vào Tào công coi sóc vậy”.

Sau đó, Tào Tháo vừa khóc vừa tiễn Trần Cung ra pháp trường. Trần Cung chết, Tào Tháo đã đón người nhà Trần Cung tới phủ mình và đối đãi vô cùng trọng hậu.

Tào Tháo thường được miêu tả với vẻ ngoài lạnh lùng nhưng trên thực tế ông là con người có trái tim đôn hậu, rộng lượng, vị tha, bao dung.

Trong bữa tiệc rượu nổi tiếng với Lưu Bị, Tào Tháo ví anh hùng như loài rồng: “Lúc thì to, lúc thì nhỏ, lúc thì bay, lúc thì nấp. Lúc to thì nổi mây phun mù; lúc nhỏ thì thu mình ẩn bóng; khi bay ra thì liệng trong trời đất; khi ẩn thì lẩn núp ở dưới sóng“.

Vậy chẳng phải Tào Tháo cũng chính là một anh hùng như thế hay sao?

Video: Cuộc đời là thiện ác, chính tà lẫn lộn nhưng vẫn phân biệt rõ được bằng cách này

Exit mobile version